Người đã hiến Mình vì tôi

(Ga 6,51-58)

Tổng thống Mỹ Apraham Lincoln, vị anh hùng trong cuộc chiến tranh giải phóng nô lệ, bãi bỏ chế độ chủ nô và duy trì sự thống nhất của Hoa Kỳ. Ông bị ám sát vào tháng 4/1865. Thi hài ông được đưa về thủ đô Hoa Kỳ và tiểu bang Illinois. Dân chúng đón tiếp trọng thể trong vài tiếng đồng hồ. Trong đoàn người diễu hành đi theo linh cửu, có một phụ nữ da đen bồng đứa con trên tay. Khi đến gần thi hài vị tổng thống quá cố, bà mẹ liền nhấc cậu bé trên tay và nói với con cách trìu mến: “Con ơi! Hãy nhìn kỹ, nhìn kỹ đi, người này đã chết cho con đó”!

Than ôi, một anh hùng đã ngã gục; một con người mẫu mực đã nằm xuống; một nhân cách cao thượng đã vụt tắt như ngọn đèn trước gió chỉ vì một viên đạn vô hồn xuyên qua gáy. Thật là đau thương! Tuy nhiên, sự ra đi cuối cùng của vị tổng thống này đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người dân, đặc biệt những người dân nô lệ. Vị tổng thống đã nằm xuống nhưng con dân vẫn mãi tưởng nhớ đến người.

Thưa anh chị em,

Ngày lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay nhắc chúng ta nhớ về một Đấng đã hiến mình vì ta, Đấng ấy còn cao trọng hơn cả Apraham Lincoln; đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống giữa kiếp nhân như một người trần thế, Người lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Người đã chết nhưng đã sống lại vinh quang và mở ra cánh cửa hy vọng cho chúng ta. Trước khi về trời, Người đã lập nên Bí tích Thánh Thể để ban chính Thịt và Máu Người làm thần lương nuôi sống chúng ta. Chúng ta hãy dừng lại để suy về Bí Tích Thánh Thể như là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống người Kitô hữu.   

Thứ nhất, Bí Tích Thánh Thể là cuộc tưởng niệm tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa; chúng ta tưởng niệm tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, tình yêu đã vực dậy chúng ta từ ‘đống bùn nhơ của tội lỗi’, cho chúng ta được khoác tấm áo mới đó là hồng ân cứu độ. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không còn là một ý niệm cao xa để con người mãi ngưỡng vọng nhưng là một Ngôi vị, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, đã đồng cam cộng khổ với ta. Người tới gần đến nỗi con người đã bắt và đóng đinh Người vào thập giá nhưng cũng vì thế mà Người đã nên Đấng cứu chuộc chúng ta. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Thiên Chúa đã đứng ngang hàng với những người tội lỗi để liên kết với họ; muốn hạ mình xuống để đồng vị trí với họ; Người muốn đón nhận gánh nặng tội lỗi của cả nhân loại trên vai mình và mang tất cả xuống sông Gio-đan, mang vào cuộc sống của Ngài, để rồi hoàn tất nó bằng cái chết trên thập giá.[1] Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta tưởng nhớ Đấng đã hiến mình cứu chuộc chúng ta.

Thứ hai, Bí Tích Thánh Thể là bữa tiệc cứu độ. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta không ăn thịt chiên như dân Do Thái đã ăn trong lễ vượt qua ở thời Cựu Ước, nhưng chúng ta ăn chính Đức Kitô, là Thiên Chúa thật, được dọn ra cho chúng ta rước lấy. Và khi ta rước Mình và Máu Thánh là chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa và với cộng đoàn, được xoá bỏ mọi tội nhẹ và gia tăng ơn thánh hoá, được mạnh sức thêm mà chống trả các cơn cám dỗ cũng như sửa nết xấu, và được ơn bảo đảm hạnh phúc đời đời. Như vậy, dù còn ở dương thế nhưng nhờ được rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa, chính Chúa thần hóa chúng ta, biến đổi chúng ta.  

Để dễ hiểu, chúng ta lấy một ví dụ. Khi chúng ta ăn các thức ăn như thịt, cá, rau, củ, quả, chúng ta tiêu hoá nó; các dưỡng chất từ thực phẩm biến thành xương, thành thịt, tinh thần và tâm hồn chúng ta… chúng biến thành con người chúng ta. Trái lại, khi chúng ta rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chính Chúa biến đổi chúng ta, chính Chúa thần hoá chúng ta và làm cho chúng ta nên giống Người. Chính vì vậy mà Thánh Irênê đã nói: “Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành con Thiên Chúa”. Thật là diệu kỳ! Và đây là mầu nhiệm đức tin. Thánh Tôma Aquinô còn nói: “Không thể nhận biết bằng giác quan Mình Thật và Máu thật của Đức Kitô hiện diện trong Bí tích này nhưng chỉ bằng đức tin”. Vì thế, muốn hiểu và cảm được vị ngọt của bí tích này, chúng ta cần quỳ gối cầu xin Thiên Chúa ban đức tin cho chúng ta.

Thứ ba, Bí Tích Thánh Thể biến chúng ta thành chứng nhân loan báo Tin mừng cứu độ. Nhờ được kết hợp với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng có thể kết hợp hay trở nên ‘thánh thể’ cho tha nhân: vợ chồng trở nên “thánh thể” cho nhau bằng sự dâng hiến và tôn trọng lẫn nhau; cha mẹ trở nên “thánh thể” cho con cái bằng sự ấp yêu; anh chị em trở nên thánh thể cho nhau bằng sự nhường nhịn và nâng đỡ nhau theo nghĩa “chị ngã em nâng”; các ban ngành trở nên ‘thánh thể’ cho nhau khi biết cùng nhau hợp tác để xây dựng Giáo họ, giáo xứ; và những người sống đời dâng hiến trở nên “thánh thể” cho nhau nhờ biết bảo vệ nhau, hầu làm cho cộng đoàn của mình trở nên thánh thiện, để lan toả tình Chúa cho giáo dân. Nếu làm được như thế, chúng ta đang sống và tưởng nhớ, tri ân Đấng đã hiến mình vì chúng ta và chúng ta đang trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng cứu độ.

Kết luận: Tóm lại, khi mừng lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, chúng ta tưởng nhớ và tri ân Đấng đã chết treo thập giá để cứu độ chúng ta. Bí Tích Thánh Thể là sự kéo dài hy tế thập giá. Chính Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh được hiện tại hóa mỗi ngày trên hy lễ bàn thờ qua bàn tay linh mục. Với Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta có lương thực bảo đảm trên hành trình tiến về nhà Cha. Và đang khi lữ hành dưới thế, xin cho chúng ta cũng biết trở nên quà tặng, nên ‘hiến tế’, nên ‘thánh thể’ cho tha nhân bằng đời sống bác ái yêu thương của chúng ta, mong mai ngày, chúng ta được hiệp hoan với Chúa trên quê trời.

 

[1] X.ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giê-su Thành Nazaret, phần I (nd. Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 45-46.

 Lm. Jos Đồng Đăng

Chia sẻ Bài này:

Related posts