384 (396)
Chương này nhằm đưa ra những kinh nghiệm xưa nay thường đem lại nhiều kết quả cho phương pháp, việc làm của Legio. Nhưng đây chỉ là các gợi ý, còn lại bao nhiêu công tác đặc biệt khác theo nhu cầu riêng biệt tùy nơi, tùy thời. Đừng ngại giao cho Legio những công tác khó khăn đòi nhiều sáng kiến, vì Legio đã được rèn luyện đặc biệt để làm những việc như vậy. Công việc quá tầm thường gây ảnh hưởng bất lợi cho tinh thần của hội viên.
Theo nguyên tắc, Praesidium nào cũng phải có vài loại công tác đáng gọi là anh hùng. Dù là Praesidium mới thành lập vẫn tìm được hai hội viên đủ can đảm dám mạo hiểm ; hãy giao công tác này cho họ, và gương sáng của hai người tiền phong sẽ tự nhiên lôi cuốn các hội viên khác tiến lên cho kịp. Khi phần đông đã đến mức anh dũng thứ nhất, ta hãy nhờ hai người tiền phong kia tiếp tục công tác mạo hiểm khác. Người tiền phong tiến tới hoài, là mức anh dũng của toàn bộ sẽ lên mãi. Đừng theo tính tự nhiên, mà hạn chế việc thiêng liêng; vì ta càng đi sâu vào Chúa, là chân trời mới càng mở rộng, và khả năng càng tăng.
385 (397)
Thế nào ta cũng gây phản ứng. Nhiều người sẽ lo âu khi thấy Legio mạo hiểm vì Tôn giáo, họ bảo là “liều lĩnh”, “cuồng tín”. Nếu người đời coi thường lời của bọn hèn nhát, Legio không thể thua kém. Khi cần làm gì cho các linh hồn, khi cần phải nêu gương sáng để nâng cao đời sống tinh thần của cộng đoàn, thì can đảm đi trước, tính dè dặt phải lui lại. Hãy cân nhắc lời Đức Hồng Y Piô : “Dè dặt đi đến đâu, là đẩy lùi can đảm ra khỏi nơi đó. Rồi sẽ thấy vì dè dặt mà chúng ta sẽ bị tiêu diệt”. Đừng ai để Legio chết vì quá thận trọng.
1. VIỆC TÔNG ĐỒ TRONG GIÁO XỨ
386 (470)
Legio có nhiều cách có thể giúp phát triển tinh thần cộng đoàn chân thực như sau :
(1) Thăm gia đình (xem số 2 của chương này).
(2) Hướng dẫn các buổi á phụng vụ các Chúa Nhật và Lễ buộc ở các nơi không có linh mục dâng lễ.
(3) Hướng dẫn các lớp giáo lý.
(4) Thăm viếng và chăm sóc người khuyết tật, ốm đau, già cả, khi cần, dọn nhà, rước Cha đến.
(5) Tổ chức đọc kinh Mân côi các đêm canh thức tại tang gia và lễ an táng.
(6) Giúp thăng tiến các đoàn thể Công giáo và những hội đoàn giáo xứ đã có sẵn, kể cả các hội mang tính huynh đệ hay liên đới trong Giáo Hội, bằng cách tuyển thêm các hội viên mới và khích lệ hội viên cũ bền chí.
(7) Cộng tác với mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo do giáo xứ bảo trợ, và nhờ vậy, bằng nhiều cách, đưa các linh hồn vào hệ thống bảo vệ của Hội thánh, thế là đem lại bình an cho cá nhân lẫn cộng đoàn.
Trong Giáo xứ còn nhu cầu tuy quan trọng, nhưng chưa phải là công tác cho Legio trưởng thành như : dọn bàn thánh, quét nhà thờ, chưng dọn lễ, giữ trật tự, giúp lễ… Nếu cần lắm, ta có thể đứng ra điều khiển, tổ chức và Chúa sẽ ban phúc lành cho những ai làm việc này. Sau đó, hội viên Legio làm những việc khó khăn hơn, tiếp cận thẳng các linh hồn.
387 (471)
“Như Mẹ Đầy ơn phúc, tôi cũng muốn phục vụ Chúa. Tôi muốn cộng tác để tự cứu tôi và cứu anh em, dù phải vất vả và nhiều hy sinh, như lời Thánh Kinh nói về anh em Macabê, đã anh dũng và hăng say “không chỉ để giải thoát mình và nhất là để giải phóng anh em đồng bào càng nhiều càng hay”. (Gratry : Tháng Năm)
2. THĂM GIA ĐÌNH
388 (413)
Dù khi mới thành lập, Legio không tổ chức thăm viếng tại nhà, nhưng Legio vẫn có truyền thống ưu ái việc thăm gia đình, là mối quan tâm đặc biệt ở khắp nơi, là con đường đưa tới phúc lớn nhất, là một đặc tính của Legio.
Nhờ đến thăm, cá nhân tiếp cận với nhau, lại tạo quen biết rất nhiều người, và làm cho mọi người, mọi nhà thấy mối quan tâm của Hội Thánh.
“Mối quan tâm mục vụ của Hội Thánh không chỉ giới hạn cho các gia đình Kitô hữu kề cận nhất, mà còn mở rộng nhãn giới phù hợp với Thánh Tâm Đức Kitô, sống động hơn đối với các gia đình nói chung, và đối với các gia đình đang gặp khó khăn, hoặc trong hoàn cảnh bất thường nói riêng. Đối với tất cả các gia đình đó, Hội Thánh sẽ có lời nói của sự thật, sự tốt lành, sự thông hiểu, niềm hy vọng và mối thiện cảm sâu sắc với những khó khăn đôi khi bi đát. Đối với tất cả các gia đình đó, Hội Thánh sẽ cống hiến sự trợ giúp vô vị lợi, cho nên họ có thể đến gần một mẫu mực gia đình, mà Đấng Tạo hóa đã có ý định hình thành từ “thuở ban đầu”, mà Đức Kitô đã canh tân nhờ ân sủng cứu độ của Người” (FC 65).
Praesidium phải suy nghĩ về các phương pháp tiếp cận các gia đình. Chắc chắn, các hội viên phải tự giới thiệu mình, và giải thích tại sao họ đến. Sự thăm viếng và suy tôn Thánh Tâm trong các gia đình, bằng việc làm sổ gia đình họ đạo, và phổ biến văn hóa Công giáo, sẽ mô tả trong những trang sau đây, là một trong những phương pháp có thể thực hiện để tiếp cận các gia đình.
Không chỉ những người Công giáo đang sống đời Kitô hữu, mà tất cả mọi người không trừ ai, đều là đối tượng của việc tông đồ Legio, qua việc thăm viếng tại gia. Có thể thực hiện việc tiếp xúc với người không Công giáo sống xa lạ với Hội Thánh. Cũng phải quan tâm những người ở trong các hoàn cảnh hôn nhân bất hợp pháp như đã nói ở trên, quan tâm đến những người cần đến học vấn, lưu ý đến những người cô đơn và bệnh tật. Phải nhìn mỗi nguời dưới góc độ phục vụ cho họ. Legio đi thăm cách khiêm nhu, và đơn sơ. Người ta có thể ngộ nhận cuộc thăm viếng là dịp giảng đạo. Trái lại, hôïi viên lúc đầu chỉ mong lắng nghe, thay vì nói. Sau khi kiên nhẫn nghe cách lễ độ, họ sẽ được gia chủ mời nói.
“Không thể không lưu ý đến hoạt động Phúc Âm hóa gia đình trong việc tông đồ Phúc Âm hóa giáo dân. Vào những lúc khác nhau trong lịch sử Hội Thánh và cũng trong Công đồng Vaticanô II, gia đình rất xứng với danh hiệu tốt đẹp là : “Hội Thánh tại gia”. Điều này có nghĩa là các khía cạnh khác nhau của toàn thể Hội Thánh phải được lặp lại trong mỗi gia đình Kitô giáo. Ngoài ra, gia đình cũng như Hội Thánh, có nghĩa vụ làm một không gian truyền đạt Tin Mừng để Tin Mừng đó tỏa ra.
Trong một gia đình ý thức về sứ mạng này, tất cả mọi thành phần của gia đình đều được Phúc Âm hóa và rao giảng Phúc Âm. Chẳng những cha mẹ truyền thụ Tin Mừng cho con cái, mà còn có thể nhận lãnh cũng chính Tin Mừng này, đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Một gia đình như thế sẽ Phúc Âm hóa nhiều gia đình khác và môi trường chung quanh mình. Cả những gia đình xuất phát từ một hôn nhân dị giáo, cũng có bổn phận loan báo Đức Kitô cho con cái mình với tất cả những gì mà Bí tích Thánh Tẩy thường bao hàm. Các gia đình ấy còn có nhiệm vụ khó khăn là góp tay xây dựng sự hiệp nhất” (EN 71).
3. TÔN VƯƠNG THÁNH TÂM TRONG GIA ĐÌNH
389 (413bis)
Chúng ta thấy rằng truyền bá việc Tôn Vương Thánh Tâm tại gia là con đường mở ra cho các gia đình làm quen và thân thiết với nhau.
Ý tưởng và đường lối đặc biệt của cuộc tiếp xúc này sẽ được trình bày tỷ mỷ trong chương 39 : “Những điều cốt yếu trong hoạt động tông đồ của Legio”. Trong đó có nói đầy đủ về việc phải hết sức cố gắng đừng bỏ qua nhà nào. Trong mỗi gia đình, chúng ta phải dịu dàng nhẫn nại và cố gắng để đưa mọi phần tử trong gia đình, bất cứ trẻ già, tiến thêm ít nhất một nấc thang thánh thiện.
Hội viên nào được chỉ định làm việc này, có thể ứng dụng cho mình cả mười hai điều Thánh Tâm Chúa đã hứa. Đặc biệt điểm thứ mười : “Cha sẽ ban cho Linh mục ơn cảm hóa tâm hồn chai đá nhất”. Ý nghĩa này đặc biệt khích lệ hội viên tin tưởng lên đường để tấn công những trường hợp khó khăn mà người đời gọi là không hy vọng. Lời hứa này cũng ứng dụng cho ai đại diện Linh mục, lời hứa này đặc biệt khích lệ anh chị em ra đi tràn đầy hy vọng để tấn công các vụ gọi là “tuyệt vọng”.
Đến thăm gia đình để cổ động việc Tôn sùng Thánh Tâm là lối tự giới thiệu có hiệu lực hơn cả. Ngay từ đầu, việc thăm viếng đã đượm vẻ đạo đức đơn sơ giúp ta dễ làm quen, và trở lại nhiều lần cách dễ dàng, làm cho việc tông đồ được mở mang thuận lợi.
Đức Maria có sứ mạng mở rộng Vương quyền của Chúa Giêsu, Legio của Đức Mẹ mà đi truyền bá việc Tôn vương Thánh Tâm thực là hợp lý, và chắc chắn được sự bảo trợ đặc biệt của Chúa Thánh Thần.
“Yêu mến gia đình có nghĩa là quý chuộng các giá trị và khả năng của gia đình, luôn tìm cách thăng tiến các giá trị và khả năng ấy. Yêu mến gia đình có nghĩa là nhận biết những nguy hiểm và sự dữ đang đe dọa gia đình để có thể chiến thắng chúng. Yêu mến gia đình có nghĩa là làm thế nào bảo đảm cho nó một môi trường thuận tiện để phát triển. Gia đình Kitô hữu ngày nay thường bị cám dỗ nản lòng hay đang lo âu trước những khó khăn ngày một lớn. Lòng yêu mến ấy còn biểu lộ qua một hình thức trổi vượt nữa là đem lại cho gia đình Kitô hữu những lý do để tự tin vào mình, nhờ những sự mà gia đình từ bản chất hoặc do ân sủng, và trong sứ mạng Thiên Chúa đã ủy thác cho gia đình. Vâng, phải mời gọi các gia đình ngày nay vào vị trí nguyên thủy. Họ phải theo Chúa Kitô” (AAS 72 (1980) 791) – (FC 86)
4. KIỂM TRA GIA ĐÌNH TRONG GIÁO XỨ
390 (414)
Công việc này là cơ hội tốt nhất để liên lạc với các tín hữu cần quan tâm, hoặc họ đã phiêu bạt trụy lạc, cắt đứt mọi liên kết với Hội Thánh. Đại diện cho Cha Sở, chúng ta đi thăm từng nhà. Chủ nhà sẽ không ngạc nhiên trước câu hỏi về đạo, và sẽ vui vẻ trả lời. Các điều chúng ta hiểu biết sẽ làm cho Cha Sở và hội viên phải cố gắng.
391 (415)
Tuy nhiên khám phá chỉ là bước đầu và rất dễ. Đưa về đàn từng con chiên lạc, Legio nhìn nhận đây là lòng tín thác Thiên Chúa thương ban, nên mỗi người phải vui vẻ ra tay và theo đuổi với tinh thần bất khuất. Dù phải trường kỳ chiến đấu, dù vất vả khổ nhọc, dù bị xua đuổi tàn tệ, dù gặp các vụ chai đá, dù gặp việc có vẻ vô vọng, Legio đừng vì lý do gì theo sức riêng mình mà phản lại lòng tín thác của Chúa.
392 (416)
Hơn nữa, cần nhắc rằng phải đem tình thân thiện thăm hết mọi người không phải riêng có người thờ ơ nguội lạnh.
393 (417)
“Trong mặt trận mà Hội Thánh đang nỗ lực hoạt động tông đồ, chúng ta có nhiệm vụ chính thức, theo lối hành động của Chúa quan phòng, với một khí giới đặc biệt chỉ mình chúng ta có. Đó là, nhân danh Đức Maria, dưới sự yểm trợ của Người và nhất là trên tất cả, chúng ta cố gắng tận lực để làm cho các tâm hồn mà ta chăm sóc, đượm nhuần lòng yêu mến Đức Mẹ như một người con hiếu thảo” (Tiểu luận về Thánh Mẫu học).
5. THĂM BỆNH VIỆN, CẢ BỆNH VIỆN TÂM THẦN
394 (398)
Thăm bệnh viện của người nghèo là công tác đầu tiên Legio làm một thời gian trước các công tác khác. Từ sơ khai, Legio đã hưởng ơn phúc tràn đầy, nên Legio mong muốn các Praesidia tiếp tục làm công tác này. Đoạn văn sau đây viết từ thuở ban đầu, để mãi mãi nêu gương cho Legio sống đúng tinh thần :
“Vừa nghe gọi tên, chị này phúc trình. Đây là công tác thăm bệnh xá, chị nói ít nhưng thấy rõ chị đi rất sát với bệnh nhân. Vì công tác đi hai người, chị thứ hai tường trình tiếp, theo ý tôi, đi công tác hai người là ta noi gương các tông đồ, và nhờ cách này mà ta không thể hoãn đi công tác ngày này qua ngày khác.
395 (399)
“Tường trình tiếp theo. Phòng bệnh nào có điều gì khác lạ được các chị tường trình dài hơn, nhưng đa số các chị chỉ tường trình vắn tắt. Phần đông các tường trình đều linh động và cảm kích. Tất cả đều hay đẹp, và thấy rõ, tất cả hội viên đều nhìn Chúa Giêsu trong các bệnh nhân nghèo mà họ đến thăm. Vì thế các chị vui lòng làm tất cả mọi việc giúp đỡ người xấu số nhất trong xã hội, một cách vừa tự nhiên vừa đơn sơ, mà ngay người nhà ruột thịt cũng chưa giúp nhau đến thế. Ngoài việc ân cần, âu yếm chăm sóc lúc đi thăm, các chị còn làm nhiều việc mà bệnh nhân nhờ các chị làm, như viết thư, tìm người nhà hay người bạn đã bỏ rơi họ, hoặc giúp bao thứ việc khác. Các chị không bao giờ cho là việc nào quá phiền phức, hay việc nào nhỏ mọn để rồi bỏ qua”.
396 (400)
“Khi họp, có đọc bức thư của một bệnh nhân viết cho hội viên đã đi thăm họ, trong thư có câu : “Kể từ ngày chị bước chân vào cuộc đời của tôi”. Câu văn của loại tiểu thuyết rẻ tiền, làm cho ai nấy cũng bật cười. Nhưng khi tôi đến thăm một người lẻ loi nằm trên giường nhà thương thí, tôi mới thấy câu trên có ý nghĩa sâu xa và nghĩ lại lòng tôi cảm động bồi hồi. Tôi nghĩ, lời của một người thốt ra ở trên, có thể là câu nói của tất cả bệnh nhân. Tốt đẹp thay các đoàn thể biết quy tụ nhiều đoàn viên trong một căn phòng, và sau đó cử họ đi, như các Thiên Thần, đi vào cuộc đời của hàng vạn người bị bỏ rơi, xã hội không màng tưởng nhớ họ” (Lm. Michael Creedon)
397 (401)
Khi thăm bệnh nhân, Legio chỉ dẫn cho họ hiểu rõ ý nghĩa của đau khổ, để họ gánh chịu với một tinh thần xứng đáng :
Gian khổ mà ta cho là quá sức, đích thực là cái khuôn làm cho ta giống Chúa Kitô, và đây là ân huệ rất lớn như Thánh Têrêsa Avila nói : “Chúa không thể ban cho ta ân huệ nào lớn hơn ơn phước có cuộc sống như Đức Giêsu Kitô”. Bệnh nhân sẽ vui lòng nhận ý kiến trên đây. Khi họ vừa công nhận, gian khổ của họ giảm bớt phân nửa đắng cay.
Gian khổ mà bệnh nhân chịu, đã tạo cho họ một kho tàng ân phúc lớn lao ; ta lặp lại lời Thánh Phêrô Alcantara đã kêu lên, khi đứng trước một bệnh nhân đã lâu năm kiên nhẫn chịu đựng cơn bệnh rất đau đớn, Người nói : “Hỡi con, con là bệnh nhân có phúc. Chúa cho cha biết, nhờ bệnh tật mà con hưởng một phần thưởng lớn lao, lớn hơn những người đã lập công bằng cách cầu nguyện, ăn chay, thức đêm, đánh tội hay các thứ hãm mình khác”.
Cách lập công đã nhiều, cách sử dụng công đã lập lại nhiều hơn. Kêu gọi họ lập công cho chính họ, lời kêu gọi không hấp dẫn mấy. Hội viên Legio hãy chỉ dẫn cho họ biết nghĩ đến việc sử dụng đau khổ để làm việc tông đồ. Nói cho bệnh nhân biết và xin họ chú ý đến bao nhiêu nhu cầu thiêng liêng trên khắp thế giới ; xin họ dâng những kho tàng thiêng liêng do chính đau khổ của họ tạo nên để cung cấp cho vô số nhu cầu ; xin họ hãy tham gia chiến dịch rất hùng hậu qua lời cầu nguyện kèm theo sự đau khổ. Đức Giám Mục Bossuet đã từng kêu lên : “Những cánh tay đau khổ này mà giơ lên kêu đến Chúa sẽ đánh tan nhiều cánh quân địch hơn là những cánh tay giết giặc”.
Bệnh nhân sẽ càng thêm nhẫn nại chịu đựng, nếu ta cho họ biết những nhu cầu riêng, những việc làm đặc biệt và quan trọng của Legio, chúng ta cần kể rõ để xin họ cầu nguyện cho. Nhất là mời họ vào làm Tán trợ sẽ thêm thân mật giữa hội viên với bệnh nhân, và cung cấp cho Legio thêm một nguồn trợ lực mạnh mẽ của lời cầu nguyện và sự đau khổ của họ.
Hội viên Tán trợ phải là một mục tiêu cần quan tâm đầu tiên và kế đến là Bảo trợ. Lập ra các nhóm hội viên này để họ có thể chiêu mộ những người khác. Theo mọi cách khác nữa, các bệnh nhân cùng khích lệ để giúp đỡ lẫn nhau.
Nếu như tuyển mộ họ vào các cấp hội viên, thì tại sao lại không thể chọn họ vào hội viên hoạt động. Nhiều bệnh viện tâm thần có những Prỉsidia mà thành phần hội viên toàn là bệnh nhân. Thực hiện điều đó là đưa loại men mạnh mẽ vào hoạt động tông đồ. Các hội viên Legio nơi đây có thời giờ thoải mái hoạt động nơi những bệnh nhân khác và có thể đưa chính bản thân đến đỉnh cao của sự thánh thiện. Mức độ chữa trị về siêu nhiên của Legio tuy có thấp hơn cách chữa trị thực tế về y khoa, nhưng giới y khoa các nơi thừa nhận giá trị này.
Một viễn ảnh mới mở ra trước mắt bệnh nhân nghèo. Trước đây, họ buồn sầu vì thấy rằng họ còn sống, là sống đời vô ích, thêm gánh nặng cho người khác ; nay họ vui mừng hết sức vì biết cuộc sống này rất hữu ích đối với Chúa.
Tín điều các Thánh thông công : giữa hội viên và bệnh nhân có một sự thông công mật thiết, và sự trao đổi rất có lợi giữa ơn ích của hội viên và sự đau khổ của bệnh nhân. Bệnh nhân trả thay cho hội viên cái phần đau khổ mà phàm nhân ai cũng phải chịu; nếu ai cũng phải gánh chịu bệnh hoạn, thì địa cầu là thế giới bệnh hoạn ; vì vậy phải có người gánh bệnh hoạn nhiều hơn, để còn có người khác khỏe mà làm việc điều hòa cho trần gian.
Hội viên đổi lại cho bệnh nhân công nghiệp làm tông đồ, mà bệnh nhân không thể thực hiện, hoặc không đủ tư cách để làm việc tông đồ là phận sự chính của mỗi tín hữu.
Hội viên và bệnh nhân nhờ nhau, và cả hai đều có lợi. Đây không phải là cuộc trao đổi hai vật đồng giá như nhau. Vì theo nguyên tắc của Chúa Kitô, ai cho một sẽ hưởng lời gấp trăm. Vậy cả hai đều thu hoạch thập bội.
398 (402)
“Thánh Inhaxiô thành Antiôkia nói : “Tôi là hạt lúa của Chúa Kitô, cần trở nên bánh để dâng tiến Chúa ; cần có hàm răng sư tử để xay nghiền tôi ra”. Cây khổ giá tốt nhất, chắc nhất, cao cả nhất, chắc chắn là cây mà Chúa gởi đến không chiều ý ta lựa chọn. Hãy vững tin nơi giáo thuyết này, qua việc được luyện từ lò Nazarét, các thánh đã hiểu và quý trọng khổ giáù. Hãy thờ lạy, ngợi khen và cảm tạ Chúa giữa mọi nghịch cảnh và thử thách mà Chúa trực tiếp gởi tới. Sau khi trấn an tinh thần hãy thưa với Chúa rằng : “Xin vâng, hay tốt hơn nữa : hồn con ngợi khen Chúa” (Lm. Crawley-Boevey).
6. CHĂM SÓC NGƯỜI CÙNG KHỔ VÀ NGƯỜI BỊ BỎ RƠI
399 (403)
Phải đến tận những nơi như : lao xá, nhà dưỡng lão, nơi trọ, hàng quán, chỗ trú chân những trung tâm chính mà Legio đứng ra điều khiển.
Nơi nào vừa được một số hội viên tương đối có khả năng và có kinh nghiệm, hãy bắt đầu ngay công tác với hạng rốt cùng của xã hội, người em của Chúa Kitô. Công tác này hay bị bỏ qua và điều đó làm xấu hổ cho đạo Công giáo.
Không nơi cặn bã nào mà Legio lại không đi sâu vào để tìm chiên lạc của nhà Israel. Trở ngại đầu tiên là nỗi lo sợ vô lýù. Nhưng sợ có lý hay vô lý, vẫn phải cho vài người làm công tác này. Nếu hội viên Legio có khả năng, qua huấn luyện, lại được bảo vệ bằng lời cầu nguyện, bằng kỷ luật của cả một hệ thống, mà không làm nổi việc này, thì ai làm?
400 (404)
Nơi nào mà Hội viên Legio chưa đích thân bắt liên lạc, chưa biết rõ từng người của nhóm sa đọa, thì phải kể Legio ở đó còn non nớt, việc làm còn thiếu sót, còn phải cố gắng nhiều về mặt công tác này.
Trong việc đi tìm hạng người xấu số trong xã hội, hội viên Legio phải hăng say hơn hạng người đi tìm châu ngọc ở đời. Chúng ta tìm gặp họ là cơ hội duy nhất để cứu rỗi họ. Thường họ không chịu nghe ai khuyên giải, chỉ còn nhà tù, cơ hội duy nhất để họ hối cải.
401 (405)
Hơn nữa, khi làm công tác này, chúng ta phải có thái độ như người ngoài mặt trận, phải xông pha giữa bao điều bất lợi ; làn tên mũi đạn là những câu văng tục xấu xa ; súng tự động là những trận đòn có thể xẩy đến, trọng pháo là những lời nguyền rủa rót xuống đầu như mưa bom đạn. Ta nhục, ta khổ nhưng hãy can đảm đừng nản chí. Vì đây là thời cơ để thực hành những điều chúng ta cảm nghĩ, hoặc những lời tuyên bố thực hùng dũng của ta. Chúng ta nói về giặc, thì đây là những trận đánh gây thương vong. Ta mong đi tìm những tâm hồn sa đọa ; bây giờ ta giáp mặt với họ đó, còn gì nữa mà than vãn. Người xấu thì ăn ở tệ bạc, người sa đọa làm việc bỉ ổi, có gì đáng ngạc nhiên đâu.
Tóm lại, trước mọi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi đương đầu với mọi nguy hiểm, hội viên Legio phải nhớ luôn trong trí khôn : “Đang ở trong tình trạng chiến tranh”. Toàn dân đang bị địch vây đánh, tôi sẽ quyết liệt hy sinh. Hội viên Legio tự đặt mình trong tình trạng chiến tranh cho các linh hồn dù ai trốn chạy, nhất định cố thủ tại chiến tuyến của mình.
402 (406)
Nếu thật tình công nhận linh hồn quý báu và bất tử, thì chúng ta phải sẵn sàng trả giá. Nhưng giá nào ? Ai trả ? Xin thưa, họ là tín hữu được mời gọi đối phó với nguy cơ. Họ là ai? Nếu không phải là những người đang cố gắng xứng danh là chiến sĩ của Đức Maria ? Nếu phải trả giá rất đắt, tín hữu nào sẽ trả, nếu không phải là những người đã long trọng tình nguyện phục vụ Đức Maria trên đồi Calvê ? Nếu được gọi, chúng ta hãy sẵn sàng.
403 (407)
Chiều chuộng lính của mình không đúng lúc, cấp chỉ huy sẽ gặp sai lầm. Linh giám và các Ủy viên phải đòi hỏi hội viên của mình dũng cảm như những anh hùng giữa hí trường Colisée. Ngày nay, người ta hy sinh mà tính toán, nên danh từ Colisée không còn hấp dẫn nữa. Tuy nhiên, những anh hùng bị đưa ra giữa hí trường để tử đạo, cũng đã tính toán nhiều lắm ; họ cũng thuộc phái đẹp, không khỏe hơn, không yếu hơn các chị Legio ngày nay ; những vị anh hùng ấy đã tự hỏi : “Tôi phải mua linh hồn giá bao nhiêu ?” Colisée là tiếng tóm tắt trọn chương 4 bàn về “Sự vụ của Legio”, một chương không phải viết theo tình cảm mà thôi.
404 (408)
Giúp đỡ người sa đọa bị xã hội chê bỏ là việc khó khăn và lâu dài. Điểm chính là phải nhẫn nại hết sức. Đây ta nâng dậy hạng người đã quá nhiều lần sa ngã. Áp dụng kỷ luật với họ ngay từ đầu sẽ không gây tác dụng gì. Dùng lối nghiêm khắc, không bao lâu, ta mất hết các người cần phải điều trị, chỉ còn lại vài bệnh nhân ít cần chăm sóc. Ở đây, ta phải làm việc theo nguyên tắc đảo ngược giá trị, nghĩa là ta hết sức quí trọng hạng tệ nhất, dù người lạc quan cũng mất hy vọng, và ngay lúc đầu, hạng tệ nhất này với cái óc suy đồi, tấm lòng chai đá, đúng là hạng người đáng bỏ rơi. Nhưng, dù gặp thái độ cứng đầu, vong ân, việc chúng ta làm như thất bại, chúng ta phải quyết liệt bền chí xây dựng, cho dù họ có đê tiện, độc ác, dễ ghét, bị xã hội cho vô sổ đen và ruồng bỏ, đày họ biệt xứ. Lắm khi chúng ta phải hy sinh suốt đời để xây dựng họ.
405 (409)
Làm việc này với ý tưởng trên, đòi ta phải có những đức tính anh hùng với cái nhìn thuần túy siêu nhiên. Phần thưởng cho bao công lớn lao khó nhọc này là thấy kẻ mình chăm sóc được chết lành trong ơn nghĩa Chúa. Ta rất vui vì được cộng tác với Chúa là “Đấng, sau nhiều ngày nhẫn nại, đã gầy dựng nên từ bùn nhơ một dân tộc để ca ngợi Chúa” (Đức Hồng Y Newman : Giấc mộng Gerontius).
Chúng ta đã bàn về công tác này quá dài, vì đây là tất cả tinh thần Legio. Hơn nữa đây là chính việc ta làm để giúp Hội thánh. Đây là bằng chứng cụ thể cho nguyên tắc Công giáo : khi ta đến với người bé nhất trong xã hội, chúng ta không nghĩ đến giá trị xã hội của họ, hoặc chúng ta có thích họ hay không ; chúng ta chỉ cần nhìn thấy, và kính mến Chúa Kitô trong người ấy mà thôi.
406 (410)
Trong cơn thử thách, mới biết đâu là tình yêu đích thực. Bằng cớ rõ ràng nhất, là ta yêu con người mà tính tự nhiên bảo ta đừng yêu. Đây là đá thử vàng, để biết yêu người thực sự hay yêu người cách giả tạo. Đây là cột trụ của đức Tin, là dấu riêng của người Công giáo : Nếu không có lý tưởng Công giáo thì không có động lực nào yêu như thế. Nếu muốn tách tình yêu ấy ra khỏi nguồn gốc làm cho nó có ý nghĩa và sức sống thì thật là phi lý. Nếu chọn con người là cứu cánh của tình yêu thì chúng ta phải xét xem dưới góc độ những việc chúng ta làm có ích lợi thiết thực gì cho con người không. Bất cứ công việc gì bất lợi cho con người thì cần phải loại trừ ngay không đắn đo giống như người Công giáo loại trừ tội lỗi vậy.
Những ai hy sinh để chứng tỏ tình yêu chân thực cao vời như tình Chúa thì giúp ích cho Hội thánh nhiều nhất.
407 (412)
“Bạn nói, người đó dữ lắm, khó mà chịu nổi”. Họ càng xấu, ta càng phải kết thân, để đưa họ ra khỏi vòng tội lỗi, trở về đời sống đạo đức. Bạn nói : họ không để ý đến điều tôi nói, không muốn theo điều tôi khuyên. Sao bạn dám quả quyết thế ? Bạn đã nói lời nào để giúp họ hồi tâm suy nghĩ chưa ? Có, tôi nói nhiều lần. Nhưng được mấy lần ? Một, hai lần. Một, hai lần mà bạn cho là nhiều lắm sao ? Dù phải làm việc này suốt đời cũng không nên nản chí, sờn lòng. Xem Chúa đã nhẫn nại kêu gọi ta qua các Tiên tri, các tông đồ và các thánh sử ra sao ? Mà ta ăn ở thế nào ? Có vâng phục Chúa trong hết mọi sự không ? Không ! Nhưng có phải vì thế mà Chúa ngưng khuyến cáo chúng ta nữa. Tại sao ? Vì linh hồn chúng ta rất quý, không gì sánh bằng. “Vậy được cả thế gian này mà mất linh hồn nào có ích lợi chi ! (Mt 16,26)” (Bài nói của T. Gioan Kim khẩu).
7. LÀM VIỆC CHO GIỚI TRẺ
408
“Trẻ em chắc chắn là giới được Chúa Giêsu Kitô rộng lượng và dịu dàng yêu thương. Chúa chúc phúc cho chúng, và còn hơn thế nữa, Ngài hứa nước Thiên đàng cho chúng (Mt 19, 13-15 ; Mc 10,14). Đặc biệt, Đức Kitô tán dương vai trò tích cực của các em trong Nước Chúa. Các em là biểu hiện hùng hồn, là hình ảnh đáng đề cao về điều kiện tinh thần và luân lý cần thiết để vào Thiên đàng và để sống tín thác tuyệt đối vào Chúa : “Tôi nói thật với anh em, nếu anh em không giống như trẻ thơ, không bao giờ anh em vào Thiên quốc. Bất cứ ai sống khiêm nhu như trẻ thơ này, là người cao trọng nhất trong Thiên quốc. ( Mt 18, 3-5) (Lc 9,48)” (CL 47).
409 (431)
Bảo vệ cho tuổi trẻ còn đức Tin, đức Trinh khiết, thì tương lai huy hoàng biết bao ! Lúc ấy, Hội Thánh như người khổng lồ khỏe mạnh dốc toàn lực thi hành sứ mạng là đưa thế giới lương dân về với Chúa cách mau chóng, dễ dàng. Trong thực tế, trước mắt Hội Thánh đang vất vả đem hết sức mình băng bó các vết thương của chính mình.
Hơn nữa, phòng bệnh dễ hơn chữa bệnh. Legio chăm lo cho cả hai, vì cả hai đều hệ trọng. Dĩ nhiên, nên quan tâm đến việc dễ hơn, tức là đề phòng. Cứu nhiều em tránh khỏi tai ương còn dễ hơn sau này xây dựng lại một người lớn sa đọa.
Một vài mặt của vấn đề như sau :
(1) Dẫn trẻ đến dâng Thánh lễ :
Một Đức Giám mục, khi ra chương trình cho Legio làm việc, người cho việc dẫn trẻ đến dâng Thánh lễ Chúa Nhật là quan trọng nhất. Trẻ em bỏ Thánh Lễ là một trong các lý do chính gây mọi nhức nhối sau này. Biện pháp hữu hiệu nhất, là đến thăm gia đình các em sáng Chúa Nhật, đưa các em đi lễ. Đồng thời, cũng nên ghi nhận rằng, trẻ em ít khi tự nhiên trở nên người xấu. Nơi nào thấy các em không làm nghĩa vụ tín hữu tối thiểu, thì chắc chắn chúng là nạn nhân của cha mẹ hững hờ đối với con cái và làm gương xấu. Thế là công tác tông đồ phải lưu ý trường hợp gia trọng này.
Trong các phương hướng công tác, nhất là về trẻ em, nếu ta đi thăm thất thường hoặc thời hạn ngắn quá, thì thành công ít ỏi hoặc không đạt kết quả.
411 (433)
(2) Thăm các em tận nhà :
Về điểm thăm các em tận nhà, có điều quan trọng cần lưu ý. Có nhiều nhà không mở cửa tiếp những người làm việc tông đồ, nhưng một khi biết có người đến giúp con cái trong nhà, thì họ mở cửa ngay. Đây là sự thật, vì mối tương quan tự nhiên giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ quan tâm đến con hơn lo cho chính mình. Dù quên quyền lợi của bản thân, nhưng cha mẹ luôn nhớ đến quyền lợi của con cái. Lòng dạ có chai đá, nhưng cũng mềm dịu phần nào khi nghĩ đến con. Nhiều cha mẹ lòng đạo đức đã chết, nhưng còn sức tiềm tàng từ đáy lòng khiến họ không muốn thấy con bỏ đạo như mình, và tỏ ra vui mừng khi thấy ơn Chúa bắt đầu lưu thông lại trong tâm hồn con cái. Do đó, cha mẹ có thể cứng cỏi hùng hổ xua đuổi ta khi trực tiếp nói về phần rỗi của họ ; nhưng lại khoan dung đón tiếp nếu biết ta đến lo cho phần rỗi của con cái trong nhà.
Hội viên Legio khéo léo, một khi vào nhà, sẽ biết ngay phải làm gì để cho tất cả những người trong gia đìnhø chịu ảnh hưởng của việc tông đồ. Khi ta tận tình lo cho con, tự nhiên gây cảm tình nơi lòng cha mẹ ; ta phải khôn khéo lợi dụng thời cơ để gieo vào lòng họ hạt giống siêu nhiên. Vậy, nếu con trẻ là chìa khóa mở cửa nhà cho chúng ta vào, con trẻ cũng sẽ là chìa khóa mở cửa lòng và mở cửa linh hồn của cha mẹ.
412 (434)
(3) Dạy giáo lý trẻ em :
Công việc này giá trị tuyệt vời, nếu lại bổ sung bằng việc thăm gia đình các em hay bỏ lễ, hoặc thêm mục đích chăm lo cho con em họ, đồng thời tiếp cận với các thành viên trong gia đình. Tình cờ Legio trở thành chi nhánh Tổng hội Giáo lý (phụ lục 8).
Sau đây là gương điển hình, cho thấy lối tổ chức lớp giáo lý các Chúa nhật do Legio phụ trách đã có hiệu lực đối với một Giáo xứ rất đông tín hữu. Dù các cha cố gắng kêu gọi nhiều lần trên tòa giảng, các em chỉ đến học giáo lý năm mười em. Một Prỉsidium mới thành lập, vừa lo giúp việc dạy giáo lý, vừa đến tìm thăm các em tận nhà. Chỉ trong vòng một năm, con số các em đến học giáo lý lên đến 600. Ngoài con số tốt đẹp này, còn bao nhiêu ơn ích thiêng liêng mà cha mẹ, phụ huynh đã nhờ qua việc ta đến nhà chăm sóc cho con em của họ.
413 (435)
Trong các công tác, hội viên Legio tự hỏi mình câu khẩu hiệu sau đây : “Đức Maria đến thăm và lo lắng cho các người con của Mẹ đây thế nào ?”. Đó là ý nghĩa mà ta phải thực hành đối với việc làm cho con trẻ nhiều hơn trong các việc khác. Vì đối với con trẻ, tự nhiên người ta hay nóng tính mất nhẫn nại. Một lỗi thứ hai càng nặng hơn trong việc dạy giáo lý cho con trẻ, là giọng nói và hành động như là trong lớp học ngoài đời. Con trẻ đã không thích học, lại còn phải chịu thêm một lớp phụ nữa, như thế chắc chắn ta sẽ ít nhất mất 90% ích lợi mà ta có thể thu về. Vậy ta hãy hỏi mình lại một lần nữa trước khi dạy giáo lý cho con trẻ : “Trong các con trẻ đây, như là Đức Mẹ nhìn thấy Chúa Con trong mỗi trẻ, Mẹ sẽ dạy các con trẻ này thế nào ?”.
Khi dạy các em, cho học thuộc lòng và dùng thính thị là việc quan trọng, cần lựa chọn thật kỹ sách Giáo khoa cho hoàn toàn phù hợp với việc giảng dạy của Hội Thánh.
Dạy và học giáo lý đều hưởng ân xá (E I 20)
414 (436)
(4) Trường không Công giáo và trường nhà nước :
Các em không đi học nơi trường Công giáo rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần liên tục, và sau này có thể trở thành một vấn đề rất khó giải quyết. Vậy ta phải tận lực áp dụng các phương pháp mà Đức Giám mục địa phương đã đề ra để chận đứng phần nào tình trạng khủng hoảng nói trên.
415 (437)
(5) Đoàn thanh, thiếu niên :
Nếu các em đi học ở trường hẳn hoi, các em sẽ gặp khủng hoảng lúc ra trường, vì các em không còn chịu ảnh hưởng tốt đẹp của nhà trường che chở nữa, sự bảo vệ các em cũng bớt đi, việc gìn giữ các em không còn đầy đủ như trước. Đôi khi các em chỉ còn mong sự giúp đỡ của các hội đoàn, vì người nhà không còn ai giúp đỡ, làm gương và bảo vệ các em về mặt thiêng liêng, tinh thần.
Đã rắc rối còn rắc rối thêm, vì khi bơ vơ như vậy lại đúng vào lúc các em gặp cơn khủng hoảng rất nặng nề của tuổi dậy thì, nghĩa là con trẻ không còn là con trẻ, mà người lớn cũng chưa hẳn người lớn. Đáp ứng nhu cầu cho tuổi dậy thì, cho thời kỳ chuyển tiếp này đã khó, mà những người có trách nhiệm lại thường bỏ qua. Qua cái tuổi khó khăn, các hội đoàn trưởng thành mới mở tay đón tiếp các em, thì việc đã muộn rồi ; các em đã nếm tất cả những thú vui theo thú tánh tự do quá đáng rồi.
Yêu cầu nhà trường phải tiếp tục phần nào, để hướng dẫn các em giống như khi các em còn ở trong trường. Tốt nhất là áp dụng phương pháp Legio, tức là lập Legio thiếu niên ; hoặc lập Hiệp hội thanh thiếu niên, hay lập một ngành thiếu niên trong các hiệp hội có sẵn. Trước khi các em ra trường, Ban giám hiệu sẽ giao bản danh sách các em cho hội viên Legio. Sau đó, ta phải đến tận nhà làm quen, và mời các em tham gia đoàn thể. Các em còn ở ngoài đoàn hoặc trong đoàn mà ít đi họp, cần phải để ý thăm viếng nhiều lần hơn.
416 (438)
Mỗi hội viên phải phụ trách một đội, mỗi kỳ họp phải đến nhà nhắc nhở từng em. Mỗi năm phải có một lần cấm phòng kín và một lần giải trí lành mạnh, đó là điều cần thiết để đoàn thêm vững mạnh.
Đây cũng là phương tiện tốt nhất để nhắc các em năng xưng tội, chịu lễ, vì sau khi ra trường không còn cách nào để nhắc nữa cả.
Legio phải chăm sóc đặc biệt các em vừa ra khỏi trại giáo hóa hay vừa rời cô nhi viện; hoặc vì các em không còn cha mẹ, hay đau đớn hơn, các em là nạn nhận của hạng cha mẹ xấu xa.
(6) Điều khiển Câu lạc bộ Thanh niên, Hướng đạo, Thanh lao công, lớp cắt may, Hội bảo trợ trẻ em… :
Nếu không phải được toàn thể hội viên Prỉsidium đảm trách, thì phải có vài người ; nếu không được liên tục, cũng phải lo đến các việc trên đây một đôi lúc trong tuần. Nếu có một Prỉsidium đặc biệt đứng ra lo hẳn về một trong các ngành chuyên môn vừa kể, thì còn gì hợp lý hơn ! Và Prỉsidium này phải tuân thủ đúng Thủ bản của Legio trước nhất. Vì có người muốn Prỉsidium này chỉ họp vắn tắt, nguyện kinh, đọc biên bản, nghe tường trình nhanh. Họp kiểu này, dù có được vài điểm đại cương, nhưng khi đã đọc và hiểu rõ chương 11 về kế hoạch của Legio, thì ta sẽ thấy hành động như vậy thực là kém về tinh thần và về kỷ luật. Legio mong muốn rằng mỗi đoàn thể do Legio điều khiển, thì khi họp, cũng nguyện đủ bản Tessera như khi họp Prỉsidium.
418 (442)
(7) Thể thức tổ chức Thanh niên của Legio :
Đây là thể thức tổ chức, giúp các hội viên đang hoạt động trong các câu lạc bộ thanh niên. Thông thường mạnh ai nấy tổ chức theo sáng kiến tự do của mình, nếu các tổ chức của Legio mà lại khác nhau, kẻ họp hằng tuần, người họp hằng ngày, người quá lưu ý về trò chơi, kẻ quá lo về kỹ thuật. Bao nhiêu phương pháp sẽ có bấy nhiêu kết quả, nhưng chưa hẳn là kết quả tốt. Ví dụ, chú trọng về tổ chức trò chơi, viện lẽ vui đùa nhiều, trẻ sẽ khỏe mạnh, vì “làm việc mà không giải trí con trẻ sẽ chậm chạp khờ khạo” như có người đã nói. Có ý kiến khác cũng đúng là “vui chơi mãi mà không làm việc sẽ biến con nít thành đồ chơi”.
Phải công nhận rằng, tổ chức theo chương trình của Prỉsidium, vừa đơn sơ, vừa thích hợp cho mọi lứa tuổi, mọi thứ việc. Liệu có thể nào tìm được một phương pháp tiêu biểu và đơn giản tương tự như vậy để áp dụng chung cho người trẻ không ?
419 (443)
Theo kinh nghiệm, chương trình họp sau đây đem lại kết quả, ước mong các Prỉsidia đang hoạt động cho Thanh niên áp dụng. (Nhóm này không phải là Legio chính thức).
1. Không nhận tuổi quá 21, bé mấy tuổi cũng có thể nhận, nhưng phải chia từng nhóm theo tuổi tương đương.
2. Phải họp hằng tuần. Nếu khóa nào phải họp nhiều ngày trong tuần, thì những luật sau đây tùy nghi áp dụng.
3. Mỗi ngày các em phải đọc kinh Catena.
4. Trong trường hợp sợ trẻ làm đổ vỡ, chúng ta có thể đặt bàn thờ Legio trên cao hoặc để trên bàn nếu sinh hoạt hằng tuần.
5. Mỗi buổi họp phải đọc các kinh Legio, kể cả việc lần hạt Môi khôi, và chia cách đọc như ở trong Prỉsidium.
6. Thời gian họp phải từ một giờ rưỡi và nhiều hơn nếu cần.
7. Phải để nửa giờ lo việc của đoàn và học hỏi, còn bao nhiêu giờ còn lại để giải trí. Việc của đoàn là nghiên cứu giáo lý hoặc khoa học tùy theo nhóm.
8. Mỗi tháng đoàn viên phải rước lễ ít nhất một lần.
9. Khuyến khích đoàn viên làm Tán trợ cho Legio, và đừng quên giao cho đoàn viên ý niệm phải giúp đỡ anh em trong đoàn cũng như người ngoài xã hội.
420 (444)
“Đời sống hoạt động lạ lùng của thánh Yoan Boscô cho chúng ta bao nhiêu bài học. Nhấn mạnh về điểm nào cũng rất dễ, nhưng tôi cứ nói riêng về một điểm (điểm này rất đúng, vào thế kỷ nào cũng có thể áp dụng), đó là quan niệm của Thánh nhân về tình thầy trò. Mối liên quan giữa bề trên và bề dưới, giữa giảng sư và thính giả ở trường, thuộc các bậc Trung hoặc Đại học, Chủng viện. Thánh nhân rất ghét cái tính thận trọng sống cách biệt nhau, kính nhi viễn chi, sống cao quá, đôi khi vì vô tình theo nghi thức thủ tục, lắm lúc vì ích kỷ, khiến cho Cha thầy, Bề trên là người Chúa đặt ra để dạy dỗ, huấn luyện, hầu như không thể đến gần các vị ấy. Thánh nhân không bao giờ quên lời này: “Dân đã bầu anh lên để lãnh đạo, tại sao anh tự nhắc mình lên cao quá? Hãy chung sống giữa quần chúng như một người dân, để phục vụ họ (Gv 32)” (Đức Hồng Y Bourne).
8. XE SÁCH LƯU ĐỘNG
421(423)
Chúng ta nên đưa xe sách lưu động đến công trường, hoặc con đường nào đông người qua lại. Theo kinh nghiệm, đây là cách làm công tác Legio có giá trị rất lớn. Không cách nào hiệu lực hơn, để đưa ảnh hưởng tông đồ đến với người tốt, người nguội lạnh, người tội lỗi hoặc giới thiệu Hội Thánh cho những người chưa quan tâm. Do đó, Legio hết sức muốn có ít là một xe sách lưu động tại mỗi thành phố lớn.
Chúng ta sắp xếp cách nào để trình bày cho thực nhiều loại sách. Liên lạc với các nhà xuất bản để có một số lớn sách báo đạo mà không cần vốn to. Các hội viên thường phụ trách tủ sách này.
422 (424)
Ngoài những người chú ý đến lựa sách để mua, chúng ta sẽ gặp nhiều người đến với xe sách này. Người Công giáo đến xem để hỏi thăm người đồng đạo ; người thảnh thơi dạo mát tò mò ghé xem xe sách cho qua giờ. Nhiều người đã có thiện cảm với Đạo nhưng chưa muốn tiếp xúc thẳng với Hội Thánh. Thấy người bán sách dịu dàng dễ thương, họ ghé nói chuyện. Hội viên phải được huấn luyện để trả lời những câu hỏi thăm hoặc hỏi mua sách, sẽ nhân dịp này mà gây tình thân thiện ; và lợi dụng để đưa tất cả các người nói chuyện với mình lên một bậc cao hơn về mặt tư tưởng, và hành động như khuyên người có đạo tham gia các tổ chức Công giáo ; giúp người ngoài đạo hiểu rõ Hội Thánh nhiều hơn. Như vậy, khi lìa Xe sách, người thì tự quyết định sẽ dự lễ, chịu lễ hằng ngày ; người quyết sẽ gia nhập Hoạt động, Tán trợ Legio, hay vào phong trào Hiệp sĩ ; người ăn năn làm hòa với Chúa ; người khác định tâm quay về với Hội Thánh. Người đi qua thành phố nhân dịp này có thể sẽ thấy, hiểu và thích Legio. Có khi từ trước đến giờ, họ chưa biết Legio là gì, bây giờ họ vận động sẽ xin lập Legio tại họ đạo của mình.
Dĩ nhiên, hội viên phải nhẫn nại tiếp tục phần sau của công tác đã thành công lúc đầu, sau khi đã có thiện cảm và quen biết nhau nhờ xe sách.
423 (425)
Vừa tỏ ý sắm xe sách là có thể sẽ gặp sự chống đối, viện lý rằng, phải là người rất thông lẽ đạo mới có thể đảm trách xe sách này, mà ai là người thông lẽ đạo ? Dĩ nhiên càng thông lẽ đạo càng hay ; nhưng không vì thiếu lớp người này mà bỏ qua việc sắm xe sách. Cần nhất là người phải bặt thiệp. Đức Hồng Y Newman nói : “Họ làm ta cảm mến, tiếng nói cảm động, gương mặt họ làm ta phấn khởi. Lý luận suông không đưa ai trở về”. Tóm lại, người thành thực, dịu dàng quan trọng hơn người trí thức suông. Với kho tàng kiến thức rộng rãi, người trí thức thường lặn lội vào những vực sâu thẳm, theo các lối quanh co mà không đi đến đâu. Ngược lại, một người chân thành, dịu dàng, nếu không biết cứ thẳng thắn đáp : “Tôi chưa rõ, tôi sẽ hỏi lại điều này”, vậy mà cuộc thảo luận sẽ đứng vững như trên bàn thạch.
Một hội viên thường của Legio cũng đủ sức trả lời hầu hết các câu chất vấn, vì những người hỏi thường ít hiểu về đạo. Nếu gặp câu hỏi khó, sẽ hỏi lại Prỉsidium hay hỏi cha Linh giám.
Nhiều người tố cáo và không ngưng công kích Hội Thánh làm điều ác, hoặc đàn áp, thiếu nhiệt thành. Thấy một sơ hở nào của Hội Thánh là họ thổi phồng để tấn công càng mạnh, rắc rối càng rắc rối thêm. Dù hiểu biết uyên thâm cũng không thể nào thoả mãn kẻ cố tâm khích bác từ điều lớn đến điều nhỏ. Đường lối ta phải theo, là luôn luôn cố đưa họ về những điểm rất đơn sơ, nhưng rất xác thực là Thiên Chúa đã để lại cho loài người một thông điệp, mà chúng ta gọi là tôn giáo: tôn giáo là tiếng nói của Thiên Chúa, tuyệt đối tôn giáo đó phải duy nhất, minh bạch, hợp lý, không sai lầm, phải tự hào là Chúa ban quyền đó.
425 (427)
Những đặc tính này chỉ có trong Hội Thánh Công Giáo. Chưa có tổ chức hoặc đoàn thể nào có thể tự hào có những đặc điểm đó. Ngoài Hội Thánh toàn là mâu thuẫn và hỗn độn, nên Đức Hồng Y Newman phải nói dứt khoát rằng : “Hoặc là phải nhận đạo Công giáo là đạo từ thế giới siêu hình đem xuống trần gian ; hoặc là đành công nhận ở đời không có gì chân thực, không có gì chắc chắn, không biết từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu.”
426 (428)
Vậy, cần phải có một Hội Thánh chân chính. Do đó, hãy thử tìm coi có Hội Thánh nào ngoài Hội Thánh Công giáo. Không áp dụng chiến thuật, khi đánh, phải đánh mạnh ngay vào cùng một điểm. Nếu sử dụng vào việc thảo luận về chân lý, thì chiến thuật này bao giờ cũng có hiệu lực tấn công dồn dập. Nơi người chất phác chúng ta thấy ngay cái hiệu lực nói trên. Dù người trí thức, bề ngoài họ còn tiếp tục kể lại những khuyết điểm của Hội Thánh, mà bề trong họ đã bắt đầu phục.
Ta nên nhớ một điểm này : dịu dàng và vắn tắt cho họ biết rằng họ đã đưa quá nhiều bằng chứng để phản đối ; nhưng những sơ sót này tổ chức nào cũng vấp phải, không riêng chi đạo Công giáo. Nếu vì đã chứng minh rằng có một người trong Giáo Hội làm sai, để kết luận là Giáo Hội đó sai lầm, họ chỉ làm chứng có một điều là ở đời không còn điều gì chân thực nữa.
427 (429)
Hiện nay, không còn phái nào dám độc quyền giảng giải chân lý ; nhưng họ nói cách khiêm nhường rằng tất cả các Giáo Hội đều có một phần hay khía cạnh hợp chân lý. Nói thế cũng đúng, nhưng một phần chân lý chưa đủ. Nói vậy tức là chúng ta chưa có chân lý nào toàn vẹn cả, và ở đời không có con đường nào đi tìm chân lý sao. Nếu trong cùng một Giáo Hội, bên cạnh những điều đúng, lại có những điều sai ; thì dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt đúng, sai. Nếu để tự ý ta lựa chọn, rủi ta gạt bỏ những chỗ đúng mà chọn toàn những đùiểm sai, thế thì sao ! Nếu Giáo Hội nào khi dạy, lại nói rằng : “Những điều tôi nói đây có một phần đúng”, như vậy thì có thể giúp đỡ, có thể lãnh đạo được ai đâu. Bạn vẫn đứng yên một chỗ mà bạn đã đứng trước khi gặp Giáo Hội này.
Chúng ta phải bền chí thuyết phục cho tới khi họ chấp nhận chỉ có một Hội Thánh thực mà thôi. Hội Thánh đó không thể tự mình mâu thuẫn với mình ; phải có chân lý toàn vẹn ; phải đủ khả năng để phân tách rõ ràng đâu là thực, đâu là hư.
428 (430)
“Không ai giúp đỡ thế giới một cách đắc lực hơn Đức Mẹ. Thế giới có các Thánh tông đồ, Tiên tri, Tử đạo,Hiển tu, Đồng trinh, là những vị bảo trợ rất tốt mà con hằng cằu xin. Nhưng, lạy Nữ vương của con, lời Mẹ đắc lực hơn lời các vị Thánh chung nhau cầu xin. Các Vị ấy có xin gì cũng nhờ Mẹ, còn Mẹ thì xin một mình mà không cần các vị góp lời vào. Nếu Mẹ làm thinh, không ai có quyền nói, không ai có quyền đến giúp con. Nếu Mẹ mở lời cầu xin, tất cả các thánh đều cầu xin và cùng đến giúp con” (Thánh Ansêlmô : Hội Thánh cầu nguyện).
9. TIẾP XÚC VỚI ĐÁM ĐÔNG
429 (482a)
Đường lối hoạt động tông đồ đã đem lại nhiều điều phong phú của Hội Thánh cho mọi người. Căn bản của việc này ở tại cách tiếp xúc kiên trì và cá biệt dựa trên tâm hồn nồng hậu giữa người này với người khác. Thuật ngữ gọi là “mối tương quan”. Mối tương quan yếu kém thế nào thì ảnh hưởng thiết thực của nó cũng vậy. Đến lúc trở thành đám đông thì họ có khuynh hướng xa rời chúng ta. Đám đông có thể tách chúng ta khỏi họ. Những đám đông ấy đều do các cá nhân hợp lại, và mỗi cá nhân này là một linh hồn vô giá. Mỗi phần tử của đám đông kia đều có cuộc sống riêng tư, mà phần lớn thì giờ của họ đều dành cho nhóm này hay nhóm khác – ở ngoài phố hoặc bất cứ nơi nào. Vậy chúng ta cần phải biến đổi các nhóm ấy thành những cá thể biệt lập, và như thế chúng ta mới có khả năng thiết lập mối giao tiếp với linh hồn họ. Đức Mẹ đầy ơn phúc đang nhìn về đám đông đó thế nào. Đức Maria là Mẹ của mỗi linh hồn trong đám đông tại đó. Người lo âu về các nhu cầu thiêng liêng của họ và lòng khát khao mong mỏi của người Mẹ từ bi đang muốn tìm ai đó giúp đỡ trong công việc thi hành chức năng làm Mẹ của Người.
Mọi người đều công nhận giá trị hưũ hiệu của xe sách lưu động trên các công trường, nhưng hoạt động tông đồ rộng rãi nơi đám đông cũng là một cách khác để đạt cho được mục đích đó. Cuộc nói chuyện về đề tài đức Tin nếu mở đầu bằng vài lời lịch thiệp, có thể mang lại thành quả tốt đẹp. Chúng ta có thể xử sự tương tự ở ngoài đường, trong các công viên, trong quán nước, trên xe lửa, trạm xe buýt hoặc bất cứ ở nơi công cộng đông người nào. Kinh nghiệm cho thấy mở đầu như thế thường thường có kết quả tốt. Các hội viên khi dấn thân vào việc này nên nhớ lời nói và tư cách của mình là những dụng cụ quan trọng, cần thiết để mở đầu câu chuyện. Do đó, họ phải tỏ ra lễ độ, tránh lời cực đoan. Trong khi trao đổi đừng gây tranh chấp, dạy bảo, quyền thế, hoặc tự tôn. Phải nhớ kỹ rằng Đức Mẹ, Nữ Vương các tông đồ, luôn luôn yểm trợ tối đa công cuộc truyền giáo, vì Người hết sức mong mỏi gặt hái thành quả tốt đẹp của công cuộc tông đồ.
10. QUAN TÂM ĐẾN CÁC EM CÔNG GIÁO Ở MƯỚN
430 (458)
Việc này có thể đi đôi với việc ở trên, hoặc tổ chức riêng biệt. Các em giúp việc cho gia đình khô khan hoặc chống đạo. Họ phải làm việc như cái máy, sống lẻ loi, mới từ đồng quê lên thành, không ai thân thuộc, gặp ai mướn là cứ đi theo và liều mình rơi vào bao nhiêu cạm bẫy. Các em Công giáo đi ở mướn rất cần việc chăm sóc và nâng đỡ. Tiếp cận với họ là công tác đáng quan tâm.
Đối với họ, những lần thăm viếng thường xuyên của Legio nhằm quan tâm đến phúc lợi của họ, khác nào như ánh sáng chiếu vào đời họ. Thông thường nên đưa các em vào Hội thiếu nữ, giới thiệu với các nhóm hoặc bạn gái nào chắc chắn, nhiều khi các em có thể gia nhập vào Legio. Công tác này đưa các em rẽ sang bước đường mới hạnh phúc hơn, với cuộc sống mới bảo đảm thánh thiện hơn.
431 (459)
“Thoạt đầu, ta có thể nghĩ rằng, ít ra trong thời gian nào đó 1úc sống ở trần gian Mẹ cao cả của Chúa cũng phải sống trong vinh quang. Sự thực Chúa Quan Phòng xếp đặt cách khác. Đức Mẹ cư ngụ trong căn nhà nghèo làm việc thông thường như quét nhà, giặt rửa, nấu ăn, đi ra giếng đội vò nước về. Tuy nhiên, các việc này Chúa Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse thường làm, nhưng ta có thể gọi đây là các việc để cho đầy tớ làm. Bàn tay của Đức Mẹ là bàn tay lao động, đỏ sậm và chai cứng ; là vợ của bác thợ mộc, Đức Mẹ phải vất vả lo lắng làm việc quá sức mình” (Vassall-Phillips : Mẹ Chúa Kitô).
11. GIÚP BINH SĨ VÀ THỦY THỦ
432 (460)
Đời sống quân nhân gặp nhiều hoàn cảnh khiến họ lãnh đạm với tôn giáo và nhiều cạm bẫy bủa vây. Hoạt động tông đồ giúp quân nhân nhất định là việc rất cần thiết.
(1) Thường dân vào trại lính không phải dễ, do đó cần lập Praesidium cho binh sĩ để hoạt động cho quân nhân đắc lực hơn. Nhiều nơi đã làm như vậy và đã có kết quả.
(2) Hoạt động cho thủy thủ phải xuống tàu thăm viếng và tổ chức nhiều công tác thích hợp trên bờ. Prỉsidium nào phụ trách nên chính thức gia nhập hội quốc tế tông đồ Hải vụ, có chi nhánh ở khắp các nước ven biển.
(3) Chúng ta phải tôn trọng triệt để kỷ luật quân đội và hàng hải. Phải theo đúng kỷ cương và thủ tục, nghĩa là phải hết sức cố gắng làm sao để người ta cho phép mà khỏi phải e dè, cho mọi người công nhận việc ta làm đã nâng cao đời sống về mọi mặt. Đối với quân nhân, việc ta giúp đỡ, đúng là sự yểm trợ thiết thực, và hơn nữa, còn là một nhu cầu thực thụ.
(4) Du khách và các thổ dân du cư đều phải ở trong quỹ đạo của việc tông đồ Legio. Di dân và các người tị nạn cũng phải ở trong việc tông đồ này.
“Trong những biến đổi lớn lao của thế giới hiện nay, các cuộc di dân đã làm nảy sinh một hiện tượng mới : các người không phải Kitô hữu trở thành số đông trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu. Sự kiện ấy đã tạo nên cơ hội mới để tiếp xúc và trao đổi văn hóa, cũng đòi hỏi Hội thánh phải đón tiếp, đối thoại, trợ giúp. Tóm lại là phải tỏ tình huynh đệ. Trong số di dân, các người tị nạn chiếm một vị trí rất đặc biệt và cần được lưu tâm hơn hết. Hiện nay, con số những người này lên đến hàng triệu trên thế giới và vẫn không ngừng gia tăng. Họ trốn chạy những hoàn cảnh áp bức chính trị, những nỗi cơ cực vô nhân đạo, đói kém và hạn hán, đã gây ra những tai họa đáng kể. Hội Thánh phải quan tâm đến những điều đó như một sứ vụ Tông đồ” (RM 37b).
12. VIỆC TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG CÔNG GIÁO
433 (421)
Cuộc sống của biết bao người như Thánh Augustinô thành Hippone và Thánh Inhaxiô thành Loyola, minh chứng việc đọc sách của các tác giả mà họ kính phục rất có ảnh hưởng. Tư tưởng của các tác giả đạo đức thực sự có tác dụng nâng cao đời sống thiêng liêng cho họ. Việc truyền bá văn chương Công giáo giúp chúng ta cơ hội tiếp xúc với đông đảo dân chúng và những người mà đức Tin Kitô giáo có vấn đề. Không có nền giáo dục trưởng thành về tôn giáo đích thực, dân chúng sống trong một thế giới tục hóa gặp thất lợi rất nhiều. Hội Thánh dạy cho họ một thế giới này trong khi họ lại sống trong một thế giới khác. Tiếng nói của thế giới tục hóa át đi tiếng nói của Hội Thánh. Phải chấn chỉnh sự thiếu cân bằng này. Lệnh truyền buộc Kitô hữu lo giành lại thế giới tục hóa cho Đức Kitô. Điều này thúc bách chúng ta phải có phẩm cách và thái độ đứng đắn của Kitô giáo.
Chúng ta không đánh giá thấp các loại truyền thông khác, nhưng cho rằng việc đọc sách nghiêm chỉnh, nghĩa là đọc để học hỏi là một nguồn tư tưởng rất phong phú và có ảnh hưởng trên ý tưởng.
Đọc ít nhưng đều đặn có lợi hơn đọc nhiều nhưng chỉ đọc tùy hứng. Mời gọi dân chúng đọc sách đạo là một vấn đề thực tiễn. Phải khơi dậy hứng thú của họ và nếu hứng thú không biến mất, việc đọc sách chắc chắn mang đến ích lợi dễ dàng. Đây là một cửa mở cho những người Công giáo làm việc tông đồ.
Cùng với sách đạo còn có báo và tạp chí Công giáo với mục đích là :
(1) Đưa ra một tổng hợp hữu lý về những vấn đề hiện thời và một cách đánh giá thấu đáo về những vấn đề ấy.
(2) Hành động như một điều chỉnh cần thiết đối với những cái nhìn méo mó hay những sự thinh lặng có tính toán.
(3) Duyệt lại và đưa ra những đường hướng chỉ đạo về những sản phẩm truyền thông hiện thời.
(4) Phát triển niềm tự hào lành mạnh và mối quan tâm liên quan đến các công việc của Hội thánh hoàn cầu.
(5) Vun trồng thị hiếu đọc sách có tính xác đáng lâu bền.
Ngoài các tài liệu in ấn, tài liệu thính thị đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá đức Tin.
Trước khi dùng bất cứ tài liệu nào liên quan tới đạo giáo, việc quan trọng là xác nhận từ những nguồn đáng tin rằng tài liệu ấy phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh. Các sách báo tự cho là của Công giáo phải xứng đáng với danh xưng. Không phải danh xưng tạo nên tin tưởng vào sự việc, nhưng chính sự việc tạo nên tin tưởng vào danh xưng (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Các phương tiện truyền bá văn hóa đức Tin đã đem thử nghiệm và kiểm tra gồm :
(1) Vận động từng nhà đặt mua.
(2) Giao báo và tạp chí tận nhà.
(3) Bố trí nhân viên cho các quầy sách và tiệm sách Công giáo.
(4) Bố trí nhân viên cho xe sách lưu động ở các nơi công cộng.
(5) Dùng phong trào Hiệp sĩ để giới thiệu tài liệu đọc tiếp theo.
Việc trưng bày sách và các giá sách phải thu hút sự chú ý và cố gắng bảo trì chu đáo. Trong việc quảng cáo sách Hội thánh Công giáo, các phương pháp chưa tốt đủ.
Trong dịp thăm viếng để gieo hạt giống văn hóa đức Tin, hội viên cố gắng theo đuổi việc tông đồ để trực tiếp gieo ảnh hưởng tới mọi người trong gia đình họ.
434 (422)
“Đức Maria và Chúa Giêsu đồng hành không rời nhau, Đức Mẹ hằng ở bên Chúa Con khắp mọi nơi.Không chỉ một mình Chúa Giêsu liên kết với Thiên Chúa Cha, đưa ta đến những sự trên Trời, song có cả Đức Mẹ nữa. Vậy trong việc đạo, ai tách rời Đức Maria ra khỏi Chúa Giêsu là phá hỏng trật tự Chúa đã đặt ra” (Terrien : Mẹ loài người).
13. KHUYẾN KHÍCH VIỆC DÂNG LỄ HẰNG NGÀY VÀ SÙNG KÍNH THÁNH THỂ
435 (463)
Hằng ngày, rất mong các tín hữu đến dâng Lễ sốt sắng và Rước Lễ, rồi cảm tạ đầy đủ để đáp lại hồng ân của Đức Giêsu Kitô. Đây là những lời cần ghi nhớ : Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh mong muốn mọi Kitô hữu đến dự Tiệc Thánh mỗi ngày. Nền tảng của ước muốn này là họ phải kết hợp với Chúa qua Bí Tích để Chúa thêm sức mạnh giúp ta kiềm chế nhục dục, rửa sạch các tội nhẹ hằng ngày, và đề phòng các tội nặng mà con người yếu đuối dễ mắc phải (AAS 38-(1905) 401). Các luật phụng vụ quy định Bí tích Thánh Thể phải được gìn giữ trong các nhà thờ với lòng tôn kính lớn lao nhất và tại một vị trí đặc biệt nhất. Tín hữu không thể không thỉnh thoảng viếng thăm Thánh Thể. Mỗi lần viếng như thế là một biểu lộ của sự cảm tạ, một bảo chứng tình yêu, một sự tuân giữ việc thờ phượng đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể (MF 66).
Phải luôn ghi nhớ và nên năng thực hiện điều này như là một phận vụ không thể tách rời của hoạt động Legio. (Chương 8 : Hội viên với Thánh Thể)
436 (464)
“Chúng ta thấy, Thánh Thể vừa là hiến tế, vừa là Bí tích, kho tàng dồi dào chứa đựng tất cả những gì phải dâng lên Chúa Cha và để đổ chan hòa hồng ân cho thế giới. Bí tích Thánh Thể vừa là Chúa trên đồi Calvê, vừa là sương trời. Máu để xin tha thứ, và sương để làm tươi lại cây đã úa tàn; vừa là giá chuộc ta, vừa là nguồn phúc của ta; vừa là nguồn sống, vừa là giá chuộc sự sống cho ta. Thánh giá hay Tiệc ly, cả hai cộng lại cũng không hơn Thánh lễ : Tiệc ly và Thánh giá còn tiếp tục với Thánh lễ để đem nguồn hy vọng cho nhân loại. Vì vậy Thánh lễ là Mầu Nhiệm đức Tin, vì không những gồm tất cả tín điều Công giáo, từ việc ông Adong phá hoại loài người đến việc Chúa Giêsu gây dựng lại, nhưng nhất là vì thảm kịch, việc anh hùng giải phóng nhân loại và bù đắp cho cái gì đã mất có thể tiếp diễn mãi qua Thánh lễ : đây không phải là việc tượng trưng, mà là việc thiết thực tái diễn do cũng một Chúa Kitô thực hiện” (De la Taille : Mầu nhiệm đức Tin).
14. TUYỂN MỘ VÀ CHĂM SÓC TÁN TRỢ
437 (465)
Khi Prỉsidium hiểu và quý chuộng năng lực của lời cầu nguyện sẽ hết sức tìm một số Tán trợ thực đông. Nhiệm vụ của mỗi hội viên phải tuyển mộ và luôn luôn liên lạc chăm sóc Tán trợ.
Nên biết, Tán trợ đã hết sức rộng rãi hiến cho Legio phần nguyện vọng tốt nhất của tâm hồn. Như vậy họ có biết bao điều kiện để có thể đạt tới bậc thánh thiện. Legio mang ơn, và đang trả ơn bằng cách đưa Tán trợ tiến trên đường trọn lành. Hoạt động và Tán trợ, cả hai đều là con cái của Legio. Hội viên Hoạt động là người con lớn ; như các bà mẹ gia đình, bà mẹ của Legio cũng mong các con lớn biết giúp các em còn trẻ hơn ; không những theo dõi mà Đức Mẹ còn muốn giúp các con lớn nâng đỡ các em một cách đắc lực. Tiếp tục chăm sóc người mình đã tuyển mộ, có lợi cho cả hai : Tán trợ thêm thánh thiện, và Hoạt động sẽ lãnh phần thưởng của người có công xây dựng.
Giúp tán trợ có lợi vô cùng. Cần chỉ định những hội viên có tinh thần cao để lo việc này, trong tinh thần huynh đệ.
438 (466)
“Giữa cảnh tội ác ghét Chúa hiện nay, tôi thấy rõ Chúa đang tuyển một đạo quân gồm những tâm hồn quảng đại, quyết phụng sự quyền lợi của Chúa với tất cả tâm hồn. Những người mà Chúa mong có thể phục vụ và an ủi Chúa, là những tâm hồn không tính toán : “Chưa biết nên làm đến đâu ?”, nhưng rất quảng đại : “Vì lòng mến Chúa, tôi làm hết sức tôi”, một đạo quân của những tâm hồn biết cho mà không cần đếm, chỉ tiếc một điều là vì mình không thể làm hơn nữa, không thể cho thêm, không chịu khổ hơn nữa, trong khi Chúa đã làm cho mình quá nhiều điều. Tóm lại, những người này không giống như người thường, đời có thể cho họ là điên, vì châm ngôn của họ là: đã hy sinh không nghĩ đến mình” (O’Rahilly : Cuộc đời của Lm. William Doyle).
“Sẽ có một đạo quân của những tâm hồn bé nhỏ, hiến mình vì tình thương độ lượng. Đạo quân này sẽ đông như sao trời, như cát bể, gây khủng khiếp cho Satan và giúp Đức Maria đạp nát hoàn toàn cái đầu của thần kiêu ngạo” (Thánh Têrêsa Hài Đồng).
15. CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO
439 (467)
Cuộc sống đích thực của người tín hữu là phải thiết tha quan tâm đến sứ vụ Truyền giáo. Sứ vụ đó gồm có việc cầu nguyện, trợ giúp thích đáng và nuôi dưỡng ơn kêu gọi Thừa sai phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người.
Chẳng hạn, hội viên Legio nên tổ chức Hội Chúa Hài Đồng để làm hạt nhân cho nhiều em khác, và nhờ họ, các em khác được linh hướng để mến yêu Sứ vụ Truyền giáo. Ngoài ra, họ có thể qui tụ những em chưa đủ khả năng làm hội viên Legio (có thể tổ chức các em ấy trên nền tảng bậc Tán trợ) và giao công tác may khâu, đan lát v.v… Sau đây là 3 công việc mỗi em làm :
(a) Thánh hóa bản thân.
(b) Nêu gương thánh hóa cho tha nhân.
(c) Giúp việc Truyền giáo cách thực tế.
440 (468)
Qua công tác này, chúng ta cần đặc biệt nhấn mạnh đến 2 điểm thực hành sau :
(1) Không cho phép Praesidium nào thu tiền vì bất cứ mục đích nào khác.
(2) Hội viên Legio phụ trách việc điều hành những anh em làm công tác này coi như chu toàn công tác hằng tuần. Nhưng công tác khâu may tự nó không phải là công tác thiết thực của hội viên trưởng thành, ngoại trừ trường hợp rất đặc biệt như bị khuyết tật.
“Bốn hiệp hội : hội Truyền bá đức Tin, hội Thánh Phêrô tông đồ, hội Chúa Hài đồng và Hiệp hội Truyền giáo, có một mục đích chung: cổ võ tinh thần Truyền giáo phổ quát giữa dân Thiên Chúa” (RM 84).
16. DỰ CẤM PHÒNG KÍN
441 (253)
Mỗi hội viên, phải hết sức lo liệu để cấm phòng kín mỗi năm một lần. Hội viên đã hưởng lợi ích của cuộc cấm phòng này, họ sẽ tổ chức, cổ động cuộc cấm phòng, và nơi nào chưa có, họ sẽ liệu cho có.
Đây là lời khuyên của Đức Piô XI trích trong thông điệp ở cuối phần này, khuyến khích các đoàn thể giáo dân đang hăng say cùng hàng giáo phẩm làm việc Công giáo tiến hành. Nhờ cấm phòng, họ thấy rõ đâu là giá trị của các linh hồn, khiến họ nhiệt thành giúp đỡ; họ sẽ thấm nhuần tinh thần hăng say, ân cần, dũng cảm thi hành công tác tông đồ.
Phải lưu ý nhiều đến điểm huấn luyện tông đồ mà Đức Thánh Cha căn dặn. Nếu cấm phòng mà không đạt mục đích này, không tạo nên tông đồ ; thì phải kể là cấm phòng thất bại.
Không vì chưa có nơi để nghỉ qua đêm, mà bỏ tổ chức ngày cấm phòng quý hóa này. Một ngày cấm phòng từ sáng đến chiều, theo kinh nghiệm, mang lại nhiều kết quả tốt, tuy phải vất vả, mệt mỏi đôi chút. Với dãy nhà kèm theo khu đất trống, chúng ta có thể tổ chức cuộc cấm phòng trong ngày ; dùng một bữa trưa thanh đạm không đến nỗi tốn kém lắm.
443 (255)
“Chính Chúa đã mời các tông đồ tĩnh tâm trong vòng thân mật : “Hãy tìm chỗ thanh vắng mà nghỉ một chút” (Mc 5,31). Khi lìa trần gian về Thiên đàng, Chúa muốn cho các tông đồ và môn đệ được trau dồi và hoàn bị thêm tại căn lầu ở Jêrusalem. Tại đây, trong vòng mười hôm “Tất cả hiệp ý cầu nguyện” (Cv1,14) để xứng đáng tiếp nhận Chúa Thánh Thần. Cuộc cấm phòng này thật đáng ghi nhớ. Việc đạo đức thiêng liêng trổi vượt. Nhờ lần cấm phòng này mà Hội Thánh xuất hiện đầy sinh lực và sức mạnh trường cửu. Cũng trong cuộc cấm phòng này, với sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, nhờ Đức Mẹ bảo trợ đã thành lập một số người đáng gọi là tiên phong của Công giáo tiến hành” (Đức Giáo Hoàng Piô XI, Thông điệp “Ý của Ta”, ngày 20.12.1929 MN).
17. HIỆP HỘI TIÊN PHONG HOÀN TOÀN CHAY TỊNH VÌ THÁNH TÂM
444 (471a)
Hoạt động đáng khen đối với một Praesidium, dĩ nhiên là việc tuyển mộ các hội viên cho Hiệp hội này. Mục đích đầu tiên của hiệp hội là làm vinh danh Thiên Chúa, qua việc cổ võ sự điều độ và tiết chế. Phương thế chính yếu để đạt mục đích chính này là cầu nguyện và hy sinh. Các hội viên múc lấy cảm hứng từ tình yêu cá biệt của họ với Đức Kitô :
(a) Muốn làm việc thiện phải dứt khoát với rượu chè.
(b) Đền tạ các tội lỗi vì đam mê lạc thú.
(c) Đạt ân sủng và sự trợ giúp cho những người đam mê rượu chè và cho những người đau khổ vì rượu chè quá độ.
Các nhiệm vụ chính của hội viên là :
(1) Triệt để không nghiện rượu.
(2) Nguyện kinh Dâng Mình Anh Dũng 2 lần mỗi ngày
(3) Mang huy hiệu công khai.
KINH DÂNG MÌNH ANH DŨNG :
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô, để an ủi và làm vinh danh Chúa hơn,Vì Chúa, để làm gương tốt, thực hành việc bỏ mình,Để đền tạ Chúa vì những tội lỗi vô độ và để những anh em nghiện ngập hoán cải, Con nguyện triệt để bỏ nghiện rượu suốt đời. Amen.
Việc chuẩn bị gồm :
(1) Với sự chấp thuận của Giám đốc trung ương Hiệp hội Tiên phong, mỗi Prỉsidium có thể thành lập một trung tâm Tiên phong.
(2) Nơi nào đã có một trung tâm của Hiệp hội thì Prỉsidium phải cố liên kết với họ để cổ võ và tuyển mộ cho hiệp hội (xem Phụ lục 9).
18. TÙY NHU CẦU TỪNG ĐỊA PHƯƠNG
445 (472)
Hội viên Legio phải tùy tình thế ở từng nơi, để định liệu cách thức hoạt động sau khi trình bày với Hội đồng Legio có thẩm quyền ở địa phương và xin phép giáo quyền sở tại. Cần nhắc lại muốn khởi công bất cứ việc gì, phải có sáng kiến và tinh thần can đảm.
Bất cứ một hành động can đảm nào nhân danh Công giáo để làm, đều ảnh hưởng như luồng điện đến lối suy luận của người địa phương. Mọi người, ngay cả người chưa tín ngưỡng cũng phải chú ý đến tôn giáo. Thay đổi óc nhận xét và thái độ tức là thay đổi nếp sống của toàn dân.
446 (473)
“Chúa phán : “Đừng sợ”. Chúng ta hãy dẹp bỏ tính nhát sợ. Trong hàng ngũ của chúng ta không nên có hạng nhát gan. Không lúc nào cần nhắc lại Lời Chúa bảo “Đừng sợ” cho bằng khi hoạt động Công giáo tiến hành. Lúc sợ, trí khôn khó hoạt động, mất sáng suốt để quyết định đứng đắn. Chúng ta lập lại, hãy loại bỏ các mối lo sợ, chỉ để lại sự kính sợ Thiên Chúa mà thôi : vì sợ Chúa rồi, chúng ta không còn biết sợ ai và không nể dư luận của người đời nữa.
Phải khôn ngoan như Thánh Kinh đã dạy và năng lập lại; khôn ngoan của con cái Chúa, khôn ngoan tinh thần khác hẳn khôn ngoan của xác thịt yếu hèn, biếng nhác, khờ khạo, ích kỷ đến đáng thương hại” (Đức Giáo Hoàng Piô XI, diễn văn ngày 17-5-1931).