VAI  TRÒ  CỦA  “NGHIỆP”  TRONG  VẤN  ĐỀ  TRỢ  TỬ, AN  TỬ

          Định luật dành cho muôn loài là hễ có sinh thì ắt có tử. Tuy nhiên trước cái chết không sao tránh khỏi ấy, chỉ có con người mới phải đối diện với những nỗi thống khổ khôn nguôi. Có hai lý do đưa đến sự thống khổ đó. Một là do sự rã tan của thân vật lý và hai là nỗi lo âu, tuyệt vọng do cái chết đem lại.

          Thân xác là hợp thể của bốn yếu tố gọi là Tứ Đại: “ Đất, Nước, Gió, Lửa”. Con người được gọi là…sống bởi vì bốn yếu tố ấy còn hòa hợp. Trái lại khi nó mất đi sự hòa hợp thì gọi là…chết và điều ấy không chỉ xảy ra sau khi chết mà ngay trong giờ phút lâm chung:

1# Sự tan rã của Địa Đại: Thân xác khi ấy khởi sự mất hết sức mạnh. Người ta trở nên kiệt quệ không còn chút năng lực nào, không thể đứng lên hay cất nhắc chân tay và dường như đang bị nhận chìm xuống đất như bị một  núi đá đè lên.

2# Sự tan rã của Thủy Đại: Khi ấy người ta mất khả năng kiểm soát chất lỏng ( Nước tiểu, nước dãi, nước mũi…) Lưỡi không thể cử động có nghĩa không thể ăn uống, nói năng. Môi không còn sắc máu trở nên tím tái…

3#  Sự tan rã của Hỏa Đại: Miệng và mũi hoàn toàn khô hạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần, từ chân tay đến tim, phổi…Hơi thở lạnh giá khi qua mũi và miệng. Không thể tiêu hóa bất cứ thứ gì. Tâm lơ lửng trong mê mờ, không thể nhớ được tên của người nhà…

4#  Sự tan rã của Phong Đại: Càng lúc càng khó thở. Không khí dường như đang thoát ra ngõ yết hầu và bắt đầu thở hào hển, khó nhọc. Hơi thở vào càng lúc càng ngắn, hơi thở ra càng lúc càng dài. Mắt trợn trừng lên hoàn toàn bất động.

Khi hơi thở chấm dứt thì đây là lúc xét nghiệm lâm sàng người ta cho là…chết. Thế nhưng chết có phải là…hết hay không ? Nếu chết quả thực là hết chuyện  có nghĩa không có đời sau, kiếp sau gì nữa  thì việc  con người  muốn có cho mình một cái chết êm dịu, mau chóng thoát khỏi nỗi khổ đau thì đương nhiên khỏi cần tranh luận, bàn cãi làm gì  cho thêm rắc rối ?

Thế nhưng sự thật không phải vậy có nghĩa chết không phải… hết  và  cũng chính từ đó người ta đã đặt ra vấn đề an tử, trợ tử gây ra cuộc tranh luận giằng co bất phân thắng bại  giữa bên ủng hộ và bên chống xoay quanh cái gọi là…quyền được chết !!!

Thuật ngử “ An Tử” ( Euthanasia ) có nguyên nghĩa trong tiếng Hy Lạp ( Eu  nghĩa là tốt hoặc cao quý. Còn thanatos là chết ) hiểu sát nghĩa là cái chết êm ái, mau chóng nhằm nói đến một hành vi làm cho chết cách tự nguyện nơi những người đau bệnh hay quá già yếu muốn được chết cách êm ái bằng cách uống hay chích một liều thuốc độc.

Những người muốn được chết cách êm dịu tránh khỏi khổ đau  như thế là vì cho rằng: Tại sao tôi phải chịu đau đớn trong nhiều ngày tháng để rồi cuối cùng cũng phải chết đang khi tôi có thể chọn cái chết thanh thản dễ chịu hơn hầu chấm dứt sự đau đớn vô ích ấy ?

Chọn cái chết hay trợ tử thì đó chẳng qua cũng là tự tử mà thôi đâu có gì khác ? Tuy nhiên đây là vấn đề đã và đang được đặt ra gay gắt trong nhiều quốc gia và cần được giải quyết bằng luật pháp và cả trong luân lý, đạo đức cách thỏa đáng.

Về phía ủng hộ và số này rất đông đảo lại mạnh thế đưa ra luận cứ có phần thuyết phục đó là: Quyền Tự Quyết. Họ cho rằng đây là quyền cơ bản của con người. Với quyền này, họ có thể tự do quyết định cuộc sống của mình không thể bị can thiệp và chi phối bởi người khác. Quyền tự quyết không chỉ có trong  những phạm vi của đời sống mà còn quyết định về chính vận mạng của mình tức quyền được chết ? Trong những trường hợp phải chịu đựng những đau khổ  tột cùng của bệnh tật vô phương cứu chữa thì lẽ dĩ nhiên người ta có quyền chọn cái chết để giải thoát cho mình khỏi khổ đau ?

Ngoài cái…quyền được chết của người bệnh, nó còn thể hiện lòng xót thương của những người thân trong gia đình khi làm cái việc…trợ tử ấy. Làm sao có thể đành để cho người thân của mình ( Cha mẹ, con cái…) sống trong đau khổ chờ đợi cái chết đến trong vô vọng ?.

Về phía…ủng hộ đã vậy, còn phía phản đối thì giáo hội Công Giáo lập luận  cho rằng chỉ Thiên Chúa mới có quyền tuyệt đối trên thân phận con người: “ Vì trong Ngài, chúng ta sống và tồn tại” ( Cv 17, 28 ).

 Dù ủng hộ hay phản đối cái gọi là…quyền được chết ấy thì rút cục người ta vẫn chưa nhận ra được ý nghĩa của cái chết và sự đau khổ do cái chết  đem lại. Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của cái chết và đau khổ, chúng ta không thể không viện dẫn đến Nghiệp.

 Con người ta ai cũng phải chết  đó là lẽ đương nhiên. Thế nhưng cái chết xảy đến cho mỗi người lại không giống nhau cả trong thời gian lẫn không gian. Có người già lão chết trên giường bệnh trong tiếng khóc thương của con cháu nhưng lại có người trẻ tuổi chết vì tai nạn giao thông thảm khốc, người nhà chẳng ai biết đến. Có người chết vì đói khát nhưng có người lại gục chết trên bàn nhậu vì say sưa quá chén. Có người chết cho một lý tưởng cao quý nào đó nhưng có kẻ lại chết vì tội trộm cắp bị người ta đánh đập v.v…và v.v…

Mỗi  cái chết đều có sự khác biệt nhưng chung quy tất cả đều do  Nghiệp và nghiệp đó lại không ai hay thế lực nào gây nên ngoài ra là chính mình. Bởi vậy, Truyện Kiều  có câu:

“ Sư rằng phúc họa đạo trời

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra

Có trời mà cũng tại ta

Tu là cõi phúc, tình là giây oan”

Tất cả là do ở nơi Nghiệp, vì thế không ai có thể trốn thoát khỏi nó, gây nhân nào sẽ chịu quả báo đó. Nhận ra như thế để cho thấy những nỗi đớn đau dằn vặt do bệnh tật hay hoàn cảnh trái ngang nào đó gây ra đó chẳng phải do Nghiệp hay sao ?

Can đảm chống chọi với bệnh tật khổ đau đó chính là người đã dám nhận lấy hậu quả việc mình làm. Mặt khác khổ đau cũng có cái giá trị vô song của nó. Đạo sư Tây Tạng Sogyal Rinpoche nói: “ Sự đau đớn, buồn phiền mất mát và đủ thứ bất mãn vô tận ở trong cuộc đời, thực sự chỉ có một mục đích  đáng kể duy nhất là: Đánh thức chúng ta tỉnh dậy, giúp ta có thể, gần như bắt buộc ta  phải bứt ra khỏi chu kỳ sinh tử và nhờ thế  bung ra được ánh vinh quang đang bị vây hãm trong ta” ( Tạng Thư Sống Chết ).

Có suy tư về giá trị của khổ đau như thế, chúng ta mới thấy được cái phúc  quý giá được làm người, hơn nữa lại còn  làm con cái Chúa. Thật vậy, trong số muôn ngàn sinh linh chúng ta được  mang thân người giống như  con rùa mù ở dưới đáy biển, trăm năm mới trồi lên một lần lại lọt vào được cái vòng bằng gỗ có lỗ trôi nổi trên  mặt biển bao la sóng vỗ.

Một khi đã nhận chân được giá trị lớn lao của khổ đau thì lẽ dĩ nhiên cần phải thấy được ơn phúc mà nó đem lại. Thánh Teresa Hài Đồng Giê Su, một vị Thánh của Tình  Yêu cũng đã chịu nỗi khỗ đau trong khi lâm cơn hấp hối: “ Lúc tảng sáng, trinh nữ nhìn tượng Đức Mẹ mà nói chuyện cùng chị em về đêm sau hết ở chốn khách đày rằng:

Ôi ! Tôi đã cầu xin Đức Mẹ rất sốt sắng nhưng đây là cơn hấp hối rồi, chẳng được chút gì an ủi ! Tôi không thở được không khí thế gian nữa, bao giờ tôi mới được hô hấp không khí Thiên Đàng ?

Nói mấy lời như thế rồi, bỗng dưng Teresa ngước mắt lên như có tiếng nhiệm gọi. Người mở mắt ra, gương mặt sáng láng bình an, vui vẻ lạ thường, đôi mắt cứ đăm đăm nhìn lên phía trên ảnh Đức Mẹ lâu bằng thời gian đọc Kinh Tin Kính. Đoạn linh hồn thánh ấy trở nên mồi ngon cho Phượng Hoàng  Cực Thánh  tha về Tổ Phước Thiên Đàng” ( Trích Một Tâm Hồn )./.

Phùng  Văn  Hóa

Bài chia sẻ với Linh Mục Tiến Sĩ Trần Mạnh Hùng STĐ

 

 

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts