Trong cái chết

Hãy nhớ rằng, cái chết không trì hoãn đâu và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết“ (Hc 14,12).

Mỗi ngày sống là chúng ta đang đi dần đến cái chết. Không ai tránh khỏi được cái chết. Cái chết đến bất cứ lúc nào, bất cứ trường hợp nào, bất cứ ở nơi đâu, bất cứ ra sao, không ai có thể biết được.

Một Kitô hữu đích thực phải vâng theo thánh ý Chúa nhận lấy cái chết của ta. Chúng ta sẽ chết, đó là một chuyện đương nhiên không ai là không biết và là một quyết định không ai có thể kháng cự được. Chúng ta sẽ chết vào ngày nào, giờ nào, chết ra sao, như thế nào là do thánh ý Chúa muốn. Ngài đã định cho ta, ta phải vui nhận vì đó là cái chết hợp với ý của Ngài.  Đức Giám Mục Olivero nói về cái chết một cách rất lạc quan: “Một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ ngừng thở, nhưng tình cảm của chúng ta sẽ vẫn còn và sự chăm sóc của Thiên Chúa sẽ không dừng lại ngay cả khi ấy”.

Thánh Nữ Gertrude cũng có ý nghĩ thật lạc quan và tin tưởng phó thác với tình yêu Chúa nồng nàn: “Tôi tin chắc rằng sự dọn mình chết tốt nhất và chắc chắn nhất để chết lành là tuân phục ý Chúa muốn”.

Một hôm cùng đi chơi trên đồi với các chị em, mọi người đang leo lên dốc đồi, bà bị trượt chân, té lăn xuống dưới thung lũng. Khi chỗi dậy thấy mình an lành, không bị thương, không trầy trật gì cả, bà cười tươi và cùng các chị em vui vẻ trèo đồi tiếp tục, bà nói: “Lạy Chúa đáng mến, thực là phúc lớn cho con, nếu cái ngã vừa rồi giúp con đến với Chúa sớm hơn”.

Các chị em đứng chung quanh lấy làm ngạc nhiên lắm. liền hỏi, lúc đó bà không sợ chết mà không được chịu các phép sau hết sao? Thánh Gertrude trả lời: “Thực tôi hết lòng ước ao được chịu các Bí Tích trong giờ sau hết, nhưng tôi còn yêu mến thánh ý Chúa hơnCho nên cái chết mà Chúa muốn cho tôi, để về cùng Ngài là cái chết tôi mong ước và tôi tin rằng, được sửa soạn như thế, thì dù chết cách nào, sự thương xót Chúa cũng đến giúp tôi”.

Sự chết dạy chúng ta sống như thế nào? Niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, để sống đời tạm này cho đẹp lòng Chúa bằng cách yêu thương nhau và thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Chúng ta được Thần Khí Chúa thúc đẩy ta can đảm vượt qua những đau khổ gặp phải, vì đó cũng chính là hồng ân Chúa dùng để thanh luyện linh hồn mình, để mình cùng với Chúa Giêsu qua những đau khổ mà vào vinh quang với Ngài. “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Ngài” (“Tm 2,11-12).

Chúng ta phải nên tránh những đam mê hạnh phúc giả tạo đời này như tham lam, thích giàu có, thích có địa vị, thích hưởng thụ, thích người đời tâng bốc, sống dối trá và che đậy, không thanh thật, khinh ghét kẻ khó nghèo  v.v… Những cái thích này không bao giờ hợp với đường lối của Chúa.

Những cái thích và hợp của con người mà đẹp lòng Chúa là hiền lành, khiêm nhường, thương người, bác ái, chia sẻ, chịu khó, nhẫn nhục, yêu thương, thật thà, trung tín, trong sạch, ủi an, ngay thật, công chính …  Mỗi ngày chúng ta sống phó thác và nguyện cầu cùng Lời Ngài dưới ánh sáng của Thần Khí Chúa thì chúng ta phó thác đời sống mình cho Chúa, để Chúa muốn như thế nào trong kế hoạch của Chúa trên chúng ta, chúng ta cũng bình an, bình tâm chấp nhận.

Có những cái chết can đảm vì yêu Chúa của các Thánh Tử Đạo, cũng có những cái chết tỏ lộ tình yêu thương kính trọng Thầy Giêsu sâu thẳm như của Thánh Phêro, ngài xin được đóng đinh ngược trên thâạp giá để tôn vinh Thầy của mình.

Có cái chết tức tưởi đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá, thì cũng có cái chết âm thầm can đảm từng ngày của Mẹ Maria. Cái chết trên thập giá là một sự cho đi hoàn toàn, cho hết… trao hết…cho nhân loại…  đến tận cùng,  để Ngài trở nên nghèo hèn chỉ vì YÊU. Tình yêu của Chúa Giêsu cần có sự hy sinh, sự mất mát, sự chết đi, để bày tỏ tình yêu cho loài người, bởi sức mạnh và quyền năng của Chúa Cha.

Cái chết âm thầm của Mẹ Maria kể từ khi cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng, mẹ sống từng ngày trong âm thầm, suy đi nghĩ lại về mầu nhiệm trinh thai, cầu nguyện cho thai nhi và xin Cha ban cho Mẹ có can đảm chu toàn sứ mệnh cao cả Cha giao phó. Mẹ đã chết vì đau đớn tủi phận biết bao nhiêu:

  • Khi thụ thai con thì bị người phối ngẫu hồ nghi.
  • Khi sắp sinh con thì phải bôn ba về quê chồng để làm sổ bộ.
  • Khi tới giờ sinh thì không nhà trọ nào chấp chứa
  • Phải sinh con nơi hang lừa bò.
  • Mới sinh con xong thì đã phải bôn ba chạy trốn vì sợ con trẻ sẽ bị giết
  • Sau đó lại bôn ba trở về bằng cách đi qua đường biển để bảo vệ con trẻ, chứ không dám đi về đường cũ.
  • Những ngày cuối đời của Chúa Giêsu, Mẹ âm thầm lẽo đẽo đau khổ theo con, chết từng khúc ruột vì yêu thương con  trên bước đường vác cây thập tự lên Núi Sọ.
  • Chết cả tâm hồn lẫn thể xác não nuột khi chứng kiến con mình, suốt  mấy ngày trời bị lên án oan khiên, đói khát, bị đánh đập cho thân tàn máu me đầy mình, đau đớn đóng đinh treo trên thập giá.
  • Cảm nếm và thương xiết bao với lời nhắn nhủ, khi Chúa Giêsu trao gởi phó thác Mẹ mình cho Gioan, môn đệ yêu quý nhất.
  • Đau khổ biết bao khi Mẹ ôm xác con mình trên đôi tay đã bao ngày rã rời đau đớn với nỗi đắng đót của con trong tim Mẹ.

Tất cả những cái chết đi âm thầm mà thâm trầm của Mẹ Maria từ tâm hồn đến thể xác lặng lẽ chôn dấu trong trái tim tan nát vì YÊU. Mẹ âm thầm nuốt nước mắt vào trong cung lòng, nơi đã từng cưu mang Đấng Cứu Thế.

Xin mượn lời Thánh Anphongsô Maria để kết thúc như một lời nguyện: “kẻ nhận lấy cái chết một cách nhẫn nhục hoàn toàn, thì được công nghiệp giống như công nghiệp cácThánh tử đạo là những vị đã tự ý hiến mạng sống mình vì Đức Chúa Giêsu. Hơn nữa, người đó chết vui vẻ và thỏa mãn, dù ở giữa những nỗi đau đớn mãnh liệt nhất.”. Amen.

Elisabeth Nguyễn (24.6.2020)

Chia sẻ Bài này:

Related posts