Nước Thiên Đàng và sự từ bỏ

        Nhân viên y tế Anh phát hiện 39 thi thể  đã chết cóng trong container trên chiếc xe tải đậu tại khu công nghiệp Waterglade ở Grays, Essex phía đông thủ đô Luân  Đôn  ngày 23/10/2-19. Tin này nhanh chóng được loan đi khắp thế giới  và đã khiến  đặt ra nhiều vấn đề cũng như nguyên nhân đưa đến thảm kịch đó.

          Thoạt đầu tin cho biết đó là 39 người  Trung Quốc. Nhưng chỉ ít lâu sau lại nói có tới 90% là người Việt mà đa phần thuộc hai tỉnh  Nghệ An và Hà Tĩnh là những miền được xếp vào loại nghèo đói kinh niên….

          Vì lý do nghèo đói, con người ngày nay khắp nơi  chứ không riêng gì Việt Nam đã phải rời bỏ quê hương xứ sở để tìm cho mình một…con đường sống dù phải trải qua bao gian lao nguy hiểm kể cả đến mất cả mạng sống.

          Trường hợp những con người chết oan khuất trên chiếc container  đông lạnh  tại nước Anh xa xôi  ấy, đó chỉ là một trong vô số những tai nạn diễn ra  đó đây hàng ngày, hàng đêm  khi con người phải  liều mình ra đi  để  hy vọng tìm cho mình và gia đình  một  cơ hội thoát khổ.

          Những cái chết trong tức tưởi như thế đã đánh động lương tâm nhiều người. Cha Simon nguyễn, một linh mục người Việt sống tại Anh kêu gọi những người dân ở những vùng nông thôn ở Việt nam không nên liều mạng thực hiện những chuyến đi nguy hiểm như vậy để đến Châu Âu với hy vọng đổi đời. Cha nói: “ Rất nhiều người  đến đây bằng xe vận tải. Lúc nào tôi cũng nói  với mọi người rằng rủi ro lắm. Do đó phải suy nghĩ kỹ mới quyết định. Mỗi lần về Việt Nam, trên tòa giảng  tôi cũng khuyên mọi người là không nên đi như  vậy. Vì dù có nghèo, cuộc sống ở đó có khó khăn nhưng còn đỡ hơn là bỏ mạng ở xứ người” ( Nguồn Vietcatholic. News –  30/10/2019 – 39 người chết  trong xe vận tải ở Anh. Tại sao người Việt Nam liều mạng ?

          Lời khuyên nhủ của cha Simon Nguyễn không những đáng để cho những ai còn mang ý định  liều mạng ra đi như thế  nhưng còn là cho chúng ta  những người Công giáo còn có niềm tin vào cuộc sống vĩnh cửu đời sau.

          Có thể nói những người ra đi và chết trong tủi nhục như thế  thật là đáng thương. Nhưng nếu trong số đó còn có cả những người Công giáo nữa  lại còn đáng xót thương hơn nữa. Lý do là vì những con người ấy quả thật là đã không đặt nền tảng đời mình trong một đức tin chân thật.

          Như đã biết đức tin chân thật của người Công giáo dựa trên nền tảng của bốn sự sau hết ( Novissimus ): Chết. Phán Xét. Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Con người ta rồi ra ai ai cũng phải chết. Chết rồi sẽ đi  đến trước Tòa Phán Xet. Kẻ lành được lên Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa đời đời. Kẻ dữ phải phạt trong Hỏa Ngục muôn kiếp.

          Đức tin Công giáo vốn dĩ là như thế. Nhưng nay trong thời Tục Hóa, hầu như  đức tin ấy kể như đã  biến mất. Nước Thiên Đàng bị tục hóa để trở thành một thứ…Nước Trời trần gian: “ Loan báo Tin Mừng cũng là một thành phần của công trình giải thoát. Nội dung của nó là Nước Thiên Chúa  đã đến, đến cho người người nghèo khổ và bị áp bức. Nền tảng của nó là các mối phúc ( Lc 6, 20 ). Nước  Thiên Chúa này ở ngay giữa thế gian khi người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức thoát ách khốn khổ…

          …Lời rao giảng của Đức Giê Su về Nước Thiên Chúa làm cho người ta hy vọng. Nhưng lúc ấy niềm hy vọng này không liên quan gì đến cõi trời, ít nhất  được hiểu như một cõi hạnh phúc ở đời sau. Vì sao ? Vì trời là của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa ngự. Con người không thể tới đó được. Sauk hi chết người ta phải vào She’ol, thế giới dưới mặt đất. Nơi đây chia thành hai khu vực, một dành cho người lành một cho người xấu ( Lc 16, 23 -26 ). Niềm tin của Ki Tô Giáo vào cõi trời chỉ bắt nguồn từ sau cái chết của Đức Giê Su vì nghĩ rằng Ngài đã được đưa lên ngự bên hữu Thiên Chúa…

          … Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi  người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị  có tường thành bao quanh” ( Albert Nolan – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô Giáo. Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su Lịch Sử ).

          Có sự thực này là thần học hiện nay bởi là Duy Lý thế nên không có cách chi hiểu được tính chất mầu nhiệm của Nước Thiên Đàng và vì thế nên mới ngang nhiên phủ nhận  cho rằng: “ Niềm tin của Ki Tô Giáo ( Sic )vào cõi trời chỉ bắt nguồn  từ sau cái chết của Đức Giê Su vì ..nghĩ rằng Ngài đã được đưa lên ngự bên hữu Thiên Chúa !!!

          Thật ra niềm tin vào Nước Thiên Đàng hiểu như  Đất Hứa  thì niềm tin ấy  đã bắt nguồn từ thời  Cựu Ước xa xưa: “  Đức Giê hova có phán cùng Apram rằng: ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng  bà con và nhà cha ngươi  mà đi  đến XỨ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi  nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi  cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).

          Qua trình thuật Kinh Thánh này cho thấy  Thiên Chúa không hề…ban XỨ mà chỉ đưa ra lời hứa rằng sẽ CHỈ  cho  cái nơi ( Xứ ) mà tổ phụ sẽ được vào đó sau khi đã  từ bỏ quê hương, xứ sở, an hem họ hàng…

          Sự CHỈ  cho ( mạc khải ) cái XỨ  sẽ được …vào đó  đã diễn ra trong suốt cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa  và nó chỉ thực sự được khai mở  trong thời Tân Ước với Đức Ki Tô: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan ( Baptist ) là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Chúa nói: Ai nấy phải nỗ lực mà vào  thì cái việc…vào ấy chỉ có thể  là quay trở về nơi nội Tâm  của chính mình. Lý do cần quay về nội tâm  bởi vì đó là nơi Đấng Cha ngự trị. Đồng thời cũng là cõi Thiên Đàng mà người Công Giáo chúng ta vẫn luôn trông chờ, hy vọng.

          Có nhận ra như thế chúng ta mới  biết được tại sao Đức Chúa Giê hova lại đòi hỏi tổ phụ Apraham  phải từ bỏ quê hương xứ sở đển đi đến XỨ mà Ngài sẽ CHỈ cho ?

          Dứt bỏ quê hương, xứ sở chỉ vì lời hứa sẽ…chỉ cho đó là điều  rất khó để thực hiện. Tuy nhiên cũng chỉ vì hết lòng tin và cố gắng thực hiện lòng tin ấy mà Apraham đã trở nên tổ phụ của những kẻ có đức tin: “ Vậy anh em phải biết rằng, kẻ nào có đức tin, ấy là con cái của Apraham” ( Gal 3, 7 ).

          Đức tin ở đây là tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa. Lời hứa ấy cũng là để dành cho những kẻ có lòng ước nguyện được vào Nước Thiên Đàng  mà Đức Ki Tô đã sắm sẵn cho những ai có lòng tin nơi Ngài ( Ga  14, 1 -3 ).

          Để ý sẽ thấy  trong hầu hết Kinh Nguyện Công Giáo trước đây tất cả đều  nói lên ước nguyện và lòng cậy trông sẽ được Chúa ban thưởng Nước Thiên Đàng: “ Con trông cậy vững vàng  vì công nghiệp Chúa Giê Su thì Chúa sẽ ban cho con giữ đạo nên ở đời này cho ngày sau được lên Thiên Đàng xem  thấy mặt ĐCT hưởng phúc đời đời vì Chúa là Đấng phép tắc  và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen.

          Những kinh nguyện ấy tuy đơn sơ dễ đọc dễ hiểu nhưng chứa đựng một ý nghĩa vô cùng sâu xa. Thế nhưng trong đời sống thực tế  của người gọi là…có đạo hôm nay  cho thấy những kinh nguyện ấy chỉ có ở ngoài môi miệng  chứ không xuất phát từ ở nơi Tâm. Sao có thể nói thế ? Bởi vì  nếu ước nguyện ấy thực sự phát xuất từ ở nơi Tâm  thì  cần gắn liền với  yếu tố Nguyện trong cầu nguyện.

          Chính cái lòng ước nguyện được về sống bên Chúa, bên Đức  Mẹ cùng chư thần thánh trên trời sẽ khiến cho ta dễ dàng sống đời từ bỏ có nghĩa  không bị lôi kéo vào những thú vui trần tục và theo ý riêng mình.

          Bao lâu chưa  có sự từ bỏ  thì ước nguyện về Thiên  Đàng vẫn chỉ là giả dối không thật. Tại sao ? Bởi vì Thiên Đàng  là Thực Tại Tâm chẳng những giác quan không thể cảm nhận mà lý trí cũng không thể suy lường.

          Một đàng Thiên Đàng không thể cảm nhận bằng giác quan. Một đàng  con người  nếu  chỉ tìm kiếm sự hưởng thụ giác ( ăn uống, dâm dục….) thì sẽ không thể nào có được đức tin nơi sự hiện hữu của Thiên Đàng.  Mặt khác  đối với lý trí cũng vậy, bởi vì lý trí luôn là sự phân biệt. Đang khi đó Thiên Đàng là Thực Tại  chúng ta chỉ có thể đạt đến với tâm vô phân biệt.

          Như vậy, ước nguyện về Thiên Đàng  chỉ có thể thành tựu  với đức tin và lòng cậy trông  nơi Chúa bằng cách….Bỏ Mình đi “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại  được. Bởi chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? ( Lc 9, 23 -25 ).

          Muốn cứu lại mất. Bỏ đi lại được. Đây là nghịch lý của  Đạo Chúa và nghịch lý ấy trong thời đại hiện nay  rất ít người muốn hiểu và càng ít hơn nữa khi đi vào thực hiện. Thế nhưng nếu Lời Chúa quả là lời hằng sống  thì nhất định cần được thực hiện và chỉ khi nào đem Lời Chúa áp dụng vào trong chính đời sống mình  bằng cách từ bỏ thì đó mới thực là Lời Hằng Sống./.

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts