Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23):
“…Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
Một tác giả châu Phi, thế kỷ VI giảng rằng: Các Tông Đồ đã nói mọi thứ tiếng. Như thế, lúc bấy giờ Thiên Chúa đã muốn biểu lộ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, để ai đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần thì nói được mọi thứ tiếng…Bởi vì lúc đó đức ái mới sắp sửa quy tụ Hội Thánh của Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu lại, mà một người duy nhất được lãnh nhận Thánh Thần đã có thể nói mọi thứ tiếng thì ngày nay, khi đã được Thánh Thần quy tụ, Hội Thánh duy nhất cũng nói được mọi thứ tiếng. Vì thế, nếu có ai hỏi người nào trong chúng ta: “Bạn đã lãnh nhận Thánh Thần, tại sao bạn không nói mọi thứ tiếng ?”, thì phải trả lời: “Tôi đang nói mọi thứ tiếng đây, bởi vì tôi ở trong thân mình Đức Ki-tô tức là trong Hội Thánh, mà Hội Thánh đang nói mọi thứ tiếng.
– Những lời trên đây giúp chúng ta hiểu biết thêm về Chúa Thánh Thần, và hiểu thêm về bài đọc 1 sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2, 1-11), tường thuật Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ, Đức Trinh Nữ Maria, vài người phụ nữ và anh em của Đức Giêsu, khi họ họp nhau tề tựu cầu nguyện, dâng lễ.
+/ Ý Chính Tin Mừng (Ga 20, 19-23). Chúa Ki-tô Phục Sinh đã hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an và niềm vui. Sau đó Người sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ vụ, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các ông được hiệp thông quyền năng của Thánh Thần để tha tội hay cầm giữ tội của người ta, tùy theo họ tin hay không tin vào lời rao giảng của các ông.
+/ Có ba nét đặc trưng của đoạn Tin Mừng hôm nay đáng được nhấn mạnh hơn:
- Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi. Vào ngày này, cộng đoàn nhỏ bé này hình thành Giáo Hội của Đức Giê-su. Ngài ủy thác cho họ sứ mạng là tiếp tục sự nghiệp của Ngài: Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em,và
Ngài thổi hơi trên các ông: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Như vậy, Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Cuộc sáng tạo mới. Đức Giê-su thổi hơi trên các tông đồ, lập lại cử chỉ của Đấng Sáng Tạo, Đấng làm sinh động con người bằng cách thổi hơi sự sống của chính mình vào con người. Động từ được thánh Gio-an sử dụng, cốt yếu là đánh dấu một cuộc sáng tạo mới, một thế giới mới được khai sinh. Đức Giê-su làm cho các môn đệ của Ngài trở thành nhân tố của nhân loại được tái sinh. Ngài tái tạo họ và tăng cường họ bằng cách thổi Thần Khí của Ngài trên họ, Ngài ban cho họ quyền tha thứ tội lỗi. Ngài đã hứa với họ: máu của Ngài đổ ra để tha thứ tội lỗi. Đó là sự phong nhiêu của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
- Biến cố Ngũ Tuần và biến cố Phục Sinh. Thánh Gio-an luôn nhắm đến việc tuôn đổ Thánh Thần như nối kết với biến cố Phục Sinh. Lễ Ngũ Tuần kín đáo và thân tình này mà Tin Mừng Gioan giữ lại, chỉ là khúc dạo đầu của Lễ Ngũ Tuần ngoạn mục, ở đó tác động Thần Khí sẽ biến đổi ngay tức khắc các môn đệ. Tuy nhiên, khi đặt biến cố Vượt Qua và biến cố Ngũ Tuần một cách nào đó bên cạnh nhau, thánh Gio-an nhấn mạnh sự duy nhất sâu xa của hai biến cố này. Hai ngày đại lễ được nối kết trong Do thái giáo. Đến phiên mình, thánh Gioan khẳng định sự bền vững của chúng trong viễn cảnh mới.
+/ Ở đây, chúng ta suy niệm hai vai trò của Chúa Thánh Thần, được nói tới trong Tin Mừng hôm nay là: Thần Khí Bình An và Thần Khí Tha Tội.
1. Thánh Thần bình an. Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói: Bình an cho anh em.Lời chào bình an mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ hôm nay, gợi lại hình ảnh các tổ phụ xưa và phong tục người Do Thái dùng để chào nhau khi gặp gỡ. Bình an cũng là sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giê-su đem
xuống nhân loại qua lời hát của thiên thần: Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Và nay, khi trao ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giê-su cũng dùng chính sứ điệp: Bình an cho anh em.
– Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là sứ giả của hòa bình và chính là sự hòa bình đó. Chúa Giêsu thổi hơi vào các tông đồ và nói: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Đây là hơi thở sáng tạo của thuở ban đầu, biến đổi hoàn toàn con người cũ của các tông đồ. Để từ đây, dưới tác động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần, các tông đồ ra đi khắp cùng thế giới để rao giảng và tha tội cho các tội nhân, kết hợp họ thành một cộng đoàn những người tin vào Chúa Kitô phục sinh. Chính tác động của Chúa Thánh Thần nối kết các tội nhân, sau khi đã tha tội, để làm nên một cộng đoàn những kẻ tin vào Chúa Kitô phục sinh.
2. Thánh Thần tha tội. Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. Công thức xá giải trong bí tích Giao Hòa được vị linh mục đọc như sau: Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và BAN THÁNH THẦN ĐỂ THA TỘI.
– Như thế, một trong những vai trò của Chúa Thánh Thần dành cho nhân loại chính là tha tội. Năng quyền tha tội này Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ, và các đấng kế vị các ngài, khi người thổi hơi vào các môn đệ và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do Thái ám chỉ đến việc cầm buộc ma quỷ trong khi trừ quỷ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông, và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý.
– Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần, nhưng người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của các vị đại diện. Ơn Cứu Độ từ đức Kitô qua Giáo Hội của người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô. Theo nghĩa rộng, việc cầm giữ cũng là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, giúp mọi Kitô Hữu mở cửa bước vào kho tàng ân sủng của Chúa. Đóng hay mở ơn cứu độ phụ thuộc vào việc mở ra hay khép kín của lòng người.
– (1 Cr 12, 3b-7, 12-13), bài đọc 2, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng những đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội làm chứng sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, đều đón nhận những ơn của Thánh Thần, vì chỉ có một Thánh Thần để làm nên một thân thể nhiệm mầu của Hội Thánh.
– Theo thánh Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri-a: Thánh Thần ngự trong ai thì Người biến đổi kẻ ấy để họ sống một nếp sống khác và phục hồi họ trong cuộc sống mới./ Vai trò của Thánh Thần trong Giáo Hội theo Hiến chế tín lý Ánh sáng muôn dân, của Công Đồng Va-ti-ca-nô II về Giáo Hội: Thần Khí ở trong Giáo Hội và trong lòng các tín hữu như trong đền thờ; nơi họ, Người cầu nguyện và làm chứng họ là nghĩa tử của Thiên Chúa. Thần Khí dùng phẩm trật và các đặc sủng khác nhau mà dạy dỗ, hướng dẫn và điểm tô Giáo Hội bằng hoa trái dồi dào; đồng thời dẫn Giáo Hội tới sự thật toàn vẹn và làm cho nên hợp nhất trong tình hiệp thông và trong việc phục vụ.
– Sau hết, với lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, Kitô Hữu được mời gọi cầu nguyện và xây dựng sự hòa bình, hiệp nhất và hiệp hành trong cộng đoàn, để góp phần cho quê hương đất nước và thế giới được phồn vinh thịnh vượng. Để được như vậy, phải sớm hoán cải, phải thay đổi tư duy nếp nghĩ cũ và sai trái, phải dốc lòng chừa tội, phải cầu tiến, phải kiên trì cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của người. Amen
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga