ĐÁM CƯỚI Ở CANA

Tại Cana, miền Galilê, Chúa Giêsu cùng với các môn đồ và mẹ ngài tham dự một đám cưới. Vì thiếu rượu, nên Chúa Giêsu, không để cho các khách mời và cô dâu chú rể biết, đã yêu cầu gia nhân đồ nước đầy các bình đựng, và nước này trở thành rượu rất ngon, với số lượng lớn. Đây là “dấu chỉ” hoặc “công trình” đầu tiên (đây là những từ mà Gioan đặt cho các phép lạ) của Chúa Giêsu.                                                 

Đám cưới tại Cana: vị trí địa lý.

Cana, từ tiếng Do Thái qaneh , nghĩa là “cây sậy”. Là một địa phương nhỏ của miền Galilê, vị trí của Cana vẫn chưa được xác định chắc chắn, một số người đặt nó ở Kafr Kanna 8 km về phía bắc Nazareth, nhưng có vẻ phù hợp hơn khi đặt nó 14 km về phía bắc Nazareth, ở Khirbet Qana trong  môi trường đầm lầy, vì điều này có thể biện minh cho nguồn gốc của tên gọi “cây sậy” của nó. 

Đám cưới tại Cana: ý nghĩa của bản văn.

Lễ cưới Cana này có ý nghĩa gì khi Chúa Giêsu chịu làm theo lời yêu cầu của Mẹ Ngài, vì trong một bối cảnh khác, càng làm theo lời yêu cầu này, thì càng không đáng, vì điều đó có nguy cơ khiến cho khách mời say xỉn?

Qua một hành động mang tính biểu tượng, việc Thiên Chúa tỏ lộ đã thành hiển hiện, sẽ mang lai sự gắn bó của những kẻ ngoan cố sau cùng vốn đang bị nhốt chặt trong những nghi ngờ của họ: phép lạ Cana kết thúc cùng với sự gắn kết của các môn đệ, những người “tin vào Ngài”.

Tại Cana này, Chúa Giêsu không dạy bằng lời nói, mà bằng hành động. Ngài biểu lộ sức mạnh thần linh. Tất cả sức mạnh của trình thuật này nằm ở cử chỉ, kèm theo một vài lời nói.

Đoạn văn nói về Cana là một thời gian lễ hội, trong đó Chúa Giêsu làm biến đổi nước thành rất nhiều rượu. Đó thực sự là một lễ cưới, trong đó một biến cố quan trọng diễn ra, ở dây là việc Thiên Chúa tỏ mình ra, giống khi Chúa chịu phép Rửa hoặc khi Chúa hiển dung trên núi Tabor.

Đằng sau khía cạnh vật chất của nước và rượu, toàn bộ điều cơ bản đã được trình bày ở đây. Đầu tiên, chúng ta quan sát phản ứng của Chúa Giêsu trước lời thỉnh cầu của Mẹ Ngài, nói theo cách loài người, dường như  hơi quá một chút. Thật vậy, Mẹ thúc giục Ngài phải cho Mẹ thấy điều mà dường như Ngài không muốn thực hiện, ít nhất là không thực hiện sớm như vậy.

Môsê, để thuyết phục Pharaoh cho dân Israel ra khỏi Ai cập, đã khiến nước sông Nile thành máu (Xh 7,14-25). Ở đây, Chúa Giêsu được trình bày như một Môsê mới.

Một khía cạnh khác của rượu nho đáng được đề cập đến là khía cạnh bữa tiệc. Quả thực không thể có lễ kỷ niệm mà không có rượu nho.

“Hãy rót nước vào rượu của bạn” là câu nói ngày xưa người ta thường nói với nhau khi cùng uống rượu. Trong thời cổ đại, rượu nho là một sản phẩm xa xỉ. Trong thực tế bấy giờ, những chiếc máy ép nho không phải là thứ mà chúng đã trở thành như ngày nay với việc cơ giới hóa. Những người thợ ép nho bận rộn suốt ngày đêm để chiết xuất nước ép từ những trái nho bị nghiền nát. Sau thời gian lên men, nước ép nho, có chất tanin tạo vị chát hay không là tùy ý, được đóng vào trong các chum, như vậy: người ta có thể hiểu tại sao, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu lại cho thêm nước vào rượu của Ngài. Đó không chỉ là một biểu tượng. Đó còn là một khía cạnh thực tế: rượu không thể uống được mà không cần thêm nước. Rượu do các nhà làm rượu thời xưa sản xuất có độ cồn cực cao, có tính chất sát trùng mạnh, như người ta thấy trong dụ ngôn người Samaritanô nhân lành: “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại” (Lc 10, 30-35). Ngày nay không còn như vậy nữa! 

Trong Cựu Ước, đặc biệt là nơi các tiên tri, chúng ta tìm thấy rượu nho trong bữa tiệc của Đấng Mêsia: “Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Isaia 25: 6) hoặc trong các mô tả cánh chung “Ngày ấy, núi non sẽ tiết ra nước nho, đồi nương sẽ chảy sữa tràn trề” (Giôen 4: 18).

Vậy ý nghĩa của loại rượu chảy tràn trề đánh dấu bữa tiệc này là gì, ý nghĩa của niềm vui này là gì và ý nghĩa của các cuộc đoàn tụ vốn đã được chờ đợi từ lâu này là gì?

Sự tràn trề được đề cập trong các bản văn  kinh Thánh nhắc lại những ân huệ của Thiên Chúa. Tất cả sự tràn trề tìm thấy nguồn gốc của nó trong ân huệ mà Thiên Chúa thực hiện cho con người.

Qua một cử chỉ có vẻ rất bình thường, chính Chúa Kitô đã tỏ mình là Con Thiên Chúa. Dấu hiệu đầu tiên này của Chúa Giêsu kết hợp hai chất liệu riêng biệt thành một để làm phát sinh một phép lạ: nước biến thành rượu. Dấu hiệu này được đặt ở đầu cuộc đời công khai của Chúa Kitô đã gợi lên mầu nhiệm tột cùng của Chúa Giêsu Kitô trong bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài bị đóng đinh, nơi Ngài biến rượu thành máu.

Phép lạ này song song với phép lạ hóa bánh ra nhiều, đó là hình ảnh tiên trưng cho Bí tích Thánh Thể và một chuỗi các biến cố dẫn đến việc công nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.

Đám cưới ở Cana: các nhân vật chính

  • Chúa Giêsu Kitô

Trong cuộc hành trình qua miền Galilê và miền Giuđê, Chúa Giêsu được mời đến dự một đám cưới tại Cana thuộc xứ Galilê, vào ngày thứ ba sau khi Ngài hứa với Nathanael, một môn đệ quê Cana, rằng ông sẽ thấy những điều tuyệt vời xảy ra nếu ông bước đi theo Ngài: “Chúa Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Gioan 1:50).

Bữa tiệc này ở Cana khai mở cái được gọi là “cuộc đời công khai của Chúa Giêsu”. Vượt xa câu chuyện của ngày hôm nay, Gioan mời gọi chúng ta hiểu ra rằng cuộc sống của mỗi ngày như cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và nhân loại.

  • Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu

Được mời đến tiệc cưới, Mẹ hành động như thể Mẹ đang lo lắng bởi sự vô tổ chức của tiệc cưới. Vì vậy, Mẹ khuyến khích con trai mình hành động, dù vào một lúc chưa phải là lúc Thiên Chúa đã chọn để bày tỏ Đấng Kitô là Thiên Chúa Cứu độ, nhưng thẳm sâu trong lòng, Mẹ biết rằng con có thể can thiệp.

Chúa Giêsu bày tỏ sự khác biệt tồn tại giữa Ngài, là Con Thiên Chúa và Mẹ Maria. Chắc chắn, Mẹ là mẹ của Ngài, nhưng Mẹ không có mệnh lệnh nào phải đưa ra cho Chúa Giêsu hoặc can thiệp vào sứ vụ của Ngài. Chúa Giêsu không thiếu sự tôn trọng đối với Mẹ, nhưng Ngài cho Mẹ hiểu rằng Ngài hành động độc lập, chỉ dựa trên quyền năng của mình, và rằng khi thực hiện sứ mệnh của mình, Ngài không phụ thuộc vào bất cứ mối liên hệ tự nhiên nào.

  • Chú rể và cô dâu

Bằng cách tự mình đưa rượu cho khách, Chúa Giêsu thế chỗ chàng rể, vốn khá im lặng. Lời nhận xét của người chủ tiệc đối với chú rể, mà ông ta cho rằng có công giữ được thứ rượu ngon nhất đến phút cuối, dường như cho thấy rằng chính chú rể là người có trách nhiệm nhất định đối với chất lượng của rượu!

Ngoài ra, không thấy nói gì đến cô dâu. Khi chúng ta hỏi cô dâu đang ở đâu trong khung cảnh làng quê Cana này, thật khó mà trả lời … Gioan không mô tả cô ấy, không cho biết sự hiện diện của cô ấy. Manh mối này mời gọi chúng ta tìm kiếm chiều kích tâm linh mà Gioan muốn đưa vào câu chuyện của mình.

  • Người chủ tiệc, người quản lý

Điều đó gợi lại phong tục tổ chức bữa tiệc bằng cách chọn ra một người chịu trách nhiệm tính giờ để đưa ra thứ rượu kém ngon sau khi vị giác của thực khách bị giảm đi phần nào bởi những chén rượu đầu tiên. Nhưng ở đây, người chủ tiệc này nhầm lẫn khi cho rằng chính chú rể phải chịu trách nhiệm về chất lượng rượu được phục vụ cho đến lúc đó! Cũng chính người chủ tiệc này, vì không hay biết gì về “sự cố xui xẻo” và diễn tiến dẫn đến kết thúc êm thắm của vụ việc, nên lời nhận xét của ông là hoàn toàn khách quan và đáng tin: “Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Gioan 2: 10). Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, “vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt lành từ những sự dữ” (Thánh Tôma Aquinô).

  • Những người hầu

Là những người khiêm tốn nhất trên sân khấu, là các nhân chứng trực tiếp chứng kiến nước thay đổi thành rượu, là những diễn viên tham gia vào công việc đổ nước vào sáu chiếc bình đầy tới miệng, những người hầu làm theo lệnh của một bà khách bảo họ làm những gì một ông khách khác sẽ ra lệnh cho họ. Không thấy nói gì về đức tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô rốt cuộc như thế nào. Dù sao đi nữa,  những người hầu này, bất chấp sự bất thường của tình huống, vẫn tin tưởng làm theo và kín tiếng sau khi dấu chỉ nhiệm mầu được biểu lộ.

  • Các môn đệ

Với thánh sử Gioan, dấu chỉ được biểu lộ thường là điểm khởi đầu đức tin của các môn đệ Chúa Kitô. Chúa Giêsu vừa tiết lộ căn tính của Ngài cho họ. Các môn đệ bắt đầu bước vào đức tin:

Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Ngài. Các môn đệ đã tin vào Ngài” (Gioan 2: 11).

 

Phêrô Phạm Văn Trung,

phỏng theo chretienaujourdhui.com.

 

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts