CHÚA GIÊSU CHỈ ĐƯỜNG DẪN ĐẾN PHÚC THẬT

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu gọi Phêrô làm môn đồ của Ngài. Rồi, Chúa Giêsu đi rao giảng đó đây cùng Phêrô và các môn đồ khác. Luca tường thuật những hành động chữa bệnh – một người bị bệnh phong và một người bại liệt – và việc Ngài kêu gọi Lêvi, người thu thuế. Chúa Giêsu cũng trả lời những câu hỏi của những người Pharisêu về việc ăn chay và tuân giữ ngày Sabát. Trong những câu ngay trước bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu được cho là đã chọn 12 người trong số các môn đồ để làm tông đồ, làm Απόστολος,  là một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người được sai đi.”

Bài Tin Mừng hôm nay là phần mở đầu của bài thường được gọi là Bài giảng trên đồng bằng. Chúng ta tìm thấy một điểm tương đồng với đoạn này trong Mátthêu 5: 1-7,11 thường được gọi là Bài giảng trên núi. Như những tiêu đề này gợi ý, có những điểm khác biệt và tương đồng giữa các bài Tin Mừng này.

Khi gọi là Bài giảng trên núi như trong sách Tin Mừng của thánh Mátthêu, chúng ta có ấn tượng rằng Chúa Giêsu đang nói bằng uy quyền và giọng nói của Thiên Chúa. Đỉnh núi là biểu tượng của sự gần gũi với Thiên Chúa. Những người lên núi nhìn thấy Thiên Chúa và khi trở xuống họ nói Lời của Thiên Chúa cho dân; chúng ta nhớ lại câu chuyện về Môsê và Mười Điều Răn:

Ông Môsê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Thiên Chúa gọi ông và phán: “Ngươi sẽ nói với nhà Giacóp, sẽ thông báo cho con cái Israel thế này: Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel.”Ông Môsê về triệu tập các kỳ mục trong dân, trình bày cho họ biết tất cả những lời Thiên Chúa đã truyền cho ông” (Xuất hành 19: 3-7).

Luca giới thiệu nơi Chúa Giêsu rao giảng, đó là “một chỗ đất bằng”, cùng với các môn đồ và đám đông. Luca trình bày thẩm quyền của Chúa Giêsu dưới một góc nhìn khác: Ngài là Thiên Chúa ở giữa dân Ngài.

Một điểm khác biệt trong sách Tin Mừng của Luca là có đám đông người: “Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng” (câu 17). Nhưng theo Luca trình thuật thì bài giảng ấy trước hết là nhắm gửi đến các môn đệ của Chúa Giêsu, mặc dù trước sự chứng kiến ​​của đám đông trên “một chỗ đất bằng” (câu 17). Còn bài giảng trên núi của Mátthêu là gửi đến đám đông. Phù hợp với phong cách này, các Mối Phúc trong Tin Mừng Luca nghe có vẻ cá nhân hơn là những Mối Phúc trong Tin Mừng Mátthêu – Luca sử dụng từ “anh em” trong khi Mátthêu sử dụng từ “họ”. Cũng có sự khác biệt về số lượng: Mátthêu mô tả tám mối phúc; Luca trình bày chỉ bốn Mối Phúc, mỗi mối trong đó lại có một cảnh báo song song:

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.

Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” (Luca 6: 20-26).

Cách nói về các Mối phúc theo hình thức trình bày trong sách Tin Mừng của Luca và Mátthêu không phải chỉ có nơi Chúa Giêsu. Cách nói về các mối phúc cũng được tìm thấy trong Cựu ước, chẳng hạn như trong Thánh Vịnh: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa” (Tv 112: 1), “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình” (Tv 112: 5), “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Ngài” (Tv 119: 1-2) và trong sách Khôn ngoan: “Phúc thay người son sẻ mà tinh tuyền, không chung chạ bất chính” (Kn 3: 13), “Phúc cho hoạn nhân không làm điều bất chính, không suy tưởng nghịch cùng Đức Chúa” (Kn 3: 14).  Như thế các Mối phúc là một cách để dạy cho ta biết ai sẽ có được ân phúc của Thiên Chúa. Từ “Phúc cho” trong ngữ cảnh này có thể được dịch là “hạnh phúc dành cho…”, “may mắn dành cho…” hoặc “ưu ái dành cho…”.

Nhưng khi chúng ta lắng nghe đoạn Tin Mừng này của Luca, các Mối Phúc khiến chúng ta cảm thấy gai người. Những người nghèo khó, đói khát, khóc than, hoặc bị bắt bớ lại được gọi là những người có phúc. Đây thực sự là một Tin Mừng về sự đảo ngược. Những người thường được cho là đã bị Thiên Chúa lãng quên lại được gọi là có phúc. Trong danh sách những điều “khốn cho…”, những người mà chúng ta thường mô tả là được Thiên Chúa ban phúc lại bị cảnh báo về sự nguy hiểm của họ. Giàu có, của cải, tiếng cười, danh tiếng. . . đây không phải là những thứ mà chúng ta có thể dựa vào như là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng không chỉ không thực hiện được hứa hẹn của chúng, mà còn đưa đến cái chết của chúng ta nếu chúng ta đặt niềm tin sai chỗ vào những thứ đó. Mối nguy hiểm cuối cùng là xác định sai lầm nguồn gốc hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta.

Các Mối Phúc thường được mô tả như một khuôn thước cho đời sống Kitô hữu. Ơn gọi của chúng ta với tư cách là Kitô hữu không phải trở thành người đứng đầu trần thế này, nhưng là người đứng trước hết trong mắt Thiên Chúa. Chúng ta được thử thách để cân nhắc hoàn cảnh hiện tại của mình nhắm đến chân trời cuối cùng của chúng ta, là Vương quốc của Thiên Chúa. [1]

Bài Tin Mừng hôm nay của thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu nói một cách mạnh mẽ về các Mối Phúc. Những lời dạy này cho thấy Chúa Giêsu nhìn thấu suốt bản chất của đời sống con người, khác với cách công nhận theo thói thường của phàm nhân. Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm, các Mối Phúc không chỉ nói về người giàu hay người nghèo, vui hay buồn, đói hay no, v.v … Các Mối Phúc đó không tùy thuộc vào danh phận của chúng ta trong cuộc sống mà tùy thuộc vào phẩm giá của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cẩn thận lưu ý rằng bất cứ điều gì chúng ta đang sống, đang trải qua, nếu vì đức tin và tình yêu thương của chúng ta dành cho Thiên Chúa, thì chúng ta có phúc.

Thế gian chủ yếu nói đến những người giàu có, quyền lực, nổi tiếng và những gì tương tự và coi họ như những người có phúc. Trong khi những người ở phía đối ngược bị coi là những người đáng nguyền rủa. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự giàu có, quyền lực hoặc danh vọng đó đạt được một cách vô đạo, bất hợp pháp hoặc không xứng đáng? Trước mặt Thiên Chúa, những thứ này không phải là phúc lành gì cả. Bất cứ điều gì ngược lại huấn lệnh của Thiên Chúa không bao giờ là một phúc lành. Cũng vậy, những người nghèo khổ, đói khát, những người bị áp bức và những người giống như thế không đương nhiên là những người bị nguyền rủa. Những thứ bị coi là nguyền rủa này có thể là những phúc lành nếu chúng xẩy ra vì chúng ta trung tín với Thiên Chúa. Mối quan hệ với Thiên Chúa, chứ không phải địa vị thế gian của chúng ta, quyết định phúc lành. Phúc lành là luôn ở trong ân sủng và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Các Mối Phúc là chuyện cần thiết. Các Mối Phúc được dịch đầy đủ sang tiếng Philippines là “Mga Punong Kabanalan” nghĩa là những con đường dẫn chúng ta đến thiên đàng. Các Mối Phúc là những bước dẫn đến sự cứu độ. Vì vậy, điều quan trọng là phải xem Các Mối Phúc không phải là sự lên án danh phận hay địa vị xã hội của mỗi người mà là sự khích lệ và cảm hứng giúp mỗi người bước vào mối tương quan gắn bó và trung tín với Thiên Chúa. [2]

 

Phêrô Phạm Văn Trung phỏng dịch.

Chú thích:

[1] loyolapress.com.

[2] LM Benny Tuazon, catholicforlife.com

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts