Cách phán xét của Chúa Giêsu

Thưa quý vị, thưa các bạn Lời Chúa Chúa Nhật tuần trước cho chúng ta một “bài học” về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Một Ngôi Vị Thiên Chúa rất đỗi xót thương, đến độ Danh Ngài được gọi là “ THƯƠNG XÓT” . Qua trang Tin Mừng theo thánh Luca( 15, 1-3 . 11 -32), chúng ta thấy “Dụ Ngôn Người Cha nhân hậu” là một trong ba dụ ngôn nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhưng “Dụ Ngôn Người Cha nhân hậu” cho chúng ta một bài học rất đỗi nhân văn, phản ánh rõ nét nhất lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Rõ ràng, qua đó, chúng ta nhận biết Thiên Chúa là ai? Chúng ta không còn sợ hãi Thiên Chúa như một Người Cha “hà khắc”, mà là một Người Cha vô cùng nhân hậu, chúng ta không còn nghi ngờ về Lòng Thương Xót của Ngài, nhưng tin tưởng quay về với Thiên Chúa để đón nhận một sự khoan dung mà không một nơi nào có được. Chúng ta không thể bắt chước tội lỗi, quá khứ không tốt của anh ta, nhưng chúng ta bắt chước về sự can đảm trở về, khi nhận ra “Cha mình” là Người Cha nhân hậu.

Nhưng, chúng ta đừng bắt chước thái độ so đo, phân biệt, ganh tỵ, khinh chê người khác của người con cả.

Lời Chúa tuần nầy, cho chúng ta một “Lòng nhân hậu” của một Vị “ Quan Tòa”, một Vị Quan Tòa đích thực là Ngôi Hai Thiên Chúa. Tin Mừng V MC theo thánh (Ga 8, 1 -11), bối cảnh Tin Mừng cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đang rao giảng về chính Người, trước lúc sắp thi hành sứ vụ Cứu Chuộc nhân loại, Người tỏ cho họ biết, chính Người là Nguồn mạch sự sống, Nguồn Nước Hằng Sống.

Cũng chính vì điều nầy, mà người Dothai và thủ lãnh tìm cớ để bắt Người, nhưng chưa tìm được. Sau đó, họ bắt quả tang một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, thế là họ có cái “bẫy” để hại Người. Họ liền đem người phụ nữ ấy đến trước mặt Người và nói :” Thưa Thầy,người đàn bà nầy bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môisen truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” ( c 4- 5)

Thừa biết dã tâm của họ, Chúa Giêsu không nói gì, Người ngồi xuống lấy ngón tay viết lên đất. Chúng ta thấy, cử chỉ của Chúa Giêsu thật bình thản, Người không phán xét vội. Theo luật Môisen tội ngoại tình không nhẹ, việc xét xử phải “ ném đá” cho đến chết.

Chúa Giêsu không thể “kết án” như Luật Môisen vì Người là Đấng Cứu Chuộc, Người đang rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa. Người không kết án như người Dothai muốn. Nhưng, Người không thể bãi bỏ Luật Môisen, ngay khi người Dothai cho rằng họ “ tuân “ giữ luật Môisen, nhưng họ lại “kết án” Chúa Giêsu cách vô tội. Theo đó, người Dothai đối với “ bản án” Chúa Giêsu họ vừa vi phạm Luật Cựu Ứớc vừa vi phạm Luật Tân Ứơc, giết người vô tội.

Chúa Giêsu dùng chính “âm mưu” của họ để vạch trần dã tâm của họ cách khéo léo. Như vậy, chúng ta thấy “ bàn tay” satan đã thua cuộc cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa, giờ đây nó lại âm mưu cách “kín đáo”. Chúng ta thấy lời lẽ satan thật thâm độc , nó cũng “ Thưa Thầy”, chúng ta thấy “ ngọt mật, chết ruồi”, lời ngon ngọt sẽ đưa xuống âm ty là như vậy.

Âm mưu thâm độc của người Dothai tìm cách hại Chúa Giêsu, vì cách trả lời nào cũng chết, mà không trả lời , thì họ cứ hỏi mãi, và câu trả lời hay nhất là : “ Ai trong các người sạch tội, hãy ném đá người nầy trước “ , rồi Người lại tiếp tục viết.

Vâng, vì ngay chính bản thân của họ là kẻ có tội, người càng nhiều tuổi, tội càng nhiều, nghe vậy họ lần lượt bỏ đi hết, chỉ còn lại người đàn bà và Chúa Giêsu, Người ngẩng lên và nói :” Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? … Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi , và từ nay đừng phạm tội nữa!” (c 11) .

Chúng ta thấy, cách phán xét của Chúa Giêsu thật nhân từ, không như người Dothai :” Đóng đinh nó đi, đóng đính nó đi ! ”, dù Người vô tội.

Cách tha thứ một cách nhân từ và khéo léo của Chúa Giêsu đối với nhân loại là như thế, nhưng nhân loại lại lên án , một bản án bất công đối với Chúa Giêsu, nhưng bản án bất công đó là của chúng ta, cho chúng ta , vì chúng ta. Vì xã hội loài người luôn bất công, dù cho xã hội chủ nghĩa, hay tư bản, vì con người hữu hạn, nên sự giới hạn của con người mà đòi thay quyền Thượng Đế thì sự hữu hạn ấy sinh ra bất công.

Theo đó, Bí Tích hòa giải căn cứ vào hai Đoạn Lời Chúa thứ IV và V (MC) là “Lòng Thương Xót và nhân từ” của Thiên Chúa. Thiên Chúa lại trao quyền tha tội cho Giáo Hội của Người tại trần gian. Như vậy, cứ mỗi lần vào tòa giải tội, là chúng ta được gặp gỡ chính Chúa Giêsu, Đấng cầm quyền tha tội, đồng thời là lúc chúng ta trở lại ngôi nhà, mà có Người Cha nhân hậu đang đón chờ chúng ta. Qua vị linh mục, chúng ta sẽ được nghe : “ Thôi anh/chị/em cứ về đi, Thiên Chúa không lên án a/c/e đâu, tôi cũng vậy, hãy về bình an, và đừng phạm tội nữa”.

Lời tha tội là Lời hằng sống, Lời có giá trị của sự sống, là Lời Thần Khí, vì vậy, Lời tha tội của Chúa Giêsu ban cho Hội Thánh là Lời của Chúa Thánh Thần có giá trị tha thứ tội lỗi. Vì thế, Lời tha tội của vị linh mục qua Hội Thánh có giá trị tha thứ tội lỗi đã được ủy thác là như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng Thánh Thần mà ban ơn tha tội, và dùng chính cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người để cứu chuộc chúng con, hầu Chúa chính là sự phán xét chí công. Xin cho mọi người nhận ra tình Chúa cao vời mà tín thờ cho nên ./. Amen

CN V MC 2019

P.Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:

Related posts