Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, Đức Phanxicô cho chúng ta một tài liệu vui mừng và sáng rõ. Sau đây là mười lời khuyên để nên thánh.
1 – Con đừng biểu diễn!
“Để là thánh, không nhất thiết phải là giám mục, linh mục hay nam nữ tu sĩ. (…) Chúng ta tất cả được gọi để nên thánh khi sống với tình thương và trao tặng chứng tá của mình trong đời sống hàng ngày”. 14
“Tôi thích thấy sự thánh thiện nơi dân kiên nhẫn của Chúa:
nơi các phụ huynh yêu thương dạy dỗ con cái, nơi những người đàn ông, đàn bà làm lụng để đem cơm gạo về cho gia đình, nơi những người bệnh, nơi các nữ tu lớn tuổi tiếp tục vui cười.
Với một lòng kiên trì luôn đi tới đàng trước mỗi ngày, tôi thấy sự thánh thiện của Giáo hội chiến đấu.
Và vì thế, thường thường sự thánh thiện “ở cửa bên cạnh”, nơi những người sống gần chúng ta, họ là phản ảnh sự hiện diện của Chúa hay nói một cách khác, họ là “tầng lớp trung lưu của thánh thiện”. 7.
2 – Cẩm nang đi đường: Tám Mối Phước Thật
“Tám Mối Phước Thật không có một chút gì gọi là nhẹ nhàng hoặc bề ngoài, ngược lại là đàng khác; vì chúng ta chỉ có thể sống với Tám Mối Phước Thật nếu Thần Khí xâm chiếm chúng ta với trọn sức mạnh của Ngài và giải thoát chúng ta ra khỏi sự yếu đuối của tính ích kỷ, của tiện nghi, của kiêu ngạo”. 65
“Tâm hồn khó nghèo, đó là thánh thiện!” 70;
“Phản ứng lại với một tâm hồn dịu dàng, đó là thánh thiện!” 74;
“Biết khóc với người khác, đó là thánh thiện!” 76;
“Tìm công chính với đói và khát, đó là thánh thiện!” 79;
“Nhìn và hành động với lòng thương xót, đó là thánh thiện!” 82; “Giữ tâm hồn trong sạch, không gì làm cho tình thương bị vướng bẩn, đó là thánh thiện!” 86; “Gieo hòa bình chung quanh chúng ta, đó là thánh thiện!” 89
3 – Con muốn yêu thương? Hãy hành động.
“Ai thật sự muốn làm vinh danh Chúa bằng chính cuộc đời mình, ai thật sự mong muốn thánh hóa đời mình để vinh danh Chúa, họ được gọi để tận hiến, để làm việc, để phấn đấu sống theo tinh thần của lòng thương xót”. 107
“Khi tôi gặp một người ngủ trong đêm lạnh giá, tôi cho rằng đây là một cái gì bất ngờ bắt tôi phải dừng lại, một người phạm pháp không có việc làm,
một trở ngại trên đường đi của tôi, một phiền nhiễu cho lương tâm tôi,
một vấn đề mà tôi phải giải quyết với các chính trị gia,
và cũng có thể là một cái rác làm bẩn nơi công cộng.
Hay tôi có thể phản ứng bằng đức tin, đức ái của tôi, nhận biết nơi họ cũng là một con người có cùng nhân phẩm như tôi,
một tạo vật được Người Cha yêu thương vô cùng, một hình ảnh của Chúa,
một người anh em đã được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc.
Đó cũng có thể là một tín hữu kitô!” 98
4 – Trau dồi tính khiêm tốn
“Tính khiêm tốn chỉ có thể bám rễ trong tâm hồn qua các điều sỉ nhục. Không có sỉ nhục thì không có khiêm tốn, không có thánh thiện.
Nếu bạn không thể nào chịu đựng, không đau khổ vì một vài sỉ nhục, thì bạn không thể nào khiêm tốn, không đi trên con đường thánh thiện.
Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội phải đi qua con đường sỉ nhục của Con Thiên Chúa. Và đó là con đường!” 118
“Tôi không nói sỉ nhục là một cái gì dễ chịu, bởi vì như thế là ma-sô, nhưng tôi nói đó là con đường để noi gương Chúa Giêsu, để lớn lên trong sự kết hiệp với Ngài”. 120
5 – Hãy ở trong niềm vui
“Vị thánh là người sống vui vẻ và có tinh thần hài hước. Họ vẫn giữ thực tế nhưng họ rọi sáng cho người khác với tinh thần tích cực và đầy hy vọng”. 122
“Tôi không nói đến niềm vui của chủ nghĩa tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa lan tràn ở một vài loại văn hóa ngày nay.
Bởi vì tiêu thụ chỉ làm tâm hồn nặng thêm;
nó chỉ có thể cho lạc thú nhất thời chóng qua,
nhưng không cho niềm vui đích thực”. 128
6 – Dám rao giảng Phúc Âm
“Đồng thời thánh thiện cũng là nói thẳng, nói thật: là dám rao giảng Phúc Âm, để lại một dấu ấn cho thế giới này”. 129
“Thiên Chúa luôn mới mẻ, luôn thúc đẩy chúng ta lên đường, đi ra khỏi môi trường quen thuộc để đến các vùng ngoại vi, các biên giới.
Chúa hướng dẫn chúng ta ở đó, nơi nhân loại bị tổn thương nhất,
nơi con người dưới hình thức bề ngoài hời hợt, theo đám đông,
nơi có những người luôn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đời mình”. 135
7 – Không bao giờ cam chịu!
“Vì theo thói quen, chúng ta không còn đương đầu với sự dữ, chúng ta “mặc kệ” để cho sự việc cứ thế mà đi hoặc để cho người khác quyết định.
Nhưng chúng ta hãy để Chúa đến thức tỉnh, đến lay động chúng ta trong giấc ngủ, đến giải thoát chúng ta khỏi tình trạng trơ ì.
Chúng ta hãy đương đầu với thói quen,
chúng ta hãy mở mắt, mở tai và nhất là mở lòng,
hãy để mình xúc động với những gì xảy ra chung quanh,
được đánh động bởi Lời hằng sống và hiệu quả của Đấng Sống Lại. 137
8 – Cầu nguyện mỗi ngày. Và lại bắt đầu cầu nguyện lại
“Tôi không nghĩ trong thánh thiện mà lại không có cầu nguyện, dù không nhất thiết phải cầu nguyện lâu giờ hay sốt sắng”. 147
“Tôi muốn nhấn mạnh, cầu nguyện không phải chỉ dành cho một vài người được ưu đãi, nhưng cho tất cả chúng ta,
vì ‘tất cả chúng ta đều cần giây phút thinh lặng của sự hiện diện này’.
Lời cầu nguyện tin tưởng là phản ứng của tâm hồn mở lòng ra diện đối diện với Chúa,
khi chúng ta tắt đi tất cả tiếng động ồn ào để lắng nghe tiếng nói dịu ngọt của Chúa vang lên trong thinh lặng”. 149
“Tôi dám xin anh chị em: Anh chị em có giây phút nào thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa, không hấp tấp vội vã, để Chúa nhìn mình không?
Anh chị em có thấy ngọn lửa của Chúa đốt cháy tâm hồn mình không?
Nếu anh chị em không để Chúa khơi lên bằng sức ấm, bằng sự dịu dàng của tình yêu Ngài
thì anh chị em sẽ không có ngọn lửa và như thế làm sao anh chị em có thể làm tâm hồn người khác bừng lên bởi chứng từ và lời nói của mình?” 151
9 – Chuẩn bị cuộc chiến.
“Đời sống kitô là một cuộc chiến liên lỉ. Phải có sức mạnh và can đảm để cự lại với cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin Mừng. Cuộc chiến đấu này rất cao đẹp, bởi vì nó giúp cho chúng ta dâng mừng Thiên Chúa chiến thắng trong đời sống chúng ta”. 158
“Chúng ta sẽ không chấp nhận sự hiện hữu của ma quỷ, nếu chúng ta chỉ nhìn theo các tiêu chuẩn thực nghiệm và không có chiều kích siêu nhiên. Chính xác, chúng ta xác quyết sức mạnh ma quỷ ở giữa chúng ta, giúp chúng ta hiểu vì sao sự dữ đôi khi đã có quá nhiều sức mạnh tàn phá”. 160
“Như thế chúng ta đừng nghĩ quỷ là một huyền thoại, một biểu tượng, một hình ảnh hay một ý tưởng. Sự sai lầm này làm cho chúng ta buông tay, lơ là chú ý và bị cám dỗ nhiều hơn”. 161
“Chúng ta có các vũ khí cực mạnh của Chúa ban cho chúng ta:
đức tin được diễn tả trong lời cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, dâng thánh lễ, giờ chầu, bí tích giải hòa, các việc làm bác ái, đời sống cộng đoàn và dấn thân làm việc truyền giáo”. 162
10 – Học hỏi để phân định cái gì Chúa muốn cho mình
“Làm thế nào để biết sự việc đó là do Thần Khí, hay nó bắt nguồn từ thế gian, từ quỷ? Phương cách duy nhất là phân định, đòi hỏi một khả năng lý luận tốt hay hợp theo lẽ thường. Đó là một ơn chúng ta phải xin”. 166
“Thường thường điều này thể hiện qua những việc nhỏ, những việc có vẻ như không đáng kể, nhưng sự vĩ đại lại được cho thấy trong những gì đơn giản và bình thường hàng ngày”. 169
“Điều thách thức ở đây là ý nghĩa đời sống của tôi trước mặt Chúa Cha,
Đấng biết tôi và yêu thương tôi, ý nghĩa đích thực của đời tôi mà không ai biết tôi hơn Ngài”. 170
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: GP. Long Xuyên