Lòng tin được kiểm chứng

Thưa quý vị, thưa các bạn Đoạn Tin Mừng ( Ga 20, 19 – 31) Chúa Nhật thứ II sau Phục Sinh là một Đoạn Tin Mừng minh chứng cách tỏ tường Mầu Nhiệm Chúa Giêsu phục sinh. Chính Chúa hiện ra với các môn đệ đầu tiên vào buổi chiều Chúa Nhật, tức ngày thứ nhất trong tuần. Mầu Nhiệm Phục Sinh là một sự Khải Hoàn của Chúa Giêsu, mầu nhiệm phục sinh không phải chỉ là sự vui mừng như những phàm nhân đi xa trở về, hoặc thập tử nhất sinh được cứu sống, vì tất cả những thứ ấy, rồi cũng phải chết, nhưng , Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu cho chúng ta một niềm cậy trông lớn lao, nếu chúng ta tin vào Người, chúng ta sẽ được phục sinh. Bởi vì, Chúa Giêsu phục sinh không phải chỉ cho Người, mà là cho chính chúng ta, bởi vì, Ơn Cứu Độ phải bắt đầu từ cuộc Khổ Hình của Người. Với Bản Tính Thiên Chúa thì hoàn toàn không có “Phục Sinh”, bởi vì, Thiên Chúa là Nguồn Hằng Sống, Thiên Chúa không bao giờ phải chết, đó là nguyên lý Thiên Chúa. chính vì bản tính Thiên Chúa Hằng Sống, nên Chúa Giêsu phải Phục Sinh. Nhưng, Người phải bước qua cuộc Tử Nạn để hoàn tất mầu nhiệm làm Người của Người tức phần Nhân Tính cúa Người, vì phàm nhân phải mang án phạt tổ tông, vì thế nhân loại phải chết đời đời,chết vĩnh viễn, chứ không phải chết tạm thời. Nhưng, chính nhờ sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ được sống lại, nếu chúng ta “Tin” vào Người. Vì thế sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là biểu lộ uy quyền Thiên Chúa nơi Người cho chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại là như thế.

Chúng ta suy niệm Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng có thể hiểu có ba phần quan trọng :

  • Thứ Nhất : Chúa Giêsu hiện ra cho các môn đệ sau phục sinh, để ban bình an và để chứng minh Người đã sống lại. Việc chứng minh cách tỏ tường, bằng cách cho các ông xem Năm Dấu Thánh.
  • Thứ Hai : Để ban Chúa Thánh Thần cho các ông và sai đi, đồng thời Người cũng thiết lập Bí Tích giao hòa cho Hội Thánh và trao quyền tha tội cho Hội Thánh, từ đó chúng ta được truyền lại , gọi là Tông Truyền. Theo đó, hàng linh mục được quyền tha tội, là nhận quyền Thiên Sai từ Hội Thánh qua Di Huấn của Chúa Giêsu, Vị Thầy Chí Thánh. Như vậy, căn cứ vào Đoạn Lời Chúa hôm nay, mỗi vị linh mục là một vị Thiên Sai, qua Vị Thầy Chí Thánh Thiên Sai duy nhất và đích thực là Chúa Giêsu. Căn cứ vào Đoạn Lời Chúa ( Ga 20, 21-23) hôm nay, thì mỗi vị linh mục chính là sứ giả của Vị Thiên Sai từ Thiên Chúa là Đức Giêsu- Kitô, thì họ cũng chính là những vị Thiên Sai từ Chúa Giêsu, vì : “ Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em “ ( c 21). Theo đó, linh mục được gọi là “Thiên Sai” thì hoàn toàn không sai. Còn nếu xem linh mục không phải là ” thiên sai” thì hoàn toàn sai. Nếu gọi linh mục là ” thừa sai” thì chỉ đúng trong phạm vi hội dòng, nhưng chức linh mục phổ quát chính là “Thiên Sai”, vì , chính Chúa Giêsu nói rõ :” Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” là như vậy. Khi nói như vậy, không thể hiểu rằng người linh mục “ ngang bằng” với Chúa Giêsu, mà là một sự” thông hiệp” như cành liền cây.
  • Thứ ba: Lòng tin kiểm chứng của Tôma, thực sự ra chúng ta “ biết ơn “ thánh Tôma, vì nhờ ngài “đứng mũi chịu sào”, mà chúng ta có được một “ lòng tin kiểm chứng”. nếu chúng ta không suy niệm sâu xa, có lẽ thánh Tôma” bị coi “ là kẻ cứng lòng. Nhưng, thật ra, đây là mầu nhiệm Chúa Giêsu muốn mặc khải cách xác thực lại lần nữa. Bởi vì, sự đòi hỏi của Tôma, là điều mà Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ có mặt lần trước. Thánh Tôma không phải chỉ có “ cứng lòng”, mà ngài còn có lòng tự trọng muốn cũng được “ vinh dự” cao quý như các tông đồ khác. Chúa Giêsu chắc chắn biết điều nầy,và Người đã đáp ứng yêu cầu của Tôma, nhưng Người quảng đại hơn để chúc phúc cho chúng ta và muôn thế hệ là : ” Phúc cho những ai không thấy mà tin”, nghĩa là “ lòng tin Tông Truyền”.

Lòng tin Tông Truyền là lòng tin không kiểm chứng, vì điều gì đã tỏ tường , thì không cần tin, còn nếu tin thì hoàn toàn không có “công “ gì, vì thế, muốn có “ phúc” thì hãy tin vào Hội Thánh, là người được  chính Chúa Giêsu mặc khải. Như vậy, chúng ta không phải có phúc hơn thánh Tôma mà là nhờ thánh Tôma mà chúng ta được Chúa Giêsu chúc phúc, vì đã Tin Vào Người là Đấng Phục Sinh.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã được mặc khải và cảm nghiệm sâu sắc Đọan Tin Mừng hôm nay, vì vậy đã thiết lập Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót là như vậy. Chúa Giêsu đã biểu lộ cách tỏ tường “ Dấu Chứng Phục Sinh” không phải chỉ ở “ vinh quang” phục sinh, mà là Người đã biểu lộ “ Vết Chứng Khổ Nạn” trước khi phục sinh, như vậy, từ đó, chúng ta biết được Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu không thể tách rời Mầu Nhiệm Tử Nạn, tức Mầu Nhiệm hữu hình làm Người của Người, tức phần Nhân Tính của Người, từ đó suy ra, Bí Tích Thánh Thể là một Bí Tích sống động và hiện hữu qua Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Qua đó, tất cả các Bí Tích mà Chúa Giêsu thiết lập đều thật sự hiện hữu sống động và nhiệm mầu, như vậy tất cả các Bí Tích là Bí Tích của người sống, vì được xuất phát từ Đấng Phục Sinh Giêsu- Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biểu lộ Lòng Xót Thương của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, Lòng Xót Thương qua Dấu Chứng Tử Nạn luôn chảy mãi không ngừng, từ đó phát sinh các phép Bí Tích của Chúa qua Hội Thánh. Xin thương ban cho chúng con một lòng kính tin vững vàng, để được Chúa chúc phúc:” Phúc cho những ai không thấy mà tin” ./. Amen

Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2019

P. Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:

Related posts