AGAPE – TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Tình yêu là chủ đề quan trọng nhất trong mọi thời đại, là ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc sống, nhưng cũng là khái niệm bị hiểu lầm nhiều nhất trong xã hội hiện đại. Hỏi bất cứ ai về giá trị lớn nhất, món quà quý giá nhất, hay điều mang lại hạnh phúc tối cao, phần lớn sẽ trả lời: “tình yêu.” Họ không sai. Kinh Thánh khẳng định điều này một cách rõ ràng: “Yêu thương là điều cao trọng nhất” (1 Côrinhtô 13:13). Hơn nữa, Kinh Thánh tuyên bố: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 1:8). Tình yêu không chỉ là hành động yêu hay cảm xúc yêu, nhưng chính là bản tính của Thiên Chúa, là toàn bộ bản thể Ngài. Tình yêu hiện diện trong Ba Ngôi: Chúa Cha là Người Yêu, Chúa Con là Người Được Yêu, và Chúa Thánh Thần là Tình Yêu kết nối Chúa Cha và Chúa Con từ muôn đời. Mọi khía cạnh của Thiên Chúa – kể cả công lý, sự công chính, hay vẻ đẹp – đều bắt nguồn từ tình yêu.

Sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập giá là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu này. Đối với loài người, đó là hành động bất công và tàn ác nhất: giết chết Thiên Chúa. Nhưng đối với Thiên Chúa, đó là công lý hoàn hảo, vì đó là tình yêu hoàn hảo. Hành động này, tưởng như nghịch lý, được kỷ niệm trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh – ngày của tình yêu vĩ đại. Qua Thập Giá, Thiên Chúa biểu lộ rõ rằng tình yêu của Ngài vượt qua mọi tội lỗi, mọi bất công, để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, từ “tình yêu” thường bị hiểu sai, đơn giản thành cảm giác thoáng qua hoặc ham muốn cá nhân. CS Lewis, trong cuốn The Four Loves – Bốn loại yêu – giúp chúng ta hiểu rõ hơn bằng cách phân loại tình yêu:

  • Agape: tình yêu siêu nhiên, vô điều kiện.
  • Storge: tình cảm gia đình hoặc thích thú tự nhiên.
  • Philia: tình bạn.
  • Eros: ham muốn tình dục.

Các loại tình yêu tự nhiên đều tốt, nhưng agape là cao quý nhất, vì đó là tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu mà Chúa Giêsu đã sống và giảng dạy. Agape không chỉ là cảm giác hay hành động nhất thời; nó là nguồn dưỡng chất, kết nối chúng ta với tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Các sách Tin mừng cho thấy rằng agape dành sẵn cho mọi người, như dòng điện thánh thiêng chạy qua Chúa Kitô, chờ chúng ta kết nối.

Từ “charity” trong tiếng Anh từng được sử dụng để chỉ agape, nhưng nay thường được hiểu là sai thành công việc từ thiện hoặc bố thí. Từ “tình yêu” cũng không truyền tải đầy đủ ý nghĩa của agape, vì nó dễ gây nhầm lẫn với eros, storge hoặc cảm giác hay cảm xúc mơ hồ. Để tránh bị hiểu lầm nhiều hơn, có thể cần phải giữ nguyên từ “agape” trong ngôn ngữ gốc Hy Lạp, dù điều này có thể bị xem là hơi chữ nghĩa. Sự nhầm lẫn về agape dẫn đến sáu cách hiểu lầm nhiều nhất, làm mờ đi ý nghĩa thực sự của tình yêu thần linh này.

  1. Nhầm lẫn agape với cảm giác hay cảm xúc

Đầu tiên và phổ biến nhất là xem agape như một cảm giác hay cảm xúc. Cảm giác hay cảm xúc, dù quý giá, chỉ là tạm thời và phụ thuộc vào hoàn cảnh – gió, thời tiết, nội tiết tố (hormone), hoặc tâm trạng. Agape, ngược lại, là hành động của ý chí, là sự lựa chọn tự mình mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người khác. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa agape đơn giản: “Mong muốn điều thiện hảo cho người khác.” Đây không phải là cảm giác hay cảm xúc, mà là quyết định chọn lựa. Chúng ta không chịu trách nhiệm về cảm giác hay cảm xúc, nhưng chịu trách nhiệm về agape, vì đó là ý chí tự do. Chúa Giêsu yêu thương mọi người như nhau, dù Ngài có cảm giác hay cảm xúc khác nhau dối với từng người. Chúng ta cũng vậy: ngay cả khi không thích ai đó, chúng ta vẫn có thể yêu họ bằng cách mong điều tốt lành trọn vẹn cho họ. Ví dụ, chúng ta luôn yêu chính mình, dù có lúc không thích bản thân – chúng ta vẫn tìm kiếm điều tốt lành trọn vẹn cho mình. Agape là hành động, là “những việc làm của tình yêu,” không phải cảm giác hay cảm xúc thoáng qua.

  1. Nhầm lẫn agape với tình yêu dành cho “nhân loại”

Đối tượng của Agape luôn là cá nhân cụ thể, không phải một khái niệm trừu tượng nào đó được gọi là nhân loại. Yêu nhân loại thì dễ dàng, vì nó không đòi hỏi, không làm phiền, không xuất hiện trước cửa nhà bạn với những yêu cầu gây ra nhiều bất tiện phiền hà. Nhưng agape hướng đến từng cá nhân cụ thể – người lân cận mà chúng ta gặp mỗi ngày. Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu người lân cận như chính mình.” Ngài chết vì từng người – tên của bạn, của tôi, được viết trên Thập giá, không phải chữ “nhân loại.” Tình yêu của Ngài là cá vị, như bức thư tay gửi riêng cho mỗi chúng ta. Khi Chúa gọi mình là Người Chăn Chiên Tốt Lành, Ngài nói: “Ta gọi tên từng con chiên” (Gioan 10:3). Agape là tình yêu dành cho người bằng xương bằng thịt, không phải ý tưởng trừu tượng.

  1. Nhầm lẫn agape với lòng tốt

Thứ ba là xem agape đồng nghĩa với sự thương hại, thấy tội nghiệp, vốn chỉ là một trong những thuộc tính thường thấy của agape. Sự thương hại, thấy tội nghiệp, là mong muốn giảm nhẹ những đau khổ, là sự đồng cảm. Nhưng agape sâu sắc hơn: nó mong muốn điều tốt tối đa cho người khác, ngay cả khi điều đó đòi hỏi sự cương quyết. Một người cha có thể bất đắc dĩ kỷ luật người con vì yêu thương, không phải vì độc ác. Thiên Chúa, dù toàn năng, không xóa bỏ mọi đau khổ trên thế giới, vì tình yêu của Ngài vượt xa lòng tốt đơn thuần. Rõ ràng là Thiên Chúa không chỉ có sự thương hại, thấy tội nghiệp, vì Ngài không xóa bỏ mọi đau khổ, mặc dù Ngài có quyền năng để làm như vậy. Thật vậy, chính sự thật này là lập luận phổ biến nhất mà những người vô tín ngưỡng dùng để chống lại Thiên Chúa. Họ nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng và có thể xóa bỏ mọi đau khổ khỏi thế giới này một cách kỳ diệu bất cứ lúc nào, nhưng Ngài đã cố tình không làm như vậy. Đây là lập luận số một cho thuyết vô thần, vốn bắt nguồn từ sự nhầm lẫn giữa tình yêu và sự thương hại, thấy tội nghiệp. Nhưng agape không chỉ là sự thương hại, thấy tội nghiệp; nó chính là tình yêu có những đòi buộc, đôi khi dẫn chúng ta qua những nỗi đau để đạt được điều tốt lành lớn lao hơn. Chúng ta tử tế với người lạ, nhưng yêu cầu nhiều hơn từ những người thân yêu. Thiên Chúa là Người Cha, Ngài không phải là người ông (nội – ngoại) hiền lành chỉ biết nói: “Chúc con vui vẻ.”

Chúng ta càng yêu ai đó, tình yêu của chúng ta càng vượt xa sự thương hại, thấy tội nghiệp. Chúng ta thấy tội nghiệp vật nuôi, và do đó chúng ta dễ đồng ý rằng khi chúng bị đau bệnh, chúng ta cần giết chúng “để giải thoát chúng khỏi đau đớn”. Có áp lực càng ngày càng tăng ở Mỹ để hợp pháp hóa sự an tử. Cho đến nay chỉ có Đức Quốc xã từng hợp pháp hóa an tử. Cái ác này cũng bắt nguồn từ sự nhầm lẫn giữa tình yêu và sự thương hại, thấy tội nghiệp. Chúng ta tử tế với người lạ nhưng lại đòi hỏi ở những người chúng ta yêu. Nếu một người lạ nói với bạn rằng anh ta nghiện ma túy, có lẽ bạn sẽ cố gắng lý luận với anh ta theo cách tử tế và nhẹ nhàng; nhưng nếu con trai hoặc con gái của bạn nói với bạn như vậy, có lẽ bạn sẽ phản đối rất nhiều.

Ông nội hay thấy tội nghiệp con cháu; người cha thì yêu thương. Ông nội nói, “Chạy đi chơi vui vẻ nhé.” Người cha thì nói, “Đừng làm thế này hay thế kia.” Ông nội thì nhẹ nhàng, cha thì nghiêm nghị. Chúng ta thích một Thiên Chúa nhẹ nhàng, không đòi hỏi, thậm chí hay chiều chuộng như ông nội của chúng ta hơn là thích người cha gần gũi nhưng đòi hỏi, thân tình nhưng bất tiện, vì cha thì yêu thương chúng ta, hay căn dặn nhiều điều, vì cha biết những nguy hiểm có thể xảy ra cho chúng ta. Câu nói chúng ta thường thích nghe nhất trong cuộc sống chính là của người ông: “Đi chơi vui vẻ nhé!” Thánh lễ không kết thúc bằng cách nói đó, vì Thánh lễ là để tôn thờ Chúa Cha, chứ không phải ông nội. “Chúa ở cùng anh chị em. Chúc anh chị em đi bình an.”

  1. Nhầm lẫn “Thiên Chúa là tình yêu” với “tình yêu là Thiên Chúa”

Sai lầm thứ tư về tình yêu là sự nhầm lẫn giữa “Thiên Chúa là tình yêu” và “tình yêu là Chúa”. Việc tôn thờ tình yêu thay vì tôn thờ Thiên Chúa liên quan đến hai sai lầm chết người. Đầu tiên, nó chỉ sử dụng từ Thiên Chúa như một từ khác để thay thế cho từ tình yêu. Thiên Chúa được coi là một thế lực hoặc năng lượng hơn là một con người. Thứ hai, nó thần thánh hóa tình yêu mà chúng ta đã biết, thay vì cho chúng ta thấy một tình yêu mà chúng ta không biết. Để hiểu được điểm này, hãy xem xét câu nói “Ngôi nhà đó làm bằng gỗ”, không có nghĩa là “gỗ là ngôi nhà đó”. “Thiên thần thì linh thiêng” không có nghĩa “điều gì linh thiêng là thiên thần”. Khi chúng ta nói “Thiên thần thì linh thiêng”, chúng ta bắt đầu bằng một chủ ngữ, “Thiên thần”, mà chúng ta cho rằng người nghe đã biết, và sau đó chúng ta thêm một vị ngữ mới là “linh thiêng” vào đó. “Mẹ bị bệnh” có nghĩa là “Bạn đã biết về mẹ rất rõ, nhưng hãy để tôi nói cho bạn biết thêm một điều bạn chưa biết về mẹ: “bị bệnh”. Vậy thì “Thiên Chúa là tình yêu: có nghĩa là “Để tôi kể cho bạn nghe một điều mới mẻ về Thiên Chúa, dù bạn đã biết Ngài: Ngài là tình yêu căn cốt, hoàn toàn là tình yêu, trọn vẹn.” Nhưng “Tình yêu là Thiên Chúa” có nghĩa là “Để tôi kể cho bạn nghe một điều về tình yêu mà bạn đã biết, tình yêu của chính con người bạn là Thiên Chúa. Tình yêu đó là thực tại tối thượng. Đó là điều sâu xa nhất mà người ta có thể đạt tới. Đừng tìm kiếm Thiên Chúa ờ đâu xa hơn nữa.” Nói cách khác, “Thiên Chúa là tình yêu” là điều sâu sắc nhất mà chúng ta từng nghe. Nhưng “tình yêu là Thiên Chúa” là điều lầm lẫn chết người.

  1. Yêu tình yêu thay vì yêu con người

Sai lầm thứ năm về tình yêu là nghĩ rằng bạn có thể yêu tình yêu. Không, bạn không thể, cũng như bạn không thể có đức tin vào đức tin, hoặc hy vọng vào hy vọng, trông đợi vào trông đợi. Tình yêu là một hành động, một sức mạnh, hoặc một năng lượng, nhưng con người còn hơn thế nữa. Những gì chúng ta yêu bằng tình yêu agape chỉ có thể là một con người, điều thực tế nhất, bởi vì một con người là hình ảnh của Chúa, là thực tại tối thượng, và tên gọi của Thiên Chúa là “Ta Là” – tên của một ngôi vị – một con người. Nếu ai đó nói rằng họ đang yêu tình yêu, thì tình yêu đó không phải là agape mà là một cảm giác hay cảm xúc. Họ thích cái cảm xúc yêu, dành cho bất cứ ai, bao nhiêu người cũng được, miễn là có được cái cảm xúc đó! Họ yêu thích cảm xúc của chính mình.

  1. Tách agape ra khỏi giáo lý Thiên Chúa Ba Ngôi

Sai lầm thứ sáu về tình yêu là cho rằng “Thiên Chúa là tình yêu” không liên quan đến thần học tín lý, đặc biệt là giáo lý về Chúa Ba Ngôi. Có vẻ như mọi người đều đồng ý rằng “Thiên Chúa là tình yêu”, nhưng có phải Thiên Chúa Ba Ngôi là một tín điều rắc rối chỉ dành giới tinh hoa bí truyền không? Không phải thế. Nếu Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì Thiên Chúa không phải là tình yêu. Vì tình yêu đòi hỏi ba điều: một người yêu, một người được yêu và một mối tương quan giữa họ. Nếu Thiên Chúa chỉ là một ngôi, Ngài có thể là một người yêu, nhưng không phải là chính tình yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần là tình yêu xuất phát từ cả hai, từ muôn đời. Nếu không phải như vậy, thì Thiên Chúa sẽ phải cần đến chúng ta, Ngài sẽ không trọn vẹn nếu không có chúng ta, nếu không có ai đó để yêu. Khi đó, việc Ngài tạo ra chúng ta sẽ không hoàn toàn vô vị lợi, mà là ích kỷ, xuất phát từ chính nhu cầu của Ngài.

Agape là hành động trao tặng chính mình – không chỉ thời gian, tài sản, hay trí tuệ, mà tất cả bản thân con người mình. Khi chúng ta cho đi, điều kỳ lạ xảy ra: chúng ta nhận lại một con người mới, đích thực hơn. Các thánh, khi đến gần Thiên Chúa, nhận ra mình là ai, vì sự hiện hữu của chúng ta là món quà từ Ngài. Mọi thứ chúng ta có – sức khỏe, tài sản, cơ thể – đều tạm bợ, không thực sự thuộc về chúng ta. Chỉ khi chúng ta tự cho đi chính mình trong agape thì chúng ta mới thuộc về chúng ta. CS Lewis từng nói: trên thiên đàng, chúng ta chỉ có những cuốn sách mà chúng đã cho đi trên trần gian. Điều này cũng đúng với chính bản thân chúng ta: khi cho đi, chúng ta tìm thấy chính mình thực sự.

Agape vượt qua lý trí, công lý, và sự xứng đáng. Không ai đáng xứng đáng với agape, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu chúng ta. Khi con trai tôi hỏi: “Bố ơi, sao bố yêu con?”, tôi trả lời: “Vì con là con của bố.” Tình yêu của Thiên Chúa cũng vậy – một bí nhiệm không thể giải thích, nhưng là thực tại sâu sắc nhất. Agape là cánh hoa rụng xuống để đón lấy cơn gió Thánh Thần, là năng lượng dẫn dắt hành trình đức tin và hy vọng. Agape giống như bông hoa nở trên cây cứu độ, kết thành trái dành cho người lân cận, với đức tin là rễ, hy vọng là thân. Trong agape, chúng ta không chỉ sống mà thực sự hiện hữu, bởi vì trong agape chúng ta trở thành hình ảnh đích thực và trọn vẹn của Thiên Chúa – là Tình Yêu.

 

Peter Kreeft

Tóm lược: Phêrô Phạm Văn Trung

https://www.catholicculture.org

Chia sẻ Bài này:

Related posts