Tôi đã đi tìm danh vọng, tìm thành công, tìm giàu sang, . . . tìm sức khỏe, tìm công việc làm, . . . tìm cho gia đình được bằng an, mong cho con cái ngoan hiền đạo đức, . . . nhưng tôi đã không tìm được. Tôi bị thất bại! Rồi tôi thất vọng và chán nản. Tôi bắt đầu kêu trách Chúa, oán than Chúa bất công. Tôi đi đến chỗ thiếu tin tưởng vào Chúa và chán ngán cầu nguyện. Cầu nguyện cách lạnh nhạt. Rồi cuối cùng tôi hoàn toàn thất vọng về tôi.
Tôi thất vọng như thế có đúng không? Có một câu truyện kể rằng: Có một chàng trai nọ có tài năng và khôn ngoan, có lòng vị tha, luôn mong tìm hạnh phúc cho đời. Nhìn thấy thế gian đầy khổ cực và bất công, anh ước mong mình sẽ trở thành một con người cứu nhân độ thế, đem lại cho thế gian cuộc sống thái bình và công bằng bác ái. Cuộc sống trải dài cả 20 năm, tuổi đời đã tới 40, mà anh vẫn chưa tìm ra được một con đường để cứu nhân độ thế nào. Lúc ấy, anh nhận ra rằng khát vọng tuổi trẻ của anh quá to lớn, anh nhủ thầm: “Thôi mình chỉ cần lo cho dân tộc mình được thái bình, ấm no hạnh phúc là cũng được rồi.” Nhưng kết quả sau cả chục năm anh cũng chẳng đạt được chức quyền danh vọng nào trong quốc gia, anh cũng chẳng thể lập được một đoàn thể nào để phục vụ dân tộc. Anh chẳng làm được việc gì cho hạnh phúc hơn. Trước sự thất bại về những giấc mộng vàng, nhìn lại mình, anh vẫn thấy mình năm nào như năm ấy, vẫn là một người dân vô danh tiểu tốt, thay vì anh phục vụ cho tha nhân, anh lại là người phải lệ thuộc vào họ, càng ngày anh càng nản chí hơn và buồn vì giấc mơ tuổi thanh xuân kể như tan theo mây khói. Cuối cùng, anh tự nhủ: “Ít nhất tôi sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé của tôi, đem lại tương lai cho con cái, . . .” Trở về với gia đình, anh dốc hết tâm lực để lo cho gia đình, nhưng thời gian này cũng đã trễ, anh cũng chẳng thay đổi được cuộc sống gia đình lộn xộn của anh, những đứa con sống ngang tàng, phá rối hàng xóm, . . . Anh cũng lại thất bại. Sau hết, anh nghĩ lại về chính bản thân anh, anh đã luyện tập gì cho bản thân mình: Những đức tính, những tư cách, . . . chẳng có gì đáng hãnh diện, không có gì làm cho người khác khâm phục. Tuổi đã về già, lúc này anh mới nhận ra sự bất lực của mình . . . Một chuỗi những thất bại của cuộc đời nói lên sự bất lực của một con người. Ai cũng muốn thành công, muốn được danh giá, tuy nhiên, thất bại là một cơ hội tốt để nhận ra sự thật của con người mình. Một cơ hội quí báu để tập luyện đức khiêm nhượng.
Chàng thanh niên này có một tâm hồn cao cả, anh đã hăng say cương quyết thực hiện những khát vọng cao quí ấy, anh đã không thành công. Chàng thanh niên này chán nản thất vọng, anh thất vọng vì anh đã không nhận ra sự bất lực của mình. Anh nghĩ rằng anh làm được tất cả. Nhưng anh đã lầm: Anh không làm được gì hết nếu không có quyền năng Thiên Chúa trợ giúp anh. Anh đã không nhận ra khả năng hữu hạn của mình. Vì khả năng hữu hạn của anh có thế thôi. Nên anh đã không thành công điều đó là bình thường, không có gì là lạ. Có lạ là tại sao tôi hoàn toàn là hư vô bất lực (nothing) mà lại làm được việc này việc nọ, được thành công. Tại sao Chúa lại giúp tôi đạt tới thành công? Điều ấy mới là điều lạ. Chúng ta phải thâm tín: Sự thất bại là gia sản của con người, vì chúng ta có thể làm được gì đâu mà đòi thành công? Chúa Giêsu đã xác nhận: “Nếu không có Cha, các con không thể làm được gì.” (John 15:5).
Trong mọi công việc, chúng ta phải xác tín rằng mình đang hành động nhưng sự thực quyền năng của Thiên Chúa đang hành động trợ giúp trong chúng ta. Chúng ta không hành động độc lập nhưng Quyền năng Thiên Chúa đã trợ giúp chúng ta trong từng hành động. Quyền năng của Ngài tác động trong chúng ta nhưng không để cho chúng ta cảm thấy sự hiện diện của quyền năng Ngài sợ rằng vì thế mà sự tự do của chúng ta bị ngăn cản cách nào chăng. Đặc biệt là quyền năng của Thiên Chúa hành động trợ giúp mà không bao giờ chế ngự hoặc ngăn cản sự tự do của mỗi người.
Chúng ta có chân thành xác nhận sự lệ thuộc, sự bất lực của con người chúng ta không? Chúng ta phải xác nhận trong sự bằng an tin tưởng, xác nhận mà không lo sợ hay tiếc xót vì xem như chúng ta mất chủ quyền của mình. Không, Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của mỗi người. Chúa phục vụ con người một cách không công. Chúng ta xác nhận sự thật của mình đó là khiêm tốn thực. Sự xác nhận này không làm cho chúng ta lo sợ mà còn là niềm hãnh diện vì được sự yêu thương của Chúa đang hiện diện trợ giúp mình. Quyền năng Chúa vẫn liên lỷ hành động trong chúng ta, và quyền năng này đã bao trùm từng thớ gân tuỷ của chúng ta. Nó đi sâu vào tận những chiều sâu của tâm hồn. Nguồn ơn thánh của Chúa bao trùm cả tâm não để giúp chúng ta suy tư, quyết định, hành động và yêu thương. Nên khi chúng ta bị thất bại mà chúng ta thất vọng là chúng ta kiêu căng vì cho mình tự hành động được. Thất vọng là sai, với con người bất lực chúng ta có thất bại là điều bình thường.
Thất bại là kỷ phần là hoa trái của con người bất lực này. Chúng ta thất bại vì chính con người bản chất giới hạn của mình, chứ không phải vì Thiên Chúa không muốn chúng ta thành công. Thiên Chúa luôn muốn cho chúng ta thành công và được hạnh phúc, nên thất bại là vì chúng ta đã không dùng ơn Chúa ban đúng, sai lầm cách nào đó.
Khi nhận sự thật bất lực của con người mình, chúng ta tập giữ bình an sau những thất bại. Thất bại là hoa trái của sự bất lực. Sự bình an là hoa trái của tâm hồn khiêm tốn nhận sự bất lực của mình. “Hãy học cùng Cha, vì Cha hiền lành và khiêm nhường, các con sẽ được bằng an trong tâm hồn.” (Mat 11:29). Sau những thất bại chúng ta lại chạy cầu khẩn Chúa nhiều hơn, chúng ta phải cậy nhờ vào quyền năng của Chúa hơn. Chúng ta sẽ thấy Chúa gần gũi với mình. Chúng ta cộng tác với Quyền năng Chúa để đạt thành công. Đời sống kết hợp với Chúa không còn xa vời nữa, khi chúng ta đem tình yêu để kết hợp hành động với Ngài. Chúng ta yêu thương xác nhận Thiên Chúa là nguồn sống, nguồn hành động của chúng ta.
Rev. Joseph M. Kim Ngân, CMC
Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ