VỀ  ĐẤNG  THIÊN  CHÚA…CHẲNG  AI  TỪNG  THẤY  BIẾT!

          Có câu hỏi từ lâu đã được đặt ra đó là có khác biệt nào không giữa đức tin và lý trí ? Thánh Thomas d’Aquino đã đưa ra  câu trả lời…lấp lửng vừa có vừa không thế này: “ Một cách vắn tắt, Thomas đã thiết định rõ rệt sự khác biệt giữa đức tin và lý trí qua sự khác biệt giữa thần học và triết học như sau: Thần học là một môn học về lý thuyết Thánh nên nó khác biệt theo chủng loại  với thứ  thần học có một phần của triết học tham gia. Tuy nhiên không thể có mâu thuẫn  hay tranh chấp gì cả giữa những chân lý của đức tin và những chân lý của lý trí chỉ vì lý do rằng Thiên Chúa là thực tại và chân lý duy nhất chung cho cả đức tin và cho cả tri thức” ( L.T.Nghiêm – LSTHTP – Q2 ).

          Theo thánh Thomas, mặc dù đức tin và lý trí ( Tri thức ) có sự khác biệt nhưng không có gì mâu thuẫn bởi vì có chung một thực tại duy nhất là Thiên Chúa. Đang khi đó, thực sự có sự khác biệt sâu xa  giữa đức tin và lý trí. Một đàng đức tin là tin vào Đấng Thiên Chúa chẳng ai từng thấy biết. Một đàng lý trí chỉ có thể cho biết về những gì thuộc thế giới sinh diệt, hiện tượng.

          Với Đấng chẳng ai từng thấy biết  ấy thì duy chỉ Đức Giê Su Ki Tô mới  biết và Ngài muốn mạc khải cho chúng ta: “ Vì luật pháp đã ban bố bởi Moi Se. Còn ân sủng và sự thật  thì bởi Đức Giê Su Ki Tô mà đến…Chẳng ai từng thấy biết Thiên Chúa bao giờ. Duy Con Một  ở trong lòng Cha là Đấng đã giãi bày Cha” ( Ga 1, 17 -18 ).

          Đức Ki Tô đến để mạc khải về Cha, chân lý ấy đã được chính Ngài xác nhận khi nói: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Một khi Chúa đã khẳng định như thế  thì làm sao có thể  có thể nói lý trí cũng có thể nhận biết Thiên Chúa ? Chính bởi cho rằng lý trí có thể nhận biết Thiên Chúa  mà đã đưa đến những cơn khủng hoảng nghiêm trọng xoay quanh vấn đề thần tính của Đức Giê Su:

          Phái “Dưỡng Tử Thuyết” ( Adoptianisme ) từ chối thần tính của Chúa Giê Su họ cho rằng Thiên Chúa duy nhất không có con. Thiên Chúa có thể chọn làm con bất cứ thụ tạo nào. Có phái khác lại cho rằng  Thiên Chúa đã chọn một con người là Đức Giê Su và đã biến đổi con người ấy trở nên thần linh trong phép rửa tại sông Gióc Đan !

          Phái Ảo Thân Thuyêt ( Doce’tisme ) không chấp nhận Tính đích thực của Đức Giê Su. Họ cho rằng thân xác của Ngài không là thân xác đích thực mà là một loại thân xác thiêng liêng có vẻ bên ngoài là thân xác giống như thiên thần !

          Phái Nhất Chủ Thuyết ( Monarchianisme ) không tin Ba Ngôi Thiên Chúa và triệt để bênh vực độc thần giáo. Không chấp nhận một Ngôi vị Thiên Chúa riêng biệt nơi Đức Giê Su. Mọi hành vi của Đức Giê Su Ki Tô kể cả khổ nạn và sự chết đều được gán cho Chúa Cha !

          Theo phái Ario, Chúa Cha là Đấng Tuyệt Dối siêu việt so với Chúa Con. Chúa Con thấp hơn Chúa Cha về bản tính, uy quyền và vinh quang. Chúa Con được gọi là Thiên Chúa thực ra chỉ là một vị…Thần linh thấp hơn Thiên Chúa thật là Đấng Duy Nhất Tuyệt Đối đó là Chúa Cha. Ngoài Ngài ra bất cứ thực tại nào cũng chỉ là tạo vật được dựng nên từ hư vô !

          Cái biết của phái Ario là cái biết Thiên Chúa như là Đấng Tạo Hóa và chính… cái biết ấy cũng đã  chi phối toàn bộ  thần học từ Thánh Thomas cho tới ngày nay với quan niệm…Thiên Chúa Làm Người “ Đức Giê Su Ki Tô là Thiên Chúa thật và là người thật. Thiên Chúa thật đã trở thành người thật”.

          Vấn đề trở nên vô cùng rắc rối, khó hiểu chính là ở chỗ: “ Một chủ vị vừa là Tạo Hóa vừa là tạo vật. Vừa là Đấng dựng nên vừa là người được dựng nên là điều không thể hiểu đối với lý trí loài người chúng ta” ( ĐGM Phao Lô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác- Đức Ki Tô, Hôm Qua, Hôm Nay và Mãi Mãi ).

          Tại sao thần học đưa ra quan niệm Đấng Tạo Hóa để rồi cũng chính thần học lại cho rằng lý trí không sao hiểu nổi với việc Tạo Hóa…làm người ? Đó là vì chung quy tất cả chỉ là những quan niệm mà hễ là quan niệm thì chúng không bao giờ có thể tương thích với nhau !

          Nhìn nhận Chúa Giê Su là Thiên Chúa Nhập Thể làm người là rất đúng bởi vì Ngài là Đấng Emmanuel “ Lời tiên tri chép rằng: Kìa Nữ Đồng Trinh sẽ thụ thai  sanh một con trai. Người ta sẽ gọi tên con đó là Emmanuel có nghĩa Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ( Mt 1, 23 ).

          Điều sai lầm của thần học ở đây chính là vì đã đồng hóa Đấng Thiên Chúa chẳng ai từng thấy biết với Đấng Tạo Hóa mà thực chất  chỉ là quan niệm của Aristote tức Thiên Chúa của triết Hy Lạp.

          Với việc đồng hóa Thiên Chúa với Đấng Tạo Hóa đã đưa đến những sai lầm nghiêm trọng và một trong những sai lầm đó chính là đã phủ nhận Tin Mừng Nước Trời của Đức Ki Tô để thay thế vào đó là một…Tin Mừng khác: “ Tôi lấy làm lạ cho anh em, sao lại vội lìa bỏ Đấng đã kêu gọi anh em bởi ơn sủng của Đức Giê Su Ki Tô mà theo Tin Mừng Khác. Nhưng chẳng có Tin Mừng nào khác đâu, chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em, muốn canh cải Tin Mừng của Đấng Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc một thiên sứ trên trời  giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8 ).

          Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng đó là Tin Mừng về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Không thể nói Nước Thiên Chúa ở đây hay ở kia bởi vì đó là một thực tại siêu việt khỏi ngôn ngữ con người. Thực tại mầu nhiệm ấy cũng là một với Đấng chẳng ai từng thấy biết và cũng không khác với Đấng Cha mà Đức Ki Tô muốn mạc khải cho chúng ta:“ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Chúa Giê Su nói “Biết Cha” thì cái biết ấy không phải là cái biết của lý trí phân biệt nhưng là của trí tuệ vô phân biệt. Lý trí luôn là cái biết  của sự phân biệt và đó chính là Tội Nguyên Tổ: “ Đức Chúa phán với Eva: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Đối với người đời thì…biết điều thiện, điều ác chẳng phải là…tốt hay sao ? Nhưng đối với Thiên Chúa đó lại là điều cấm ( Trái Cấm ). Tại sao ? Bởi vì con người sống trong vô minh, điên đảo luôn chấp có một “Cái Ta” ( Ngã Chấp ) thế nên vì vậy không thể biết đâu là thiện, đâu là ác, nhưng chỉ  vì “Cái Ta” mà đã chấp ác làm thiện, chấp thiện làm ác…

          Chỉ vì “Cái Ta” mà đã đi vào con đường chấp thiện, chấp ác để rồi gây ra muôn vàn giống tội. Bởi đó Đức Ki Tô đã truyền dạy Con Đường Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Đối với người đời thì Con Đường Bỏ Mình là một nghịch lý khó thể vượt qua nhưng chỉ như vậy chúng ta mới có thể nhận biết “ Đấng chẳng ai từng thấy biết” vẫn hằng hữu…ở nơi chính mình. Bỏ Mình là điều khó vạn nan nhưng với Thiên Chúa, tất cả đều có thể: “ Đối với loài người, điều ấy vẫn bất năng nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể” ( Mt 19, 26 ).

          Với Thiên Chúa mọi sự đều có thể nhưng với điều kiện là phải  có lòng tin và lòng tin ấy cần phải đặt  nơi Chúa Giê Su Đấng đã thấy biết về Cha: “ Các ngươi chẳng từng thấy, biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài  thì Ta cũng sẽ nói dối  như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài, cũng giữ đạo Ngài” ( Ga 8, 55 ).

          Chúa nói: “ Song Ta giữ Đạo Ngài” Điều ấy có nghĩa là gì nếu chẳng phải chính Ngài cũng…giữ Đạo Cha nghĩa là trở về cùng Cha ? Có thể nói toàn bộ công cuộc của Đạo Chúa  chỉ có mục đích là để Trở Về….Tổ phụ  Apraham được kêu gọi ra đi nhưng ra đi là để trở về nơi Đất Hứa. Chúa Ki Tô Phục Sinh qua cuộc khổ nạn của Ngài là để trở về với Chúa Cha. Ngài nói với Madelena: “ Ta lên cùng Cha cũng là Cha các ngươi, cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi” ( Ga 20, 17 ).

          Thật là điều an ủi lớn lao cho mỗi người. Đấng Thiên Chúa chẳng ai từng thấy biết ấy qua mạc khải của Đức Ki Tô lại chính là Đấng Cha mà chúng ta trông mong có ngày trở về ./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts