THIỀN VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO

          Thao thức về cuộc khủng hoảng ngày càng trầm kha của Giáo Hội, đức cố hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận  đã đặt câu hỏi và tự trả lời: “ Tại sao Hội Thánh khủng hoảng ? Vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( ĐHV 134 ).

          Hạ giá không có nghĩa là bỏ, không cầu nguyện nhưng  là đã không nhận ra giá trị  việc cầu nguyện. Đang khi đó cầu nguyện lại  là đòi hỏi thiết yếu của Đức Ki Tô: “ Hãy tỉnh thức cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối” ( Mc 14, 38 ).

          Đời sống Ki Tô Hữu gắn liền với cầu nguyện, không cầu nguyện, con người sẽ không thể có phương hướng sống đạo. Tuy nhiên việc cầu nguyện  của người Công Giáo hiện nay tuy có vẻ…sầm uất, các nhà thờ  vẫn đông đảo người đến tham dự Thánh lễ, các đoàn thể vẫn sinh hoạt đều đăn. Nhưng đó phải chăng chỉ còn là một thứ hình thức bề ngoài,  chẳng  có liên quan gì đến  cầu nguyện vốn được coi  như…hơi thở của linh hồn ?

          Cũng vì ý thức  việc cầu nguyện quan trọng trong đời sống đạo như thế, nên trong những năm gần đây, người ta có đề cập đến Thiền như một phương pháp  có thể giúp ích cho việc cầu nguyện. Thế nhưng qua những luận giải về Thiền ấy lại  khiến cho việc cầu nguyện trở nên…rối tinh, rối mù mà nguyên nhân của nó chính là vì đã không đưa ra được  một định nghĩa xác đáng về Thiền.

          Tuyệt đại đa số người Công Giáo vẫn cho đọc kinh là cầu nguyện nhưng ở đây thì không: “ Thiền là “ Ngồi cầu nguyện” nhưng không đọc kinh, không suy ngẫm, không chiêm niệm và không tư tưởng.  Ta không có ý cầu nguyện  dù là cầu nguyện với Thiên Chúa. Ta cũng không hy vọng bất cứ điều gì xảy ra dù là hy vọng vào Thiên Chúa. Ta đóng lại mọi giác quan, mọi xúc cảm, mọi suy nghĩ, mọi lo lắng, mọi ràng buộc để chìm vào cõi im lặng của hư vô” ( Nguồn: Tgp TP HCM – 27/7/2016 – Đỗ Trần Duy – Thiền Ki Tô giáo ).

          Cầu nguyện nhưng không đọc kinh, không suy ngẫm, không chiêm niệm, không  tư tưởng và cũng  chẳng hy vọng điều gì dù là…với Chúa. Ngoài cái việc không một ai có thể  làm được  như đóng lại mọi giác quan mọi suy nghĩ, mọi lo lắng  …thì thử hỏi mục đích  cầu nguyện như thế để làm gì, chẳng phải như tác giả nói  để chím trong cõi im lặng của  hư vô ?

          Hiểu về Thiền như thế thì chẳng những  không biết chi về…Thiền mà cũng chẳng hiểu gì về cầu nguyện. Mục đích của Thiền đâu có phải để đi vào…hư vô cũng như cầu nguyện không phải là không xin, không hy vọng bất cứ điều gì ?

          Đề cập đến Thiền, chúng ta không thể không liên hệ đến Phật Giáo. Tuy nhiên có hiểu Phật Giáo…cách đứng đắn thì mới mong phần nào lãnh hội được  Thiền dù chỉ trong khái niệm, trái lại thì không: “ Phật Thích Ca Mâu Ni từng ước mong các đệ tử thường xuyên thực hành Thiền để nhìn rõ:  Tất cả chỉ là hư vô ( Sắc sắc, không không ) và từ đó sẽ hết còn tham, sân, si rồi tiến dần tới tình trạng diệt dục hoàn toàn, mong sớm thoát khỏi cảnh đầu thai, ngõ hầu hướng vào…Nát Bàn. Thiền cũng được tả là có sức giúp các Phật Tử “ xóa sổ đen” từ các kiếp trước, khiến tâm ta được hoàn toàn giải phóng. Giáo lý nhà Phật nói rõ rằng Đức Phật đã …đắc đạo và vào Nát Bàn lúc đang tham thiền dước gốc một cây Bồ Đề” ( Nguồn: GP Thanh Hóa – 13/11/2017 – Lm Giu Se  Nguyễn Văn Thư – Thử Bàn Chuyện Thiền ).

          Nguyên nhân khiến người Công Giáo, kể cả các linh mục rất khó để tiếp cận được với Phật giáo dù là Tiểu hay Đại Thừa là bởi vẫn chấp nhất có Đấng thần linh Tạo Hóa  siêu việt  bên ngoài con người. Chính với cái chấp mê đó, người ta không có cách chi hiểu được Thiền và còn nói chi đến việc tu tập  cho có kết quả ?

          Linh mục thần học gia Merton được cho là người có công đào sâu ý niệm về Thiền nói: “ Vì Thiên Chúa là ánh sáng quá chói chang khiến trí óc và mắt con người chỉ  thấy tối tăm. Vì vậy, để gặp Người, ta phải đi vào bóng tối. Vì Thiên Chúa không thể hiểu qua âm thanh, nên để gặp Người ta phải đi vào cõi im lặng. Vì Thiên Chúa  không thể mường tượng trong trí óc nên muốn gặp Người chúng ta phải đi vào cõi trống không. Tuy nhiên ta vẫn thức tỉnh để trực giác “ biết” rằng ta đang hòa vào Thiên Chúa trong hiện tại vĩnh hằng. Đó là bí quyết của Thiền” ( Nguồn Tgp TP HCM 27/7/2016 Đỗ Trân Duy – Thiền Ki Tô giáo ).

          Bởi vì Thiên Chúa là ánh sáng  quá chói chang nên cần …đi vào bóng tối mới gặp được Người ! Đây quả là một phát giác…lạ lùng của người được ca tụng  rất am hiểu về Thiền.  Sao lại nói là…lạ ? Bởi vì  nó hoàn toàn trái với lời dạy của Đức Ki Tô về cầu nguyện: “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ…”

          Tỉnh thức, đó chính là Thiền và ngược lại Thiền là tỉnh thức, là biết cách rõ ràng, chỉ vậy thôi; “ Có lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo đến gặp Đức Phật và hỏi:

          “ Nghe nói Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, vậy phương pháp của Đạo Phật thế nào ? các ngài làm gì mỗi ngày ?

  • Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm giặt, ăn, ngủ…
  • Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu ? Ai lại không đi, đứng, nằm, ngồi ?
  • Đặc biệt lắm chứ, thưa ngài. Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi…thì chúng tôi Biết là chúng tôi, đi, đứng, nằm, ngồi…. Còn với những người khác lúc đi, đứng, nằm, ngồi…họ không biết rằng họ đang đi, đứng, nằm, ngồi….( Thiền sư Nhất Hạnh –  Nẻo Vào Thiền Học ).

Chỉ là  “ Cái Biết” đó thôi  nhưng đây là vấn đề quan yếu của Thiền tông. Có nhiều loại Thiền, thứ Thiền khác nhau. Có thứ chánh có thứ tà. Có thứ sâu, có thứ cạn. Có thứ của ngoại đạo. Có thứ của phàm phu…Riêng với Phật Giáo  có Thiền của Đại Thừa, của Tiểu Thừa, của Mật giáo và của Tịnh Độ tông v,v…

          Riêng ở đây chỉ xin đề cập tới hai thứ Thiền. Một là Thiền tông. Hai là Thiền  Tịnh. Thiền tông lại phân ra các tông phái khác như Thiền Tào Động, Thiền Qui ngưỡng, Thiền  Như Lai …Còn về Thiền Tịnh   cũng  có nhiều phương pháp khác nhau như Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tượng  Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật v.v…

          Như đã biết, Thiền là tỉnh thức là Biết và cái biết đó chính là sự Giác Ngộ Bản Tính. Giác có nghĩa là Biết còn Ngộ là gặp. Giác Ngộ là gặp  được Tánh Biết cũng là Phật Tính ở nơi mình. Đức Phật được gọi là Đấng Toàn Giác  chẳng qua cũng chỉ là người đã hoàn toàn nhận biết và sống với Giác Tính ở nơi mình.

          Bất cứ ai ai cũng có Giác Tánh ( Tánh Biết ) y hệt như Đức Phật nhưng chỉ vì  Mê nên không nhận ra. Bởi lẽ đó Phật Thích Ca nói: “ Ta là Phật đã thành, còn các ngươi là Phật sẽ thành” Ngộ Tánh Biết là Phật, Mê  Tánh Biết là chúng sanh.

          Tánh Biết đó cũng chính là Chân  Tâm thường trụ ở nơi mỗi người, bậc Thánh không tăng, kẻ phàm không giảm. Thế nhưng để nhận biết được Chân Bổn Tánh đó lại rất chi là khó. Đức Phật nói: “ Lành thay Anan ! Các ông phải biết: Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sanh tử tiếp nối đều do chẳng biết Chân Tâm thường trụ, Tánh Thể trong sạch, sáng suốt mà nhận các vọng tưởng làm mình. Các tưởng cũng chẳng phải chân thật, nên bị luân chuyển” ( Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ ).

          Vấn đề hết sức quan hệ trong việc tu tập Thiền Định đó là cần phân biệt giữa Chân Tâm và Vọng Tâm. Chân Tâm tức Tánh Biết là bản chất không bao giờ thay đổi  nơi mỗi người. Còn Vọng tâm là các thứ tư tưởng thay đổi trong từng mỗi sát na. Chân  Tâm là Thể còn Vọng  Tâm là Dụng. Vọng Tâm ví như hình tướng  của bàn ghế, giường, tủ v.v…Còn Chân Tâm  ví như gỗ. Không có gỗ thì không thể làm ra bàn, ghế, giường, tủ. Cũng vậy không có Chân tâm thì không thể có được tư tưởng hay thân thể….

          Theo quan điểm Thiền Tông thì tất cả những gì có hình tướng, sắc màu, âm thanh đều là hư vọng, có đấy rồi lại mất liền ngay đấy ( Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng – Kinh Kim Cang ).

          Con người khi ở trong Mê thì đều chấp cho các thứ tướng trạng ấy là…thật có để rồi sống trong điên đảo, đảo điên, thật thì cho là giả, giả lại lấy làm thật. Khổ đau vì vậy không bao giờ dứt.

          Mục đích của tôn giáo được lập ra có mục đích là để giải thoát khổ cho con người. Thế nhưng tại sao khổ  chẳng những không dứt mà  nhân loại ngày càng chìm đắm trong khổ ?  Nguyên nhân sâu xa là  bởi đã không biết  tất cả mọi khổ não ấy  đều từ Vọng Tâm  dấy khởi phân biệt  chấp có Ta, có Người. Một khi đã chấp như thế thì không thể không Tham, tham được thì càng tham mãi. Trái lại tham không được thì nổi sân giận, ghét ghen, oán thù….

          Do nơi lòng tham, sân ấy mà đã khiến con người phải khổ. Tuy nhiên đó chỉ là cái …ngọn, là hậu quả  ở nơi cái Niệm dấy khởi phân biệt, so sánh: Giàu, nghèo, sang, hèn, vinh, nhục, xấu, tốt v.v….Có khổ là vì còn dấy niệm phân biệt. Chỉ khi nào không còn dấy niệm thì mới thật sự hết khổ.

          Thiền tông chủ trương Lìa Niệm để trở về với Chân Tánh. Bởi đó tổ Lâm Tế nói:  “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề.  Ông một niệm  không dừng được là  Cây Vô Minh” ( Thiền Tào Động ).

          Dừng Niệm tức không khởi niệm phân biệt tất sẽ thấy được Bản Tánh chân thật ở nơi mình. Huệ Năng, tổ thứ sáu Thiền Tông, sau khi được ngũ tổ Hoàng Nhẫn trao y bát đã đi về phương nam. Khi ấy sư Huệ Minh đuổi theo muốn dành y bát nhưng khi  bắt gặp muốn  nhấc lên nhưng không được bèn sợ hãi nói: “ Tôi đến đây để cầu pháp chớ không phải vì Y xin hành giả thuyết pháp cho. Tổ Huệ Năng nói ông hãy tĩnh tâm nghe tôi nói: “ Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính trong lúc đó cái gì là Bộ  Mặt Xưa  Nay ( Bổn Lai Diện Mục ) của Minh thượng tọa” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm Tự Tự ).

          Chỉ cần không khởi niệm thiện ác  sẽ thấy Bản  Bản Lai Diện Mục tức ngộ được Tánh Biết vẫn sẵn có ở nơi mình. Toàn bộ Tu Thiền tông chỉ có vậy. Tuy nhiên, đây là việc hết sức khó khăn nhất là trong thời  Mạt Pháp. Kinh Đại  Tập nói: “ Thời mạt pháp, ức ức người tu hành, khó có một người được giải thoát. Chỉ nương nơi Pháp Môn Niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi” ( HT Thích Trí Tịnh – Thiền Tịnh Quyết Nghi ).

          Niệm có nghĩa là Nhớ. Niệm Phật chính là để nhắc nhở cho ta …nhớ lại Tánh  Phật sáng suốt vốn vẫn hằng hữu ở nơi mình nhưng vì …mê nên không biết. Có nhiều phương pháp…nhớ Phật khác nhau như Quán Tượng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Thật  Tướng Niệm Phật…Nhưng ở đây chỉ xin nói về Pháp Trì Danh Niệm Phật tức xưng tụng và giữ ( Trì ) lại Hồng Danh A Di Đà Phật ở trong Tâm khiến cho Phật và mình ngày càng kết hợp là một với nhau “ Tức Tâm tức Phật”.

          Pháp Trì Danh Niệm Phật thích hợp với đủ mọi căn cơ, thượng, trung và hạ và mục đích tối thượng của phương pháp này là để Vãng Sanh về Tây Phương Cực Lạc nhờ đặt lòng tin nơi Đại Nguyện của Đức A Di Đà. Mặc dầu phương pháp Trì Danh Niệm Phật thích hợp với đủ mọi căn cơ nhưng để cho có kết quả chắc chắn thì phải chuyên tu. Tổ Thiện Đạo nói: “ Nếu chuyên tu  thời trăm người Tu, trăm người  Vãng Sanh. Còn tạp tu  thì nghìn muôn khó được một hai” ( HT Trí Tịnh – Thiền Tịnh Quyết Nghi).

          Để theo đuổi việc chuyên tu tịnh nghiệp này thì phải gắn liền với Thiền gọi là Thiền Tịnh Song Tu. Mặc dù mục tiêu có khác, một đàng là Giác Ngộ Bản Tánh, một đàng là vãng Sanh Cực Lạc nhưng cả hai đều cần có một điều kiện là  để cho ta Nhớ hầu trở về với  Chân  Tâm Bản Tính mình.

          Có nhận ra như thế, chúng ta mới thấy Đạo Chúa cũng có …Thiền, hiểu như đó là trở về trong thinh lặng: “ Hãy nhóm lại và vào thành bền vững và nín lặng tại đó vì Giehova ĐCT  chúng ta đã khiến chúng ta nín lặng” ( Gr 8, 14 ). Con đường thinh lặng đây chính là Thiền. Thiền là tĩnh lự là dứt bặt tư tưởng. Còn thành bền vững  là Chân Tâm Vô Phân Biệt.

          Nếu có thể gạt gỏ tính chất giới hạn của ngôn ngữ khái niệm thì sẽ thấy Chân Tâm Vô Phân Biệt đây chính là Đấng Cha của Đức  Giê Su Ki To hằng tuân phục và kêu gọi chúng ta cần trở về với Ngài: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người  thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời, bởi vì Ngài khiến cho mặt trời soi trên  kẻ ác cùng người thiện, mưa  cho người công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 43 -45 ).

          Đức Ki Tô nói “ Cha  các ngươi trên trời” đó chỉ là một thứ …tùy thuyết để cho những người chưa được giáo hóa có thể chấp nhận. Còn với  các môn đệ thì Ngài luôn biểu dương một Đấng Cha… nội tại: “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi” ( Ga 14, 20 ).

          Ngày đó tức ngày các môn đệ của Chúa…ngộ được Đấng Cha  trong chính họ. Để có thể…ngộ được Đấng Cha ấy thì phải luôn…Nhớ đến Ngài. Có nhớ đến Chúa thì Chúa mới…nhớ đến ta, đây chính là cái lẽ “ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

          Đạo Công Giáo có nhiều phương pháp để giúp ta…nhớ đến Chúa và chính Chúa Giê Su khi lập Phép Thánh Thể cũng là cho mục đích ấy: “ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

          “Nhớ” có một vai trò vô cùng quan trọng trong  việc mang lại hạnh phúc hay khổ đau cho con người. Có nhớ điều lành thiện thì mới làm được điều lành thiện. Làm điều lành thiện sẽ hưởng an vui, hạnh phúc. Trái lại cứ nhớ những điều xấu xa ác độc  thì sẽ làm điều ác độc. Làm điều ác độc thì không cách chi tránh được khổ đau, bất hạnh.

          Trong các phương pháp giúp ta có thể luôn …Nhớ đến Chúa đó là  cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi. Tại sao ? Bởi vì đi tham dự Thánh Lễ thì phải có điều kiện và ngày chỉ được một lần. Lại cũng không thể đọc các kinh nguyện khác như kinh vực sâu, kinh cám ơn v.v…Duy chỉ có Kinh Mân  Côi  thì người khỏe, người liệt giường liệt chiếu, người già, trẻ con  và đọc bất cứ thời gian bao lâu cũng được, cứ hết chuỗi năm mươi này lại đến chuỗi khác…

          Mặt khác và đây là điều rất ư quan hệ của  Chuỗi Kinh Mân Côi  đó là việc lập đi lập lại hai Thánh Danh Giê Su và Maria. Mục đích của việc lặp đi lập lại ấy không ngoài mục đích để cho ta khắc ghi Thánh Danh đó vào trong tâm tưởng mình.

          Để cho việc khắc ghi ấy kết quả thì nhất định  đòi hỏi cần có lòng kiên trì. Lý do  cần kiên trì bởi có một trở ngại rất lớn đó là sự chia lòng chia trí. Nếu không kiên trì thì dễ đưa đến chán nản bỏ cuộc. Không có ai là không chia lòng chia trí trong khi cầu nguyện nhất là với  việc thực hành Kinh Mân Côi nhưng thật sự điều ấy cũng chẳng có chi đáng ngại. Tại sao ? Bởi vì Chúa không đòi hỏi chúng ta điều gì khác hơn là lòng chân thành, hết lòng yêu mến Ngài.

          Chính  với sự kiên trì đó  chứng tỏ lòng ta …Nhớ đến Chúa và những kẻ nào nhớ Chúa thì làm sao Chúa có thể…quên ? “ Sion từng nói rằng: Đức Chúa Giehova đã lìa bỏ ta, Chúa đã quên ta. Đàn bà há dễ quên con mình sao ? Nhưng dẫu đàn bà có quên con mình thì Ta cũng chẳng có quên ngươi đâu ? ( Is 49, 14 -15 )./.

Phùng  văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts