Linh mục sống đời Thánh Hiến

        Mấy ngày nay, đi đâu cũng nghe xôn xao bàn tán về Giáo Điểm Tin Mừng của cha Trần Đình Long. Phần lớn là…tiếc nhưng  khen cha có đức vâng lời.

          Bất ngờ xem lại “ Lệnh Thuyên Chuyển” của Tòa TGM  thấy  cha Đa Minh Ngô Quang Tuyên, chánh xứ Phú Xuân sẽ về thay cha Long coi sóc Giáo Điểm. Tôi thấy  ngờ ngợ hình như cũng có…biết cha này. Bèn giở cuốn Kỷ Yếu Gia Đình  Phan Xi Cô Sài Gòn  ra đọc thì thấy quả không sai. Trong cuốn Kỷ  Yếu đẹp và in ấn khá công phu ấy có bài của cha Tuyên  lớp Mẹ Lên Trời ( 1959 ) với cái tựa là: “ Giáo Điểm Nơi Rao Giảng Tin Mừng”.

          Trong bài, cha Tuyên kể một câu chuyện  nghe qua có lẽ  ai cũng phải…phì cười nhưng  ngẫm nghĩ lại  thấy thật chí lý. Số là sau khi chịu chức linh mục năm 1973, cha Tuyên và hai cha cùng lớp đã tình nguyện đi vào miền Rừng Sác thuộc huyện Cần Giờ để lập Giáo Điểm Truyền Giáo.  Nơi đó không có người Công Giáo, chỉ có một ông tên  Hai Le là…cựu Công Giáo có nghĩa  đã…bỏ  đạo từ lâu !

          Ba  cha ở đó được một thời gian thì có một bà trong  xóm cứ đòi gả ba cô con gái của bà  cho  ba  ông cha trẻ.  Cha Tuyên giải thích là chúng tôi đi tu không được phép  lấy vợ thì bà ấy nói đi tu lấy vợ mới tốt chứ. Ông đạo tộc ( người trông coi Thánh Thất Cao Đài ) cũng có vợ đấy. Bên sông đằng kia ông đạo  tộc có hai vợ và hạnh phúc lắm. Cha Tuyên giải thích nhiều về đời tu  bên Công Giáo rồi đưa tay chỉ cho bà xem ảnh Thánh Giá treo trên tường  nói:

          “ Chúng tôi theo Chúa Giê Su là Đấng  chịu đóng đinh chân tay vào Thánh Giá thế thì còn tay nào mà…ôm vợ. Cho nên chúng tôi sống độc thân theo gương Chúa Giê Su để đi giảng đạo”.

          Cách giải thích của cha Tuyên cho người đàn bà nhà quê ấy  phải nói là thật dể hiểu  nhưng cũng vô cùng hợp lẽ với đời sống độc thân của các Linh Mục Công Giáo.  Đã đi tu làm Linh Mục  thì không  được phép có vợ bởi vì đời các ngài  đã được Thánh Hiến  có nghĩa dâng hiến cuộc đời mình cho lý tưởng Nên Thánh.

          Thử hỏi có lý tưởng nào cao quý cho bằng việc Nên Thánh ? Thế nhưng  trong cái thời Tục Hóa này  mà còn nói đến Nên Thánh  thì  kể như đã quá ư …lỗi thời !!!

          Không nhớ  ở một nước Âu Châu nào đó  đã có hàng trăm linh mục xuống đường biểu tình  đòi  Giáo Hội phải cho phép …lấy vợ. Hơn thế nữa sắp  diễn ra hai THĐ Giám Mục. Một là THĐ Giám Mục toàn vùng Amazon sẽ biểu quyết về vấn đề  phong chức linh mục  cho những người  đã kết hôn gọi là Viri Probati  và hai là  THĐ Giám Mục Đức  với Tiến Trình Công Nghị có tính ràng buộc sẽ thảo luận về ba vấn đề chủ yếu: Luật Độc Thân Linh Mục. Giáo Lý về Đạo Đức Tình Dục và  Chủ nghĩa Giáo Sĩ Trị.

          Quả thật  chưa bao giờ  Giáo Hội lại  ở trong  tình trạng chia rẽ sâu sắc như  hiện nay về chức Linh Mục  và sự chia rẽ ấy  chính là điểm mấu chốt  làm nên  cuộc khủng hoảng đức tin mà  Đức Ki Tô đã báo trước cách nay hai ngàn năm: “ Dẫu vậy khi Con  Người đến, há  còn đức tin trên mặt đất này chăng ?” (Lc 18, 8).

          Khủng hoảng đức tin tất yếu sẽ xảy đến khi  người ta đã  mất đi cái…Chuẩn Mực  Sống Đạo có nghĩa  không  còn biết sống đạo cách nào và sống đạo để làm gì ?. Chuản  Mực Sống Đạo  ấy  chính là Luật  Chúa  trong đời sống tâm linh. Luật đây cũng chính là Giới Luật  tức cái giới hạn mà con người phải tuân theo.

          Giới hạn đó tưởng chừng  khiến con người  bị kìm hãm, mất tự do nhưng hoàn toàn không phải vậy. Sợi giây có vẻ như cầm giữ con diều  nhưng nếu không có nó thì  diều không thể bay cao. Cũng vậy, hai bên bờ xem ra có vẻ hạn chế dòng sông  nhưng nếu không có hai bên bờ  thì dòng sông  sao có thể tuôn  ra  biển lớn đại dương ?

          Luật là cần thiết  cho cả đời thường lẫn đời tâm linh. Tuy nhiên giữ Luật  mà không hiểu  ý nghĩa cũng như mục đích của Luật thì  sẽ  phản tác dụng. Bởi đó Đức Ki Tô đã nặng lời quở trách  các  luật sĩ và Pharisieu là những kẻ giả hình: “  Khốn thay  cho các ngươi, kẻ luật sĩ và Pharisieu là những bọn giả hình kia. Vì các ngươi giống như những mồ mả tô vôi, bề ngoài coi đẹp mà bề trong  thì  chứa đầy xương người chết và mọi thứ ô uế” ( Mt 23, 27 ).

          Giữ luật thì phải  hiểu  ý nghĩa, mục đích của Luật và  Luật Độc Thân Linh Mục sở dĩ  được đề cao  chính là để noi gương Thầy Chí Thánh Giê Su. Một khi Thầy  đã sống đời độc thân  như thế  thì Linh mục là những  Ki Tô Khác ( Alter Christus ) làm sao có thể không sống như Ngài ?.

          Tiếp đến Linh Mục theo Chúa, sống cuộc đời Thánh Hiến là để thực thi sứ mạng rao giảng Tin Mừng  đã được Chúa báo trước: “ Vì có người hoạn từ trong lòng mẹ. Có người hoạn bởi người ta làm nên và có người hoạn vì cớ Nước Trời. Ai có thể nhận ( hiểu ) được lời ấy thì hãy nhận đi” ( Mt 19, 12 ).

          Sống đời  Độc Thân Linh Mục là do tự nguyện chứ không bị ai ép buộc. Tuy nhiên để có thể sống đời…độc thân ấy là điều vô cùng khó nếu không có ơn Chúa nâng đỡ “ Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” ( Ga 15, 5 ). Có Chúa nâng đỡ đó là điều phải tin nhưng  về phần những kẻ muốn theo Chúa  nhất là các Linh Mục  cũng không thể có con đường nào khác ngoài ra là  phải …Bỏ Mình: “  Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Hàng ngày vác thập giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Làm cách sao để…bỏ được mình  tức  bỏ đi Ngã Chấp ( Chấp có một Cái Ta, Tôi, độc lập tự tánh ). Đây chính là toàn bộ  Con  Đường TU  dù là của Phật Giáo  hay Công Giáo. Đối với Thiền Tông,  việc phá chấp ấy  là … “ Lìa Niệm”. Tổ  Lâm Tế nói: “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Chỗ ông không dừng  được một niệm đó là Cây Vô Minh”.

          Lìa Niệm, đây chính là lìa bỏ  cái niệm phân biệt Ta – Người. Bao lâu còn có tư tưởng phân biệt Ta –  Người, đó là còn sống trong vòng trói buộc của vô minh điên đảo. Trái  lại bỏ đi được cái niệm ( tư tưởng ) phân biệt Ta – Người,  đó  là  có trí tuệ.

          Sống đời Thánh Hiến chẳng qua cũng là một Phép Tu và Phép Tu của các Linh mục đó chính là thực hiện ba lời khuyên Phúc Âm; Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh.

          1/- Vâng lời.

          Thông thường ai cũng hiểu  linh mục vâng lời  là vâng phục  đức giám mục bản quyền. Tuy nhiên đây mới chỉ là hình thức bề ngoài. Còn tính chất  sâu xa của sự vâng phúc  cần phát xuất từ ở  nơi Tâm. Nếu chỉ có bề ngoài  mà không phát xuất từ nơi Tâm thì đó chưa phải… vâng phục thật sự.

          Như vậy ý nghĩa  rốt ráo của sự vâng phục chính là từ bỏ ý riêng mình.  Cứ thực lòng vâng phục bề trên,  mặc dầu ý riêng mình  không cho là…đúng. Điều ấy sẽ được Chúa chúc phúc. Về  đức vâng lời này, Thánh Gregorio nói: “ Thà vâng lời  ăn cơm còn có công hơn là theo ý riêng  mà ăn chay”.

          Thế gian hết thảy đều sống theo ý riêng mình,  điều đó  khiến  con người  phải xa cách Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn  mọi phúc  đức. “ Không sự gì cũng không ai có thể  khiến ta  xa cách Thiên Chúa. Dù cả loài người hay dù cả các quỷ trong Hỏa Ngục hợp lại cũng không có thể, chỉ trừ ý riêng thôi. Theo lời Thánh Benado nói: Giả sử trong loài người  khỏi  được cái tai vạ này. Không còn ai theo ý riêng  tất sẽ không còn Hỏa Ngục. Nó là kẻ thù phá tiệt mọi nhân đức (Thánh Alphongso Liguori – Kẻ nữ Tu Thánh Thiện ).

          Tinh thần  vâng phục là điều cốt yếu của  đời  Linh Mục. Thế nhưng  không cách chi có thể vâng phục  một khi  còn …ngã chấp tức giữ ý riêng mình. Về sự vâng phục này chính Chúa Giê Su cũng  thực thi điều ấy với Đấng Cha của mình: “ Anh  em hãy có đồng tâm chí  như Chúa Giê Su Ki Tô đã có. Ngài vốn đồng một thể tính  với Thiên Chúa. Song chẳng coi sự đồng thể tính ấy như ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại Ngài tự làm cho mình ra trống không ( Vô Ngã ). Lấy hình thể tôi tớ trở nên như hình dạng loài người. Ngài đã có mạo dạng như con người rồi bèn hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá. ( Pl 2, 5 -8 ).

          2/- Khó nghèo.

          Trong thời hiện đại, lời khấn sống khó nghèo của các Linh mục xem ra  khó để thực hiện. Biết bao nhu cầu của đời sống cần đáp ứng….Thế nhưng không vì thế, các Linh Mục có thể …bỏ qua lời khấn này được. Bởi lẽ chính Chúa Giê Su, Đấng  sáng lập đạo cũng đã sống  một cuộc sống khó nghèo từ khi sinh ra cho  đến khi  rong ruổi trên đường rao giảng Tin Mừng: “ Đang khi đi  đường có kẻ thưa với Ngài rằng: Chẳng cứ Ngài đi đâu tôi sẽ theo đó. Chúa Giê Su đáp: Con cáo có hang, chim trời có tổ. Song Con Người không có chỗ gối đầu” ( Lc 9, 57 -58 ).

          Có thể nói, Chúa Giê Su không những chọn cuộc sống khó nghèo mà còn yêu chuộng cuộc sống ấy. Tại sao vậy ? Bởi vì Đạo Chúa là Đạo Xuất Thế: “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng các  không thuộc  về thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 19 ).

          Những người  theo  Chúa thì không…thuộc về thế gian  có nghĩa  không chạy theo, tìm kiếm những gì  thế gian  ưa chuộng như lợi lộc, danh tiếng, địa vị v.v…. Sở dĩ thế gian  yêu chuộng, tìm kiếm những thứ  đó vì cho chúng là…thật có. Trái lại người có đạo  chúng ta được Chúa truyền dạy cho biết tất cả những thứ đó đều  giả tạm, chóng qua không có chi là thật: “ Thế thì chớ lo lắng rằng chúng ta ăn gì, mặc gì ? Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn lo. Song Thiên Phụ các ngươi biết các ngươi cần dùng những thứ đó rồi.  Nhưng trước hết  hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài. Còn mọi điều ấy sẽ thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ có lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 31  – 34 ).

          Nguyên  nhân  khiến người đời cứ  phải lo lắng, tìm kiếm, chất chứa cho mình tài sản, danh vọng, quyền chức như thế  chỉ vì lòng tham không bao giờ biết đủ. Thế nhưng cũng chính lòng tham ấy mà đã khiến con người không bao giờ có thể nhận biết Sự Thật: “ Chúa Giê Su bèn phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng:  Nếu các ngươi cứ ở trong  đạo của Ta, các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Linh Mục là những người theo Chúa để nhận biết Sự Thật và Sự Thật ấy chỉ đến với các ngài khi  có được  quyết tâm  sống  với lời khấn khó nghèo. Vả lại, ngay trong thời hiện  đại này các Linh  Mục vẫn có thể thực hiện lời khấn bởi như Thánh  Benado  nói: “  Chính cái lòng yêu thích sống khó nghèo (  không tìm kiếm tiện nghi ) mới gọi là nhân đức chứ không phải sự…ở  trong cảnh  nghèo nàn, khó khăn”.

          3/- Khiết tịnh.

          Một  lý do quan trọng  khiến các Linh Mục cần tuân giữ lời khấn  Sống Khiết Tịnh là vì các ngài đã mang nơi mình sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô: “ Thời đã mãn, Nước Trời đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

          Có hai điều kiện để đón nhận  Nước Trời đó là sự ăn năn sám hối và  có lòng tin  nơi Tin  Mừng của Đức Ki Tô. Cả hai điều kiện đó  trước hết cần thể hiện ở nơi các Linh Mục bằng đời sống khiết tịnh. Lại nữa có sống đời sống khiết tịnh ấy  các Linh Mục mới có thể là những chứng nhân cho  Chúa ( Lc 24, 48 ).  Còn như ngược lại thì không !

          Cuộc khủng hoảng do nạn lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ gây ra có nguyên nhân  sâu xa là nạn Tục Hóa. Tại sao ? Bởi một khi đã bước vào con đường Tục Hóa  thì đức tin không thể tồn tại. Đang khi đó Đức Ki Tô  luôn đòi hỏi  kẻ  theo  Ngài  cần  có  lòng tin nơi Tin Mừng  về Nước Trời nội tại ( Lc 17, 20 -21 ).

          Tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô, các Linh Mục  đã sống cuộc sống khiết tịnh và quả thật đó là một đời sống cao quý  đáng  trân trọng. Hơn nữa đời sống thế gian này ngắn ngủi và chỉ là cõi tạm. Những ai bám vào nó kể cả Linh Mục  sẽ chỉ chuốc lấy tủi hận, khổ đau không lối thoát. “ Nhưng anh em ơi ! Tôi bảo điều này: Thì giờ vắn vỏi, từ nay về sau, kẻ có vợ hãy nên như không có. Kẻ đương khóc hãy nên như không khóc. Kẻ đương vui hãy nên như  chẳng vui. Kẻ mua hảy nên như chẳng được gì. Kẻ dùng thế gian hãy nên như kẻ chẳng quá dùng nó. Vì hình dạng của thế gian  này đang qua đi mau  chóng” ( 1C 7, 29 -31 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts