HÃY HÀNH THIỆN, NHƯNG XIN ĐỪNG MÙ QUÁNG

“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. 

Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” 

(Mt 10: 16)

Khi sai những người tin vào mình đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh báo họ về những khó khăn họ sẽ phải đối diện, như đang đi vào những chỗ nguy hiểm, như “chiên giữa bầy sói.” Vì biết được nguy hiểm rình rập không ngừng dành cho người tin khi đi loan báo Tin Mừng, khi đi thực thi giới răn yêu thương, Chúa Giêsu căn dặn họ “anh em phải khôn như con rắn và đơn sơ như bồ câu” (x. Mt 10: 16). 

Rắn là loài vật nhanh nhạy, tinh khôn, luồn lách khéo léo trong các hoàn cảnh.

Bồ cầu thì hiền lành, trong trắng, và đơn sơ.

Chúa Giêsu nhắc nhở các tín hữu cẩn cả hai. Khôn để tránh những nguy hiểm, những sai sót, và để đưa ra những hành động thích hợp nhất trong những hoàn cảnh cụ thể. Đơn sơ để chân nhận, mở ra đối những chân lý, những hoàn cảnh sống của người khác. 

Cần cả hai đặc tính của rắn và bồ câu cùng một lúc. Nếu chỉ khôn không thì dễ trở thành khôn khéo, tài lanh, quỷ quyệt. Nếu chỉ đơn sơ không thì dễ dàng bị lợi dụng, bị dẫn dụ, và bị lừa gạt.

Khôn ngoan để phân biết đúng – sai.

Đơn sơ để biết chân nhận sự đúng – sai.

Tuy nhiên, dường như chúng ta, nếu không tập luyện, thì chỉ thủ đắc một nhân đức hoặc là khôn quá hoặc là quá đơn sơ. Khôn quá thì dễ quỷ quyệt, ma lanh. Đơn sơ quá thì dễ bị lừa lọc, bị lường gạt.

Làm thế nào để ta để biện phân đúng – sai, tốt – xấu trong môi trường sống hầu có thể thực thi tốt sứ mạng loan báo Tin Mừng mà không bị “sói ăn thịt”? 

Triết gia Soren Kierkegaard (1813 – 1855) đã nói: “Hãy làm việc thiện vì đó là việc thiện.” Tự bản chất làm một việc tốt, hành vi đó luôn luôn là tốt, luôn đúng, và cần thiết để thực thi. Tuy nhiên, vấn đề hệ tại ở việc người thực thi (subject – chủ thể) có đưa ra cách thức thực thi thích hợp không? Vì lẽ, đối tượng (object – khách thể) đón nhận là hữu thể người vốn rất phức tạp. “Hoạ hổ, hoạ bì nan hoạ cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm” (Vẽ hổ chỉ vẽ được da khó vẽ được xương; biết người biết mặt khó biết lòng). Vì khó biết được lòng người, nên nhiều khi chúng ta bị những hình thức bề ngoài đánh lừa, dẫn đến lòng chúng ta xao động, đưa ra những hành động vội vàng khi chỉ dựa trên bề ngoài, chưa kiểm chứng rõ ràng. Sau đó, ta biết mình nhầm. Khi đó xin đừng vội trách, vì sao người dối trá, nhưng xin hãy hỏi tại sao ta lại dễ mắc lừa? Thế nên, nhiều hành động của ta tuy là hành động được nghĩ, được cho là tốt, nhưng lại đưa đến kết quả không tốt. Nên ta nghe đâu đó có câu: 

“Hành thiện không đúng chỗ, là ác! 

Ác (được hiểu từ chối hành thiện) đúng chỗ, là thiện!”

Mặc dầu vẫn biết rằng “hãy hành thiện vì đó là việc thiện,” và ta hành thiện không đòi đền đáp, hành động vô điều kiện. Chính vì có những người hành thiện không đòi đền đáp nên thế giới này đã được tô vẽ tràn ngập niềm vui và hy vọng hơn. Tuy nhiên, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được phú ban cho lý trí để đưa ra những chọn lựa tự do, nên mặc dù bản chất của con người đến trong cõi đời này là để hành thiện, để làm điều tốt, để yêu thương, nhưng việc thể hiện hành động tốt, hành động yêu thương cần sự khôn ngoan, trí tuệ sắc bén. Hành thiện vô tri không khéo không giúp ích cho tha nhân mà lại làm hại cả chính bản thân mình.

Chuyện kể rằngXưa, có hai vị tu sĩ, một già một trẻ, chiều chiều hay ra bờ hồ phẳng lặng ngắm cảnh hoàng hôn buông. 

Khi đang ngồi ngắm cảnh mặt hồ yên tĩnh, phẳng lặng… thì thình lình một con bọ cạp rơi xuống mặt nước, đang cố vùng vẫy để khỏi bị chết chìm. Thấy vậy, vị tu sĩ trẻ vội vàng đưa tay muốn giải cứu nó ngay lập tức. 

Không ngờ, vừa đụng tay vào, thì đã bị bọ cạp chích vào ngón tay đau điếng. Đành buông tay ra!

Nhưng vị tu sĩ trẻ không sợ hãi, lại tiếp tục cho tay vào để cố nhấc con bọ cạp ra khỏi mặt nước, nhưng lại một lần nữa bị con bọ cạp hung hăng chích thêm cho một cái nữa.

Tuy bị chích nhiều lần đau điếng, nhưng vị tu trẻ không nản chí, cứ đưa tay cố gắng để nhấc con bọ cạp lên khỏi nước.

Lúc này, vị tu sĩ già ngồi bên cạnh chứng kiến cảnh tượng, bèn chất vấn: Bản chất của bọ cạp là CHÍCH. Bất cứ ai, vật gì chủ động đến gần nó, không phân biệt là giúp hay là hại, nó đều cong đuôi ra chích. Vậy làm sao cứu giúp bọ cạp mà không bị chích?”

Vị tu sĩ trẻ: “Chích là bản tính của bọ cạp! Cứu giúp, mang lại sự sống là bản tính của con người. Tôi cố gắng cứu sống nó! Đó là bản chất người của tôi! Tôi sao lại có thể vì bản tính của nó mà đành bỏ bản tính của mình được chứ?”

Vị tu sĩ già không trả lời, nhưng hành động. Ông nhặt vội cành củi khô, đưa đến gần để con bọ cạp đang vùng vẫy dưới nước có thể bám vào, rồi đưa nó lên bờ an toàn.

Vị tu sĩ già chậm rãi nói: Đúng! Ta đừng vì tác động ngoại cảnh mà đánh mất bản tính thiện lương của mình. Bản tính thiện lương của ta làm cho thế giớ này đáng sống. Đừng bào giờ đánh mất nó dù trong hoàn cảnh nào. Nhưng, ta cũng phải thận trọng, đừng vì cứu người mà làm tổn thương đến chính mình. Phúc đâu chưa thấy mà thấy hoạ!

Thiện lương là bản tính của con người. “Nhân chi sơ tính bản thiện,” nhưng vì vết tích của tội Nguyên Tổ nên lòng người rất phức tạp, nham hiểm, đa đoan. Nó không còn thuần khiết như thuở ban đầu tạo dựng. Do vậy, nếu lòng tốt thiếu khôn ngoan, thiếu thận trọng sẽ là duyên cớ cho những cơ cấu xã hội độc tài kéo dài, tổ chức xã hội gian trá lợi dụng, người mưu đồ bất chính trục lợi, những người lòng tham vô đáy thừa cơ lạm dụng. Cuối cùng, người bị tổn thương lại chính là người đi hành thiện, và nhiều trường hợp thực sự cần được lãnh nhận điều tốt lại mất đi cơ hội.

 

Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Tự bản chất việc thiên là điều tốt, và luôn luôn phải làm, làm trong vô điều kiện. Đó là những điều người đi hành thiện phải nằm lòng. Tuy nhiên, vì lòng người vốn phức tạp, nên người hành thiện cần khôn ngoan đừng để lòng tốt của mình bị đem ra làm trò đùa, bị lợi dụng, và cũng cần đơn sơ để chấp nhận những sự thật bất toàn của thân phận người. Khi làm những việc tốt cho một ai đó, tôi có cầu nguyện để xin ơn Chúa Thánh Thần cho được ơn khôn ngoan không? Theo lý trí tự nhiên, khi đi giúp đỡ, hay làm một việc nào đó, tôi có tìm ý kiến khách quan từ những người ngoài cuộc không? Tôi đã có kinh nghiệm bị cái vẻ bề ngoài, hay lời ngon ngọt mà bị đánh lừa không?Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.

Số 214: Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)

Chia sẻ Bài này:

Related posts