Cầu nguyện trong dịch bệnh

          Dù có nhiều hình thức và  định nghĩa khác nhau về cầu nguyện. Nhưng đó là việc làm thiết yếu trong đời sống tôn giáo, đến nỗi nếu không có cầu  nguyện  thì tôn giáo  cũng chẳng khác chi với triết học ? Đức cố hồng y F.X  Nguyễn Văn Thuận  đặt câu hỏi và tự trả lời: “ Tại sao Hội Thánh khủng hoảng ? Đó là vì đã hạ giá cầu nguyện” ( ĐHV 132 ).

          Hạ giá không có nghĩa là không có cầu nguyện nhưng đã biến cầu nguyện thành ra một thứ suy niệm thần học ! Trong mấy tuần nay khi cơn dịch Covid 19 bùng phát dữ dội, các Thánh Lễ bị… đình chỉ thì trên các trang mạng, người ta thấy tràn ngập các Thánh Lễ…online, trực tuyến cùng với các bài suy niệm cầu nguyện đủ  thứ.

          Trước tình hình đó, đức cha Antonio Gomez Cantero, giám mục giáo phận  Teriel Albarraein, Tây Ban Nha đã lên tiếng cảnh cáo thẳng thừng: “ Tất cả các cuộc oanh tạc này đặt ra nhiều câu hỏi cho tôi. Phải chăng chúng ta đang đối xử  với các tín hữu như thể họ  không biết cầu nguyện và nên phụ thuộc vào hàng giáo sĩ để có thể cầu nguyện ? Với những gì chúng ta đã làm cho đến nay, có phải chúng ta  đang coi  các anh chị em giáo hữu chỉ như là khan giả ?  Bạn có thể thấy  rằng  rất nhiều Thánh Lễ trên màn hình  đang giữ mọi người trong vai trò thụ  động của khán giả. Hay là chúng ta muốn biện minh cho chức tư tế của  mình ? Có phải các dịch vụ tôn giáo đã có trên đài truyền hình và đài phát thanh là không đủ ? Điều gì quan trọng hơn  một khoảng thời gian cầu nguyện  và Lectio Divina với Lời Chúa  hay việc nhìn vào một màn trình diễn trên màn hình máy tính ? ( Nguồn GP Vĩnh Long – 02/4/2020 –  Phụng Vụ Zapping – Lm Giu Se Trương Đình Hiền – Một nhận định về Thánh Lễ Online ).

          Xem Thánh  Lễ trên mạng, đọc các bài  Suy Niệm Cầu Nguyện  của người khác. Điều đó có phản ảnh được gì về tinh thần cầu nguyện hay không ? Câu trả lời ở đây là …hoàn toàn không ! Tại sao ? Bởi vì  bản chất của cầu nguyện luôn phải bao hàm trong đó hai yếu tố. Một là Cầu và hai là Nguyện. Nếu chỉ  Cầu xin ơn này ơn khác mà không  Nguyện thì đó không phải là cầu nguyện.

          Đang khi  đó chỉ…xem lễ như một khán giả và đọc ( Nghe ) các bài suy niệm của người khác  thì chẳng những không có  Cầu mà cũng chẳng có Nguyện ? Nguyện là yếu tố chủ đạo trong cầu nguyện. Chỉ cầu xin ơn này ơn khác mà không…nguyện thì không thể  đẹp lòng Chúa bởi vì  Nguyện tức là…nguyện  được về sống đời đời bên Chúa trên Thiên Đàng. Lại nữa  để được về bên Chúa thì phải nguyện vâng theo Thánh Ý. Cầu nguyện mà không vâng theo Thánh Ý  đó là cầu xuông, nguyện dối, chẳng  thể có ơn ích.

          Chính trong cơn đại dịch này, việc cầu nguyện đối với mỗi người lại càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Lý do là vì có khổ thì mới cầu mong cho hết khổ. Dịch bệnh hiện nay  đem đến cho con người nhiều nỗi âu lo. Thế nhưng những mối lo đó  chỉ là…lo cho phần vật chất xác thân: Lo đói, thất nghiệp, ốm đau không có thuốc chữa và …chết. Tất cả những cái…lo ấy là của người đời, ai ai cũng đều lo như vậy cả. Nhưng rồi…khổ vẫn cứ hoàn khổ. Có hết dịch  rồi thì vẫn cứ…khổ.

          Tại sao cầu cho hết khổ mà vẫn cứ…khổ ? Đó là vì việc …cầu ấy  chỉ là cầu  cho hết cái khổ về  xác thân. Đang khi đó xác thân vốn là cái túi chứa khổ. Lão Tử nói: “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn ? ( Ta có khổ lớn là vì có thân. Nhược bằng ta không có thân thì đâu có khổ – ĐĐK chương 13 ).

          Cái khổ lớn đây không phải là vì…có thân nhưng bởi chấp xác thân này là…mình. Một khi đã chấp xác thân này là mình thì tất nhiên cũng chấp cho cõi đời này là…thực để rồi cứ bám riết lấy nó với đủ thứ dục vọng tham, sân thì làm sao còn  có ước vọng được về sống bên Chúa ?

          Chính vì không ước nguyện được về sống bên Chúa thế nên con người ta mới …sợ chết, sợ dịch đến nỗi chẳng còn có tình bác ái, yêu thương với đồng loại ! Người có  đạo mà còn sợ chết  thì chứng tỏ họ không thực tình muốn về với Chúa ? Nhạc sĩ Kim Long có một ca từ rất hay và ý nghĩa: “ Khi Chúa thương gọi con về. Hồn con hân hoan như trong một giấc mơ”

          Được về sống bên Chúa, hưởng phúc lạc đời đời trên Thiên Đàng. Đó chẳng phải là ước nguyện của người Công Giáo hay sao ? Tuy nhiên  để cho ước nguyện ấy  thành tựu  thì như Thánh Phao Lô nói, cần lập chí cho vững vàng: “  Vậy chúng ta hãy vững lòng luôn, vì biết rằng bao lâu chúng ta còn ở trong thân xác  thì cách xa Chúa, vì chúng ta bước đi bởi đức tin chứ không phải bởi mắt thấy. Vậy thì chúng ta  hãy vững lòng thà nguyện lìa khỏi thân thể này để ở cùng Chúa thì tốt hơn. Cho nên chúng ta  dù ở hoặc lìa khỏi ( thân xác ) cũng cần lập chí cho  đẹp lòng Ngài” ( 2C 5, 6 -9 ).

          Có lập chí vững vàng  thì mới có thể kiên trì trong việc cầu nguyện bởi  lẽ việc…nguyện về ấy  không thể không bị trở ngại, quấy phá bởi ba thù: Ma quỷ, thế gian, xác thịt.

          Trở ngại lớn nhất trong ước nguyện về Thiên Đàng  đó là bị cám dỗ về đức tin. Tin sự hiện hữu của Thiên Đàng là điều rất khó. Nhưng nếu không có lòng tin thì cũng không thể có ước nguyện. Chính Chúa Giê Su  sau khi ở trong sa mạc 40 đêm ngày Ngài cũng bị Sa Tan cám dỗ: “ Ma quỷ lại đem Ngài lên núi cao, chỉ cho thấy  các nước thiên hạ trong giây phút mà nói: Tôi sẽ cho Ngài hết thảy quyền bính này và vinh hoa của các nước đó vì đã  được giao cho tôi rồi, tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu Ngài thờ lạy trước mặt tôi thì mọi sự đó sẽ thuộc về Ngài. Chúa Giê Su cất tiếng đáp cùng nó: Có lời chép rằng: Ngươi hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài” ( Lc 4, 5 -8 ).

          Dù rằng tin có Nước Thiên Đàng là rất khó. Thế nhưng đức tin ấy không thể có  một cách…nhưng không mà cần trải qua quá trình cầu nguyện lâu dài. Nói cách khác chính trong nỗ lực kiên trì cầu nguyện ấy, đức tin sẽ ngày càng triển nở, vững vàng. Đòi hỏi phải có  đức tin trước rồi mới cầu nguyện là điều phi lý.

          Ước nguyện bị trở ngại nữa đó chính là sự hướng chiều về thế gian. Tính chất hướng chiều ấy có căn nguyên từ Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt tức là sự phân tâm, nhà Thiền gọi là vọng tưởng. Đang khi cầu nguyện, dù có cố gắng cầm lòng cầm trí  thế nào nhưng vẫn không sao tránh khỏi vọng tưởng. Vấn đề  chỉ là ở chỗ không theo nó mà thôi.

          Vọng tưởng không thể dứt mà chỉ có thể chuyển hóa. Tuy nhiên  để có thể thực hiện cuộc chuyển hóa đó, chúng ta cần vượt thoát được  cám dỗ về…xác thịt. Lòng thì ước muốn cầu nguyện nhưng xác thịt thì yếu đuối, chỉ muốn ngủ nghỉ, xem phim, giải trí v.v…

          Đang khi Chúa Giê Su  khẩn thiết cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu đến nổi  mồ hôi máu nhỏ ra thì các Tông Đồ vẫn…ngủ mê mệt. Chúa trở ra lần thứ ba và nói: “ Thế thì các ngươi không thể thức với Ta  được một giờ hay sao ?  Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng, còn xác thịt thì yếu  đuối” ( Mt 26, 40 -41 ).

          Ước nguyện về Thiên Đàng cần có sự kiên trì. Nhưng để có được sự kiên trì ấy thì không thể không có phương pháp. Không có phương pháp, không ai có thể kiên trì trong cầu nguyện. Kinh Mân Côi chính là phương pháp cầu nguyện tối hảo: “ Đức Thánh cha Leon XIII nói: “ Kinh Mân Côi là một cách sùng kính từ trời ban xuống. Chẳng còn  phương pháp nào tốt lành và giá trị bằng”.

          Kinh Mân Côi là phương pháp cầu nguyện và phương pháp ấy hệ tại nơi việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng. Ấy vậy chính cái việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng ấy khiến người ta viện dẫn Kinh Thánh để phê phán, chê bai kinh này cho đó là việc làm máy móc vô ích: “ Dân này chỉ thờ kính Ta ngoài môi miệng. Còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm. chúng tôn thờ Ta luống công” ( Mt 15, 8 -9 ).

          Phê phán việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng là vô ích. Điều ấy chứng tỏ  thần học ( Duy Lý ) đã không biết gì đến nguyên lý Huân  Tập của Duy Thức. Nói cho dễ hiểu  thì Huân Tập cũng có nghĩa là…Niệm, là Nhớ. Cứ Nhớ cái gì thì sẽ có cái đó. Có luôn  nhớ những điều thiện hảo thì  mới có thể làm được  điều thiện hảo và làm điều thiện hảo thì sẽ có được an vui, hạnh phúc. Trái lại luôn nhớ những điều bất thiện, độc ác thì sẽ làm  điều gian ác, bất thiện và làm điều bất thiện tất không sao tránh khỏi  bất hạnh, khổ đau.

          Kinh Mân Côi  mang tính chất thoát khổ chính là nhờ đã Huân Tập vào trong tâm thức hai Thánh Danh Giê Su và Maria: “  Đức Mẹ dạy Thánh Đa Minh phương pháp cầu nguyện tuyệt hảo này và truyền phải rao giảng cho rộng rãi để thức tỉnh lòng đạo đức của giáo hữu và hồi phục Tình yêu Chúa Ki Tô trong lòng họ” ( ĐM Cao Tấn Tĩnh – Bí Mật Kinh Mân Côi – Bông Hồng thứ 21 ).

          Có thực tế này là chỉ khi nào con người lâm vào hoàn cảnh bệnh tật, khổ đau thì mới…chạy đến với Chúa với Đức  Mẹ. Nhưng  một khi  khổ đau qua rồi thì lại chẳng còn ..nhớ gì đến Chúa đến Mẹ. Trận dịch Covid 19 tai quái này  rồi cũng sẽ qua đi. Cuộc sống có thể sẽ trở lại bình thường. Người Công Giáo lại có các Thánh Lễ cùng với các sinh hoạt khác sẽ được tái lập.  Thế nhưng có phải vì thế chúng ta lại…quên mất Chúa, lại chỉ sống một thứ…đạo hình thức hay sao ? Nếu vậy thì bài học khổ  đau của cơn dịch này chẳng  đem lại lợi ích chi về mặt tâm linh  sao ?

          Con người có thể …quên Thiên Chúa nhưng  Thiên Chúa thì không bao giờ…quên: “ Đàn bà há có quên, không cho con trai mình bú hay sao ? Không thương đến con trai ruột mình sao ? Nhưng dẫu  đàn bà có quên con mình thì Ta cũng chẳng có quên ngươi !” ( Is 49, 15 ).

          Thiên Chúa không bao giờ …quên, bởi Ngài là Đấng Hằng Hữu ở nơi ta. Cầu nguyện sẽ làm cho ta  Nhớ đến  và nghe  được Tiếng Ngài. Soren Kiekegaard ( 1813 – 1855 ) triết gia Hiện Sinh hàng đầu của thời cận đại đã nói một câu chí lý  “ Trong những gì liên quan thật sự với cầu nguyện. Không phải Thiên Chúa nghe những gì người ta  xin Ngài. Nhưng kẻ cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện  cho đến lúc chính người ấy lại là kẻ nghe được những gì Thiên Chúa muốn”

          Có hạnh phúc nào lớn hơn là nghe được Tiếng Chúa ? Nhưng điều còn lớn lao hơn nữa  đó là ta biết thực thi Thánh Ý “ Lạy Chúa này con  đây, con đến để làm theo Ý Chúa” ( 1Sm 3, 10 ).

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts