THÁNH  FAUSTINA, NGÔN  SỨ  CUỐI  THỜI  CỦA  ƠN  CỨU  ĐỘ

          Trong tất cả các ngôn sứ từ thời Cựu đến Tân Ước, theo tôi Thánh Faustina Kowaska được kể là đặc biệt nhất vì hai lý do: Một, đã được Chúa Giê Su trực tiếp mạc khải và hai, mạc khải ấy là về…thời cuối của Ơn Cứu Độ. Chúa Giê Su trực tiếp mạc khải bằng cách tuyển chọn Faustina làm thư ký: “ Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con  làm nhiệm vụ ấy  trên đời này và ở đời sau” ( NK 1605 ). Cũng  trong vai trò thư ký ấy, Thánh Faustina  đã  được Chúa trao  sứ mạng: “ Chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Cha” ( NK 429 ).

          Ngày quang lâm đã được Chúa Giê Su báo trước cùng với lời nhắc nhở: “ Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết Chúa các ngươi đến ngày nào !” ( Mt 24, 42 ). Thế nhưng sau hai ngàn năm lời nhắc nhở ấy  chẳng những đã không được thực hiện trái lại ngày càng đánh mất niềm tin vào Đấng Cứu Độ. Một khi đã không tin Đấng Cứu Độ  thì cũng chẳng làm sao sống đời tỉnh thức và đây chính là nguồn cơn đưa đến Ngày Tận Thế là ngày đã được báo trước  vô cùng thảm khốc. Cũng về ngày này con người phải đứng trước hai lựa chọn  như lời Đức Mẹ nói:“ Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế giới, còn con ( Faustina ) con  phải nói cho thế giới biết về lòng thương xót bao la của Người và chuẩn bị  thế giới  tiếp đón Người đến  lần thứ hai. ( Lần này ) Người  không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Lành nhưng trong tư cách của Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).

          Người Công giáo chúng ta vẫn có lòng tin nơi Chúa Giê Su. Thế nhưng để biết niềm tin ấy có chân thật hay không thì cần phải minh chứng bằng việc làm ( Gc 2, 17 ). Thánh Faustina hiểu như ngôn sứ của thời cuối cùng sẽ cho ta thấy việc làm qua Ơn Gọi Nên Thánh của ngài.

          I/- Ơn kêu gọi

          Con người ta sống ở đời dù  đời thường hay đời tâm linh đều có cho mình những ước vọng khác nhau nhưng vì nhiều lý do ước vọng ấy đã không  thể thực hiện. Thánh Faustina ngay khi còn rất nhỏ với tên gọi Helenka đã kể với mẹ về giấc mơ của mình: Con được Mẹ Thiên Chúa  cầm tay đi dạo trong một khu vườn rất đẹp. Chưa đầy bảy tuổi  Helenka đã nhiều lần tỉnh giấc  ngồi dậy lúc nửa đêm để cầu nguyện. Bà mẹ  không muốn con mình có lối đạo đức …bất thường như thế  nên bảo: Thôi nằm xuống ngủ đi không có thì điên mất đấy. Nhưng cô bé đáp: Ồ không thưa mẹ, thiên thần bản mệnh đánh thức con dậy cầu nguyện đấy chứ !

          Người mẹ vì thương con, không muốn con có lối đạo đức…bất thường như thế nhưng đâu biết rằng  đứa con gái bé bỏng của mình đang nuôi dưỡng   ơn gọi sống đời hoàn thiện  của một Ki Tô Hữu. Về sau chị thánh  đã đơn sơ kể lại: Thực tình không phải lúc nào tôi cũng ngoan ngùy vâng theo lời mời gọi của Ơn Thánh. Tôi chẳng tìm được một ai giải thích những điều ấy cho tôi…

          Có Ơn Gọi, đó là một dấu chỉ và dấu chỉ ấy ngày càng trở nên  rõ ràng. Mặc dù vẫn sống tại gia đình, chu toàn các bổn phận thường nhật  nhưng chị không màng  chi đến chuyện sống mãi  tại gia đình vì lẽ một nếp sống khác  đang cuốn hút chị. Chị muốn  toàn tâm tận lực phụng sự duy một mình Thiên Chúa. Tuy chưa mường tượng đời sống tu dòng là như thế nào  nhưng Helen biết đã có một nếp sống như vậy  ở một nơi nào đó  và nếp sống ấy là dành cho mình.

          Trên con đường theo đuổi Ơn Gọi không thể không gặp gian nan, trở ngại nhưng những trở ngại ấy  lại chính là những động lực cần thiết không thể thiếu cho những con người có quyết tâm. Mặt khác đàng sau những quyết tâm ấy luôn có Chúa Giê Su, Đấng là chủ của mọi Ơn Gọi.

          Lần kia, đang lúc bế tắc, chán nản, Helen đã theo bạn bè tham dự một buổi khiêu vũ. Mặc dầu ai nấy hết sức vui vẻ nhưng chị lại thấy lòng mình u uất. Khi điệu nhảy bắt đầu, chị cảm nghiệm một kinh nghiệm thần bí, thấy Chúa Giê Su đứng bên cạnh, mình đầy thương tích và nói: “ Cha còn phải chịu đựng con cho  đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha  đến bao giờ đây ?” ( NK 9 ).

          Nghe lời ấy, Helen  lặng lẽ chuồn khỏi vũ trường nhắm thẳng đến nhà thờ chánh tòa Stanislaus Koska , khi ấy đã nhá nhem tối, trong nhà thờ chỉ có mấy cụ già đang ngồi lần hạt. Không cần biết có ai quanh mình, Helen xấp mình trước Nhà Tạm van nài Thiên Chúa soi sáng cho biết việc phải làm tiếp theo là gì ?.

          II/- Sứ mạng được trao

          Mỗi ngôn sứ đều mang nơi mình  sứ mạng thích hợp cho thời đại mình và sứ mạng  của Thánh Faustina đã được chính ngài xác nhận: “ Ngày 22 tháng 2 năm 1934 lần đầu tiên đã nhận được mạc khải liên quan đến sứ mệnh cuộc đời của tôi: Làm  thư ký khả tín và sứ giả cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Vào buổi tối lúc đang ở trong phòng tôi được nhìn thấy Chúa Giê Su trong y phục màu trắng. Một tay Người giơ lên trong tư thế ban phép lành, tay kia chạm vào ngực áo. Từ phía dưới trang phục, hơi chếch lên  ngực phát ra hai luồng sáng lớn, một màu đỏ, một màu xanh nhạt…

          …Trong thinh lặng, tôi chăm chú chiêm ngắm Chúa, linh hồn tôi bàng hoàng niềm kính sợ  nhưng cũng dạt dào hoan lạc. Sau một lúc, Chúa Giê Su phán bảo tôi: Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy với hàng chữ: Lạy Chúa Giê Su con tín thác vào Chúa. Cha ước mong bức ảnh này được tôn kính trước là trong nhà nguyện của các con và ( sau đó là ) trên khắp thế giới…

          …Cha hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa  cho họ vinh thắng những kẻ thù ngay trên thế gian này nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ họ như vinh quang riêng của Cha” ( NK 47 ).

          Ngay sau khi được thị kiến và tin này được loan ra, các nữ tu trong dòng đã công khai coi chị như một thị nhân điên khùng. Một chị cảm thấy thương hại nên thành thực đến gặp và nói: Này chị, tôi nghe người ta nói chị là một người hoang tưởng và có nhiều thị kiến. người chị em đáng thương của tôi ơi ! Chị hãy giữ mình trong vấn đề này !!!

          Bức Ảnh Chúa Thương Xót hiện nay sau khi nữ tu Faustina được phong Hiển Thánh ngày 30 tháng 4 năm 2000 đã được đặt trang trọng nơi nhiều thánh đường và tại tư gia người Công giáo. Thế nhưng để có được như ngày hôm nay, Thánh Faustina đã phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách cả về thể xác lẫn tinh thần…

          Với bất cứ một thị nhân nào cũng không tránh khỏi bị nghi ngờ với những điều được gọi là mạc khải của họ. Riêng với  Faustina thì sự nghi ngờ ấy  còn đưa đến sự sỉ nhục ngay của cả bề trên. Ngày kia có một bề trên sau khi nghe chị trình bày về Bức Ảnh  đã nặng lời quát tháo: Cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, xéo ra khỏi cái phòng này ngay. Đừng có đứng đó mà nói vớ nói vẩn ???

          Faustina lui về phòng, lòng bấn loạn gục đầu trước tượng Thánh Giá thở than: Lạy Chúa Giê Su, lạy Chúa Giê Su, con không thể tiếp tục được nữa và rồi chị ngã gục xuống sàn nhà vì sức nặng ấy, mình đẫm mồ hôi và nỗi sợ hãi bắt đầu chụp xuống. Trong lòng chị Thánh  thấy không còn một ai để nương tựa. Đột nhiên, chị nghe một tiếng nói trong linh hồn: “ Đừng sợ, Cha ở với con”. Và một ánh sáng soi chiếu  cho tâm trí chị và chị đã hiểu rằng  không nên đầu hàng  trước những phiền sầu như thế !” ( NK 130 -131 ).

          Lời Chúa: “ Đừng sợ, Cha ở với con”  khiến Faustina được vững lòng trước những cơn thử thách ngày càng nhiều hơn trong sứ mạng của mình.

          III/- Cuộc thử thách

          Gần hết năm đầu tiên trong giai đoạn Tập Viện, Faustina bắt đầu trải nghiệm một thử thách trong linh hồn được gọi là “ Đêm Đức Tin”. Đối với Faustina, một con người ngay từ tấm bé đã có ước nguyện được hết lòng phụng sự Thiên Chúa, tin tưởng vào sự quan phòng của Người thì nay khi đã thành một nữ tu, sống đời tận hiến mà bỗng lại thấy lòng mình chán nản hoang mang  sợ hãi và dù có cố gắng làm liên tiếp mấy tuần cửu nhật nhưng chẳng thay đổi được gì !

          Một hôm trong lúc đang xấp mình trước Nhan Thánh Chúa, chị bỗng có  ý nghĩ khủng khiếp là Thiên Chúa đã ruồng bỏ mình, nỗi tuyệt vọng đầy ứ linh hồn. Chị đang phải trải qua nỗi thống khổ của các linh hồn bị trầm luân. Cả buổi sáng hôm ấy chị cố gắng cầm cự trong tình trạng dày đặc tối tăm. Đến chiều  những nỗi sợ hãi hầu như hoàn toàn bao chiếm khiến chị toàn thân  rã rời, chị nằm bất động như thế cả giờ đồng hồ. May thay có chị bắt gặp tình trạng ấy báo cho  Mẹ Giám Tập đến và được bà an ủi: “ Chị hãy vững lòng tín thác, Thiên Chúa lúc nào cũng là Hiền Phụ của chúng ta kể cả khi Người gửi thử thách đến”.

          Trên con đường kết hợp với Thiên Chúa, không đấng thánh nào không phải trải qua kinh nghiệm “ Đêm Đức Tin”. Lý do là vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt, không những giác quan mà cả lý trí cũng không thể nhận biết. Nếu giác quan hoặc lý trí có thể nhận biết  thì đó không phải là Thiên Chúa chân thật. Thánh Augustin nói: “ Nếu anh hiểu được Ngài thì đó không phải là Ngài”.

          Sứ mạng của Thánh Faustina  là để thực thi mạc khải của Đức Ki Tô  rao truyền Lòng Thương Xót  của Thiên Chúa. Thế nhưng trước những lời dèm pha, nghi ngờ của mọi người về tính trung thực những gì chị nói  thế  rồi chính chị cũng nghi ngờ cả…Chúa ! Có lần chị đã đánh bạo hỏi: Lạy Chúa, Chúa có phải là ảo tưởng hay không ? Chúa trả lời: Tình Yêu của Cha không bao giờ lừa dối ai” ( NK 29 ).

          Trên con đường Thánh Hóa bản thân, bị thử thách có khi có cả ngi ngờ  là điều cần thiết và nó chỉ có thể vượt qua với Ơn Chúa bằng cách tuân theo Thánh Ý. Đức Mẹ nói với Thánh Faustina: “ Chúng ta không thể  làm hài lòng

 Thiên Chúa nếu không vâng phục Thánh Ý người. Mẹ hết lòng ước mong con  hãy trổi vượt trong  trong việc chu toàn Thánh Ý Chúa. Con hãy đặt Thánh Ý Chúa trước tất cả mọi hy sinh và của lễ toàn thiêu” ( NK  1244 ).

          Nói đến hy sinh có nghĩa là…khổ đau là thập giá. Thế nhưng với Chúa Giê Su  không hẳn là như vậy. Một lần nọ Chúa truyền cho chị  đến xin phép mẹ bề trên  được mặc áo nhặm trong bảy  ngày để cầu nguyện cho tội nhân nhưng mẹ không cho. Đến khi gặp Chúa để thưa lại việc này thì Chúa cho biết: “ Cha ở đấy trong lúc  con thưa chuyện với bề trên và đã biết tất cả, Cha không đòi con phải khổ chế nhưng là phải vâng lời. Bằng sự vâng lời, con dâng lên một vinh quang lớn lao cho Cha và lập công phúc cho chính con” ( NK 28 ).

          Vâng phục bề trên chính  là làm theo Thánh Ý Chúa. Điều này xem ra có vẻ…dễ nhưng trong thực hành lại hết sức khó bởi vì con người ai cũng chỉ muốn theo ý riêng mình. Làm theo ý riêng, triết học Kant gọi đó  là “ Cái Tôi Tưởng” ( Le je pense ). Vì  vậy, tất cả những quan điểm, trường phái triết/thần học xưa nay  đều có  phát xuất điểm là “ Cái Tôi Tưởng”  thế nên  nó  còn mang một cái tên gọi khác  là “ Sở Tri Chướng”.

          Trong đời sống  thực hành tâm linh, vấn đề cốt yếu là làm sao bỏ được ý riêng mình, chính Chúa Giê Su  cũng thực hành như vậy: “ Vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo Ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

          IV/-  Vâng theo Thánh Ý

          Gia nhập hội dòng ( Đức Mẹ Nhân Lành ) chưa được bao lâu, mới sau ba tuần Helen đã bị cám dỗ dữ dội muốn rời bỏ dòng để tìm đến một dòng khác nhiệm nhặt hơn. Lần kia chị đến gặp mẹ bề trên nhưng không gặp ( có lẽ do Chúa an bài ) chị trở về phòng với tâm trạng xao xuyến và cay đắng phủ phục xuống cầu nguyện xin Chúa cho biết Thánh Ý  thì được thị kiến thấy Chúa mình đầy thương tích đang rỉ máu và hai hàng nước mắt lã chã rơi xuống tấm ra của chị. Helen không hiểu nổi điều gì đang xảy ra nên thưa với Chúa: Lạy Chúa Giê Su  ai đã làm cho Chúa khổ sở dường ấy ? Chúa Giê Su trả lời: Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con chứ không phải một nơi nào khác và Cha đã dọn  nhiều ơn thánh cho con” ( NK 19 ).

          Một trong những Ơn Thánh đã được dọn cho chị Thánh đó là ơn được thông phần khổ nạn với Chúa Ki Tô: “ Đau khổ là một hồng ân trọng đại, qua đau khổ linh hồn sẽ được nên giống  Đấng Cứu Độ. Trong đau khổ, tình yêu được tinh luyện. Đau khổ càng lớn, tình yêu càng tinh ròng” ( NK 57 ).

          Người đời ai cũng tránh khổ, tìm vui nhưng cái vui đó  nếu có cũng chỉ trong chốc lát, còn lại chỉ là khổ đau cả trong thân xác lẫn ngoại cảnh. Sở dĩ con người muốn tránh khổ  mà cái khổ lại cứ  mãi đeo đẳng  là vì  dục vọng không bao giờ có thể thỏa mãn !

          Đối với Thánh Faustina, cuộc sống dương thế  giờ đây chỉ như một kiếp lưu đầy thế nhưng chị vẫn  vui lòng đón nhận Thánh Ý Chúa như một niềm vui  linh hồn. Chị nói: “ Nhưng nếu Thánh Ý Chúa định cho con cứ sống và chịu đau khổ thì con xin chọn những gì Chúa đã tiền định cho con. Xin Chúa hãy giữ con lại trên dương gian này bao lâu Chúa muốn cho dù có lâu đến tận thế” ( NK 918 ).

          Đau khổ đã biến thành niềm vui nếu chúng ta biết vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự. Thế nhưng để có thể thực thi Thánh Ý  thì không thể không Bỏ Mình vác thập giá theo Chúa ( Lc 9, 23 ). Chỉ có con đường vác thập giá theo Chúa  mới đem  lại cho con người niềm vui cao cả. Trái lại thì không và đây chính là thảm trạng của con người ngày nay đã từ chối Thập Giá Chúa Ki Tô. Trong một thị kiến Chúa phán  với chị Thánh Faustina:

          “ Con hãy nhìn xem nhân loại trong tình trạng hiện thời. Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy những điều kinh hoàng; các lý hình  bỏ mặc Chúa Giê Su ở lại đó và có những người khác tra tay đánh đập Người. Họ nắm chặt những chiếc roi tua và đánh đập Chúa một cách dã man. Những người này là các linh mục, các nam nữ tu sĩ và các vị có thẩm quyền cao sang trong giáo hội; điều này đã làm tôi thất kinh. Cũng có những giáo dân đủ mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh sống. Tất cả đều trút những lời thóa mạ vào Chúa Giê Su vô tội” ( NK 445 ).

          Qua thị kiến này cho thấy, Chúa Giê Su đau đớn không phải vì các lý hình nhưng là vì sự phản bội của hàng ngũ giáo sĩ, những con người Thánh Hiến. Thay vì phải cộng tác với Ơn Cứu Chuộc, họ lại cố tình phạm vào những tội ác tầy đình dâm dục, tham lam tiền bạc, chức quyền v.v…Nhưng trên hết của những tội lỗi mang tính cá nhân ấy còn một thứ tội mang tính…tập thể đó là chủ trương Tục Hóa khiến giáo hội lâm vào cuộc khủng hoảng đức tin chưa từng có.

          V/-  Cuộc khủng hoảng đức tin

          Tục hóa hay còn gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ) có nghĩa đã phủ nhận tính chất thánh thiêng trong tôn giáo để chỉ còn biết đến thế giới trần tục này. Sở dĩ có sự phủ nhận ấy  là do quan niệm về Giáo Hội của CĐ Vatican II “ Như vậy, để chu toàn Thánh Ý Chúa Cha, Đức Ki Tô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mạc khải cho chúng ta  được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người. Giáo Hội nghĩa là vương quốc Chúa Ki Tô đang hiện diện cách mầu nhiệm  vẫn luôn  tăng trưởng  cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền  lực của Thiên Chúa” ( HC Tín Lý về GH – Lumen Gentium ).

          Đức Giê Su Ki Tô vâng phục Thánh Ý Chúa Cha không phải để…khai nguyên Nước Trời ở nơi trần gian nhưng là để mạc khải về Đấng Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Đấng Cha mà Đức Ki Tô mạc khải ấy  cũng chính là “Đấng Cha Giàu Lòng Thương Xót, chậm bất bình  và hết sức khoan dung. Ngài ban ơn đến ngàn đời và xá giải mọi điều gian ác nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội và nhân tội của tổ phụ mà phạt con cháu trải ba, bốn đời” ( Xh 34, 6 -7 ).

          Có quan niệm hết sức sai lầm rằng Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót không đoán phạt một ai và cũng do nơi sai lầm ấy  đã đưa đến cái nạn Tục Hóa không sao tránh khỏi đồng thời mạc khải của Đức Ki Tô  cũng không được nhận biết !

          Thánh Faustina được Chúa Giê Su kêu gọi và trao  sứ mạng loan truyền cho nhân loại biết về Đấng Thiên Chúa Giầu Lòng Xót Thương  nhưng cũng cần phải cải thiện đời sống  mới có thể  nhận được Ơn Cứu Rỗi: “ Tôi cảm thấy sứ mạng của tôi  sẽ không chấm dứt  sau cái chết  của tôi nhưng đó sẽ là khởi đầu. Hỡi những linh hồn còn hoài nghi, tôi sẽ mở toang cho các bạn  những bức màn Thiên Đàng để thuyết phục các bạn  tin vào lòng nhân lành của Thiên Chúa để các bạn không còn tiếp tục đả thương  Trái Tim vô cùng lân tuất của Chúa Giê Su bằng thái độ ngờ vực của các bạn nữa. Thiên Chúa là Toàn Yêu và Toàn Thương” ( NK 281 ).

          Qua những lời tâm huyết của Thánh Faustina cho thấy ngài sẽ thuyết phục chúng ta  để mở toang những bức màn Thiên Đàng đã bị giấu kín bằng cách vui lòng chịu đựng những đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Thiên Đàng quả thật vẫn hiện hữu ở nơi mỗi người nhưng  không được nhận biết chỉ vì  không tin  mà đã không tin thì làm sao biết đường trở về ?

          Đức Ki Tô đến để mạc khải về Đấng Cha với đòi hỏi  phải có lòng tin vào Ngài. Thế nhưng giờ đây lòng tin ấy hầu như đã cạn kiệt: “ Dẫu vậy, khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ). Đức tin không còn, đó là một  trong những biểu hiện Ngày Chúa đến  và để chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy Chúa đã truyền cho Thánh Faustina hai việc  cần thiết đó là phổ biến Bức Ảnh Chúa Thương Xót và thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót vào lúc ba giờ chiều mỗi ngày. Hai công việc này luôn phải có sự phối hợp với nhau. Chiêm ngắm Bức Ảnh Chúa Thương Xót để củng cố đức tin và thực hành Chuỗi Kinh LTX  để đức tin ấy  được thể hiện ngày  thêm vững chắc.

          Hiện nay sau khi chị nữ tu Faustina được phong Hiển Thánh thì tại nơi các Thánh Đường cũng như tư gia của người Công Giáo, Bức Ảnh Chúa Thương Xót  đã được trưng bày và Chuỗi Kinh LTX đã được nhiều nơi thực hành. Tuy nhiên để có thể trung thành với hai yêu cầu khẩn thiết  và sinh nhiều ơn ích thì chúng ta không thể không cậy nhờ vào Đức Mẹ !

          VI/- Chuẩn bị cùng với Đức Maria

          Như đã biết, ước mơ đầu đời của Thánh Faustina là được Đức Mẹ cầm tay dẫn vào Thiên Đàng và sự dẫn dắt ấy vẫn còn tiếp tục mãi  để chị có thể vượt qua được  hết trở ngại này đến trở ngại khác. Vào lúc xế chiều hôm ấy, xe lửa đến thủ đô Warsawa ( Ba Lan ) khi hòa mình vào dòng người đông đảo tại sân ga, chị rùng mình hoảng sợ, biết làm gì đây bây giờ ? Đi đâu bây giờ ? Chị không quen biết một ai  tại thành phố náo nhiệt này. Trong cơn quẫn bách chị thở than cùng Mẹ: “ Lạy Mẹ Maria xin dìu dắt hướng dẫn con” ( NK 11 ).

          Trên con đường Nên Thánh hay nói đúng hơn  để thực hiện công cuộc loan truyền Lòng Thương Xót Chúa  theo lệnh truyền của Chúa Giê Su. Thánh Faustina rất cần đến nhiều ơn. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Chúa đã ban cho chị hai ơn trọng đại. Một là ơn sống đời khiết tịnh và hai là ơn sống đời nội tâm sâu xa.

          Chúa Giê Su cho chị biết rằng Người đã dành cho chị một Tình Yêu muôn thuở là ban cho chị đức khiết tịnh mãi mãi nguyên tuyền bằng chứng là chị sẽ không bao giờ bị cám dỗ về đời sống trong sạch. Chúa đã cởi giây thắt lưng bằng vàng của Người và thắt cho chị. Việc này đã  diễn ra  trước giờ hiệp lễ khi các nữ tu đang tuyên lại lời  khấn. Kể từ ngày đó chị thánh không bao giờ bị cám dỗ nghịch đức khiết tịnh trong tâm trí nữa. Sau này chị thánh hiểu ra đó là một ơn ngoại thường và chị đã được là nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ vì suốt nhiều năm chị vẫn năn nỉ cầu xin với Ngài” ( NK 40 ).

          Ngoài ơn sống khiết tịnh  nguyên tuyền đó, Thánh Faustina còn được ơn sống đời nội tâm tức luôn được có Chúa… ở cùng. Để sửa soạn mừng Lễ Giáng Sinh đang đến gần, Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi  hiện ra với chị thánh và nói: “ Con gái của Mẹ, con hãy nỗ lực sống thinh lặng và khiêm tốn để Chúa Giê Su Đấng liên lỷ ngự trong linh hồn con có thể ngỉ ngơi. Con hãy tôn thờ  Người trong tâm hồn con, đừng  ra khỏi hữu thể sâu nhiệm của con. Con gái của Mẹ, Mẹ sẽ xin cho con ơn giữ được đời sống nội tâm đến độ con sẽ không bao giờ ra khỏi đời sống ấy mà vẫn có thể thực hiện tất cả những phận sự bên ngoài của con, thậm chí còn chuyên cần hơn nữa” ( NK 785 ).

          Để có thể sống đời nội tâm thì cần có ơn đặc biệt của Chúa. Thế nhưng ơn này cũng không thể thiếu cho mỗi người trong chúng ta nhất là trong giờ sau hết của cuộc đời cũng như những ngày đáng khiếp sợ trong Ngày Chúa đến. Tại sao ? Bởi vì sự thật thì  từ khi nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, Chúa vẫn…ở trong  ta mà vì tội lỗi ta  đã đành …quên mất. Giờ đây với việc chiêm ngắm Bức Ảnh Chúa Thương Xót, thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót hàng ngày nhất là tham dự  đại lễ Lòng Thương Xót ngay sau chúa  nhật Phục Sinh để được Chúa ban ơn toàn xá: “ Cha muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn  cho những ai đi xưng tội và Rước Lễ trong ngày Lễ Kinh Lòng Thương Xót của Cha” ( NK 1109 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts