HOÁN CẢI LÀ GÌ?

Thiên Chúa liên tục kêu gọi chúng ta tránh xa những gì có hại trong cuộc sống và quay trở lại với sự hiệp thông và với sự sống mới với Ngài.

Hoán cải là dành cho tất cả mọi người.

Hoán cải là chủ đề chính của toàn bộ Kinh Thánh và là sứ điệp lâu dài trong lịch sử cứu độ. Mọi lời tiên tri, mọi câu châm ngôn, thánh vịnh, biên niên sử, lề luật, điều răn, dụ ngôn, mối phúc và nhận thức sáng suốt về đạo đức đều được công bố nhằm mục đích hoán cải: của linh hồn, của cõi lòng và của tâm trí.

Hãy nhớ lại cách Môsê phục vụ những chi tộc hay cằn nhằn, những người đã chọn Thiên Chúa nhưng đã chùn bước khi gặp thử thách trong hoang mạc. Đoạn nói về Mười Điều Răn trong sách Xuất hành chương 20 đánh dấu một thời điểm quan trọng mà Thiên  Chúa hướng dẫn dân Ngài cách sống – bằng cách từ bỏ cuộc sống trước đây của họ.

Cũng hãy nhớ đến các vị tiên tri đã phải rao giảng qua những thăng trầm của đức tin, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ bức tường thành của Nêhêmia đến những lời hứa về Đấng Mêsia, vấn đề về sự hoán cải vẫn tiếp tục. Giáo hội Tân Ước cũng tiếp tục rao giảng điều đó: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2); “Anh em phải cởi bỏ con người cũ” (Êphêsô 4:22); “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa” (Cv 3:19).

Nói đến Kitô giáo là nói đến sự hoán cải, vì đức tin của chúng ta là điều gì đó được lớn lên, niềm hy vọng của chúng ta là điều gì đó liên tục, và tình yêu thương của chúng ta là điều gì đó được thực hiện đến mức hoàn hảo.

Chúng ta có thể nắm bắt được điều này bằng cách suy ngẫm về hôn nhân. Để trở thành một người vợ/chồng chung thủy, đầy hy vọng và yêu thương đòi hỏi nhiều năm học hỏi, tin tưởng và thói quen cho đi một cách không ích kỷ – mong muốn điều tốt cho người kia bằng bất cứ giá nào. Không điều nào trong số những điều đó có được cách  nhanh chóng trong hôn nhân, và đời sống Kitô hữu cũng vậy: đời sống hoán cải, đổi mới và tình yêu ngày càng sâu sắc hơn.

Nhưng sự hoán cải không kết thúc bằng sự hiệp thông với Giáo hội Công giáo. Công việc tham gia vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa là nghĩa vụ suốt đời ngay cả đối với “những người Công giáo từ trong nôi”. Sự hoán cải là dành cho tất cả mọi người, bởi vì hoa trái của đức tin, đức cậy và đức mến là dành cho tất cả mọi người.

Sự hoán cải bắt nguồn từ tiếng Latin conversio, có nghĩa là “quay lại”. Trong Tân Ước, các tác giả Hy Lạp dùng từ metanoia, có nghĩa là thay đổi tấm lòng, đặc biệt hướng tới sự ăn năn.

Sự hoán cải bao gồm cả việc quay lưng lại với cuộc sống quá khứ và quay về với Thiên Chúa, dẫn đến một sự biến đổi nội tâm của con người. Sự hoán cải có thể có nghĩa là chuyển từ tội lỗi sang ăn năn, từ lười biếng sang nhiệt thành, từ vô tín sang đức tin, từ sai lầm sang sự thật. Sự hoán cải bao gồm việc đầu tiên là hướng về Thiên Chúa, tránh xa chủ nghĩa vô thần, hướng tới nhân đức, từ bỏ thói xấu, và hướng tới niềm tin vào Chúa Kitô. từ bỏ các thứ tôn giáo không phải Kitô giáo.

Giống như cha mẹ gọi đứa con đang trong tình trạng nguy hiểm trở về nơi an toàn, Thiên Chúa, Người Cha yêu thương, cũng liên tục kêu gọi chúng ta tránh xa những gì có hại trong cuộc sống của chúng ta và quay trở lại với sự hiệp thông và sự sống mới với Ngài.

Chúng ta cũng dùng từ này để ám chỉ việc hướng tới sự thật trọn vẹn của Kitô giáo trong sự hiệp thông với Giáo hội Công giáo. Nhưng ngay cả điều này cũng không phải là sự kết thúc của việc hoán cải. Việc lựa chọn gia nhập Giáo Hội chỉ là một cột mốc quan trọng trong cuộc hành trình của chúng ta lên thiên đàng. Hoán cải cũng là một lựa chọn hàng ngày để hướng đôi mắt và tấm lòng của chúng ta về với Chúa trong mọi việc chúng ta làm, nói và suy nghĩ. Chúng ta không được kêu gọi chỉ để quay lại và bước đi trên con đường an toàn và bình an, nhưng để liên tục “làm trong sạch” đức tin của mình.

Việc Thánh Phaolô hoán cải trong Công vụ chương 9 có lẽ là câu chuyện hoán cải nổi bật nhất trong lịch sử Kitô giáo. Bị chói lòa và nghe được tiếng nói trên trời của Chúa Giêsu là chuyện không có gì đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không có trải nghiệm như vậy. Sự hoán cải của chúng ta không xảy ra đột ngột; chúng ta vẫn giữ được ý thức của mình và chúng ta không đổi tên như Phaolô đã làm.

Nhưng những ân sủng vô hình đi kèm với sự hoán cải dành cho tất cả chúng ta cũng không kém phần mạnh mẽ. Khi rửa tội, chúng ta được tẩy sạch tội nguyên tổ và được sống lại với Chúa Kitô. Trong bí tích rửa tội, Chúa Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng ta một cách trọn vẹn hơn, mang lại tri thức, sự khôn ngoan và hiểu biết để giúp chúng ta sống đời sống Kitô hữu hiệu quả. Để nâng đỡ những người hoán cải và tất cả những người Công giáo trong sự hiệp nhất và sức mạnh, có lương thực thiêng liêng là Bí tích Thánh Thể.

Tất cả những điều này cho phép người Công giáo thực hiện những công việc của Chúa Kitô và còn hơn thế nữa (Ga 14:12). Do đó, sự hoán cải không chỉ là bước đầu hướng về Thiên Chúa hay sự thật, mà là một quá trình thánh hóa liên tục, đưa tín hữu đến sự hoàn thiện.

 

Tác giả: Shaun Mcafee,catholic.com.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts