Con người được sinh ra và lớn lên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giàu sang hay nghèo hèn, nông dân hay trí thức đều có những ước mơ và hoài bảo. Đó là nguồn động lực đưa con người tiến đến thành công trên đường đời. Ước mơ là điểm xuất phát cho sự phát triển của con người, cho một gia đình, cho xã hội và nhân loại. ĐGH Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ” (x.conggiao.info/thanh-giuse-giup-chung-ta-co-kha-nang-uoc-mo-nhung-gi-cao-dep).
Xưa cũng như nay, những điều con người cảm nhận, suy nghĩ từ những giấc mơ có thể làm thay đổi đời sống họ rất nhiều. Trong Kinh Thánh Cựu ước cũng xảy ra tương tự với ông Gia cóp, với ông Giuse (x.St 28, 10-29; St 37, 5-11) và với Thánh Giuse thời Tân ước.
Calderón de la Barca, một văn hào Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 17 đã viết một vở kịch thời danh về đề tài: “Cuộc đời là một giấc mơ”. Cuộc đời con người trên hết phản ảnh sự ngắn ngủi của giấc mơ. Giấc mơ xảy ra ngoài thời gian. Trong giấc mơ sự vật không tồn tại như trong thực tế. Những hoàn cảnh, cần nhiều ngày hay tuần lễ, xảy ra trong giấc mơ trong vài phút. Đó là một hình ảnh của cuộc đời con người: khi đến tuổi già, người ta nhìn lại và có cảm tưởng rằng mọi sự đều qua đi như một giấc mơ..
Các nhà tâm lý quả quyết rằng tất cả mọi người đều nằm mơ, mặc dầu nhiều người khi tỉnh dậy không biết là mình có mơ lúc ngủ hay không. Đôi lúc chúng ta có những giấc mơ đẹp, nhưng cũng có lúc chúng ta lại gặp những giấc mơ sợ điếng người. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc các giấc mơ. Nhà phân tâm Freud định nghĩa “những giấc mơ là những bài thơ chúng ta tự ngâm lúc ban đêm để sống thực những ước vọng nằm trong vô thức”. Nhiều người khác lại nghĩ rằng mơ là cách chúng ta ứng xử khi gặp những tình huống ngặt nghèo. Cũng có những người coi giấc mơ như một loại trị liệu tâm lý khi ngủ. Và rồi có cả một kỹ nghệ chuyên giúp cắt nghĩa những giấc mơ, thường là trong việc giúp người có giấc mơ được hiểu sâu xa hơn về mình.
Trong Kinh Thánh, giấc mơ thường được mô tả như dụng cụ mặc khải của Chúa. Qua những giấc mơ, Chúa hướng dẫn một người vào một thời điểm quan trọng việc phải làm hay nơi phải đi.
Trang Tin Mừng Chúa nhật hôm nay nói về giấc mơ của Thánh Giuse. Khi được tin Maria mang thai, Giuse đã gặp một tình thế khó xử. Ngài là một người chính trực, nhưng nếu Ngài cứ làm theo luật tức là hủy hôn ước với Maria, Ngài sẽ công khai làm Maria hổ thẹn. Vậy Ngài phải làm gì để gìn giữ sự chính trực của mình cũng như danh dự của Maria và hài nhi sẽ được sinh ra? Giuse đã nhận được lời giải đáp qua giấc mơ.
Thật thế, một thiên thần Chúa đã hướng dẫn Giuse kết hôn với Maria và giảng nghĩa về nguồn gốc thần linh và sứ mạng của hài nhi, đồng thời thiên thần cũng bảo đảm với Giuse rằng Chúa hiện diện ngay giữa hoàn cảnh rối rắm đó. Giuse đã làm theo điều Chúa đã chỉ bảo (Mt 1,18-25). Giuse còn nhận được trong giấc mơ ba lời hướng dẫn du hành nữa: thứ nhất, Chúa bảo ngài đưa con trẻ và mẹ ngài trốn qua Ai Cập (Mt 2,13-15), thứ hai, trở lại Israel sau khi vua Hêrôđê chết (Mt 2,19-21), và thứ ba, đi tới Galilê thay vì Juđêa (Mt 2,22-23). Rõ ràng các giấc mơ của Giuse đến từ Thiên Chúa và được thông truyền bởi sứ thần Chúa; chính sự vâng lời của Giuse đã làm các lời tiên báo trong Kinh Thánh thành hiện thực. (x.Giấc Mơ Trong Kinh Thánh; Nữ Tu B. E. Reid, OP, Tạp chí “The Bible Today”).
Sứ thần truyền tin cho Giuse trong giấc mơ. Sứ điệp truyền thông là: Mẹ Maria đã thụ thai bởi Đức Chúa Thánh Thần, như Ngôn Sứ Isaia đã tiên báo từ 8 thế kỷ: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”. Sứ thần giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của Giuse, khi báo tin, thai nhi nơi người vợ chưa cùng Giuse chung sống là do quyền năng Thánh Thần. Sứ thần mời gọi Ngài cứ đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con mình. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá trị gì. Và Giuse đã nói tiếng Xin Vâng. Giuse đã đón nhận người bạn đời về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như cho người Con nàng đang cưu mang. Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa “chọn mặt gởi vàng”, chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai. Ngài cùng với Đức Maria thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan cả vật chất lẫn tinh thần.
Ðể Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Mẹ Maria, nhưng cũng cần tiếng Xin Vâng khiêm tốn của Thánh Giuse. Nơi những tiếng xin vâng ấy, lời hứa của Thiên Chúa dần được ứng nghiệm. Nhận Maria đang mang thai về nhà mình, và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha, những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Nhờ Giuse, Ðức Giêsu đã là người thuộc nhà Ðavít. Những lời hứa của Thiên Chúa đã ứng nghiệm. Cùng với Giuse, Con Thiên Chúa là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta cho đến tận thế.
Thiên Chúa đã trao cho thánh Giuse nhiệm vụ là gìn giữ Đức Giêsu và Đức Maria. Ngài đã trung tín chu toàn với tinh thần trách nhiệm cao.Thánh Giuse trân trọng kho tàng Chúa trao cho mình chăm nom. Ngài chu toàn nhiệm vụ với tinh thần dấn thân hy sinh không ngại gian khổ, luôn làm việc vất vả để mưu sinh cho gia đình.
Thánh Giuse đón lấy những mầu nhiệm mà Ngài không hiểu hết. Maria là một mầu nhiệm. Người con sắp sinh ra bởi Thánh Thần cũng là mầu nhiệm. Thánh Giuse đã để cho các mầu nhiệm vây bọc mình. Cả cuộc đời của Ngài là chiêm ngắm các mầu nhiệm diễn ra một cách bình thường, sát bên cạnh mình.
Thánh Giuse xin vâng không phải bằng lời nhưng bằng hành động.Vâng phục bằng việc làm, đó là thái độ sống của Thánh Cả. Trong giấc mơ Thiên thần nói: “Giuse hãy chỗi dậy!”. Ngài liền chỗi dậy bắt tay ngay vào việc.Thánh Giuse là người sống âm thầm làm việc. Với Thánh Giuse, tuy không nói lời nào, nhưng qua hành động cùng cuộc sống, Ngài đã nói đã chỉ hướng về Thiên Chúa cho mọi thế hệ.
Thánh Giuse luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.
Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe đựoc những bước chân của các con kiến. Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Thánh Giuse là mẫu gương sống tâm tình đạo đức Mùa Vọng. Học với Thánh Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa, trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác, chúng ta sẽ trở nên người công chính Tân Ước như thánh nhân.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An