ĐỨC KITÔ SỐNG LUÔN MÃI CÙNG CHÚNG TA MỘT CÁCH THÂM SÂU

Việc Chúa Giêsu bị bắt giữ, bị đánh đòn, vác thập giá, bị đóng đinh một cách tàn nhẫn và chết nhục nhã trên thập giá là một trải nghiệm cay đắng hầu như không thể chịu nổi và cũng không thể hiểu nổi đối với các môn đệ của Chúa Giêsu. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã cảm nhận một sự mất phương hướng sâu sắc; nó phá hủy chỉ trong vài giờ những hy vọng và ước mơ lớn lao nhất trong cuộc đời mà họ tất cả đều ấp ủ trong lòng. Họ đã mất đi một người mà họ yêu quý và ngưỡng mộ trong một cuộc hành quyết tàn bạo. Thầy Giêsu của họ đã chết, đã được chôn cất trong mộ đá niêm phong (Mt 27: 62- 66). Họ đã tận mắt chứng kiến mọi việc đó (Mt 27: 57-61). Thế là hết! Mọi giấc mơ huy hoàng lung linh vốn vẫn còn là hiện thực trong cuộc rước Thầy vào Thành Thánh Giêrusalem dăm ngày trước thì hôm nay đã lung lay và sụp đổ tan tành trong u uất!

Thế nhưng điều kinh ngạc lại đã xẩy ra, mà còn vô cùng kinh ngạc hơn những phép lạ mà Thầy Giêsu quyền năng đã từng thực hiện khi Ngài còn sống với họ: họ tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ vào Chúa Giêsu còn sống đến với họ (Mt 28: 9). Không có gì trong lịch sử dân tộc Do Thái hoặc đức tin Do Thái giáo của họ, từ các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacóp, các thủ lãnh tầm cỡ như Môsê, hoặc các tiên tri vĩ đại như Êlia, Êlidê, Isaia…đã chuẩn bị cho họ những gì đang xảy ra. Thật ra, họ, và cả các tổ phụ, các thủ lãnh, các tiên tri đã không hiểu hết, mà cũng không thể hiểu hết những gì đã được Sách Thánh nói về việc này và mường tượng ra được những gì sẽ xẩy ra một cách cụ thể như bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ mô tả: “Ngài lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (CVTĐ 1: 3).

Hôm nay Thánh Mátthêu tường thuật cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài và những lời cuối cùng của Chúa Giêsu khép lại Tin mừng. Các Tông đồ được “bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria” (Mt 28: 1) kể lại lời Thầy: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28:10), các ông lại tuân theo, dù không biết mình sẽ gặp điều gì khác nữa. Galilê là nơi bắt đầu tất cả câu chuyện và dường như Galilê sẽ lại đánh dấu một khởi đầu mới. Thật khó để tưởng tượng hành trình sắp tới của họ như thế nào, nhưng đó hẳn là một chuyến đi đáng nhớ. Đó là chuyến hành trình cuối cùng, với đầy những cuộc trò chuyện dài tập trung tìm hiểu ý nghĩa của những sự kiện đã xảy ra, khiến tâm trí khó hiểu, và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khoảnh khắc cuối cùng này được ở cùng với Chúa Giêsu sẽ là một thời điểm quan trọng đối với các Tông đồ. Họ đã mất tất cả mọi thứ trong những sự kiện thảm khốc xảy ra trước đó, và họ đang trên đường khám phá xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Chúa Giêsu đã truyền cho các ông đến” (Mt 28: 16).

Gặp lại Chúa Giêsu tại Galilê, phản ứng của các môn đệ có phần khác xưa, không còn là cung cách ứng xử đối với một con người phàm trần: khi nhìn thấy Chúa Giêsu, họ bái thờ Ngài. Chúa Giêsu “đã trỗi dậy từ cõi chết” (Mt 28: 7), Ngài đã Phục Sinh, dù vẫn là con người nhưng toàn bộ con người của Ngài, kể cả thân xác, không còn lệ thuộc “cái thân phải hư nát này” mà đã “mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15: 54). Thầy Giêsu của họ đã chết thật, thế mà bây giờ họ lại thấy Thầy hiện diện rõ ràng ở đây! Họ bán tín bán nghi: “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28: 7).

Việc tôn thờ không đi đôi với sự nghi ngờ. Trên thực tế, nhiều người cảm thấy nghi ngờ, nhưng họ vẫn không thừa nhận điều đó. Ở đây sự hoài nghi của mấy môn đệ không có nghĩa là không tin mà chỉ là chưa nhận thức đủ rõ ràng về một tình huống phát sinh từ một hoàn cảnh bất thường, thậm chí không thể có thật được. Sự hiểu biết của các môn đệ về thế giới và về cách thế mà Thiên Chúa đã thực hiện công trình Cứu độ của Ngài không như những gì họ vẫn tưởng nghĩ. Chúng ta cần phải thừa nhận nhiều khi chính mình cũng nghi ngờ nhiều điều Giáo Hội, khi tiếp bước các Tông Đồ theo lệnh truyển của Chúa Kitô Phục Sinh, giảng dạy ngày nay. Vì thế, tất cả chúng ta, giống như các môn đệ xưa, đều phải nỗ lực để hiểu được công việc lạ lùng của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, và cần quyết tâm cố gắng, bằng mọi cách có thể, tìm hiểu càng sâu sắc càng tốt về Chúa Kitô tử nạn và sống lại, qua các giáo huấn của Giáo Hội, trong tâm tình tĩnh nguyện suy ngẫm nhằm đạt tới mức chiêm niệm, như Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đưa chúng ta ra khỏi sự bất an và thiếu hiểu biết đó: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Ngài. Xin Ngài soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Ngài kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Ngài đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực” (Ep 1: 17-19). Nhờ sức mạnh toàn năng đó, chúng ta có thể tập trung vào Chúa Kitô vinh quang, là Đấng đã được “tôn lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Chúa Kitô và đặt Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ep 1: 21-22).  

Được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28: 18), chính Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã truyền cho các Tông đồ, và cũng là cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28: 19-20).

Giờ đây những lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài trở thành một lệnh truyền mà chúng ta thường nghe, nhất là trong Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, tại các nhà thờ, các buổi hội thảo truyền giáo…“Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” Trong tất cả các tác giả sách Tin mừng, Thánh Mátthêu nói nhiều đến việc dạy bảo những người trở thành môn đệ của Chúa Giêsu làm theo mọi điều Ngài đã truyền. Điều này tuân theo chỉ dẫn của chính Chúa Giêsu: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5: 17-19) và “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21), trong đó Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải làm theo những gì Ngài dạy chứ không chỉ đơn thuần là nói suông. Hành động của chúng ta phản ánh niềm tin của chúng ta. Những lời tuyên bố về đức tin rất quan trọng trong cộng đoàn, nhưng đức tin không có hành động thích hợp thì “như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7: 26-27). 

Thánh Mátthêu kết thúc sách Tin mừng của mình với câu nói có lẽ là một trong những câu nói an ủi nhất trong Kinh thánh: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20). Tin mừng mở đầu bằng một lời khẳng định tương tự: “Tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1:23). Lời này nhắc chúng ta nhớ đến con người của Chúa Giêsu trong cuộc sống trần gian của Ngài – Đấng đã chia sẻ không gian, thời gian, lịch sử với con người, sống và hiện diện với họ, đồng thời cho con người thấy Thiên Chúa là như thế nào. Giờ đây, trước khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu, với tư cách là Chúa của tất cả, hứa sẽ ở với chúng ta, với Hội thánh, luôn mãi, cho đến khi mọi sự hoàn tất. Sự hiện diện liên tục, lâu dài này của Chúa Giêsu là một nguồn an ủi sâu xa cho tất cả các môn đệ của Ngài.

Cốt lõi đời sống của mỗi môn đệ Chúa Kitô là sống theo những lời dạy của Chúa Giêsu với tư cách là nhân chứng cho Ngài trong môi trường sống hàng ngày của họ. Và nền tảng sâu xa nhất của đời sống này chính là lời Chúa Giêsu hứa ở trên: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Lời hứa này hướng các môn đệ Chúa Kitô tới một tương lai còn nhiều việc cần làm. Nói cách khác, câu chuyện về “Chúa Giêsu lịch sử” của Mátthêu chưa kết thúc ở đây mà hướng chúng ta đến một kỷ nguyên mới trong sứ mệnh phổ quát của Giáo hội, một Giáo hội thực hiện các nỗ lực của mình dưới sự bảo vệ của Chúa Kitô phục sinh, một “Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô, là sự viên mãn của Ngài, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1: 23).

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts