5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 04-2022

 10/04/22 CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa        
Lc 22,14-23,56

 

HIỂN LINH TRÊN THẬP GIÁ

Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính!” Và khi thấy những sự việc xảy ra như thế, tất cả những người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy, đều đấm ngực trở về nhà. (Lc 23,47)

Suy niệm: Cuộc khải hoàn trọng thể của Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem (thể hiện qua nghi thức kiệu lá) chỉ là khởi điểm của tột đỉnh vinh quang của Ngài là cuộc khải hoàn trên thập giá (qua việc tường thuật lại cuộc thương khó). Chính trên thập giá, Chúa Giê-su tỏ mình đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế. Lời rao giảng của Chúa Giê-su “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” đã trổ sinh hoa trái ngay dưới chân thập giá: – dân chúng sám hối đấm ngực trở về; – và viên đại đội trưởng thì tin tưởng tuyên xưng: “Người này quả thật là công chính”.

Mời Bạn: Có khi nào thập giá của Đức Ki-tô biến đổi tâm hồn bạn sâu xa như thế chưa? Bạn hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm thập giá cho đến khi tâm hồn bạn thực sự rung động trước tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: – 1/ Suy gẫm 14 Chặng Đàng Thánh Giá; – 2/ Chọn một hành động thích hợp với bạn để biểu lộ lòng yêu mến, tôn kính Thánh Giá (hôn kính Thánh Giá, làm dấu thánh giá cách sốt sắng…)

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi, xin cho con cùng chết với Ngài để cùng sống với Ngài vinh quang” – hoặc đọc kinh “A Rất Thánh Giá”.

 

11/04/22 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11

 

TÌNH YÊU ‘PHUNG PHÍ’

Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực nức mùi thơm. (Ga 12,3)

Suy niệm: Thông thường, người ta chỉ cần dùng vài giọt tinh dầu là đủ tạo ra mùi thơm. Tuy nhiên, trong bữa tiệc tại Bê-ta-ni-a diễn ra sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, cô Ma-ri-a đã lấy một cân dầu thơm hảo hạng – dung lượng tương đương một lít – để xức chân Đức Giê-su. Đây là số lượng quá lớn so với mức cần thiết. Hơn nữa, dầu thơm của Ma-ri-a là dầu nguyên chất, quý giá, đáng ba trăm quan tiền – tức là bằng với số lương của một năm lao động. Sự ‘phung phí’ của Maria diễn tả tình yêu tình yêu lớn lao vô bờ của cô dành cho Thầy Giê-su. Có thể nói rằng Ma-ri-a muốn dâng cho Chúa tất cả những gì cô có. Tình yêu đích thực thì sẵn sàng ‘phung phí’!

Mời Bạn: Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI có lần nói rằng những ai chỉ chăm chăm làm vừa đủ bổn phận thì không phải là Ki-tô hữu đích thực. Thiên Chúa không bao giờ tính toán các ân huệ Ngài ban. Ngài sẵn sàng ‘phung phí’ ngay cả Con Một yêu dấu của mình để đem ơn cứu độ cho trần gian. Vì thế, chúng ta hãy quảng đại ‘phung phí’ cho Chúa tất cả những gì mình có như thời gian, khả năng, vật chất…

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh này, tôi gia tăng các việc bác ái và làm với tất cả lòng yêu mến.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng. Biết cho đi mà không cần tính toán. Biết chiến đấu mà không sợ thương tích. Biết làm việc mà không tìm an nghỉ. Biết hy sinh mà không chờ một phần thưởng nào khác, ngoài sự nhận biết là con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi. Amen.”

 

12/04/22 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

 

NỖI ĐAU BỊ PHẢN BỘI

Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy. (Ga 13,21)

Suy niệm: Có lẽ chỉ những ai đã từng bị phản bội mới thấu cảm được trải nghiệm đó đau đớn như thế nào. Nỗi đau đó càng xót xa như muối xát vào tim khi kẻ phản bội lại là người mình yêu thương rất mực và hơn nữa khi những cố gắng dối lừa của người ấy chẳng che đậy được âm mưu phản bội này. Như thế cũng chưa diễn tả hết nỗi đau của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly: chính lúc Ngài thực hiện hành vi yêu thương tột cùng là hiến trao chính Thịt và Máu trong hình bánh rượu, thì Giu-đa lại rắp tâm phản bội Thầy mình. Và ngay cả khi Chúa tiết lộ Ngài đã biết rõ ý đồ đen tối đó, Giu-đa vẫn không hề tỉnh ngộ mà càng cứng cỏi thực hiện tới cùng âm mưu nộp bán Thầy cho các thượng tế.

Mời Bạn: Bạn có đồng cảm nỗi đau của Chúa Giê-su khi trước sự phản bội phũ phàng đó không? Và nhất là bạn có đau đớn khi nhận ra rằng kẻ phản bội đó có khi chính là bạn không? Chúa luôn dùng nhiều phương thế để lay động, thức tỉnh bạn quay trở về với tình yêu Chúa. Nhưng bạn có mãi cố chấp trong tội, nhắm mắt, bịt tai trước lời Chúa kêu gọi bạn hoán cải không?

Sống Lời Chúa: Những ngày Tuần Thánh này là cơ hội để bạn quay về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà giải. Bạn đừng bỏ lỡ nhé!

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi lần con sa ngã trong tội lỗi là một lần trái tim Chúa bị đâm thâu. Xin đánh động tâm hồn con để con không chai lì cũng không thất vọng, nhưng mạnh dạn chỗi dậy trở về làm hoà với Chúa, để tình yêu Chúa chiến thắng trái tim con. Amen.

 

13/04/22 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25

 

NGƯỜI BÁN RẺ THIÊN CHÚA

Bấy giờ, một trong nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thương tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su. (Mt 26,14-16)

Suy niệm: Chẳng biết ma xui quỉ khiến thế nào mà Giu-đa lại nảy ra ý định đen tối – phản Thầy – mà chỉ để đánh đổi lấy 30 đồng bạc, là giá bán một tên nô lệ. Chẳng bõ bèn gì với số tiền chỉ bằng 1/10 bình bạch ngọc đầy dầu thơm kia! Và càng rẻ mạt nếu Giu-đa muốn lấy số tiền đó để bù lỗ ba năm trời theo Chúa chẳng nên cơm cháo gì! Thế mới hiểu mọi thứ tham lam (danh vọng, quyền lực, tiền bạc, lạc thú…) rốt cuộc xô người ta tới chỗ tuyệt vọng và vì thế, họ sẵn sàng bán rẻ tất cả, bán rẻ tình yêu, bán rẻ lương tâm, bán rẻ cả Thiên Chúa!

Mời Bạn: Thật là thảm kịch! Đành rằng ai cũng có thể sai lầm, thậm chí còn nặng nề hơn, như Phê-rô, Phao-lô, hay các môn đệ khác… Nhưng Giu-đa đã kết thúc thảm kịch bằng thảm kịch: ông không tin rằng Con Thiên Chúa có thể đền bù, có thể chuyển những sai lầm chết người đó thành hồng ân cứu độ cho muôn người.

Chia sẻ: So sánh trường hợp của Giu-đa với việc Phê-rô chối Thầy để hiểu thế nào là lòng ăn năn tội đích thực.

Sống Lời Chúa: Đừng như Giu-đa không dám đối diện với thập giá, trái lại mỗi khi thấy mình sa ngã lỗi lầm, hãy nhìn lên Đức Ki-tô trên thánh giá để hiểu rằng mình đã được thứ tha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, Chúa đã yêu đến nỗi chịu khổ hình thập giá thì còn tội lỗi nào mà Chúa không thể thứ tha. Xin cho con mỗi khi lỗi lầm, biết nhìn lên thánh giá Chúa, để con được lòng ăn năn tội nên.

 

14/04/22 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh lễ Tiệc Ly
Ga 13,1-15

 

RỬA CHÂN ĐỂ HIỆP NHẤT

“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)

Suy niệm: Trong bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất và trước đó, Ngài rửa chân cho họ. Khi biến đổi Bánh và Rượu nên Mình và Máu, Ngài dặn dò các ông: “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy,” khi rửa chân cho các ông Ngài cũng căn dặn như thế: “Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.” Đây chắc chắn là những việc thiết yếu nhất mà Ngài muốn trối lại cho các môn đệ. Nhờ tiếp rước Mình và Máu Thánh Ngài mà các môn đệ được nên một với nhau trong Thân Mình mà Ngài là đầu. Nhưng chỉ có thể làm được như thế khi trước tiên các ông biết “rửa chân cho nhau.”

Mời BạnSự hiệp nhất là giá trị sống còn mà cộng đoàn luôn luôn phải trân quý. Nhưng không thể đạt được điều đó nếu mỗi người không biết khiêm tốn để nhận ra giá trị của người anh em mình, cả nơi những người yếu kém nhất. Thế nhưng, thật khó để làm điều đó, bởi vì người ta thích dìm người khác xuống để tôn mình lên và để thoả mãn cái tôi kiêu ngạo của mình. Hành vi ‘thị phạm’ ấn tượng của Chúa ‘cúi xuống rửa chân’ cho chính môn đệ của Ngài là lời nhắc nhở rằng khiêm tốn phục vụ là đòi hỏi khẩn thiết để có được hiệp nhất và dù khó, đó là điều có thể thực hiện được.

Sống Lời Chúa: Thay vì nói xấu người khác, bạn tập khám phá những ưu điểm của nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con bước theo Chúa trên con đường thập giá, biết hy sinh gạt bỏ những chướng ngại, nối kết lại những khoảng cách với anh chị em, trong khiêm tốn, yêu thương và nhiệt tình phục vụ. Amen.

 

15/04/22 THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa                    
Ga 18,1-19,42

 

NƯỚC TRỜI

Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18,36)

Suy niệm: Ngang nhiên lập căn cứ quân sự cách phi pháp trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của nước khác như Trung Quốc đang làm trên Biển Đông, hoặc tiến hành “chiến dịch quân sự” bằng việc không kích cùng với xe tăng, bộ binh xâm lăng nước láng giềng như Nga đang làm tại Ukraina, đó cách những người ôm mộng bá chủ, muốn xây dựng đế quốc cho mình trên trần gian này. Hôm nay Giáo hội kỷ niệm việc Chúa Giê-su chịu khổ nạn. Đứng trước toà án Phi-la-tô, đại diện cho đế quốc Rô-ma hùng mạnh đang thống trị thế giới, Chúa Giê-su là hiện thân của một Thiên Chúa “yếu đuối”, việc Ngài chịu tử nạn như một dấu chấm hết cho công cuộc rao giảng Nước Trời đầy thất bại của Ngài. Trong bối cảnh đó, Chúa dõng dạc tuyên bố trước mặt Phi-la-tô rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” Giữa những đau khổ tang thương mà nhân loại phải chịu vì những tham vọng độc ác đó, Chúa Giê-su muốn dùng đau khổ và cái chết trên thập giá của Ngài để nói với nhân loại rằng: Thế gian này không phải là vĩnh cửu; trái lại, hãy hướng về Nước Trời vĩnh cửu, một nước được xây dựng bằng tình yêu thương, hy sinh, tha thứ, bằng việc cùng Ngài “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Mời Bạn nhìn lại cuộc sống của bạn có chứng tỏ người khác thấy rằng: “Nước Chúa không thuộc về thế gian này” không? Hay là bạn vẫn đang quá bám víu vào đời này mà quên mất nước Trời?

Sống Lời Chúa: Xác tín rằng chỉ có thể xây dựng Nước Trời theo phong cách “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

 

16/04/22 THỨ BẢY TUẦN THÁNH

                                                                                              

Chúa Giê-su an nghỉ

Gần nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó. (Ga 20,41-42)

Suy niệm: Ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình sáng tạo, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Và cũng vào một ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất công trình cứu chuộc trên thập giá – một cuộc sáng tạo mới – Chúa Giê-su cũng an nghỉ. Đó là sự an nghỉ trong vâng phục và phó thác: Đấng có thể làm được mọi sự lại cam chịu nhắm mắt xuôi tay, để vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha; Ngài “vô vi”, không làm gì cả, để mọi chấm mọi phẩy trong chương trình cứu chuộc được hoàn tất. Chịu an táng trong mồ tối, Ngài trải qua trọn vẹn thân phận nhập thể chìm sâu tới đáy cùng của kiếp người: “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).

Mời Bạn: Phải chăng lắm khi chúng ta khuấy động như những con rối? Lúc đó chúng ta hãy học với Ngài mẫu gương hoàn hảo của lòng vâng phục: án binh bất động những toan tính theo cái tôi ích kỷ để cho Thiên Chúa toàn quyền hành động trên cuộc sống của mình.

Sống Lời Chúa: Tập sống “vô vi” như Chúa: – không nói, không hành động khi đang nóng giận, nhất là không nói những lời thô tục, không hành động vũ phu, cộc cằn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Xin dạy con biết dừng lại những toan tính theo ý riêng, để thánh ý Chúa được thể hiện trong cuộc sống của con.

Chia sẻ Bài này:

Related posts