5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 04-2022

 03/04/22 Chúa nhật tuần 5 mc – c
Ga 8,1-11

 

CHÚA MỞ RA CON ĐƯỜNG SỐNG

“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11)

Suy niệm: Đức Giê-su không nói người phụ nữ ngoại tình này là không có tội. Nhưng Ngài không lên án chị mà nói: “Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa cho chị một cơ hội, Ngài mở ra cho chị con đường sống. Đó chính là sứ vụ của Ngài khi đến trần gian: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Con đường sống Chúa mở ra là con đường của lòng thương xót và tha thứ. Chúa không dung túng cho tội lỗi. Nhưng Ngài thương xót và tha thứ cho kẻ có tội và chịu chết để ban ơn cứu độ. Do đó, Ngài đòi hỏi tội nhân đổi đời là “đừng phạm tội nữa.” Con đường sống bắt đầu bằng việc hoán cải, dứt khoát với quá khứ tội lỗi để tiến vào trong tương lai của sự sống.

Mời Bạn: Chúa giàu lòng thương xót luôn tha thứ cho tội nhân và tha thứ không mệt mỏi. Giáo Hội, đặc biệt trong Mùa Chay, kêu mời con cái mình sám hối trở về bằng cách bước ra khỏi cõi chết do tội lỗi qua việc làm hòa với Chúa, và đồng thời đi vào con đường sống bằng cách không phạm tội nữa.

Chia sẻ: Bạn cảm nhận thế nào khi đặt mình vào vị trí của người phụ nữ ngoại tình này để nghe lời xá giải của cha giải tội nói với bạn khi bạn xưng tội: “Cha tha tội cho con…”?

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay, bạn lãnh nhận bí tích Hoà Giải sốt sắng với lòng hoán cải thật sâu xa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn chúng con hoán cải hơn là kết án chúng con. Xin cho chúng con nhận rõ hơn tội lỗi của mình để mạnh dạn đứng lên bước ra khỏi vũng lầy tội lỗi.

 

04/04/22 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Th. I-xi-đo-rô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 8,12-20

 

LUỒNG SINH KHÍ MỚI

Đức Giê-su nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12)

Suy niệm: Vụ án xử người phụ nữ ngoại tình là câu chuyện dẫn nhập để thánh Gio-an giúp chúng ta hiểu được lời Chúa nói hôm nay. Cái nhìn của Chúa đem lại luồng sinh khí mới: Ngài là nguồn ánh sáng đem lại sự sống. Những người tố cáo cũng được cái nhìn của Chúa soi sáng và thấy được sự thật tâm hồn mình: một con người cũng mang đầy tội lỗi như ai. Nhưng ánh sáng đó chưa kịp đem lại luồng sinh khí mới cho họ, thì họ đã vội rút lui. Còn bị cáo, người phụ nữ ngoại tình, cũng được cái nhìn đầy ánh sáng của Chúa chiếu rọi. Nhưng khác một điều, chị vẫn đứng đấy, một mình với Chúa, chấp nhận để ánh sáng Chúa soi rọi vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Thật kỳ diệu, ánh sáng đó biến thành liều thuốc cải tử hoàn sinh. Chẳng những chị khỏi bị ném đá cho đến chết, chị còn được biến đổi thành một con người mới, con người được tha thứ tội lỗi: “Tôi cũng không kết án chị. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Mời Bạn: Bạn đừng trốn tránh cái nhìn của Chúa nhé. Trái lại hãy đến với Ngài trong bí tích hoà giải để Ngài nhìn bạn và ban cho bạn sức sống mới.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít phút, đặt mình trước cái nhìn của Chúa để kiểm điểm đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thân phận yếu đuối tội lỗi của người phụ nữ đáng thương cũng là thân phận của con. Biết bao lần con đã phạm tội. Xin giúp con biết ăn năn trở về nhận lãnh ơn tha tội và luôn nhắc nhở lòng mình “từ nay đừng phạm tội nữa”.

 

05/04/22 THỨ BA TUẦN 5 MC
Ga 8,21-30

 

ĐƯỢC GIƯƠNG CAO

Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi hằng hữu.” (Ga 8,28)

Suy niệm: Thập giá đối với người Do Thái là sự ô nhục, đối với dân ngoại là sự điên rồ (x. 1Cr 1,22). Thế mà Chúa Giê-su lại chọn thập giá đó làm phương thế cứu độ nhân loại. Chúa hoàn toàn ý thức điều đó khi nhiều lần Ngài khẳng định: “Con Người sẽ được giương cao” (x. Ga 3,14; 12,32). Ngài còn báo trước cho các môn đệ: “Người phải lên Giê-ru-sa-lem… bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (x. Mt 16,21). Trong cơn thống khổ tại vườn Cây Dầu, Ngài đã “xin đừng theo ý con” mà “vâng theo ý Cha” đón nhận thập giá (x. Mt 26,39). Đúng như vậy, Ngài không “bị” mà “được giương cao”. Nghĩa là Ngài bước lên cây thập giá trong tâm thế hoàn toàn chủ động với ý thức và tự nguyện, mà hơn nữa, nhờ đó Ngài “được tôn vinh” (x. Ga 12,23; Pl 2,9), và nhân loại được cứu độ nhờ cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Tình yêu đòi hỏi cả hai phía chủ thể phải có sáng kiến và sự chủ động. Không có tình yêu khi bị ép buộc. Không có người “bị yêu” nhưng chỉ có người “được yêu” và tình yêu đó sẽ tồn tại. Chúa đã đi bước trước đến với chúng ta và yêu thương chúng ta như vậy, chúng ta đã đáp lại tình yêu của Chúa thế nào? Tự nguyện với cả tấm lòng hay chỉ là thụ động ở mức tối thiểu mà thôi?

Sống Lời Chúa: Mời bạn chiêm ngắm thánh giá Chúa và xin được cảm nghiệm tình yêu của Ngài hiến thân vì chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương, Chúa đã tự nguyện chấp nhận cái chết đau thương trên thánh giá để chuộc tội cho chúng con. Xin cho chúng con  luôn biết đáp đền tình yêu Chúa cách cân xứng bằng đời sống tin – cậy – mến của chúng con. Amen.

 

06/04/22 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Ga 8,31-42

 

ĐỪNG CỨNG LÒNG

Đức Giê-su nói với người Do Thái: “Các ông lại tìm giết tôi, người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”  (Lc 4,2)

Suy niệm: Người ta thường nói: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”; ngược lại, cũng có câu “cha dạy học, con đốt sách”! Trong khi thi hành sứ vụ rao giảng, Đức Giê-su đã phải đối mặt với những người Do Thái cứng lòng trước sứ điệp Tin Mừng. Họ ỷ mình là con dòng cháu giống của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng lại “đốt sách” của tổ phụ mình: Vì thành kiến, óc bảo thủ, vì ham hố lợi lộc, vun quén ảnh hưởng phe nhóm, họ chối từ sứ điệp của Chúa Giê-su, và mặt khác, họ “làm điều mà Áp-ra-ham đã không làm” đó là tìm giết Đức Giê-su.

Mời Bạn: Như nhắc lại lời Chúa Giê-su, phó tế Tê-pha-nô đã gọi giới lãnh đạo Do Thái thời đó là những người “cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, luôn chống lại Thánh Thần” giống như cha ông họ (x. Cv 7,51). Đó cũng là lời nhắc nhở bạn và tôi: “Ngày hôm nay, nếu các bạn nghe tiếng Chúa, thì đừng cứng lòng nữa” (x. Tv 94,8). Trái lại, hãy từ bỏ cái nhìn thành kiến, óc bè phái; đừng chỉ là Ki-tô hữu trên giấy tờ, con số rồi dựa vào đó để tự hào, nhưng hãy là người con biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành (x. Lc 8,21).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bạn suy niệm một câu Lời Chúa và có một quyết tâm thực hành cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban ơn cho chúng con được vững tin, để cuộc đời chúng con luôn can trường mạnh mẽ trước những thử thách và sóng gió cuộc đời. Xin Chúa luôn ở cùng chúng con.

 

07/04/22 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59

 

GIỮ LỜI MUÔN ĐỜI KHÔNG CHẾT

“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)

Suy niệm: Giữa lúc cuộc tranh luận giữa người Do Thái với Đức Giê-su ngày càng trở nên gay gắt, Ngài tuyên bố chắc nịch như đinh đóng cột rằng “Ai tuân giữ lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái chẳng những không tin mà còn qui chụp: “Bây giờ chúng ta biết chắc là ông bị quỷ ám.” Họ cho rằng Áp-ra-ham đã chết, nhưng Đức Giê-su nói họ “lầm to” vì Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ họ, là “Thiên Chúa của kẻ sống” chứ không phải của kẻ chết (x. Mc 12,27; Mt 22,32). Như thế, Áp-ra-ham, người luôn tin và vâng lời Thiên Chúa vẫn sống; và lời Đức Giê-su đoan chắc “ai giữ lời muôn đời không chết” càng được chứng thực hơn nữa trong cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang của Ngài.

Mời Bạn: Phải “tuân giữ lời Thiên Chúa” như thế nào để “không bao giờ phải chết”? Nếu chỉ đọc vanh vách những câu lời Chúa, nói rõ số chương số đoạn mà không đem ra thực hành trong đời sống mình thì chưa phải là “tuân giữ Lời”. Phải để Lời Chúa thấm vào trong tim, ăn sâu trong trí não và đi tới bàn tay thực hành.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành thời gian suy niệm đoạn Tin Mừng trong phụng vụ thánh lễ ngày hôm đó, và luôn đưa ra một điều quyết tâm cụ thể để thực hành trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hay hời hợt nghe Lời Chúa trong thánh lễ, nghe xong rồi quên. Xin cho từ hôm nay, Lời Chúa ở lại trong con và dạy con sống Lời Chúa, noi gương Con Chí Ái Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, để con xứng đáng là con cái Chúa, Đấng luôn yêu thương và mong điều tốt cho con. Amen.

 

08/04/22 THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Ga 10,31-42

 

CHAY LÒNG THÙ HẬN

“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi.” (Ga 10, 31)

Suy niệm: Sự thường khi thương nhau thì chín bỏ làm mười, không thương nhau nữa nói lời chát chua. Do lòng đố kỵ, hận thù, người Do Thái đã tìm mọi cách để gài bẫy, hãm hại Đức Giê-su, mà cao điểm là ném đá Người trong bài Tin mừng hôm nay. Họ cho rằng Đức Giê-su phạm thượng khi tự xưng mình là Con Thiên Chúa, một điều luật Do Thái cấm ngặt. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho thấy các việc làm tốt đẹp của Ngài như chữa lành mọi kẻ yếu đau, tàn tật và cho cả người chết sống lại… chứng tỏ căn tính của Ngài là Đấng Cứu Thế. Muốn hay không, cũng phải công nhận những việc tốt và Đức Giê-su hẳn phải từ Thiên Chúa mà đến. Thế nhưng, do sự ngoan cố, thù nghịch, người Do Thái từ chối Đức Giê-su, khép lòng trước ơn cứu độ do Ngài đem đến.

Mời Bạn: Đố kỵ, thù ghét có thể như những “trái bom nổ chậm,” tạo nên những vết thương trong tâm hồn bạn và cả với người bên cạnh. Mùa Chay sẽ là mùa của hòa bình nếu bạn biết tháo “ngòi nổ” trong trái bom ấy ra khỏi lòng mình, để tha thứ và đón nhận người khác như họ “là,” chứ không phải như bạn muốn. Đó chắc chắn là tâm tình tuyệt vời trong suốt Mùa Chay thánh này. Bạn ước ao sống cách thế ấy chứ?

Sống Lời ChúaHôm nay hãy xin ơn đón nhận người khác như chính họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con đón nhận Lời Chúa, để không bao giờ khép lòng với Ngài; đồng thời biết “chay tịnh” lòng hận thù, tranh chấp, quảng đại đón nhận tha nhân, hầu Mùa Chay thánh này trở nên hữu ích cho bản thân con. Amen.

 

09/04/22 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-57

 

CHẾT THAY CHO TOÀN DÂN

Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, là thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. (Ga 11,49-50)

Suy niệm: Cai-pha, với tư cách “là thượng tế năm ấy”, đã vô tình nói tiên tri về Đức Giê-su: Ngài không chỉ chết thay cho dân, mà chính cái chết ấy lại trở nên phương thế để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Cai-pha và những người Pha-ri-sêu chỉ bận tâm đến việc nhổ bỏ cái gai là Đức Giê-su: “Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy” và họ quyết định giết Ngài. Nhưng với Thiên Chúa, Ngài có thể vẽ nên đường thẳng từ những nét cong: từ mưu toan độc địa của giới lãnh đạo Do-thái, Chúa đã làm cho cái chết của Đức Giê-su trở nên phương thế cứu độ khi cho Con Một Ngài phục sinh vinh quang.

Mời Bạn: Đức Ki-tô vẫn tiếp tục cuộc khổ nạn của Ngài nơi những con người bị loại trừ, bị áp bức bất công, bị lạm dụng, bị giết chết trong thế giới hôm nay. Hy tế đó của ngài vẫn tiếp tục thể hiện nơi mầu nhiệm Thánh lễ mà Giáo hội cử hành. Bạn cũng tham dự vào hy tế “chết thay cho toàn dân” đó khi tham dự Thánh lễ và khi bạn dám hy sinh thân mình, thậm chí cả mạng sống, để phục vụ anh chị em mình.

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa những hy sinh phục vụ hằng ngày kết hợp với hy tế của Chúa Ki-tô khi bạn tham dự Thánh lễ, để xin ơn hoán cải cho mình và cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã chấp nhận cách hành xử bất công để làm nên phương thế cứu độ. Xin cho con đừng mất hy vọng dù gặp những gian nan thử thách.

Chia sẻ Bài này:

Related posts