Để mở đầu cuộc thảo luận hôm nay, tôi xin gởi đến quí anh chị ba đóa hoa, hái từ sách Huấn Ca; “Có con cái, trai hay gái, cha mẹ hãy lo giáo dục chúng” (HC 7.24-24). Bằng không, “chúng trở nên mất dạy và làm nhục cho cả cha lẫn mẹ” (HC 22.3-5). Trái lại, “Cả kho tàng của thế giới cũng không quí bằng có một người con được giáo dục tốt” (HC 26,28).
Và để đi vào đề tài “Giáo dục con cái” trong khóa mục vụ hôn nhân này, tôi xin đặt với quí anh chị ba câu hỏi và xin gợi một vài ý tưởng để khai mào:
* Tại sao phải giáo dục con cái?
* Phải giáo dục con cái ở những lãnh vực nào?
* Phải giáo dục con cái bằng phương pháp nào?
1. Tại sao phải giáo dục con cái?
a) Trong ca dao Việt Nam, ta đọc được câu này:
Vợ chồng là nghĩa tào khang
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui
Sinh con mới ra thân người
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no
Trong Tuyên Ngôn Giáo Dục Công Giáo, có viết ý tưởng này:
Vì đã nhận lãnh ân sủng cũng như bổn phận của Bí Tích Hôn Phối, nên Cha Mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. (GD 3). Nhiệm vụ và quyền lợi đầu tiên bất khả nhượng của cha mẹ là giáo dục con cái. (GD 6)
Ở Giáo Luật, khoản 1055, Giáo Hội có dạy rằng:
Tự bản tính, Hôn nhân phải hướng về lợi ích tinh thần và thể xác của đôi bạn và bổn phận sinh dưỡng và giáo dục con cái. (GL 1055)
Qua văn hóa Việt Nam, cũng như giáo huấn của Giáo Hội, lý do thứ nhất khiến cha mẹ phải giáo dục con cái là vì đó là mục tiêu của Bí Tích Hôn Phối, và nói theo ca dao Việt Nam, thì vì đó là nghĩa tào khang.
b) Gần với lý do nghĩa tào khang, là lý do nợ tông đường. Cha mẹ ta đã sinh ra ta, đã giáo dục ta, đã làm ta ra thân người. Hôm nay, đến phiên ta, ta phải nhớ đến cội nguồn, phải trả cái nợ đã được giáo dục, bằng cách chính bản thân ta, ta giáo dục con cái ta. Đó là ý nghĩa của câu ca dao.
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha mới sinh ra ta,
Làm ăn thời bởi mẹ cha vun trồng.
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
c) Vả lại, việc giáo dục con cái là lẽ tự nhiên. Tự bản tính tự nhiên, từ cây cỏ, súc vật, sinh vật nào cũng biết chỉ dạy cho con cái nó. Và quan sát chung quanh chúng ta, ta thấy ai ai cũng làm như vậy. Cha mẹ nào cũng lo lắng dạy dỗ con cái mình. Còn ta, lẽ nào ta chẳng làm như vậy? Ta là một ngoại lệ sao?
Sinh con, ai nỡ sinh lòng,
Sinh con ai chẳng vun trồng cho con!
Đó cũng là lẽ mà Tuyên Ngôn Giáo Dục Công Giáo đã nhận định rằng:
“Vì là nguồn truyền sự sống cho con cái, cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng, vì thế, họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (GD 3).
d) Ngoài ra, như Quản Trọng đã dạy: “Kế một năm là trồng lúa, kế mười năm là trồng cây, kế trăm năm là trồng người”; Giáo dục con cái phải được cha mẹ coi trọng và thực hiện kỹ lưỡng, vì đó là lợi ích kinh tế.
Sinh con, chẳng dạy chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.
Câu sách Huấn Ca mà tôi trích ở trên, cũng nghĩ như vậy, khi bảo rằng:
Cả kho tàng của thế giới cũng không quí bằng có một người con được giáo dục tốt. (HC 26;28)
e) Sau cùng, dẫu đã mặc nhiên hàm ý qua các lý do trên, nhưng để nói cho rõ ra, ta cũng nên xác định rằng cha mẹ phải giáo dục con cái, vì Giáo Hội dạy như vậy. Xin trích dẫn thêm một văn bản của Công Đồng Vatican II:
Tự bản tính của nó, hôn nhân và tình yêu vợ chồng phải được hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái, vì đó là chóp đỉnh cao đẹp của hôn nhân (GS 48).
Vậy tóm lại, trước câu hỏi “tại sao cha mẹ phải giáo dục con cái?”, xin thưa rằng vì năm lý do: vì nghĩa tào khang, vì nợ tông đường, vì tính tự nhiên, vì lợi ích kinh tế và vì Giáo Hội dạy như vậy.
2. Nhưng phải giáo dục con cái ở những lãnh vực nào?
Trong lá thơ gởi các gia đình tháng 2 năm 1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã vạch cho các bậc cha mẹ rằng “lý tưởng giáo dục công giáo là một giáo dục toàn diện”. Thế nào là giáo dục toàn diện? Trong thông điệp “Tông đồ giáo dân” viết vào năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến đức tin và giáo dục tôn giáo. Đồng thời ngài cũng không quên lưu ý chúng ta về những lãnh vực công dân, chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Theo ngài, việc bồi dưỡng đức tin qua việc học hỏi giáo lý, thánh kinh, luân lý công giáo là căn bản. Nhưng đức tin phải là đức tin nhập thế và nhập thể. Do đó, đức tin phải được thực hiện không chỉ ở lòng mình, ở cộng đoàn mình, ở nhà thờ mình, mà phải sống động cả ở trong các môi trường khác nữa, nghĩa là các môi trường công dân, chính trị, nghề nghiệp, lãnh đạo cũng là những đối tượng và nội dung mà giáo dục phải gắn bó và bồi dưỡng.
Văn hóa cổ truyền Việt Nam hoàn toàn đồng ý với quan niệm giáo dục toàn diện này, qua giấc mơ giáo dục bình dân:
Trên trời có cái cầu vồng,
Kẻ chợ cầu Muống, cửa đông cầu Rền.
Vua trên đền, cầu vòng cầu bạc,
Các lái buôn cầu nước cầu non.
Đôi ta cầu của cầu con:
Con đẹp giống mẹ, con giòn giống cha.
Con gái dệt cửi trong nhà,
Con trai đi học đỗ ba khoa liền.
Con lớn thi đỗ trạng nguyên,
Hai con tiến sĩ đỗ liền cả ba.
Vinh qui bái tổ về nhà,
Bõ công đèn sách mẹ cha nuôi thầy.
Giáo dục toàn diện gồm năm lãnh vực:
1. Lãnh vực thể lý, phải dạy con ăn, nói, cười, chơi:
Trời sinh ra đã làm người,
Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi.
Khi ăn thì phải lựa mùi,
Khi nói thì phải lựa lời, chớ sai.
Khi vui, chớ có vội cười,
Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì!
2. Lãnh vực kinh tế, phải dạy con biết tính toán, tiết kiệm:
Làm người phải biết tiện tần:
Đồ ăn, thức mặc, có ngần thì thôi.
Những người đói rách rạc rời,
Bởi phụ của trời mà chẳng nên ăn.
3. Lãnh vực nghề nghiệp, phải dạy con biết chuyên cần làm ăn trong nghề nghiệp của mình:
Trăm năm như cõi trời chung,
Trăm nghề cũng phải có công mới thành.
Cứ trong gia nghiệp nhà mình,
Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn.
Chữ rằng tiểu phú do cần,
Còn như đại phú, là phần do thiên.
Đừng trễ nải, chớ ghét ghen.
Còn như lộc nước có phen dồi dào.
4. Lãnh vực luân lý xã hội, phải dạy con biết cương thường:
Làm người phải biết cương thường,
Xem trong ngũ đẳng, quân cương ở đầu.
Thờ cha, kính mẹ trước sau,
Anh em hòa thuận, mới hầu làm nên.
Vợ chồng đạo nghĩa cho bền,
Bạn bè cho thực, dưới trên đúng thường.
5. Một lãnh vực mà văn hóa Việt Nam không đề cập đến vì là độc đáo của người công giáo. Nhưng bất cứ cha mẹ công giáo nào cũng coi trọng. Đó là lãnh vực đức tin.
Đối với con cái, cha mẹ là những người cộng tác với ơn Chúa, là những chứng nhân của đức tin. Thực vậy, cha mẹ là những kẻ trước tiên rao giảng và giáo dục đức tin cho con bằng lời nói và gương sáng. (TĐGD 1)
Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân. (GD 3)
Tóm lại, trước câu hỏi “phải giáo dục con cái ở những lãnh vực nào?”, xin thưa rằng ở năm lãnh vực: thể lý, kinh tế, nghề nghiệp, xã hội luân lý và đức tin.
3. Phải giáo dục con cái bằng phương pháp nào?
Cũng trong thơ gởi cho các gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gợi cho chúng ta ý tưởng này:
“Phúc âm tình yêu là nguồn mạch bất tận nuôi dưỡng các gia đình công giáo. Tất cả tiến trình giáo dục tìm được trong tình yêu sự nâng đỡ và ý nghĩa sau cùng, vì đó là hiệu quả toàn diện của vợ chồng yêu thương và hoan hỉ cho nhau”.
a) Tình yêu không ngớt bị thử thách: phải cố gắng, phải chịu đựng và đôi khi bị thất vọng trong việc giáo dục. Trong những cơn thử thách ấy, ta phải tìm đến nguồn sức mạnh thiêng liêng, mà không đâu khác hơn là nơi “Đấng đã yêu đến tận cùng”. Giáo dục, bởi vậy, nằm trong lòng văn hóa và văn minh tình yêu. Giáo Hội không ngừng cầu nguyện để các gia đình được kiên trì trong trách nhiệm giáo dục của mình, để họ được can đảm, tin tưởng và hy vọng trong khắp các thử thách. Giáo Hội cầu nguyện để văn minh tình yêu giáo dục được phát triển thêm mãi”.
Tình yêu, như vậy, là nguyên tắc, là phương pháp, là dụng cụ căn bản trong mọi hành động giáo dục. Tình yêu này cao cả, rộng lượng vá bất tận:
Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trên căn bản tình yêu, một phương pháp chiến lược rất hữu hiệu trong việc giáo dục con cái đã được nhiều thế hệ trắc nghiệm và xác nhận là sự cộng tác hỗ trợ của cả hai người cha mẹ:
Mẹ dạy thì con khéo,
Bố dạy thì con khôn…
Sự cộng tác hỗ trợ này được biểu lộ qua sự thống nhất về mệnh lệnh, giúp con cái an tâm và tin tưởng thi hành. Nên tránh tranh luận, gây gỗ trước mặt con cái về các mệnh lệnh trao cho chúng. Những tranh luận, gây gỗ này chỉ làm chúng hồ nghi, hoặc đưa cho chúng dịp lợi dụng sự khác biệt quan điểm của cha mẹ.
b) Yêu có nghĩa là chia sẻ, theo dõi, khuyến khích, chỉ dẫn. Nó ngược hẳn với sự buông thả phóng túng. Theo dõi để chia sẻ các ưu tư của con cái, để hiểu biết các giao du của chúng, để khuyến khích khi chúng làm đúng và để sửa dẫn khi chúng làm sai, là phương pháp giáo dục thứ hai rất quan trọng mà mọi cha mẹ cần áp dụng.
Con hư, bởi tại cha dong,
Vợ hư, bởi tại ông chồng cả nghe.
Cha sinh, mẹ dưỡng,
Cha đưa, mẹ đón.
Đừng áp bức con cái, nhưng hãy dưỡng dục, biết răn bảo sửa dạy theo đạo Chúa (Eph 6,4).
c) Một phương pháp giáo dục thứ ba, càng ngày càng được áp dụng, tại gia đình cũng như tại học đường, là phương pháp tâm lý phát sinh và hoàn cảnh. Phương pháp này chú trọng đến khả năng hấp thụ của trẻ em tùy theo lứa tuổi, tùy theo cá tính và tùy theo hoàn cảnh.
Nhưng đại cương thì lúc ban đầu rất là quan trọng:
Dạy con từ thủa còn thơ,
Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về.
Mục tiêu vẫn gắt gao và đòi hỏi:
Cha muốn cho con hay
Thầy muốn cho trò khá.
Mà sự mắng phạt phải tùy người, tùy lúc, tùy việc mà áp dụng:
Mẹ đánh một trăm,
Không bằng cha ngăm một tiếng.
Gia đình là đơn vị quan trọng nhất của một xã hội lành mạnh và của một giáo hội tin cậy. Dẫu có bị khủng hoảng, gia đình vẫn là điểm tựa để thành công và để đương đầu với các khó khăn của cuộc đời. Giáo dục trong gia đình, bởi vậy, chiếm một địa vị vô cùng quan trọng. Giáo dục là lẽ tự nhiên, là nghĩa vợ chồng, là nợ tông đường, là chóp đỉnh cao đẹp, là kho tàng quí báu, là vinh dự hay tủi nhục của gia đình. Trong việc giáo dục gia đình, cha mẹ phải lãnh lấy trách nhiệm dạy bảo con cái và anh chị em cũng góp phần không nhỏ cho nhau. Trong gia đình công giáo, việc giáo dục có một lý tưởng toàn diện và bao gồm mọi lãnh vực, nhưng quan trọng nhất là lãnh vực đức tin, lãnh vực luân lý xã hội, lãnh vực nghề nghiệp, lãnh vực kinh tế và lãnh vực thể lý. Phương pháp hữu hiệu nhất để giáo dục con cái là giáo dục chúng bằng và trong tình yêu. Tình yêu bảo ta phải thống nhất đường lối giáo dục, không buông thả, nhưng chia sẻ, theo dõi, khuyến khích và chỉ dẫn con. Tình yêu cũng bảo ta phải tùy thời, tùy nơi và tùy tuổi mà dạy con.
Gặp lại với các anh chị những căn bản giáo lý Giáo Hội và văn hóa Việt Nam về “giáo dục con cái”, lòng tôi trào lên sự biết ơn Giáo Hội Việt Nam đã dạy dỗ tôi và đã cho tôi dịp gặp các anh chị. Xin chúc các anh chị lên đường vào hôn nhân đầy tin tưởng phó thác vào ơn Chúa và luôn tỉnh thức xét mình để đi đúng đường Chúa muốn qua ánh sáng lương tâm của anh chị.
GS. TRẦN VĂN CẢNH
Tiến sĩ khoa học giáo dục
(Chuẩn bị ngày Năm Thánh dành cho các Gia Đình)