TRUYỀN GIÁO HAY…PHÚC ÂM HÓA ?

          Chúng ta vẫn nghe nói: “ Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”. Thế nhưng bản chất ấy có phải chăng…là một với chủ trương Phúc Âm Hóa ?. Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết cũng cần nên  biết thần học định nghĩa thế nào  về danh từ Phúc Âm ?

          “ Phúc Âm hay Tin Mừng là cụm từ  dịch tiếng Hy Lạp Euaggelion nghĩa là  tin vui thắng trận. Thời trước đây quen gọi là Evan, đọc Evan, sách Evan. Sau mới dịch là Phúc Âm. Từ thập niên 60, chữ Phúc Âm được phổ biến khắp Việt Nam; Sách Phúc Âm, rao giảng Phúc Âm, các lời khuyên Phúc Âm. Sang thập niên 90, thấy từ Tin Mừng  dần dần xuất hiện  trong Thánh Đường rồi trong sách vở. Có người đoán rằng Phúc Âm là tiếng Hán, được dùng từ thời các cố, các cụ già xưa. Người bình dân dau này khó hiểu; còn Tin Mừng là tiếng Nôm, tiếng Việt dễ hiểu, gần với Tin Lành, Tin Vui như tin trúng số, tin thi đậu…Tuy nhiên theo linh mục Huỳnh Trụ thì Tin mừng  chỉ có nội dung đơn giản ( Tin chiến thắng, Tin Vui, Tin Lành ) Còn Phúc Âm thì có nội dung rất phong phú, sâu lắng, bao hàm nhiều điều may mắn trời đất cho để con người được thỏa mãn ước mơ của mình lại gần với triết lý và văn hóa Đông Phương có nghũ phúc hay phúc lộc thọ nhất là có thể hội nhập với giáo lý Ki Tô giáo…

          Nói danh từ Phúc Âm thích hợp với Ki Tô giáo hơn là từ Tin Mừng. Vậy hãy xem thần học định nghĩa thế nào về…Phúc Âm ?: “ Phúc Âm của Đức Ki Tô là tin đem lại hạnh phúc do chính Đức Giê Su Ki Tô là Con Đức Chúa Cha được cử đến trần gian để báo cho mọi người  biết rằng: Thiên Chúa Ba Ngôi vì Tình Yêu  đã sáng tạo vũ trụ và con người, chia sẻ hạnh phúc cho con người…

          …Như thế, nội dung của Phúc Âm của Đức Giê Su Ki Tô là: Thiên Chúa yêu thương con người  đã cứu rỗi và cứu chuộc con người. Và lịch sử giáo hội  là lịch sử việc Đức Giê Su Ki Tô loan báo Phúc Âm và thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian, đem lại hạnh phúc thật cho con người” ( Nguồn TGP Sài Gòn – 18/10/2013 – Lm Anton Nguyễn Mạnh Đồng – Tìm hiểu tại sao Phúc Âm Hóa ? ).

          Theo cách hiểu của thần học thì lịch sử giáo hội là lịch sử việc Đức Giê Su Ki Tô loan báo Phúc âm và thiết lập Nước Thiên Chúa ở nơi trần gian  đem lại hạnh phúc cho con người  ! Thế nhưng lịch sử cũng cho thấy giáo hội đã thất bại hoàn toàn trong công cuộc Phúc Âm Hóa ấy:

          “ Trong mấy thế kỷ đầu, khi bị bách hại thì giáo hội còn giữ vững được đức tin và hầu như đã biến toàn thể Âu Châu trở thành thế giới Ki Tô giáo. Tuy nhiên sau khi giáo hội hòa nhập với chế độ quân chủ phong kiến, giáo sĩ được nhà nước cho hưởng bổng lộc, tiền bạc, đất đai để xây cất nhà thờ, nhà xứ nên sao nhãng việc Phúc Âm Hóa. Còn giáo dân  không được giảng dạy giáo lý lại không có chữ nghĩa để đọc Kinh Thánh và Phúc Âm. Đang khi đó ngoài  xã hội vào thế kỷ XV phong trào Phục Hưng  các giá trị nhân văn nổi lên đề cao tự do cá nhân, muốn tục hóa giáo hội, dửng dưng  với Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu virus phong kiến  đã phát triển mạnh, giáo sĩ và vua chúa tranh dành đất đai, danh vọng, xã hội chia rẽ khiến cho thế giới Ki Tô giáo tan rã…

          …Từ thế kỷ XVIII là thế kỷ Ánh Sáng, thế giới Âu Châu biến đổi mạnh theo hướng  đã bắt đầu từ thời Phục Hưng ( TK XV ) đề cao cá nhân, khoa học, lý trí, tự do muốn thế tục hóa, muốn tách khỏi Ki Tô giáo và tách khỏi cả Thiên Chúa…

          …Giáo hội đã cải cách, đổi mới suốt 400 năm  từ CĐ Trento đến CĐ Vatican II  nhưng thần học chưa theo kịp đà phát triển trí thức, khoa học, kỹ nghệ của thế giới. Mặc dù CĐ Vatican II đã cập nhật hóa  giáo hội nhưng  sau CĐ gần 50 năm việc cập nhật hóa vẫn chưa thấm nhập vào Dân Thiên Chúa, chưa ảnh hưởng tích cực đến thế giới” ( Nguồn TGP Sai Gòn – 18/10/2013 Lm An Tôn Nguyễn Mạnh Đồng – Tìm hiểu tại sao Tân Phúc Âm Hóa đã dẫn ).

          Phúc Âm Hóa mà sau bao thế kỷ vẫn chưa thể thấm nhập vào Dân Chúa, chưa ảnh hưởng tích cực đến thế giới đó chẳng phải là đã thất bại hay sao ? Chẳng những với việc…Phúc Âm Hóa giáo hội đã thất bại mà qua CĐ Vatican II còn thỏa hiệp với thế gian bằng đường lối ngoại giao chính trị ( Ostpolitik ) để mong được tồn tại ?

          Mới đây nhất, Vatican gia hạn thỏa thuận với nhà cầm quyền CS Bắc Kinh về việc phong chức giám mục và cũng với thỏa thuận ký kết năm 2018  đưa đến việc phong chức cho một giám mục đã có vợ, con lại còn có cả vợ bé  đến nỗi hai bà vợ đã đánh ghen ầm ĩ gây náo loạn cả tòa giám mục !!!( Nguồn Vietcatholic News 29/9/2022 – Trung Quốc và Vatican gia hạn thỏa thuận ).

          Qua những sự kiện trên đây cho thấy Phúc Âm Hóa chẳng những không phải là Truyền Giáo mà còn đưa đến phản bội Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm để thay vào đó là Nước Trời Tục Hóa. Nguyên nhân đưa đến Nước Trời…Tục Hóa ấy chính là do quan niệm Thiên Chúa…tự mạc khải: “ Liệu giáo hội có thể truyền giáo  không  nếu giáo hội không đề xuất Chúa Giê Su Ki Tô  là biểu hiện chính xác của sự tự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại và là Đấng Cứu Tinh duy nhất của thế giới ? Đó là lời dạy rõ ràng của giáo hội Công giáo  từ bài giảng của thánh Phê Rô trong sách Tông Đồ Công Vụ ( 4, 12 ) thông qua tuyên ngôn Dominus Giê Su hay Chúa Giê Su do Bộ GLĐT ban hành với sự chấp thuận  ó thẩm quyền của đức giáo hoàng Gioan Phao Lô II trong Đại Năm Thánh 2000…

          …Niềm xác tín đó có còn là nền tảng của việc truyền giảng và dạy giáo lý Công giáo ngày nay hay không ? Nếu trả lời vẫn còn thì làm thế nào để giáo hội có thể hiểu được Tuyên Ngôn Abudhabi năm 2019 của đức thánh cha Phan Xico ký trong đó khẳng định rằng  sự “ đa nguyên và đa dạng” của các tôn giáo trên thế giới là do ý muốn của Thiên Chúa ?” ( Nguồn Vietcatholic News 30/9/2022 – JB Đặng Minh An  dịch: TS George Weigel – Phúc Âm Hóa những gì và khi nào ? ).

          Dù với quan niệm  Chúa Giê Su Ki Tô là Đấng Cứu Tinh duy nhất của nhân loại  hay chấp nhận sự đa nguyên đa dạng của các tôn giáo  thì đó vẫn xuất phát từ nơi quan  điểm Thiên Chúa…tự mạc khải. Tuy nhiên cái gọi là Thiên Chúa…tự mạc khải ấy thuần túy chỉ là quan niệm của thần học về Đấng Tạo Hóa và quan niệm này tất nhiên đưa đến việc phủ nhận mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha:“ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Đức Giê Su Ki Tô nói Ngài…biết Cha thì cái biết ấy là biết  của thực tại vô phân biệt. Còn cái biết của thần học  về Thiên Chúa là cái biết của lý trí phân biệt và cái biết ấy  chỉ đưa đến một khái niệm về Thiên Chúa  chứ không phải là Thiên Chúa của Thực Tại Ngài Là tức Thiên Chúa của kẻ sống: “ Thiên Chúa của Apraham, của Isaac của Giacop…Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết  bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 24, 37 -38 ).

          Chính vì Thiên Chúa là của kẻ sống, ai cũng vì Ngài mà sống thế nên Đức Giê Su Ki Tô mới  được Cha  sai xuống thế gian rao giảng Tin Mừng: “ Vừa rạng ngày, Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp, muốn giữ lại không cho Ngài đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói: Ta còn cần phải đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa  cho các thành thị khác, vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Thiên Chúa là Đấng ai cũng vì Ngài mà sống, bởi đó việc rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô chính là để loan báo một cái tin sẽ đem lại niềm vui lớn lao cho những ai nhận biết có một Thực Tại mầu nhiệm vốn sẵn đủ ở nơi mình chỉ cần hết lòng tìm sẽ gặp.

          Tin Mừng của Đức Ki Tô có thể ví như kẻ ăn mày kia lang thang đầu đường xó chợ được nghe người nói rằng dưới nền túp lều rách nát của y có chôn dấu một kho châu báu, hãy về cố mà đào bới lên mà hưởng lấy sự giàu sang, phú quý. Về cái kho báu…nội tâm ấy Chúa Giê Su đưa ra một dụ ngôn: “ Nước Trời ví như của báu chôn trong ruộng, có người tìm được thì yểm đi, vui mừng mà bán hết sản nghiệp mình rồi mua thửa ruộng ấy” ( Mt 13, 44 ).

          Ruộng ở đây ám chỉ cho bản tâm mỗi người có chứa một kho châu báu là Nước Trời. Những ai nghe và tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô thì phát ra niềm vui lớn lao đến nỗi sẵn sàng từ bỏ hết gia sản, sự nghiệp  để đi theo Chúa dù gặp bao gian nan thử thách. Thánh Phao Lô nói: “ Nhưng về phần tôi, tôi quyết chẳng khoe khoang gì, chỉ khoe về thập giá Chúa Ki Tô đó thôi. Vì nhờ thập giá ấy đối với thế gian đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy” ( Gal 6, 14 ).

          Có một nghịch lý mà thế gian không sao hiểu nổi đó là một đàng Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng. Một đàng Ngài lại đòi phải bỏ mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).  Sở dĩ có nghịch lý ấy là vì Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng  là một Thực Tại Tâm mầu nhiệm. Để có thể tin và trở về với Thực Tại Tâm ấy thì không thể có con đường nào khác ngoài ra là việc Bỏ Mình.

          “ Bỏ Mình” ở đây cố nhiên không phải là…tự sát nhưng là bỏ đi hai cái biết ( Kiến Chấp ) sai lầm về Thân và Tâm. Người đời không ai lại không chấp cho xác thân này là mình nhưng cũng chỉ vì chấp thân, con người không  cách chi có thể bước đi trên con đường siêu xuất thế gian: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy” ( Ga 17, 14 ).

          Mặc dầu vậy, cái chấp về Thân lại không nguy hại cho bằng cái chấp về Tâm, bởi vì cái chấp Tâm ấy chính là “ Cái Tôi Tưởng” ( Le je pense ) mà từ đó đã hình thành đủ mọi thứ triết/thần học từ Duy Lý, Duy Tâm, Duy Vật, Duy Linh cho đến Hiện Sinh Vô Thần, Hữu Thần v.v…

          Nhận ra như thế để cho thấy  việc “ Phúc Âm Hóa” giáo hội đang chủ trương chẳng qua  cũng chỉ là “ Cái Tôi Tưởng” và cũng  chính vì Cái Tôi Tưởng ấy mà Nước Trời mầu nhiệm của Đức Ki Tô lại đã biến thành Tục Hóa “ Loan báo Tin Mừng  cũng là một thành phần của công trình giải thoát. Nội dung của nó  là Nước Thiên Chúa đã đến, đến cho người nghèo khổ và bị áp bức. Nền tảng của nó là các mối phúc ( Lc 6, 20 ). Nước Thiên Chúa này ở giữa thế gian, khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức thoát ách khốn khổ” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Đức Ki Tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi ).

          Khi thần học nói: “ Nước Thiên Chúa ở giữa thế gian khi người nghèo hết nghèo, người bị áp bức thoát ách khốn khổ” tức là đã đồng hóa với cái gọi là Thế Giới Đại Đồng  mà người CS trước đây vẫn mơ tưởng  như nay đã hoàn toàn sụp đổ cùng với sự tan rã của Liên Xô cách nay đã mấy chục năm !!!

          Làm sao giáo hội có thể truyền giáo với một thứ Nước Trời…ở giữa thế gian khi người nghèo hết nghèo….? Đang khi đó việc truyền giáo tất yếu phải theo lệnh truyền của Chúa Ki Tô Phục Sinh: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).

          Lệnh truyền của Chúa là hãy ra đi rao giảng Tin Mừng và Tin Mừng này là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến? Ngài đáp: Nước Thiên Chúa đến cách mắt không thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia, vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Chỉ với Nước Trời mầu nhiệm ấy mới có thể là động lực khiến các Tông Đồ và các vị thừa sai sau này  dấn thân trên các nẻo đường truyền giáo đầy gian lao nguy hiểm đến nỗi hy  sinh cả tính mạng mình. Thánh Phao Lô nói “ Cũng vì Tin Mừng đó mà ta đã được lập làm nhà truyền giáo, sứ đồ và giáo sư. Lại cũng vì cớ ấy mà ta chịu những nỗi khổ này. Dẫu vậy, ta chẳng hổ thẹn đâu. Vì ta biết Đấng mà ta đã tin và cũng tin chắc rằng Ngài có thể giữ sự ta đã phó thác cho Ngài đến ngày đó” ( 2Tm 1, 11 -12 ).

          Nên nhớ Thánh Phao Lô trước đây là người bách hại Đạo Thánh Chúa cách dữ dằn nhưng khi được ơn trở lại đã hết lòng tín thác vào Chúa và Tin Mừng  để rồi cuối cùng đã được phúc tử vì đạo ! Có câu hỏi cần đặt ra đó là tại sao việc rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô luôn đem đến sự bách hại, ruồng bỏ như thế ?

          Đó là vì Tin Mừng ấy hoàn toàn trái ngược với thế gian. Thế gian chìm đắm trong mê lầm chấp chước cho tất cả là thật có. Đang khi ấy Tin Mừng  của Đức Ki Tô lại đòi hỏi cần có sự từ bỏ: “ Như vậy, những ai trong các ngươi không từ bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Người đời vì sống trong si mê, điên đảo nên không cách chi có thể sống đời từ bỏ. Thế nhưng dẫu không muốn nhưng đến khi phải nhắm mắt xuôi tay  thì dù có quyền uy, thế lực đến đâu cũng chẳng mang theo được gì ngoài cái nghiệp lành, nghiệp dữ  đã tạo trong cõi đời !

          Đức Giê Su Ki Tô đến không phải để thiết lập Nước Trời ở chốn thế gian hư ảo nhưng là để kêu gọi con người trở về với Lòng Thương Xót bao la của Người nhất là trong những năm tháng chờ đợi ngày Ngài đến rất đỗi kinh hoàng. Chúa Giê Su nói với Thánh Faustina: Con hãy chuẩn bị  thế giới cho lần đến sau cùng của Cha. Còn Đức Mẹ thì nói: Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ  cho thế gian. Còn con, con phải nói cho thế giới biết về Lòng Thương Xót bao la của Người và chuẩn bị cho thế giới tiếp đón Người đến lần thứ hai. Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Lành nhưng trong tư cách của Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts