TÌNH CỜ

Tình cờ trên đường sứ vụ, tôi nghe đây đó một số tu sĩ nam nữ, một số linh mục nói rằng, họ không vui trong ơn gọi và sứ vụ hiện tại của mình. Họ không có động lực để dấn thân trong sứ vụ… các vị này ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều có một điểm chung khi chia sẻ là: chỉ cảm thấy vui giữa đám đông, như khi có Giáo dân quy tụ, hoặc khi các vị ấy đi đến với đám đông đứng ra tổ chức giúp các vị ấy vui.

Khi nghe các điều này, tôi thật bất ngờ, thật tiếc cho Chúa, cho Giáo hội, cho Dân Chúa nơi mà các vị đó đang thi hành sứ vụ. Họ mang tâm trạng không vui trong ơn gọi và sứ vụ hiện tại, nghĩa là họ không vui ở đàng sau cánh cửa tu viện hoặc phía sau cánh cửa nhà xứ, khi họ ở một mình trong phòng tu viện hoặc nơi nhà xứ. Vì thế, các vị ấy không có động lực dấn thân hết mình cho Đoàn chiên đang được ủy thác, cho sứ vụ các vị ấy đang thi hành. Lời Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ chợt đến trong tâm trí tôi lúc này: “hãy cảnh giác những người chăn thuê”. Họ chỉ tìm “vắt sữa các con chiên béo mập, các con đau yếu thì không lo chăm sóc, chữa trị; khi sói đến thì họ bỏ mặc chiên mà chạy trốn”.

Làm gì để giúp các vị ấy tìm được niềm vui đích thực trong ơn gọi ?

Dựa vào cuộc gặp gỡ của Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp của các dòng và tu hội tại Việt Nam, đã nêu lên một thực trạng đáng buồn về vấn nạn chuyển hướng ơn gọi (xuất tu) hiện nay, tôi mạo muội nêu lên một số câu hỏi sau đây:

  • Động lực ơn gọi đời tu có trong sáng không ?
  • Có tuân giữ kỉ luật dòng hay kỉ luật đời sống linh mục không ?
  • Có bị ảnh hưởng từ mạng Internet và các thiết bị điện tử trong đời tu không ?
  • Tìm gì trong ơn gọi đời tu ?
  • Tìm Chúa hay tìm quyền lợi, quyền lực ?
  • Tìm vinh danh Chúa hay vinh danh mình ?
  • Tìm kho tàng trên trời hay tìm kho tàng dưới đất ?
  • Tìm kiếm các linh hồn cho Chúa hay tìm kiếm danh lợi thú, tiền của ?
  • Tìm sự bảo đảo, niềm vui, hạnh phúc, bình an nơi Chúa hay nơi thế gian ?
  • Khao khát gần gũi, thân mật, gắn bó với Chúa hơn hay với thế gian ?
  • Dấn thân phục vụ như Chúa Giêsu hay mong cầu người khác phục vụ ?

Như thế, mỗi tu sĩ nam nữ, mỗi linh mục, ngày từng ngày, cần đưa ra quyết định thanh luyện động lực ơn gọi của mình trong sự chân thành, khiêm tốn phân định và quyết định đúng đắn; cần nhìn lại động lực ơn gọi, tái khám phá tính tích cực của việc giữ kỉ luật của nhà dòng, của đời sống linh mục, và ý thức trong việc dùng mạng internet, các phương tiện điện tử, xét lại mục đích các mối tương quan với mọi người.

Trong đời tu, hãy cứ dùng internet và các phương tiện điện tử, nhưng ý thức rằng, nó chỉ là phương tiện phục vụ cho sứ vụ của mình mà thôi. Nếu nhu cầu thật sự không cần thì quyết định không dùng, hoặc chỉ dùng khi cần cho sứ vụ mà thôi. Mỗi tu sĩ và linh mục phải biết sử dụng mạng internet và các thiết bị điện tử trong tự chủ, quân bình, không để mình bị cuốn vào vòng xoáy thông tin, trở thành nô lệ cho bất kì điều gì ngoài sứ vụ, không bị bất cứ ai thu hút, lôi cuốn ngoài Thiên Chúa. Hầu hết các nhà dòng và đại chủng viện ở các nước có truyền thống Kitô giáo, có bề dày về đào tạo các ứng sinh tu sĩ, linh mục; ở đó, người ta không cấm các tập sinh và đại chủng sinh dùng internet và các phương tiện điện tử; ví dụ như điện thoại di động, máy tính xách tay, ipad…, nhưng hầu hết các tập sinh và đại chủng sinh không dùng thường xuyên, mà chỉ dùng khi có nhu cầu cho công việc hoặc khi thật sự cần dùng trong một giai đoạn hoặc một lúc nào đó thôi.

Thiết tưởng, cần huấn luyện cho tu sĩ và ứng sinh linh mục trong tương lai trưởng thành về nhân bản, đức tự chủ, lòng tự trọng, sự sẵn sàng dấn thân cho sứ vụ vì Chúa, cho Chúa và với Chúa trên hết và trước hết. Các nhà đào tạo, giúp các ứng sinh tu sĩ, linh mục phân định rõ về động lực chọn ơn gọi đời tu. Để dù sống một mình bất cứ nơi nào họ được sai đến phục vụ dân Chúa, lòng vẫn luôn thanh thoát, vui tươi, bình an trong tận đáy lòng vì kết hiệp mật thiết với Chúa, vì có Chúa là niềm vui, là gia nghiệp duy nhất. Cũng vì thế, khi thi hành sứ vụ, “không tìm, không chối, không giữ”, nghĩa là không tìm cách giữ mãi sứ vụ mà Bề trên muốn thuyên chuyển; cũng không tìm cách để được đến phục vụ nơi mà mình muốn, chỉ vì mong tìm địa vị, quyền lực và danh lợi; cũng không từ chối bất cứ sứ vụ nào và nơi nào được Chúa trao ngang qua Bề trên.

Thực hành ba không: “không tìm, không chối, không giữ”, người tu sĩ và linh mục sống thanh thản, bình an, vui tươi thật sự trong ơn gọi, tự do và hăng say dấn thân trong sứ vụ hiện tại được Chúa trao phó. Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô. Không lấy việc gì hơn việc của Chúa. Luôn mạnh mẽ theo Chúa bằng tất cả con người, trong tự do, ý hướng ngay lành với lòng mến Chúa, yêu người chân thành, chân thật của mình.

Con số tu sĩ, linh mục không cảm nhận được niềm vui thật sự trong ơn gọi, trong sứ vụ hiện tại của mình chỉ là một con số rất nhỏ. Đôi khi các vị này mắc vào “bệnh nhõng nhẽo” để được Giáo dân quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn, hoặc chỉ là một khủng hoảng nhất thời trong ơn gọi và sứ vụ mà thôi. Nếu chỉ là khủng hoảng nhất thời trong ơn gọi và sứ vụ, hy vọng nhờ ơn Chúa và quyết tâm bằng ý chí cương quyết, quý vị ấy sớm vượt qua tháng ngày “của mùa thu ảm đạm, mùa đông lạnh giá, mùa hè oi bức, để tận hưởng niềm vui của mùa xuân an bình” trong sứ vụ hiện tại, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ sứ vụ đó là gì; họ chỉ xác tín một điều là “đang thi hành ý Chúa”. Mong lắm thay.

Mong rằng, quý Giáo dân cũng đừng quá nuông chiều các vị ấy mà làm chệch ý hướng dấn thân trong ơn gọi của họ, cũng đừng quá vô tâm với họ kẻo làm “nản lòng chiến sĩ” nơi môi trường họ đang hết lòng với Chúa, vì Chúa, cho Chúa ngang qua đoàn Dân của Chúa ủy thác cho họ, nhất là quý Giáo dân hiện tại đang là một trong những thành phần trong đoàn Dân của Chúa nơi họ phục vụ. Cụ thể là nơi gia đình Giáo xứ – Cộng đoàn, gia đình Giáo phận mình đang hiện diện.

Tạ ơn Chúa, theo con số thống kê, có rất nhiều tu sĩ, linh mục khác đang âm thầm hy sinh, miệt mài dấn thân hết mình trong sứ vụ. Lúc thành công, xuôi thuận trong sứ vụ, họ hân hoan tạ ơn Chúa. Khi gặp trắc trở, khó khăn, thử thách, chống đối, khinh khi, coi thường, bách hại trong khi thi hành sứ vụ, họ vẫn tiếp tục tạ ơn Chúa và can đảm, khiêm tốn, cậy trông ơn Chúa giúp, tin tưởng, vâng phục các Bề trên, tiếp tục kiên trì thực thi sứ vụ, tiếp tục gieo trồng tin yêu, hy vọng, niềm vui Tin mừng cho Dân Chúa, cho những người chung quanh. Dẫu việc họ làm chẳng ai biết, hoặc chẳng ai quan tâm để ý. Nhưng họ vẫn cảm nhận được niềm vui sâu kín tận đáy lòng, vẫn bình an thật sự và thao thức, khao khát dấn thân cho vinh danh Chúa, mưu ích cho các linh hồn nhiều hơn trong sứ vụ.

Sau mỗi Thánh lễ, sau mỗi cuộc gặp gỡ, hội họp… mọi người đã ra về, khi trở về phòng riêng của mình, các tu sĩ, linh mục lúc này vẫn không cô đơn vì có Chúa là bạn đồng hành, tri kỷ, là gia nghiệp, là niềm vui, là sự bảo đảm vững chắc. Họ sẵn sàng để sống một mình với Chúa. Đây là điều cần có trong tiến trình đào tạo các ứng sinh tu sĩ, linh mục; và khi đã trở thành tu sĩ, linh mục, họ vẫn tiếp tục tự đào tạo chính mình mỗi ngày không ngừng, và nhất là nhờ ơn Chúa giúp.

Trên đây chỉ là nhận định của cá nhân, chia sẻ cảm nhận của cá nhân người trong cuộc, chứ tôi không dám dạy dỗ ai. Thánh Phaolô đã cảnh giác: “Ai tưởng mình đang đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho từng người đang hoặc có ý muốn bước vào ơn gọi đời tu, cùng nhìn lại động lực và ý hướng ơn gọi đời tu là gì.

Giuse Trần Thanh Hương

Chia sẻ Bài này:

Related posts