Chuyện mỗi tuần – chuyện về “Một mục vụ mang tính hiệp hành”…

Bạn trẻ mến,

Vấn đề đầu tiên trong chương 7 về “Mục Vụ Giới Trẻ” được Đức Thánh Cha đưa ra để cùng nhau trao đổi  – ấy là chuyện về “Một mục vụ mang tính hiệp hành”…Và bản dịch này có mở và đóng ngoặc cho thuật ngữ “synodalité”…nhằm kêu gọi chúng ta quan tâm đến phần “đuôi” của thuật ngữ…Trong tiếng Pháp…thì phần “đuôi”…như thế để diễn tả cái “tính” của phần đầu thuật ngữ…Mà cái tính trong thuật ngữ được dùng ở đây…là “tính hiệp hành”…Bản dịch của Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ và Thiếu Nhi trực thuộc HĐGM VN thì dịch là “tính nhất quán” : “Mục vụ của Giới Trẻ phải mang tính “Nhất Quán”…với những “nắm tay cương quyết của nhiều giới” và làm nên “một trái tim”  để cùng nhau bước theo Thánh Giá Chúa…Có vẻ như Logo trên đây muốn trình bày sứ điệp như vậy…Hơi tiếc một điều là bản dịch của Giám Mục Luy và Nhóm hiệu đính HĐGM VN và Ủy Ban Mục Vụ Giới trẻ và Thiếu Nhi của HĐGM VN …lại không cùng dùng một “thuật ngữ”…nên người đọc – đặc biệt các bạn trẻ vốn không chuyên biệt lắm trong những thuật ngữ có tính chuyên môn – sẽ thấy “hoang mang”…Riêng người viết thì vẫn thích thuật ngữ “tính hiệp hành” của Mục Vụ Giới Trẻ hơn…

Thế nhưng – dĩ nhiên – hai chữ “hiệp hành”…cũng khá là “lạ tai” đối với nhiều người trẻ…

Vậy – một cách đơn giản và đơn sơ – chúng ta tạm giải thích theo mặt chữ  : “hiệp” là cùng nhau – “hành” là đi…”Hiệp hành” là đi cùng nhau…Theo tự điển của ông Nguyễn Quốc Hùng thì “hiệp hành” diễn tả sự hợp lực của nhiều người lại với nhau để cùng làm một việc gì đấy…Còn tự điển của ông Trần Văn Chính thì là sự chung sức, chung lòng…với nhau để thực hiện một công việc…Và chữ “chung” ở đây có thể nói là để diễn tả chữ “synod – hội nghị hay Thượng Hội Đồng”…vốn xa lạ với những người ở ngoài Công Giáo…Với chúng ta và trong không khí của Thượng Hội Đồng Thế Giới lần XV với chủ đề “ Giới Trẻ , Đức Tin và biện phân Ơn Gọi” năm 2018…thì sự “chung sức chung lòng” của Toàn Thể Giáo Hội – đặc biệt các vị có trách nhiệm – trong việc lo toan cho Giới Trẻ “cảm nhận” được sự “đồng hành” của Giáo Hội và mọi thành phần trong Giáo Hội…để họ an tâm, vui vẻ và can trường dấn thân và dấn bước…về phía trước…hầu mang lại lợi ích sống còn cho chính họ và cho người trẻ ở mọi nơi, mọi chốn…Sự “đồng hành” này có cẩm nang dẫn đường là Tông Huấn “Christus Vivit – Đức Ki-tô Đang Sống” mà chúng ta đang lần dở mỗi tuần để tìm đường…Đây cũng là thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ từ ngày 3 – 28 / 10 / 2018…Bởi – thưa bạn – Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới là Hội Nghị của các Giám Mục được tuyển chọn từ nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới với mục đích nghiên cứu về một vấn đề quan trọng nhằm giúp ý kiến cho Đức Thánh Cha trong việc bảo vệ và thăng tiến đức tin và phong hóa, duy trì kỷ luật trong Giáo Hội cũng như nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Giáo Hội trong thế giới…Tông Huấn “Đức Ki-tô Đang Sống – Christus Vivit” đến được với bạn trẻ khắp mọi nơi là nhờ những góp ý ấy của các Nghị Phụ – tức các Giám Mục trong Thượng Hội Đồng…

Người viết hy vọng rằng – với phần trình bày đơn giản trên đây trước khi chúng ta đi vào câu chuyện – sẽ giúp bạn trẻ có được một vài mường tượng cho vấn đề Đức Thánh Cha cùng trao đổi với chúng ta…

+ Và Ngài nói : “Tôi muốn tuyên bố rằng chính người trẻ là tác nhân của Mục Vụ Giới Trẻ”…Ngài cho biết là người trẻ cần được hổ trợ và hướng dẫn, nhưng họ “cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo” trong lãnh vực Mục Vụ dành cho họ…nên – theo Đức Thánh Cha – thì không cần đến “một cuốn cẩm nang hay những hướng dẫn thực hành mục vụ”…Điều nên làm là “ quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh và kiến thức của mình để giải quyết những vấn đề nhạy cảm cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ” [203]…

+ Đức Thánh Cha ý thức và cũng mong muốn mọi thành phần trong Giáo Hội có cùng một ý thức, là “Người trẻ – mà chúng ta tiếp cận từng ngày – giúp chúng ta nhận ra nhu cầu phải có những phong cách làm việc và chiến lược mới”…Ngài đưa ra một giải thích : “Trong khi người lớn thường lo lắng mọi thứ phải được lên kế hoạch, với các cuộc họp định kỳ và thời gian biểu ổn định, thì đa số những người trẻ ngày nay ít quan tâm đến kiểu cách mục vụ này”…Một cách thông hiểu, Ngài nói về khuynh hướng mục vụ người trẻ hôm nay muốn, đấy là “sự linh động” cộng với “những sự kiện” – “nơi đó, người trẻ không chỉ có cơ hội để học hỏi, nhưng còn chia sẻ cuộc sống, liên hoan, múa hát, nghe những câu chuyện của các chứng từ và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa Hằng Sống trong cộng đoàn” [204]…Có lẽ đây cũng là vấn đề khá là khó khăn cho cả đôi bên và nó buộc giới có trách nhiệm phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa có thể “bảo vệ” tính khoa học của “nề nếp” làm việc có kế hoạch, có chương trình…lại đồng thời đáp ứng được tính “sự kiện” của giới trẻ vốn mang tính “ngẫu nhiên” khó lường…Và vì thế cũng cần có những “đầu tàu – leader” nhiệt huyết, đa năng, và có chuyên môn – điều mà xã hội hiện nay rất “rộ”với những CEO vững chãi và trải nghiệm, nhưng trong Giáo Hội thì có vẻ như còn khan hiếm những CEO tầm cỡ – những “Giám Đốc điều hành có tay nghề”…Sự thật…thì đúng như Đức Thánh Cha chia sẻ : người trẻ hôm nay vô cùng thích thú với các “ sự kiện” – hiểu như là những cuộc tụ họp của các nhân vật, các thần tượng…lôi kéo khá nhiều bạn trẻ có mặt, nhưng đấy cũng là dịp và là nơi để mọi thứ “ngẫu tượng” xuất hiện với muôn vẻ muôn mặt của những “phơi bày” tốn kém và kệch cỡm…làm không ít người trẻ – hay giới trẻ – có những lầm tưởng và “học đòi” rất tội nghiệp – khù khờ…

+ Đức Thánh Cha cũng khuyến khích chúng ta – Giáo Hội và các thành viên – đừng quan tâm đến “nguồn gốc hay nhãn hiệu, như “bảo thủ hay cấp tiến”, “phe hữu hay phe tả”…mà “điều quan trọng là chúng ta tận dụng tất cả những gì phát sinh hiệu quả tốt lành và thông truyền hữu hiệu niềm vui Tin Mừng”, và vì thế, Đức Thánh Cha muốn chúng ta để ý đến “những thực hành đã mang lại hiệu quả, như những phương pháp, ngôn ngữ và mục tiêu tỏ ra hữu hiệu trong việc đưa người trẻ đến với Chúa Ki-tô và Hội Thánh” [205]…

+ Đức Thánh Cha nhắc lại “tính hiệp hành” của Mục Vụ Giới Trẻ, và Ngài giải thích ngay : nghĩa là Mục Vụ ấy phải có “khả năng liên kết trong “một hành trình chung”, bao gồm “ sự quý trọng đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời thúc đẩy mỗi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm”…”Tính hiệp hành” của Mục Vụ ấy đòi phải biết “trân trọng Ơn Gọi của mỗi thành viên” và “tinh thần tham gia gánh vác trách nhiệm của thành viên ấy”…Và với tinh thần kép này, Giáo Hội có quyền để nghĩ đến “một Giáo Hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo Hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời giúp chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào”…Đồng thời Ngài cũng kêu gọi: “ Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta” [206]…

+ Đức Thánh Cha khẳng định là – với tính hiệp hành ấy – tức sự “chung tay góp sức” của nhiều thành phần Dân Chúa, chúng ta – mọi thiện tâm thiện chí – sẽ là “diễn tả tốt hơn cho một thực tại đa diện kỳ diệu mà Hội Thánh của Đức Giê-su phải trở thành”…Ngài cho biết lực hút từ Hội Thánh đối với người trẻ chính là ở chỗ Hội Thánh cho người trẻ nhận ra rằng “Hội Thánh không là một thực thể hiệp nhất đồng chất, nhưng trong một mạng lưới các ơn ban đa dạng mà Chúa Thánh Thần không ngừng tuôn đổ và luôn đổi mới Hội Thánh, bất chấp sự nghèo nàn khốn cùng của Hội Thánh” – nghĩa là Hội Thánh không là một “tập thể y như nhau” về mọi phương diện, nhưng là “một cộng đoàn sống động với vô vàn ơn gọi đa dạng và đa phương” diễn tả sự nhịp nhàng của một ban hợp xướng với đấy đủ các nhạc cụ, những giọng ca trong bản hợp xướng luôn luôn được phối âm mới mẻ và hợp thời nhằm ca ngợi công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần là vị nhạc trưởng và người trẻ là lực lượng đóng góp ngón đàn, tay trống hay giọng ca…Bản hợp xướng cho thấy sự mới mẻ từng ngày của Giáo Hội ngay trong sự nghèo nàn và khốn cùng của mình [207]…

+ Và Đức Thánh Cha kết thúc chuyện về  một “Mục Vụ mang tính hiệp hành”  bằng việc kêu gọi chúng ta xem lại những đề nghị cụ thể trong văn kiện kết thúc Thượng Hội Đồng…Đây là một văn kiện dài…Người viết xin chỉ ghi lại một đoạn ngắn nói về “Chân dung của người bạn đồng hành”  :

  1. Người bạn đồng hành tốt là một người cân bằng, có thể lắng nghe, được chống đỡ bởi đức tin và cầu nguyện, và là người đã phải đối diện với những yếu đuối và mỏng dòn của chính mình. Đó là lý do tại sao người ấy biết cách chào đón những người trẻ mà mình đồng hành với, mà không lên mặt đạo đức hoặc nuông chiều cách sai lầm. Khi cần, người ấy cũng có thể đưa ra những lời sửa lỗi huynh đệ.

Ý thức rằng việc đồng hành là một sứ vụ đòi hỏi phải bén rễ sâu trong đời sống tâm linh sẽ giúp duy trì sự tự do trong tương quan với những người trẻ mà người ấy đồng hành: người ấy sẽ tôn trọng kết quả của tiến trình của các em, qua việc nâng đỡ các em bằng cầu nguyện và thưởng thức những hoa quả mà Chúa Thánh Thần tạo ra nơi những em mở lòng ra với mình, mà không tìm cách áp đặt ý muốn hay sở thích của mình trên các em. Người ấy cũng có thể phục vụ những người khác, thay vì đứng ở giữa sân khấu và áp dụng những thái độ chiếm hữu và thao túng, là những thái độ tạo ra sự lệ thuộc và cản trở sự tự do của người ta. Sự tôn trọng sâu xa này cũng là cách đảm bảo tốt nhất chống lại nguy cơ đạo văn và lạm dụng dưới bất cứ hình thức nào. 

Lạy Chúa Giê-su, hôm trước ngày chịu chết vì chúng con, Chúa đã cầu xin cho hết mọi môn đệ của Chúa được hoàn toàn nên một như Chúa ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Chúa…Xin cho chúng con cảm thấy đau đớn trước tình trạng chia rẽ của chúng con… khiến chúng con trở thành bất trung…

Xin cho chúng con biết trung thực nhìn nhận và can đảm loại bỏ thái độ thờ ơ, lòng nghi ngờ, và mối hận thù đang tiềm ẩn nơi chúng con…

Xin ban cho tất cả chúng con được gặp nhau trong Chúa để – từ tâm hồn và môi miệng chúng con –  luôn vang lên lời cầu nguyện của Chúa cho sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu…như lòng Chúa muốn…và theo phương thế cũng như thời điểm Chúa an bài…

Lạy Chúa  là Chúa Tình Yêu, xin cho chúng con tìm thấy con đường dẫn đến sự hiệp nhất trong sự vâng phục đối với Tình Thương và Chân Lý của Chúa .Amen

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts