TẤT CẢ CHO MẸ

            Lời ngỏ: Bài viết này bao gồm một loạt bài về việc tận hiến cho Đức Mẹ theo học thuyết của Thánh Louis Maria Montfort, đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp từ số 129-132 tháng 4-7 năm 1997. Sau đó đã được in thành tập sách nhỏ làm tài liệu dùng trong các khóa học về tận hiến cho Đức Mẹ hơn 20 năm qua tại các Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại ở Long Beach CA, Baldwin Park CA, Houston TX và Dallas TX, và Dòng Mân Côi, Mến Thánh Giá, Camêlô, Đaminh. Phêrô Clavê. Lẽ ra bài này cùng với tài liệu “Ba Tuần Chuẩn Bị Tận Hiến cho Mẹ” được gồm lại để in thành sách từ năm 2000, nhưng có nhiều ngăn trở nên vẫn được lưu hành dưới dạng tài liệu học tập. Tập sách này được in đi in lại rất nhiều lần, và nhiều người muốn tài liệu này phổ biến rộng rãi. Nay sau khi đã được tu chỉnh đôi chút, xin gửi đến độc giả trên thanhlinh.net dịp Lễ Truyền Tin với ước nguyện cho mọi người nhận biết, yêu mến và đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria và nỗ lực thực hiện sứ điệp Đức Mẹ tại Fatima-cũng chính là Sứ Điệp Tin Mừng-trong một thế giới đang bị tục hóa nặng nề hôm nay. (Mar. 24th 2021) HP.

            Totus Tuus- Tất cả cho Mẹ- là khẩu hiệu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn cho triều đại giáo hoàng của ngài.  Khẩu hiệu đó bao gồm tất cả lòng tin tưởng, cậy trông, yêu mến và phó thác của ngài dành cho Mẹ Maria.

            Trong quyển tự thuật “QuàTặng và Mầu Nhiệm” viết về lịch sử ơn gọi linh mục của mình nhân Kim Khánh Linh Mục, Đức Thánh Cha giải thích như sau: “Đây là nguồn gốc của khẩu hiệu Totus Tuus.  Câu đó là của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort.  Nó là sự tóm tắt của công thức dâng mình cho Mẹ Thiên Chúa đầy đủ như sau:  Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt.  Accipio Te in mea omnia.  Praebe mihi cor Tuum, Maria.  Và vì vậy, nhờ Thánh Louis, tôi bắt đầu khám phá ra sự phong phú khôn lường của việc sùng kính Mẹ Maria bằng một chiều kích mới.” 

            Ngài viết thêm: “Tôi được giúp đỡ rất nhiều nhờ quyển sách mang tựa đề: ‘Thành thực sùng kính Đức Mẹ’ của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort.  Nơi đó tôi tìm được những câu trả lời cho các vấn nạn của tôi.  Phải, Mẹ Maria thực sự đem chúng ta lại gần Chúa Giêsu, Mẹ thật sự dẫn chúng ta đến với Ngài, miễn là chúng ta sống mầu nhiệm của Mẹ trong Chúa Giêsu.”

            Về Thánh Montfort và học thuyết Đức Mẹ (hay Thánh Mẫu học) của thánh nhân, Đức Thánh Cha nhận xét: “Tác giả là một nhà thần học lỗi lạc.  Học thuyết Đức Mẹ của ngài cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và chân lý về việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.”

            Những lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho thấy Thánh Montfort và học thuyết Đức Mẹ của Thánh Nhân đã ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời, hoạt động, và giáo huấn của vị Giáo Hoàng cuối thế kỷ 20 này.  Và ảnh hưởng ấy cũng lan rộng đến mọi tâm hồn trong Hội Thánh Công Giáo.  Vậy Thánh Louis Marie Grignion de Montfort là ai?  Và học thuyết Đức Mẹ của Ngài như thế nào?

           Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

            Thánh Louis Marie Grignion de Montfort sinh ngày 31 tháng 1 năm 1673 tại làng Montfort ở Brittany, nước Pháp.  Cha mẹ Ngài có cả thảy 18 người con, và ngài là con út.  Ngày hôm sau, 01 tháng 2 năm 1673, Montfort được rửa tội với thánh hiệu Louis.  Mẹ Ngài là một phụ nữ rất đạo đức và luôn quan tâm dạy dỗ các con về đức tin.  Ngoài những anh chị mất khi Ngài còn nhỏ dại, Montfort có hai anh là linh mục, và hai chị là nữ tu. 

            Từ năm 12 tuổi, Montfort bắt đầu theo học với các Cha Dòng Tên ở đại học Thánh Thomas à Becket tại thành Rennes.  Với trí khôn sắc sảo và trí nhớ phi thường, Montfort luôn vào bảng danh dự hằng năm.  Sự thánh thiện và lòng biệt kính Đức Mẹ của cậu cũng lớn mạnh trong thời kỳ này.  Năm 1693, Montfort vào một chủng viện dành cho chủng sinh nghèo ở Paris.  Nhưng năm sau đó, Cha De le Barmondiere là vị sáng lập qua đời và chủng viện phải đóng cửa.  Montfort lại xin vào một chủng viện khác còn nghèo hơn nữa.  Vì ăn uống thiếu thốn, thầy Montfort gần như sắp chết vì kiệt sức.  Sau đó, thầy xin vào chủng viện của các cha Xuân Bích. 

            Ngày 5 tháng 6 năm 1700 thày Montfort được thụ phong linh mục do sự đặt tay của Đức Cha Bazan de Flamanville ở Perpignan.  Ngài ước muốn sang truyền giáo ở Châu Mỹ, nhưng bị từ chối.  Thế là ngài đem mọi nỗ lực để đi giảng đại phúc khắp nơi ngay tại quê hương ngài.  Với lời giảng hùng hồn, Ngài thúc đẩy mọi người gia tăng lòng yêu mến Chúa Giêu Thánh Thể và lòng Tôn Sùng Mẹ Maria cách hoàn hảo.  Ngài cũng hăng hái bài bác lạc thuyết Janesnism, một học thuyết đang lan tràn thời ấy.

            Lòng nhiệt thành đem lại vinh quang Chúa, sáng danh Đức Mẹ và phần rỗi các linh hồn khiến Thánh Montfort không ngừng lại ở các hoạt động tông đồ của riêng mình.  Ngài gia nhập dòng Ba Đa Minh ngày 10 tháng 11 năm 1710, và chính Ngài cũng đã lập hai dòng:  Dòng Thừa Sai Đức Mẹ lo giảng dạy người nghèo, và Dòng Nữ Tử Đức Khôn Ngoan để săn sóc bệnh nhân trong các nhà thương và giáo dục trẻ em.

            Sau những năm tháng tận tụy giảng dậy và trải qua biết bao gian lao, vất vả, đau khổ, ngược đãi, thánh Montfort đã về hưởng Nhan Thánh Chúa trong tay Mẹ Maria ngày 28 tháng 4 năm 1716.  Trong cuộc đời 43 năm vắn vỏi của mình, Thánh Montfort đã giảng hơn 200 kỳ đại phúc hay tĩnh tâm.  Ngài còn soạn 164 bài ca nguyện và viết một số sách thiêng liêng.  Ba tác phẩm nổi tiếng của Ngài là: “Thành thực Sùng Kính Đức Mẹ”, “Bí Quyết Mẹ Maria” và “Bí Quyết Kinh Mân Côi.”  Riêng cuốn “Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ” đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng.  Trong tác phẩm này thánh nhân đã trình bày học thuyết Đức Mẹ của ngài một cách mạch lạc đây đủ.

            Ngày 22-01-1888, Đức Giáo Hoàng Léo XIII phong chân phước cho ngài.  Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn ngài lên bậc hiển thánh ngày 20-07-1947.  Lễ nhớ ngài được ghi trong niên lịch Phụng Vụ là ngày 28 tháng 4 thàng năm. Vì đời sống thánh thiện của thánh Louis Marie Grignion de Montfort và ảnh hưởng lớn lao của học thuyết Đức Mẹ của ngài trong Hội Thánh, người ta đang hy vọng Giáo Hội sẽ tuyên phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh trong một ngày gần đây.

HỌC THUYẾT ĐỨC MẸ CỦA THÁNH MONTFORT

            “Chúa Giêsu đã xuống thế nhờ Đức Mẹ, Ngài cũng sẽ thống trị thế giới nhờ Đức Mẹ.”  Thánh Louis Marie Grignion de Montfort đã bắt đầu tác phẩm “Thành Thực Sùng Kính” của ngài bằng câu nói đầy xác tín trên.  Ngài tin rằng Chúa muốn dùng Đức Mẹ để cứu rỗi và thánh hóa nhân loại.  Do đó, muốn được cứu rỗi và nên thánh, chúng ta phải hiểu biết, yêu mến, và tôn sùng Đức Mẹ.  Sở dĩ ngày nay nhiều người chưa hiểu biết, yêu mến, và tôn sùng Chúa Giêsu đúng mức để được cứu rỗi và nên thánh, là vì họ chưa hiểu biết, yêu mến và tôn sùng Đức Mẹ như họ phải làm.  Vì vậy, tất cả cố gắng của thánh nhân khi viết quyển sách quí giá này đều nhằm mục đích giúp mọi người hiểu biết, yêu mến và tôn sùng Mẹ Maria cách chân chính và hoàn hảo nhất. 

 

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC TÔN SÙNG ĐỨC MẸ.

A. NGUYÊN DO:

 1. Chúa đã dùng Đức Mẹ trong việc Nhập Thể.

                  Chúa Cha chỉ ban Con Một cho nhân loại qua Mẹ Maria.  Chỉ có Mẹ là đẹp ý Chúa và xứng đáng hơn mọi người thế.  Thánh Augustinô viết: “Vì nhân loại không xứng đáng đón nhận Chúa Con trực tiếp từ tay Chúa Cha, nên Chúa đã giao Con cho Đức Mẹ, để Đức Mẹ trao lại cho chúng ta.”  Chúa Con làm người để cứu chuộc nhân loại nhưng Ngài chỉ chọn làm người nhờ Mẹ Maria và qua Mẹ Maria.  Chúa Thánh Thần đã vui lòng tác tạo bào thai Chúa Giêsu trong Đức Mẹ sau khi cử sứ thần đến truyền tin. 

               Chúa Cha chẳng những cho Mẹ Maria sinh ra Chúa Con, Ngài còn cho Mẹ sinh ra tất cả những ai Ngài chọn làm nghĩa tử trong Đức Kitô.  Chúa Con ở trong lòng Đức Mẹ như Adong mới trong vườn địa đàng.  Ngài đã âm thầm sống vâng lời và lệ thuộc Đức Mẹ suốt 30 năm để đem lại vinh quang lớn lao cho Chúa Cha.  Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên ở Cana nhờ Mẹ và vì Mẹ.  Chúa mãi mãi theo cách này cho đến tận thế.  Chúa Thánh Thần đã nhờ Mẹ mà làm nên kiệt tác là Chúa Giêsu.  Ngài cứ tiếp tục nhờ Mẹ mà tạo nên vô vàn chi thể cho Đầu Khả kính là Chúa Giêsu.

 2. Chúa vẫn dùng Đức Mẹ trong việc thánh hóa chúng ta.

         Chúa Cha thu tích mọi ơn phúc và đặt vào Mẹ Maria.  Các thánh không sai khi gọi Đức Mẹ là Kho Thiên Chúa.  Chúa Con chuyển thông mọi công đức vô giá đã lập được khi sống và khi chết ở trần gian cho Mẹ để Mẹ thông ban cho ta.  Mẹ nên như Máng chuyển ơn cứu độ cho ta.  Chúa Thánh Thần đặt Mẹ Maria bạn trung thành của Ngài làm Quản lý  mọi ân sủng.  Mẹ muốn ban cho ai ơn nào, cho bao nhiêu, cho cách nào, cho lúc nào tùy Mẹ.  Chúa không ban ơn nào cho ai mà không qua tay Mẹ.  Chúa Ba Ngôi muốn thế để tôn vinh Đức Mẹ vì Mẹ đã suốt đời hạ mình vâng phục ý Chúa. 

                  Chúa Giêsu đã vâng lời Đức Mẹ nơi dương gian, Ngài vẫn tiếp tục vâng lời Đức Mẹ trên Thiên Đàng.  Lời cầu xin của Mẹ với Chúa đắc lực hơn lời cầu của toàn thể thần thánh trên trời dưới đất hợp lại.  Chúa đặt Mẹ làm Nữ Vương trời đất, Tư Lênh đạo binh Thiên Thần, và Cứu Tinh nhân loại.

                  Ở đời, có cha có mẹ mới có con cái.  Muốn sinh làm con Chúa trong đời sống siêu nhiên, phải có Chúa là Cha và Maria là Mẹ.  Ai không nhận Maria làm Mẹ cũng   không còn Chúa làm Cha nữa.          

                  Thánh Augustinô nói: “Tất cả những người được Chúa chọn, những ngày mà họ sống ở trần gian, là họ sống ẩn náu trong lòng dạ của Thánh Mẫu Maria, để thành một con người giống Chúa Kitô.  Mẹ bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc ta trong dạ của Mẹ, cho đến ngày ta chết-ngày mà Giáo Hội gọi là sinh nhật của người lành-Mẹ sẽ sinh ta lại trong đời sống vinh quang của Thiên đàng.”

                  Khi Chúa Thánh Thần gặp Maria ở tâm hồn nào, Ngài sẽ đến chiếm trọn tâm hồn đó để thông cho họ chính mình với bao ơn thánh, tùy mức độ họ mở lòng để đón tiếp Mẹ Maria.  Chúa Thánh Thần đã kết hợp với Đức Mẹ Maria để thực hiện công trình Nhập Thể của Chúa Giêsu.  Ngài vẫn tiếp tục kết hợp với Đức Mẹ để thánh hóa các linh hồn.     

B. HỆ QUẢ

Vì Chúa Ba Ngôi đã ban cho Mẹ quyền thống trị trên tâm hồn những người Chúa chọn, chúng ta hãy vui mừng nhận Mẹ làm Nữ Vương của lòng ta.  Mẹ được vinh quang khi làm Nữ Vương các tâm hồn hơn là vỗ trị thế giới bên ngoài. 

                  Nếu Thiên Chúa theo Thánh Ý của Ngài- còn cần đến Maria để thi hành mục đích của Ngài, ta càng cần đến Đức Mẹ để đạt đến cùng đích đời ta:  Được cứu rỗi và nên thánh.  Nên nhớ:  Việc tôn sùng các thánh khác là điều làm thêm, tùy thuộc, còn việc tôn sùng Đức Mẹ là điều cần thiết, phải có.  Không mến, không yêu Mẹ, là dấu chắc là đi xa Chúa.  Yêu Mẹ, mến Mẹ tận tình là dấu tỏ tường của người được Chúa chọn.  Càng yêu mến Mẹ, càng được săn sóc hướng dẫn, càng tiến cao trên đường thánh thiện. 

                  Ở vào thời đại cuối cùng này, việc tôn sùng Đức Mẹ càng cần thiết.

                  Chúa đã khởi xướng việc cứu rỗi loài người nhờ Đức Mẹ, Ngài cũng sẽ hoàn thành nhờ Mẹ.  Đây là lúc Chúa muốn soi sáng cho ta biết Maria là tuyệt phẩm của Chúa vì: 

  1. Đức Mẹ đã hạ mìnhẩn khuất khi ở trần gian.
  2. Chúa muốn ta chiêm ngưỡng Maria là kiệt táccủa Chúa để thêm vinh quang Chúa.
  3. Mẹ là Rạng Đôngđi trước Mặt Trời Công Chính là Chúa Giêsu.
  4. Mẹ là Đàngđưa Chúa Giêsu đến với ta lần đầu.  Chúa vẫn theo lối này mà đến lần thứ hai.
  5. Mẹ làngười trợ lực ta cách chắc chắn nhất.
  6. Ta phải để cao tình thương, quyền năng, và ân huệ của Mẹ.  Tình thương Mẹ xoa dịu vết thương nhân loại và đưa kẻ tội lỗi về cùng Chúa.  Quyền năng Mẹ thắng vượt mọi bóng đêm và cạm bẫy của các thế lực tội lỗi.  Ân huệ Chúa ban đầy tràn nơi Mẹ, sẽ được thông ban cho các chiến sĩ của Mẹ.
  7. Mẹ là đạo binh đang dàn trận làm ma quỷ sợ hãi vì Mẹ đã khiêm nhường và vâng phục yêu mến Chúa.

Tông đồ của thời đại cuối cùng này phải là những chiến sĩ đích thực của Mẹ Maria.  

Thánh Montfort diễn tả hình ảnh của tông đồ thời đại cuối cùng như sau: “Họ là những môn đệ Chúa Giêsu, bám sát lối sống khó nghèo và khiêm nhường của Chúa.  Như Chúa, họ không sợ đời, và đầy lòng mến.  Họ nói ngay, nói thực, theo đường lối Chúa đúng theo Phúc Âm, bất chấp lối suy luận của đời.  Họ không sợ ai, không dua nịnh ai, dù ai đó có uy quyền đến đâu, vì ai đó chỉ là người phàm.  Nơi miệng họ được ngọn kiếm hai lưỡi là Lời Chúa, vai họ vác lá cờ đẫm máu là gian nan khổ giá; tay mặt cầm ảnh chuộc tội, tay trái cầm tràng hạt, ngực ghi hai tên cực trọng Giêsu và Maria, toàn thân sáng chói hai đức khiêm nhường và khắc khổ của Chúa Kitô.”  Chúa muốn Đức Mẹ huấn luyện họ, để họ đem lại vinh quang cho Chúa, chinh phục các linh hồn cho Chúa. 

 

NĂM CHÂN LÝ CĂN BẢN CỦA VIỆC TẬN HIẾN.

 1. Chúa Giêsu là mục đích cuối cùng cho lòng tôn sùng Đức Mẹ.

Chúa Giêsu Cứu Thế, Chúa thực và người thực-phải là mục đích chính cho mọi thứ tôn sùng.  Nếu không, lòng tôn sùng sẽ hóa ra lầm lạc, giả dối.  Chúa Giêsu là Đầu và là Cùng của mọi sự.  Ta xây dựng lòng tôn sùng Đức Mẹ cho vững chắc chỉ vì mục đích để yêu mến, phụng sự, tôn thờ Chúa Kitô cách hoàn hảo, chắc chắn, dễ dàng hơn mà thôi.  Lối tôn sùng nào làm ta xa rời Chúa, ta phải dẹp bỏ ngay.

 2. Ta tùy thuộc Chúa Giêsu và Mẹ Maria như hạng nô lệ:

            Ở đây, thánh Montfort phân biệt giữa làm thuê và nô lệ:

  1. Làm thuê không bán mạng, vẫn còn có của riêng.  Nô lệ thì không có của riêng và chủ có quyền sinh sát.
  2. Làm thuê có giao kèo, điều kiện.  Nô lệ không có điều kiện, không được đòi hỏi chi.
  3. Làm thuê có thời hạn và có quyền xin thôi.  Nô lệ phải ở mãi với chủ, không có quyền thôi chủ.

Trong liên hệ với Chúa, tất cả mọi loài đều là nô lệ của Chúa.  Có ba thứ nô lệ:

  1. Tự nhiên: Mọi loài do Chúa dựng nên đều là nô lệ của Chúa.
  2. Cưỡng bách:  Ma quỷ và kẻ dữ trong hỏa ngục.
  3. Tình nguyện:  Các thánh và người lành.

            Người chiến sĩ tận hiến để làm nô lệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ là những nô lệ tình nguyện, nô lệ của tình yêu.  Ta làm nô lệ tuyệt đối của Chúa Giêsu và tương đối của Đức Mẹ.  Quyền Chúa có trên ta là tuyệt đối và Ngài có tự bản tính Ngài.  Còn quyền Mẹ Maria có là nhờ Ơn Chúa ban.  Khi ta xưng mình là nô lệ Đức Mẹ, nghĩa là ta muốn nhờ Mẹ để làm nô lệ Chúa một cách trọn hảo hơn. Các thánh Anselm, Bênađô, và Bônaventura quả quyết: “Maria và tất cả tạo vật đều thuộc quyền Chúa, nhưng Chúa và tạo vật của Chúa cũng thuộc quyền Maria.”  Nếu không muốn làm nô lệ cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ, ta sẽ làm nô lệ ma quỷ, thế gian và xác thịt.  Muốn làm nô lệ Chúa và Đức Mẹ là muốn thuộc về Chúa và Mẹ cách hoàn hảo.”

 3. Cần giũ bỏ tật xấu:

Muốn thuộc về Chúa là Đấng Trọn Lành và muốn xứng danh là chiến sĩ tận hiến của Mẹ Rất Thánh, ta phải từ bỏ tội lỗi và thói hư tật xấu.  Như thể muốn giữ rượu ngon, ta phải có bình sạch.  Muốn thế, ta phải xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta biết mình cùng với bản tính yếu hèn của ta, những đam mê dục vọng, những thói xấu tội lỗi.  Rồi ta phải tập bỏ mình, bỏ sự tự ái, ý riêng, phải tập chết dần cho cái tôi của mình.  Khi chọn lối tôn sùng Đức Mẹ ta cũng phải chọn phương thế nào giúp ta bỏ mình cách hoàn hảo hơn.

 4. Ta cần có người bên cạnh Đấng Trung Gian là Chúa Kitô:

Đành rằng Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng Chúa Giêsu vẫn là Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, và ta phải hết lòng kính tôn.  Vì vậy, ta cần một người làm môi giới phụ để dễ dàng đến với Chúa Giêsu, để khỏi phải sợ hãi vì sự yếu hèn tội lỗi của ta.  Như thánh Bênađô, ta tin rằng ta cần một vị môi giới để đến với Chúa Kitô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa Cha và loài người.  Maria chính là vị môi giới xứng đáng và cần thiết ấy.  Nếu Chúa Kitô đã nhờ Maria mà đến với ta, ta cũng xin nhờ Maria để đến với Chúa.  Nhờ Mẹ làm môi giới để đến gần Chúa vì vậy là cử chỉ vừa khiêm nhường, vừa hoàn hảo, và rất đẹp lòng Chúa.

5.Tự mình ta không giữ nổi kho báu ơn Chúa ban cho:

Với sự yếu đuối, hay thay đổi, mỏng dòn, dễ sa ngã phạm tội của ta, với sự hung dữ tinh quái của ma quỷ, và sự bành trướng sa đọa trụy lạc của thế gian, ta không thể tự mình sống trong sạch và giữ vẹn kho Ơn Thánh Chúa ban.  Khi chọn con đường tận hiến cho Mẹ, đó là ta đã chọn được người tin cẩn nhất, mạnh mẽ nhất, để giao phó kho báu của ta.  Chính Chúa cũng đã giao phó kho báu Ơn thánh của Ngài cho Mẹ, Mẹ cũng là người duy nhất cùng Chúa Giêsu đạp nát đầu Satan.  Ta sẽ rất an lòng khi giao phó mọi sự cho Đức Mẹ.

 

III.   CHỌN MỘT LỐI TÔN SÙNG ĐỨC MẸ CHÍNH ĐÁNG.

Sau khi cho thấy việc tôn sùng Mẹ Maria là cần thiết và ích lợi lớn lao, thánh Montfort tiếp tục giúp ta chọn một lối tôn sùng Mẹ cách chân thực và hoàn hảo nhất.  Theo thánh nhân, lòng tôn sùng Đức Mẹ được ví như vàng ròng quý giá.  Vì thế, ma quỷ sẽ tìm cách tạo nên các thứ vàng giả là những lối tôn sùng dối trá để đánh lừa và hãm hại các linh hồn.  Ở đây thánh nhân đã chỉ ra 7 hạng người giả hình với 7 lối đạo đức giả và 5 lối tôn sùng chân thực.

 

A. BẢY LỐI ĐẠO ĐỨC GIẢ.

1.Hạng ưa bài bác:  Hạng người này thường là những người có học thức nhưng kiêu hãnh.  Họ cũng có chút lòng tôn kính Đức Mẹ, nhưng họ hay kích bác lòng tôn sùng Đức Mẹ cách đơn sơ sốt sắng của những tâm hồn đơn nghèo bé mọn.  Họ chỉ trích các cuộc rước sách, đọc kinh, lần chuỗi kính Mẹ.  Họ lấy làm chướng tai khi nghe thuật lại những phép lạ về Mẹ và cho đó là mê tín dị đoan.  Những lối giảng dạy ca ngợi Đức Mẹ bị họ cho là những lời văn hoa, bóng bẩy, đề cao Mẹ quá đáng và không thiết thực.  Hạng này viện cớ đả phá những gì lợi dụng quá đáng để bào chữa sự bài bác của họ.  Họ suy luận và sống theo lối đời, làm giảm lòng tôn sùng đầy hiệu quả của dân chúng đối với Đức Mẹ.

2.Hạng quá thận trọng:  Hạng người này chỉ sợ rằng tôn sùng Đức Mẹ quá sẽ làm giảm giá trị của Chúa Giêsu.  Họ lo lắng khi thấy có nhiều người quỳ trước tượng ảnh Mẹ cầu xin hơn là trước bàn thờ có Thánh Thể hoặc ảnh tượng Chúa.  Họ chủ trương chỉ cần giảng về Chúa Giêsu và lòng tôn sùng Chúa là đủ rồi.  Việc tôn sùng Đức Mẹ với họ chỉ là thứ đạo đức ủy mị, tình cảm ướt át, và chỉ có hạng ngu dốt mới theo.  Hạng người này tưởng mình khôn mà thực ra họ rất dại:  Chúa Giêsu và Đức Mẹ đâu phải là những kẻ đối nghịch nhau mà là hai mẹ con thương nhau hơn ai hết.  Càng yêu mến Mẹ, Chúa càng vui.  Càng đến với Mẹ, ta càng gần Chúa hơn.  Thánh Montfort xác tín: “Có lúc nào Chúa được vinh quang cho bằng khi ta tôn sùng Đức Mẹ, vì chính lúc đó ta nhờ Mẹ để yêu mến Chúa cách hoàn hảo hơn.  Maria là con đường thẳng dẫn ta đến với Chúa.”

3.Hạng hời hợt bề ngoài:  Hạng người này chỉ thích làm cho nhiều việc bên ngoài như tham gia các hội đoàn, rước sách, đeo ảnh Mẹ, lần chuỗi vội vã cho được nhiều.  Nhưng họ lại không lo suy niệm và bắt chước đời sống và nhân đức của Mẹ.  Họ chỉ lo tìm những cảm xúc sốt sắng ướt át trong các việc đạo đức kính Mẹ.  Khi không cảm thấy sốt sắng, họ đâm ra bối rối, nghi ngờ, bỏ cuộc. 

4.Hạng tự phụ, ỷ lại:  Hạng người này cho rằng mình có lòng yêu mến tôn sùng Đức Mẹ, nhưng lại tự dung túng và ở lì trong nếp sống tội lỗi.  Họ lý luận rằng họ là con Đức Mẹ, có lần chuỗi, đeo ảnh Đức Mẹ, mặc áo Đức Mẹ, ăn chay ngày thứ bảy, vào hội đoàn Đức Mẹ, chắc chắn Đức Mẹ phải cứu họ.  Vả lại, ai chẳng phạm tội?  Chúa nhân từ vô cùng, lại có Đức Mẹ cầu bầu, họ sẽ không phải sa hỏa ngục!  Thánh Montfort cho rằng đây là lối tôn sùng giả dối nguy hiểm nhất.  Ngài viết: “Nếu vì lòng nhân từ, Mẹ tự buộc mình cứu rỗi bọn này, đúng là Mẹ cho phép chúng phạm tội, Mẹ đồng lõa với chúng để đóng đinh con Mẹ; ai dám nghĩ thế bao giờ?”  Ngài cảnh cáo: “Ai lạm dụng lòng tôn sùng Mẹ (để phạm tội) là phạm sự thánh.”

5.Hạng bấp bênh:  Hạng người này không trung kiên, bền vững trong sự tôn sùng Đức Mẹ.  Họ làm việc kính Đức Mẹ tùy hứng, lúc làm, lúc bỏ, khi sốt sắng, lúc lôi thôi.  Họ vào các đoàn thể kính Đức Mẹ, nhưng không hội họp đều, không trung thành giữ luật.  Lúc thì họ đọc năm bảy chuỗi, khi thì bỏ hẳn.  Tốt hơn, họ nên giữ các việc bề ngoài cho chừng mực, nhưng thực hiện với lòng mến thực sự và trung tín luôn.

6.Hạng trá hình:  Hạng người này bề ngoài có vẻ rất sốt sắng kính Mẹ, nhưng họ làm thế để che giấu tật xấu của mình và để được tiếng là người đạo đức, tốt lành.

7.Hạng vụ lợi:  Hạng người này tâm địa ích kỷ hẹp hòi.  Họ chỉ chạy đến với Đức Mẹ   khi cần để cầu lợi:  thi đậu, thắng kiện, khỏi bịnh, thoát nạn, có việc làm v…v… Khi xong việc, họ làm như không biết Đức Mẹ.

B. NĂM LỐI TÔN SÙNG CHÂN THỰC.

1.Phải thành thực:  Tôn sùng Mẹ phải thành thực trong tâm hồn với tất cả trí khôn.  Ta đem hết cả tấm lòng để yêu mến Mẹ vì trí ta nhận biết sự cao cả đáng yêu của Mẹ.  Luôn tỏ ra là con yêu của Mẹ trong mọi nơi, mọi lúc.

2.Phải thiết tha:  Ta phải yêu mến Mẹ thiết tha như con thơ trên tay Mẹ hiền.  Trong mọi nhu cầu phần hồn phần xác, ta mau mắn khiêm nhường, tin tưởng, tha thiết cầu xin cùng Mẹ: “Khi gian nan, cần Mẹ soi sáng; khi lầm lỡ, cần Mẹ đỡ nâng; khi bị thử thách, cần Mẹ bảo trợ; khi yếu hèn, cần Mẹ thêm sức, khi vấp ngã, cần Mẹ đỡ dậy, lúc chán nản, cần Mẹ ủi an; rối trí rối lòng, cần Mẹ giải quyết; trên đường đời gặp nhiều lao nhọc, gian khổ, cần Mẹ khích lệ.”  Tóm lại, ta phải gắn bó mật thiết cùng Mẹ trong mọi nơi, mọi lúc mà không sợ làm phiền Chúa, phiền Mẹ. 

3.Phải thánh thiện:  Để mến Mẹ thực, ta phải diệt trừ tội lỗi, và tính hư nết xấu, gắng noi gương đời sống thánh thiện của Mẹ, và bắt chước các nhân đức của Mẹ.  Nhất là “đức khiêm nhường sâu xa, đức tin mãnh liệt, vâng lời triệt để, cầu nguyện thường xuyên, hãm mình trong mọi việc, trong sạch vẹn tuyền, mến Chúa tha thiết, nhẫn nại cách anh hùng, hiền lành như thiên thần và khôn ngoan tuyệt vời.” 

4.Phải bền đỗ:  Người yêu mến Mẹ thật kiên trung bền đỗ trong đàng lành.  Họ không trễ bỏ các việc tôn kính Mẹ quá dễ dàng.  Họ can đảm đi ngược với lề thói và suy tưởng của thế tục, chông trả sự chán nản đam mê xác thịt và mưu chước cám dỗ của ma quỷ.  Dù họ còn có thể yếu đuối sa ngã, nhưng họ sẽ mau mắn chỗi dậy nắm lấy tay Mẹ hiền. Họ sống theo xác tín hơn là tình cảm xác thịt.

5.Phải vô vị lợi:  Người mến yêu Mẹ thực không hướng về mình mà chỉ tìm Chúa trong Mẹ mà thôi.  Họ yêu mến và phục vụ Mẹ không phải để tìm lợi lộc trần thế hay phần phúc thiên đàng.  Họ tôn sùng Mẹ chỉ vì Mẹ đáng yêu đáng mến mà thôi.  Dù gian nan, thử thách, dù buồn tủi chán chường, họ vẫn trung tín với Mẹ.  Hạng người yêu Mẹ vô vị lợi thật hiếm hoi.

IV. BẢN CHẤT CỦA VIỆC TẬN HIẾN.

Thánh Montfort cho rằng lối tôn sùng Đức Mẹ hoàn hảo nhất chính là lối tận hiến hoàn toàn cho Đức Mẹ để Đức Mẹ hiến dâng ta cho Chúa Giêsu cách hoàn hảo.  Vì Mẹ Maria là người giống Chúa và đẹp ý Người hơn mọi người thế, khi nhờ Mẹ để tận hiến cho Chúa Giêsu ta sẽ được Chúa cho kết hợp với Chúa cách hoàn hảo và nên giống Chúa hơn. 

 

  1. HIẾN TRỌN THÂN CHO MẸ.

Cùng với Thánh Đamacênô, thánh Montfort dạy ta phải dâng cho Mẹ toàn thân ta và mọi sự thuộc về ta để việc tận hiến được hoàn hảo, trọn vẹn.  Những của ta dâng cho Mẹ gồm:

  1. Thân xác ta với ngũ quan và mọi chi thể.
  2. Linh hồn ta với mọi tài năng của nó:  Trí khôn và lòng    muốn.
  3. Tài sản hiện có hoặc sẽ có.
  4. Mọi của cải thiêng liêng tức là các giá trị lập công và đền tội hay công đức của mọi việc lành ta đã, đang và sẽ làm.  Nói rõ hơn, ta dâng công, phúc, đức của ta cho Mẹ để Mẹ gìn giữ, bồi bổ và trau dồi.  Còn các việc đền bù ta dâng cho Mẹ để Mẹ sử dụng cho ai tùy ý Mẹ.

           Khi đã dâng cho Mẹ rồi, ta phải gắng sử dụng tất cả mọi sự theo ý Mẹ, ý Chúa.  Khi làm điều gì hay dùng sự gì trái ý Chúa, ý Mẹ, đó là ta đã lấy lại của đã dâng.

 

B. TẬN HIẾN LÀ LẬP LẠI LỜI THỀ HỨA CỦA NGÀY RỬA TỘI MỘT CÁCH HOÀN HẢO.

                  Cùng với thánh Tôma Tiến Sĩ và thánh Augustinô, thánh Montfort xác tín rằng lới thề hứa khi chịu phép Rửa Tội là lời thề hứa quan trọng nhất, cần thiết nhất, chính yếu nhất.  Khi được rửa tội, ta cam kết từ bỏ Satan và mọi sự xa hoa giả trá của nó để nhận Chúa Giêsu là Chủ, là Chúa, là Thầy, để thuộc về Chúa và lệ thuộc Chúa hoàn toàn.

                  Vì đa số chúng ta được Rửa Tội khi còn nhỏ, nên trong chúng ta có người không nhớ, có người lại không muốn nhận lời thề hứa mà cha mẹ và người đỡ đầu đã làm thay.  Do đó, chúng ta không sốt sắng và trung kiên thực thi lời thề ngày Rửa Tội.   Nên chúng ta sống đạo một cách hời hợt, khô khan, nguội lạnh.  Phương pháp hữu hiệu nhất để canh tân đời sống đạo đức của các tín hữu là giúp họ nhớ lại lời thề hứa ngày chịu phép Rửa Tội và sống xứng đáng với ơn làm con Chúa.  Sách Giáo Lý của Công Đồng Tridentino viết: “Các Cha Sở phải tổ chức nghi lễ thề hứa lại, nhắc nhở giáo dân để tất cả được nhận định rõ ràng rằng…chính chúng tôi đã được dâng hiến, để được mãi mãi lệ thuộc như một người nô lệ đối với Chúa Cứu Thế cũng là chúng tôi.” 

                  Với việc tận hiến cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria, ta có dịp lập lại và canh tân lời thề hứa khi chịu phép Rửa Tội một cách hoàn hảo nhất. 

                  Điều này được ghi nhận trong Kinh Tận Hiến cho Mẹ do thánh Montfort soạn như sau: “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, hôm nay con T., một tội nhân bất trung, xin lập lại và xác quyết trong tay Mẹ lời thề khi con chịu phép Rửa Tội. Con xin vĩnh viễn từ bỏ ma quỷ với những mưu mô và việc làm của nó. Và con xin dâng hiến toàn thân con cho Chúa Giêsu-Kitô, Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, để vác thánh giá mình theo Chúa mọi ngày suốt đời con và để trung thành với Chúa hơn. Trước sự hiện diện của triều đình Thiên Quốc, hôm nay con xin nhận Mẹ làm Mẹ con và Bà Chủ con. Như nô lệ của Mẹ, con xin giao phó và tận hiến cho Mẹ thân xác và linh hồn con, mọi của cải vật chất cũng như tinh thần của con, ngay cả giá trị của mọi việc lành con đã đang hay sẽ thực hiện, để Mẹ toàn quyền xử dụng con và mọi sự thuộc về con không trừ điều gì, tùy theo lòng yêu thích tốt lành của Mẹ, để Chúa được vinh quang hơn trong thời gian và đời đời. Amen.”

 

V. NHỮNG LÝ DO KHÍCH LỆ TA SỐNG TẬN HIẾN

 1. Tận hiến giúp ta đáp mến Chúa cách hoàn hảo: 

Chúa đã tận hiến cho ta trước, khi Ngài chết vì ta và tiếp tục ban trót Mình Ngài cho ta trong Thánh Thể.  Thánh Bênađô nói: “Chúa đã chiếm trọn con người tôi khi Chúa hiến thân Chúa cho tôi.”  Dâng hiến cho Chúa toàn thân ta và mọi sự ta có thể dâng là việc hợp tình hợp lý, và noi gương quảng đại của Chúa.  Khi sống tận hiến nhờ Mẹ, ta diệt trừ được cái ý muốn tìm của riêng, ý hướng qui về mình, hằng núp sau mọi việc lành.  Nhờ thế, mọi việc ta làm sẽ đẹp ý Chúa hơn, trở nên hoàn hảo hơn.

 2. Tận hiến là noi gương Chúa Ba Ngôi và học sự khiêm nhường.

        Chúa Cha khi xưa và hôm nay chỉ nhờ Mẹ để ban Chúa Con cho nhân loại, tác tạo thêm các nghĩa tử, và ban muôn ơn.  Chúa Con chọn lệ thuộc Mẹ hoàn toàn khi còn là bào thai trong lòng Mẹ.  Người còn vui lòng sống ẩn dật vâng lời Mẹ suốt 30 năm ở Nazareth để đem lại vinh danh Chúa Cha và lập công cứu chuộc nhân loại.  Chúa Thánh Thần cũng đã nhờ duy Mẹ Maria để tạo thành Giêsu.  Người tiếp tục nhờ Mẹ mà tạo ra các chi thể cho Nhiệm Thân của Chúa Giêsu và ban ơn thánh hóa cho các linh hồn.  Nếu Chúa chỉ muốn ban mọi ơn cho ta qua Mẹ Maria, Người cũng muốn ta phải yêu mến cảm tạ Người qua trung gian của Mẹ.  Thánh Bênađô nói: “Ân phúc phải trở về với Đấng Ban Ơn, do cùng một nẻo như hồi nó đến.”  Tận hiến cho Chúa nhờ Mẹ, chính là noi gương Chúa Ba Ngôi và học sự khiêm nhường của Chúa vậy.

3.Tận hiến đem về cho ta nhiều ân huệ của Mẹ: 

Mẹ Maria không bao giờ thua ta về lòng quảng đại.  Nếu ta hiến mình hoàn toàn cho Mẹ, chính Mẹ cũng hiến mình hoàn toàn cho ta.  Người tận hiến không còn công đức riêng để tự hào vì họ đã dâng cho Mẹ tất cả.  Nhưng họ lại có Mẹ để cậy trông.  Khi cầu nguyện với Chúa họ thêm lòng tin tưởng vì có Mẹ bảo đảm.  Noi gương cha Rupertô họ sẽ nói với Mẹ: “Ôi Maria Nữ Hoàng của con và là Mẹ Vô Nhiễm của Giêsu Thiên Chúa làm Người; con muốn thuyết phục Người, dù biết Người là Thiên Chúa Ngôi Hai, không phải với công đức của con mà là với công đức của Mẹ.”  Đức Mẹ sẽ thanh luyện các việc lành của ta cho sạch mọi tự ái, tô điểm chúng bằng chính nhân đức của Mẹ, và dâng trọn cho Chúa Giêsu mà không giữ lại tí gì làm của riêng cho Mẹ.  Nhờ tay tinh tuyết Mẹ dâng, Chúa sẽ vui lòng nhận mọi lễ vật của ta.  Vì vậy thánh Bênađô dạy các con linh hồn ngài: “Khi các con muốn dâng chi cho Chúa, nên nhờ tay xứng đáng dễ yêu của Mẹ Maria, nếu muốn Chúa chấp nhận.” 

4.Tận hiến là lối tốt nhất đê đem lại vinh quang cao cả nhất cho Chúa: 

Khi sống đời tận hiến trọn vẹn, ta dâng mọi thời giờ, sức lực, xác hồn, của cải cho Chúa nhờ Mẹ.  Tất cả hành động, lời nói, suy tư của ta đều nhằm vinh quang Chúa, đều tìm đẹp ý Chúa.  Còn gì quý hơn, đẹp hơn một cuộc đời yêu Chúa thiết tha và quên mình hoàn toàn như thế.

5.Tận hiến làm cho ta kết hợp hoàn hảo với Chúa:   

         Tận hiến cho Chúa nhờ Mẹ Maria là lối thuận tiện, vắn vắt, hoàn hảo,  bảo đảm đưa ta đến đỉnh trọn lành của các tín hữu là kết hợp hoàn hảo với Chúa.

Thuận tiện vì có Mẹ ở bên nâng đỡ, ủi an, khích lệ, hướng dẫn, ta sẽ vui tiến trên đường Thánh Giá.

  Vắn tắt vì không sợ lạc lối, lại vui chân nên tiến mau, chỉ cần ta vâng phục và lệ thuộc Mẹ hoàn toàn.  Mẹ chính là điểm hẹn giữa Chúa và ta.  Thánh Montfort nói: “Thanh thiếu niên được Maria cưu mang sẽ trở nên hạng lão thành trong sự khôn ngoan, thánh thiện, kinh nghiệm và thông minh, và trong thời gian kỷ lục họ sẽ được trưởng thành đầy đủ như Chúa Kitô.” 

   Hoàn hảo vì Mẹ Maria là thụ tạo hoàn hảo nhất, thánh thiện nhất, xứng đáng nhất, và chính Chúa Giêsu cũng đã chọn để đến với ta.  Thánh Montfort xác tín: “Cho dù người ta tìm được con đường mới mẻ để đến với Chúa Giêsu, mặc dầu đường ấy lát bằng mọi công nghiệp của các thánh, trau dồi bằng mọi nhân đức các vị anh hùng, soi sáng bởi sự huy hoàng mỹ diệu các thánh Thiên Thần, lại có mọi thần thánh ở đấy mà hướng dẫn, bảo vệ, nâng đỡ những kẻ đi đường đó, thì tôi cũng bạo dạn tuyên bố đúng sự thật rằng:  Đường tôt lành ấy không sánh được với đường tinh tuyết của Đức Mẹ, đường không tì vết, không bợn nhơ, không vướng tội tổ, không lu bóng đen.” 

Bảo đảm vì sở trường của Mẹ cũng như nguyện vọng của Mẹ là đưa ta đến với Chúa Giêsu và kết hợp cùng Chúa.  Bao vị thánh và những linh hồn đạo đức đã nhờ Mẹ mà nên thánh.  Thánh Montfort viết: “Maria đến đâu, ma quỉ trốn xa đó.  Ai mến Mẹ, năng nghĩ và nói về Mẹ, đó là dấu bảo đảm người này được dẫn dắt trong đàng ngay.  Thánh Germain còn thêm còn thở, tức còn sống; còn năng nghĩ và thiết tha kêu Maria là dấu chắc linh hồn chưa chết vì tội trọng.”  Lòng yêu mến Đức Mẹ đích thực còn giúp ta khỏi rơi vào các tà thuyết, khỏi bị lạc đạo, rối đạo.

6.Tận hiến làm tâm hồn ta rất tự do: 

                  Trung thành tận hiến giúp ta có sự tự do nội tâm của con cái Chúa (Rom 8:21).  Chúa sẽ cất khỏi lòng ta sự nghi nan sợ sệt của đầy tớ.  Người sẽ mở rộng lòng ta để tin tưởng Chúa là Cha.  Người cũng sẽ cho ta được tình thảo mến tha thiết của một người con, không còn bị ràng buộc bởi của riêng, ý riêng, và chính mình vì đã tận hiến cho Chúa và nhờ Mẹ, ta sẽ thong dong hưởng niềm vui của những người sống dưới sự chăm sóc của Mẹ.

7.Tận hiến mang nhiều lợi ích về cho anh em:

                  Qua việc dâng cho Mẹ mọi giá trị lập công và đền tội của mọi việc lành ta đang, hay sẽ làm, ta sẽ cho anh em ta tất cả những gì quý nhất đời ta.  Với lòng từ mẫu, Mẹ sẽ dùng các công phúc ta dâng để đưa kẻ tội lỗi trở về và cứu các linh hồn ra khỏi luyện hình.  Việc lành của ta sẽ thêm giá trị vì được tay tinh tuyền Mẹ đón nhận thanh luyện.  Như thế, nhờ Mẹ ta sẽ giúp anh em ta một cách hiệu quả hơn.

8.Tận hiến là phương thế tốt nhất giúp ta bền chí:

        Nhờ tận hiến cho Mẹ ta được nâng đỡ cách lạ lùng để bền đỗ trong đường thánh thiện.  Khi ta giao phó cho Mẹ mọi ơn thánh và công đức, ta không sợ bị ma quỷ, thế gian, và xác thịt cướp đi hay làm hư mất.  Mẹ là Đức Nữ Trung Tín.  Mẹ luôn trung tín với Chúa, và Mẹ sẽ giúp ta được ơn bền đỗ đến cùng.  Thánh Bênađô nói: “Khi Mẹ nâng, bạn không ngã, Mẹ bảo vệ, bạn không sợ, Mẹ dẫn lối, bạn không mệt, Mẹ trợ lực, bạn tới bến.”  Thánh Gioan Đamacênô gọi Mẹ là neo thần vững vàng giữ ta khỏi chìm trong biển đông trần gian.  Thánh Montfort quả quyết: “Các thánh mà đã được cứu rỗi cũng bởi nhờ buộc chặt mình, và cột anh em khác vào Maria, và được vững bền trong đường nhân đức.”  Cùng với thánh Gioan Đamacênô, mọi chiến sĩ tận hiến của Mẹ sẽ thưa với Mẹ những lời tin yêu này: “Ôi Mẹ Thiên Chúa, tin ở Mẹ, con sẽ được rôi, Mẹ bảo vệ, con không sợ chi, Mẹ tiếp viện, con sẽ đánh đuổi địch, vì suy tôn Mẹ là khí cụ cứu rỗi Chúa ban cho những người mà Chúa muốn cho họ rỗi linh hồn.” 

VI. LIÊN HỆ GIỮA ĐỨC MẸ VÀ NGƯỜI TẬN HIẾN

                  Theo thánh Montfort, tất cả sự thật về liên hệ tuyệt vời giữa Đức Mẹ và người tận hiến đã được Chúa Thánh Thần mạc khải trong Thánh Kinh qua câu chuyện về bà Rêbecca và Giacóp ở trong sách Sáng Thế, chương 27.

  1. Câu chuyện Rêbecca và Giacóp:

         Vì háu ăn, Êsau đã bán quyền trưởng nam cho người em song sinh là Giacóp.  Sau đó nhiều năm, cha của hai người là Isaac cảm thấy mình đã già nên muốn chúc lành cho các con trước khi nhắm mắt.  Isaac liền gọi Êsau là người con ông quý đến và bảo: “Hãy đi săn về dọn cho cha một bữa ăn để dịp này cha chúc phúc cho.”

                  Bà Rêbecca là mẹ biết việc này liền báo tin cho Giacóp hay.  Bà dạy Giacóp bắt hai con dê tơ trong chuồng, rồi bà mau mắn dọn cho chồng các món bà biết ông ưa.  Bà còn lấy áo Êsau, ướp thuốc thơm và mặc cho Giacóp.  Để Isaac khỏi nghi ngờ, bà lấy da dê quấn ở cổ và cánh tay Giacóp.  Khi Giacóp đem thức ăn vào cho cha, nghe giọng nói Isaac nghi là Giacóp nên liền kêu lại gần để sờ tay vì mắt ông đã mờ.  Ông nói: “Giọng nói thì của Giacóp, mà tay là tay Êsau.”  Ăn xong, ông cúi xuống hôn con thì lại ngửi thấy áo con nực mùi hương thơm.  Ông không ngần ngại chúc cho Giacóp những phúc lộc tốt nhất:  Cho sương trời đổ xuống trên đồng phì nhiêu, được làm chủ tài sản ông để lại, và “Ai chúc dữ cho con, người đó sẽ bị chúc dữ.  Ai chúc lành cho con, người đó sẽ được dồi dào phúc lành.”

Isaac vừa chúc lành cho Giacóp xong thì Êsau bước vào bưng món thịt rừng đã săn được, mời cha ăn và chúc phúc.  Lúc ấy, Isaac mới ngỡ ngàng hiểu ra việc gì đã xảy ra.  Nhưng nhận ra bàn tay phép tắc của Chúa đã can thiệp vào sự việc, ông không rút lời mà còn xác nhận việc chúc phúc vừa qua.  Trước sự khóc than tru trếu của Êsau, ông xót thương nên chúc cho những phúc lộc phụ để an ủi anh.  Từ đó, Êsau căm thù Giacóp và muốn giết em sau khi cha chết.  Nhờ thi hành lời khuyên của mẹ, Giacóp đã thoát nạn và sau đó trở thành một tổ phụ được đầy phúc lộc trong lịch sử dân Do Thái.

  1. Giải thích câu chuyện:

                  Khi cắt nghĩa câu chuyện trên cùng quan điểm với các thánh Giáo phụ và nhiều học giả Thánh Kinh, thánh Montfort cho rằng Giacóp tiêu biểu cho Chúa Giêsu và những người lành, còn Êsau tượng trưng cho kẻ dữ.

      a. Êsau tượng trưng cho kẻ dữ:

  1. Êsau có thân hình lực sĩ và có tài bắn cung và săn được   thú rừng.  Cũng vậy kẻ dữ là kẻ tin nơi sức lực, tài khôn khéo, rành việc đời nhưng mù mờ lẽ đạo.
  2. Êsau sống phiêu lưu, ít về nhà, không bao giờ giúp việc nhà.  Tương tự, kẻ dữ không ở nhà linh hồn, ghét các việc thiêng liêng, chê bỏ việc tĩnh tâm, thiếu tinh thần cầu nguyện trầm lặng.
  3. Êsau không quan tâm đến mẹ là Rêbecca và không để ý làm vui lòng mẹ già.  Kẻ dữ cũng giống như Êsau khi họ không tha thiết yêu mến Đức Mẹ, và cảm thấy khó chịu khi gặp những người nhiệt thành tôn sùng Mẹ.
  4. Êsau tham ăn nên đã bán quyền trưởng nam để đổi lấy đĩa đậu tán.  Cũng thế, kẻ dữ cũng chẳng thiết tha gì với địa vị làm con Chúa và gia nghiệp Thiên Đàng.  Họ sẵn sàng mất phúc Thiên Đàng để đổi lấy tiền bạc, của cải, thú vui, chức quyền, và danh vọng trần thế khi chạy theo các dục vọng tội lỗi.
  5. Êsau ganh ghét và làm khổ Giacóp.  Đây cũng là lối sống của kẻ dữ. Họ luôn luôn sống trong ghen tương đố kỵ.  Họ sẵn sàng làm hại kẻ khác để mưu lợi cho họ hay để thỏa mãn lòng tự ái ghen ghét của mình. 

       b. Giacóp tượng trưng cho người lành:

  1. Giacóp sinh sau, thân hình mảnh dẻ, hiền hòa, thích ở nhà với mẹ.  Cũng vậy, người lành không ỷ lại ở sức mình, và ưa thích đời sống nội tâm.  Họ noi gương Đức Mẹ, sống đời nguyện cầu, và chỉ ra ngoài hoạt động vì đòi hỏi của đức bác ái và theo lời Mẹ.
  2. Giacóp yêu quý Mẹ, không làm chi phiền mẹ.  Đây cũng là tâm tình của người lành đối với Đức Mẹ.  Như Giacóp mang về cho mẹ hai con dê tơ, người lành dâng lên Đức Mẹ trót cả hồn xác của mình.  Mẹ sẽ nhận họ làm con của Mẹ.  Như Rêbecca giết hai con dê tơ để làm thịt, Đức Mẹ sẽ giết chết tội lỗi và ý riêng.  Mẹ sẽ lột da là lòng tự ái.   Mẹ còn biết cách dùng ta để làm vui lòng Chúa Cha và đem lại vinh quang cho Chúa.  Nhờ Mẹ săn sóc và bầu cử, xác hồn ta được vẹn sạch, chết thực, lột sạch, nấu sẵn, và nên món ăn ngon quý vừa miệng Chúa Cha để người chúc phúc cho ta.
  3. Giacóp mau mắn vâng lời mẹ là Rêbecca trong mọi việc, không đắn đo, không lý luận, không than van.  Cũng thế, người lành theo chân Chúa Giêsu vâng lời Đức Mẹ suốt đời trong mọi việc nhất là khi ẩn dật ở Nazareth.  Họ còn noi gương những người giúp việc ở tiệc cưới Cana, để luôn ghi nhớ và thực hiện lời Đức Mẹ truyền dạy: “Ngài có bảo gì, hãy làm theo” (Jn 2:5)
  4. Giacóp rất tin mẹ khả ái của mình, không dựa vào sự hiểu biết riêng và tín nhiệm hoàn toàn vào sự bảo trợ của mẹ.  Người lành cũng có sự tin cậy hoàn toàn vào Đức Mẹ như thế.  Họ đặt trọn tin yêu cậy trông vào lòng từ bi và quyền năng của Đức Mẹ.  Họ đến xin Mẹ cứu giúp, an ủi, hướng dẫn, chở che trong mọi cảnh huống của cuộc đời. 
  5. Giacóp hết sức bắt chước mẹ vì thấy mẹ khả ái.  Nhờ đó, Giacóp được cha chúc phúc. Cũng một thể ấy, người lành say mê ngưỡng mộ sự trọn lành tuyệt mỹ của Đức Mẹ, nên hằng gắng công noi gương nhân đức của Mẹ.  Nhờ vậy, họ được Chúa yêu mến, chúc lành, được hạnh phúc đời này và gia nghiệp Thiên Đàng đời sau.
  1. Đức Mẹ và nô lệ tình yêu của Mẹ:

                  Là người Mẹ tốt lành nhất trong mọi người mẹ, Đức Mẹ sẽ lấy tình mẫu tử tuyệt hảo để đối xử với ta, những chiến sĩ tận hiến, những nô lệ tình yêu của Mẹ. 

  1.   Mẹ yêu mến ta:

        Mẹ yêu ta vì Mẹ là Mẹ thực của ta.  Mẹ còn yêu ta để đáp lại tình yêu ta dành cho Mẹ, “Ta yêu những ai yêu mến ta” (Prov 8:17).  Mẹ yêu ta vì ta được Chúa chọn, Chúa yêu.  Mẹ cũng yêu ta vì ta đã hiến mình cho Mẹ làm của riêng Mẹ.

        Mẹ yêu mến ta thiết tha hơn tình yêu của tất cả các bà mẹ gom lại.  Tình yêu Mẹ Maria dành cho ta vừa âu yếm, vừa tích cực, thiết thực, và hữu hiệu.  Mẹ luôn tìm cơ hội để ban ơn cho ta.  Mẹ tìm cách giúp ta tránh mọi sự dữ và được mọi sự lành.  Mẹ còn cho ta những ý kiến khôn ngoan, hướng dẫn chỉ bảo ta tận tình.  Khi ta dâng hiến toàn thân ta cho Mẹ, Mẹ Maria sẽ thanh tẩy tô điểm, biến ta nên món ăn thơm ngon dâng hiến cho Chúa để Người vui nhận. 

        Đức Mẹ còn lột bỏ con người cũ của ta, rồi mặc cho ta áo mới sạch, quý giá, ướp thuốc thơm của con cả là Chúa Giêsu.  Mẹ bọc cổ và cánh tay ta với lớp da của con vật đã được hiến tế là chính công đức ta đã dâng lên Mẹ.  Mẹ giữ và thêm công đức để trang sức cho ta, giúp ta thêm mạnh mẽ mang ách dịu dàng của Chúa.  Mẹ còn thêm vào chiếc áo của con cả với nhiều chiếc áo của riêng Mẹ, khiến ta được mặc hai áo, thật ấm áp và không sợ cái lạnh của Chúa Giêsu là Đấng như tuyết trắng.

         Cuối cùng nhờ sự sắp xếp của Mẹ, ta được hưởng mọi phúc lành của Chúa Cha dù ta là con sinh sau, là dưỡng tử, lẽ ra không được phúc trọng này.

        b. Mẹ săn sóc và dưỡng nuôi ta. 

                  Mẹ sẽ lo lắng cung cấp mọi nhu cầu xác hồn ta.  Mẹ cho ta mặc hai áo của Chúa và của Mẹ.  Mẹ cho ta ăn ngon từ bàn ăn của Chúa.  Vì Mẹ giữ kho ơn thánh và được toàn quyền phân phối mọi ân sủng.  Mẹ sẽ chọn thật nhiều ơn quý trọng cho tôi trung con thảo của Mẹ.

       c. Mẹ dạy bảo và dẫn dắt ta.

        Bà Rêbecca giúp ý kiến cho Giacóp để được cha chúc lành và tránh được thù oán của Êsau.  Cũng vậy, Mẹ Maria dẫn ta theo đường ngay nẻo chính để tiến về Thiên Đàng, chỉ cho ta xa lánh các cạm bẫy và các tà thuyết, nâng đỡ ta khi lỡ sa ngã, nhẹ nhàng sửa dạy ta khi sai lỗi.  Trung thành, tin yêu bước theo sự dẫn dắt của Mẹ, ta chắc chắn sẽ được phúc trọng Thiên Đàng.

       d. Mẹ bênh vực và bảo vệ ta.

        Bà Rêbecca đã khôn khéo thu xếp để Giacóp khỏi bị Êsau ám hại.  Mẹ Maria cũng luôn bênh vực và bảo vệ đoàn con Mẹ như gà Mẹ giăng đôi cánh bao bọc đàn gà con khỏi nanh vuốt của diều hâu.  Là Nữ Vương chỉ huy các đạo binh Thiên Quốc, Mẹ có dư quyền phép để bênh vực bảo vệ ta.

       e. Mẹ bầu cử cho ta.

        Bà Rêbecca đưa Giacóp đến gần giường cha già.  Người cha già mù lòa đã sờ soạng, vuốt ve, hôn con, vui vẻ thưởng thức mùi hương thơm nồng của áo con, và ăn uống ngon lành các món thịt dọn sẵn rất vừa miệng.  Cũng vậy, Đức Mẹ bầu cử cho ta trước mặt Chúa Con, kêu van Chúa Con nguôi cơn thịnh nộ, liên kết ta lại với Chúa và giữ ta mãi trong tình thương tốt hảo này.  Phúc cho đứa con nực mùi hương nhân đức của Mẹ, Chúa Giêsu là Cha của thời đại sắp đến (Isaia 9:6) sẽ vui vẻ tiếp đón nó và âu yếm chúc phúc cho nó.     

VII. KẾT QUẢ LẠ LÙNG CỦA ĐỜI TẬN HIẾN

Một khi trung thành sống đời tận hiến, ta sẽ được những kết quả lạ lùng như sau

1.Biết mình và bỏ mình:

         Với ơn Chúa Thánh Thần qua sự bầu cử của Đức Mẹ, ta sẽ nhận rõ bản chất yếu hèn tội lỗi của ta khi không có ơn Chúa.  Nhờ vậy ta sẽ noi gương Mẹ Maria sống khiêm nhường, tự hạ, tự khinh, không dám khinh chê ai, và vui lòng chịu đau khổ, sỉ nhục để đền tội.

2. Được đức tin của Mẹ

                  Ngày nay, Mẹ đã hưởng Nhan Chúa, Mẹ không còn đức tin.  Nhưng Chúa cho Mẹ chuyển thông đức tin ngày xưa của Mẹ lại cho các tôi trung con thảo của Mẹ còn ở dưới trần gian.  Đó là một đức tin lớn nhất trên đời, vượt hơn đức tin của các Tổ phụ, Tiên tri, Tông Đồ, và toàn thể các thánh.

Thánh Montfort viết: “Bạn càng đẹp lòng Nữ hoàng khả ái và là Đức nữ trung tín, bạn sẽ được đức tin trong sạch suốt đời bạn:  Một đức tin siêu nhiên khiến bạn không màng chi đến các an ủi giác quan, một đức tin sống động bởi đức mến khiến bạn làm mọi việc chỉ vì yêu mến Chúa, đức tin vững vàng không lay chuyển tựa núi đá khiến bạn an tâm vững chí giữa những cơn giông tố biến loạn, đức tin hoạt động và sắc bén như chìa khóa mở các cửa mâu nhiệm của Chúa Giêsu, cửa Thiên Đàng và cả cửa của Cung Lòng Chúa Cha cho ta được vào, đức tin dũng cảm khiến bạn đảm đương và tiến hành không nghi ngại những công cuộc lớn lao cho sáng danh Chúa, và cứu rỗi các linh hồn, đức tin là đuốc sáng, là sự sống thần linh, là kho tàng khôn ngoan linh thánh, và là cánh tay vạn năng bạn dùng để soi sáng các linh hồn còn ngồi trong bóng tối sự chết, để đốt lòng những người nguội lạnh và những ai cần vàng được luyện trong lửa mến, để hoàn sinh những linh hồn chết chôn trong tội, với đức tin này và những lời dịu dàng nhưng hùng mạnh, bạn sẽ đánh động những lòng chai đá, và đánh đổ những cây sến trên núi Libăng, và cuối cùng, với đức tin này bạn sẽ chống cự với Satan và mọi kẻ thù của phần rỗi.”

3.Được đức mến tinh tuyền.

            Đức Mẹ là Mẹ của lòng mến tinh ròng sẽ cất khỏi lòng ta mọi nghi nan, bối rối, sợ hãi của hàng tôi tớ.  Mẹ sẽ mở lòng để ta vui giữ luật Chúa với sự tự do của người con cái Chúa, luôn mến yêu Chúa như con thảo đối với cha hiền, luôn gắng sống đẹp lòng Chúa.

4.Được đức cậy vững vàng nơi Chúa và Mẹ

               Là người đã tận hiến cho Mẹ, ta sẽ được lòng cậy trông nơi Chúa và Mẹ vì có Mẹ cùng đi với ta khi ta đến cùng Chúa, vì Mẹ sẽ mặc cho ta mọi công nghiệp của Mẹ, vì Mẹ sẽ ban trót mình Mẹ cho ta, và vì Mẹ là kho tàng của Chúa cũng đồng thời là kho tàng của ta bởi lẽ ta đã giao phó toàn thân ta và mọi sự của ta cho Mẹ.  Như thánh Bônaventura, ta sẽ nói với Mẹ: “Lạy Mẹ là Bà Chủ đã cứu chuộc con, con sẽ hành động một cách tin tưởng vì Mẹ là sức mạnh của con, thay con để ca tụng Chúa…Con là của Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ.  Ôi, Nữ Trinh đáng chúc phúc hơn mọi loài.  Con ghi tên Maria vào tim con vì tình yêu của Mẹ mạnh hơn tử thần.”

5.Được chia sẻ tinh thần của Mẹ:

               Mẹ sẽ làm cho tâm hồn ta hòa hợp với tâm hồn Mẹ để ca ngợi Chúa.  Tinh thần của Mẹ sẽ thay tinh thần ta để vui mừng trong Chúa là Đấng cứu chuộc ta.  Thánh Montfort viết: “Khi mà Chúa Thánh Thần thấy trong tâm hồn nào cũng có Maria, Bạn thanh sạch của Người, Chúa Thánh Thần sẽ hiện xuống, đổ đầy ân phúc, đặc biệt là ơn khôn ngoan, để tạo được nhiều việc siêu nhiên vĩ đại.”  Thánh nhân gọi đó là thời hồng phúc, là thời đại của Đức Mẹ, thời mà nhiều người sống tận hiến cho Mẹ cách hoàn hảo.

6.Tâm hồn được cải tạo giống Chúa Kitô nhờ Mẹ Maria.

Thánh Montfort viết: “Maria là cây trường sinh được trồng trong tâm hồn trung thành sống đời tận hiến, nhất định khi đến mùa nó sẽ trổ trái.  Trái trường sinh đó là Chúa Giêsu…Maria là nơi thánh, nơi cực thánh, để huấn luyện và đúc nên những vị thánh.”  Thánh nhân đưa ra tỉ dụ tạc và đúc tượng.  Chọn sống tận hiến cho Mẹ là chọn lối đúc tượng, nghĩa là nhờ khuôn Đức Mẹ để được nên giống Chúa Kitô.  Lối này mau lẹ, dễ dàng, bảo đảm và hoàn hảo hơn là theo ý riêng, dựa vào tài sức mình mà tạc tượng – một lối vừa lâu la, khó khăn, nguy hiểm và khó hoàn hảo.  Nhưng muốn được Mẹ đúc ta nên giống Chúa Kitô, con người ta phải được nung nấu cho chảy thành chất lỏng ăn khuôn.  Nghĩa là ta phải chết cho người cũ để trở nên người mới là Chúa Kitô.

7.Được đem về vinh quang cao cả hơn cho Chúa Giêsu.

Nhờ tận hiến cho Mẹ, ta sẽ mang về cho Chúa Giêsu nhiều vinh quang hơn mọi lối tu đức khác.  Vì trong mọi việc ta làm đều làm nhờ Mẹ, với ý định mầu nhiệm trọn hảo của Mẹ, nên việc ta làm có giá trị như thể chính Mẹ làm.  Mỗi việc ta làm với tinh thần tận hiến còn đẹp lòng Chúa hơn, vì ta không dựa vào chính mình mà chỉ cậy ở Mẹ và thể hiện đức khiêm nhường Chúa hằng yêu chuộng.  Hơn nữa, nhờ tay Mẹ thanh luyện tô bồi, các việc ta làm càng thêm tinh tuyền đẹp tốt.  Sau hết mỗi khi ta vừa nghĩ đến Mẹ, Mẹ liền nghĩ đến Chúa; khi ta vừa ca ngợi Mẹ, Mẹ liền ca ngợi Chúa ngay, như khi bà Isave vừa ngợi khen Mẹ là Mẹ cất tiếng chúc tụng Chúa ngay.  Ta càng yêu mến và suy tôn Mẹ, Chúa càng được yêu mến và tôn vinh.

VIII. CÁCH THỨC THỰC HIỆN VIỆC TẬN HIẾN.

A. NHỮNG VIỆC BÊN NGOÀI.

Tận hiến cốt yếu là tâm tình bên trong, nhưng vẫn có những việc bên ngoài phải làm.  Chúa Giêsu từng dạy rằng “Chính các điều này phải thi hành, mà đừng bỏ các điều kia” (Mt.23,23).  Vì các việc đạo đức bên ngoài làm hẳn hoi sẽ nâng đỡ bề trong rất nhiều.  Ta phải nhớ rằng con người có hồn mà cũng có xác, có tinh thần mà cũng có giác quan, cảm xúc.  Hơn nữa, việc bên ngoài vừa biểu lộ tâm ý bên trong của ta, vừa khích lệ và nêu gương cho kẻ khác.

            Thánh Montfort đề nghị những việc đạo đức sau để thực hiện việc tận hiến cho Đức Mẹ:

1.Lễ dâng mình sau khi đã được chuẩn bị.

                  Việc tận hiến là một tác động của ý chí có thể trong giây lát là hoàn thành.  Tuy nhiên, để thêm sốt sắng và ghi sâu vào tâm hồn, ta nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tận hiến.  Thánh Montfort đề nghị nên có 12 ngày chuẩn bị để lột bỏ tinh thần thế tục và 3 tuần tiếp theo để thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô.

a.Tuần thứ nhất: 

Thánh Montfort khuyên ta xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa Thánh Thần cho ta ơn biết mình và sám hối tội lỗi.  Ngài nhắc ta nhớ lại lời thánh Bênađô tự nói với mình: “Biết mi trước kia là gì không?  Là một chút bùn!  Hiện giờ mi là chi có biết không?  Là hũ phân!  Ngày mai ra thế nào biết chưa?  Làm mồi cho giòi!”  Năng nguyện tắt như người mù: “Xin cho con thấy” (Lc 18, 41) hay như thánh Augustinô “Xin cho con biết mình, biết Chúa.”  Thánh Montfort muốn nhấn mạnh đến sự ta cần nhận biết mình chỉ là hư vô, xấu xa, tội lỗi để khiêm hạ thống hối.  Nhưng ta cũng cần nhận biết ơn gọi cao cả của mình để biết ơn Chúa và phấn khởi vươn lên:  Ta được dựng nên giống hình ảnh Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Kitô, và được mời gọi để tham dự sự sống viên mãn đời đời của Chúa Ba Ngôi.

b.Tuần thứ hai:

                  Xin Chúa Thánh Thần ơn hiểu biết, yêu mến, và noi gương Đức Mẹ.  Nhận ra Mẹ là phương thế tuyệt hảo giúp ta đến với Chúa.

c.Tuần thứ ba:

                  Nhờ Mẹ Maria để xin ơn hiểu biết, yêu mến và hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần để đến với Chúa Cha. 

            Sau ba tuần này, ta sẽ xưng tội, dự lễ, rước lễ như nô lệ tình thương của Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria.  Sau khi rước lễ sẽ đọc kinh Dâng Hiến.  Trong ngày tận hiến, nên có một lễ vật tùy khả năng mỗi người để đền bù vì những sự bất trung với lời thề ngày Rửa Tội, cũng như để nhìn nhận quyền thống trị đầy yêu thương của Chúa Giêsu và Đức Mẹ.  Lễ vật có thể là một ngày ăn chay, một việc bác ái, một số tiền giúp kẻ khó.

                  Mỗi năm vào ngày này, ta sẽ lập lại việc dâng mình với ba tuần chuẩn bị như thế.  Mỗi ngày nên lập lại lời tận hiến vắn tắt này: “Ôi Giêsu khả ái! Nhờ Mẹ Maria, Mẹ Chúa, toàn thân con là của Chúa, mọi sự của con là của Chúa.” 

2.Đọc kinh vòng hoa Đức Mẹ (hay Kinh Triều Thiên)

                  Theo sách Khải Huyền, thánh Gioan thấy một Phụ Nữ, đầu đội 12 vì sao, mặc áo mặt trời, đứng trên mặt trăng (Rev 12:1).  Thánh Augustinô và Bênađô nhận đó là Đức Mẹ.  Vì thế, từ lâu trong Hội Thánh có nhiều người dựa theo thị kiến trên đọc kinh vòng hoa gồm 3 kinh Lạy Cha, 12 kinh Kính Mừng, và 3 kinh Sáng Danh để kính 12 nhân đức của Mẹ:  Tin, Cậy, Mến, Khôn Ngoan, Công Bình, Mạnh Mẽ, Tiết Độ, Vâng Lời, Trong Sạch, Khó Nghèo, Hiền Lành và Khiêm Nhường.  Thánh Montfort dạy ta bắt đầu bằng lời cầu nguyện: “Lạy Trinh Nữ Chí Thánh, xin nhận lời con ca tụng và xin ban cho đủ sức để chiến thắng kẻ thù của Mẹ”.  Rồi đọc 1 kinh Lạy Cha, 4 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh.  Đọc 3 lần như vậy là đủ.  Kết thúc đọc kinh “Trông cậy…”  Ngoài ra, Kinh Triều Thiên này cũng có ý ca tụng những đặc ân, quyền năng và tình thương Chúa Ba Ngôi ban tặng Mẹ.

3.Mang xiềng xích hoặc vòng sắt.

              Tuy đây không phải là việc chính, nhưng thánh Montfort khuyến khích ta thực hiện vì các lý do sau:

–  Nhắc ta nhớ lời thề Rửa Tội.

–  Cho thấy ta không xấu hổ khi chịu làm nô lệ Chúa Kitô.

–   Nói rằng tôi mang xiềng xích tình thương và sự cứu rỗi để khỏi mang xiềng xích của tội lỗi và Satan.

              Ngày nay, nhiều người có thể chọn đeo nhẫn như dấu chỉ mình đã thuộc về Đức Mẹ.

4.Đặc biệt tôn sùng Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Thánh Montfort gọi mầu nhiệm Nhập Thể (được kính trọng thể vào lễ Truyền Tin 25/3 mỗi năm) là mầu nhiệm đặc biệt của việc tận hiến.  Đọc kinh Truyền Tin sáng, trưa, chiều sẽ giúp ta năng tưởng nhớ mầu nhiệm cực trọng này, Người tận hiến đặc biệt tôn sùng mầu nhiệm Nhập Thể với hai mục đích:

  1. Để tôn kính và noi gương Chúa Con đã làm người tù, làm nô lệ trong cung lòng Mẹ Đồng Trinh và sau đó lệ thuộc Đức Mẹ trong mọi sự để tôn vinh Chúa Cha và cứu chuộc ta.
  2. Để tạ ơn Chúa Cha vì muôn ơn vô giá đã ban cho Mẹ, nhất là ơn được làm Mẹ Thiên Chúa qua mầu nhiệm Truyền Tin.

5.Năng đọc kinh Kính Mừng và lần chuỗi thực sốt sắng.

Đây là việc được thánh Montfort cũng như những ai yêu mến Đức Mẹ nhắc nhở rất nhiều.  Ngài ghi lại lời Đức Mẹ nói với chân phước Alain de la Roche: “Con phải hiểu và cũng phải nói cho kẻ khác biết rằng, kinh Kính Mừng là kinh đã cứu rỗi nhân loại, vậy ai coi thường, hoặc đọc kinh này cách lôi thôi, đó là dấu gần như chắc, người đó sẽ mất linh hồn đời đời.”  Ngài nói thêm: “Muốn biết người nào có thuộc về Chúa hay không, hãy xem coi họ có thích đọc kinh Kính Mừng và lần hạt không!”

Chúng ta không thể không thêm lòng yêu mến việc đọc kinh Kính Mừng và lần hạt Mân Côi khi đọc những dòng thật thiết tha sau của thánh Montfort:

            “Các bạn nô lệ của Chúa Giêsu và Maria, người đã được Chúa chọn, bạn hãy hiểu cho rằng, kinh Kính Mừng là kinh tốt nhất sau kinh Lạy Cha.  Đây là lời ca tụng hoàn hảo nhất mà bạn có thể dâng lên Mẹ.  Vì đây là Lời Chúc Tụng chính Thiên Chúa đã sai một đại sứ thần mang đến để làm vui lòng Mẹ.  Lời ca tụng này có mãnh lực sâu xa, thầm kín trong tâm hồn đến độ Maria vui lòng chấp nhận mang thai Ngôi Hai Nhập Thể, dù con người của Maria rất khiêm tốn.  Và đây cũng là lời chúc tụng mà chắc chắn bạn sẽ được lòng Mẹ, nếu bạn đọc thực hẳn hoi.

Đọc kinh Kính Mừng cho chăm chỉ, sốt sắng và khiêm nhường, các thánh đồng công nhận-ta sẽ đuổi được Satan địch thù, và như dùng búa đập tan chúng, thánh hóa ta, làm cho thần thánh hoan hỉ, là khúc ca mê ly của người Chúa chọn, là ca vịnh của Tân Ước làm vui lòng Mẹ và làm sáng danh Chúa Ba Ngôi.  Kinh Kính Mừng là sương trời làm cho tâm hồn được sung mãn, là nụ hôn yêu thương trắng trong mà ta tặng Mẹ, là đóa hồng thắm tươi ta trao Mẹ, là viên ngọc quí, là bình thuốc thơm quí giá, là của mỹ vị thần thiêng ta dâng lên Mẹ.  Đó là câu các thánh thường ví.

Vì lòng tôi thương bạn trong Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tôi van xin bạn, không những đọc kinh vòng hoa mà còn nên lần hạt 50 mỗi ngày, tốt hơn nữa là lần chuỗi 150, rồi tới giờ cuối cùng bạn sẽ nhớ lại ngày này giờ này bạn vừa gặp tôi, nghe tôi, đúng là ngày hồng phúc cho bạn.  Nếu gieo gió, gặt bão, thì gieo phúc lành của Chúa Giêsu và Maria, bạn sẽ gặt hái phúc lành đời đời (2 Cor 9: 6).”

6.Năng đọc kinh Magnificat.

Người tận hiến sẽ năng đọc kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” để cảm tạ những ơn Chúa ban cho Mẹ, thánh Montfort cho rằng kinh Magnificat là “kinh duy nhất do Mẹ đặt ra, đúng là Giêsu trong dạ Mẹ đã dùng miệng của Mẹ để ca lên thánh vịnh này.  Trong phạm vi ơn thánh, đây là lời ca tụng dâng hiến làm đẹp lòng Chúa nhất.  Vì đây là một lời chúc tụng vừa rất khiêm nhường, rất biết ơn, mà cũng vừa sâu xa và cao cả hơn mọi lời chúc tụng, trong đó gồm nhiều mầu nhiệm bí ẩn và cao cả mà các Thiên Thần cũng không hiểu ra.”  

7.Khinh chê thế tục

Nô lệ trung thành của Mẹ phải chê ghét và xa lánh các thói hư nết xấu, những sự phù hoa thế tục, và tất cả những gì ngược lại tinh thần của Chúa, của Mẹ.

8.Biểu dương lòng sùng kính Mẹ

Thánh Montfort còn kể ra các việc biểu dương lòng sùng kính Mẹ mà những con thảo Mẹ thường làm như:

-Gia nhập các hội đoàn hoặc dòng tu được lập để tôn vinh Mẹ.

-Năng ca tụng Mẹ khi truyện vãn.

-Ăn chay, hãm mình, làm việc bác ái để tôn vinh Mẹ.

-Mang chuỗi, áo, ảnh Đức Mẹ.

-Đọc các kinh kính Đức Mẹ.

-Năng hát và giúp người khác hát các bài ngợi khen Đức Mẹ.

-Trang hoàng các bàn thờ ảnh Mẹ.

-Mang ảnh hay cờ Mẹ lúc rước kiệu.

-Đặt ảnh hay tượng Mẹ trong gia đình, nhà thờ, trước nhà, trước cổng nhà, cổng làng.

B. NHỮNG VIỆC BỀ TRONG.

  1. Cách thức chung:

-Tôn sùng Mẹ trên các thánh, xứng với tước vị Mẹ Thiên Chúa, một kiệt tác do ơn thánh tạo ra liền sau Chúa Giêsu-Thiên Chúa làm người. 

– Năng suy niệm về các nhân đức đặc ân và hoạt động của Mẹ.

– Nói lên lòng yêu mến ngợi khen và cám ơn Mẹ.

– Thiết tha khẩn cầu Mẹ.

– Hiến mình liên kết với Mẹ và làm mọi việc cho đẹp lòng Mẹ.

  1. Làm mọi việc nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ, và vì Mẹ.

      a. Nhờ Mẹ:

            Người tận hiến sẽ vâng lời Mẹ và hiệp nhất cùng Mẹ trong mọi việc.  Họ làm tất cả với tinh thần của Mẹ và nhờ Mẹ bầu cử trợ giúp.  Tinh thần của Mẹ cũng là tinh thần của Chúa.  Mẹ chưa bao giờ theo ý riêng, chỉ hoàn toàn theo ý Chúa.  Chúa đã hoàn toàn làm chủ Mẹ Maria, chủ cả tư tưởng của Mẹ; nên tinh thần Mẹ đã là tinh thần của Chúa, là chính Thần Linh của Chúa Cha.  “Ai làm theo Thần Linh của Chúa, họ là con Chúa (Rom 8: 14).  Ai giữ tinh thần của Mẹ mới là con của Mẹ.  Và con của Mẹ cũng chính là con Chúa.”

      b. Với Mẹ:

                  Trong mọi việc, ta phải xem Mẹ Maria như mẫu gương hoàn hảo của mọi nhân đức và mọi sự trọn lành.  Chúa Ba Ngôi đã kiến tạo Maria như khuôn mẫu thập toàn để sức phàm ta có thể bắt chước.  Trước mỗi việc, ta xem Mẹ làm thế nào, ta sẽ làm y như vậy.  Muốn thế ta phải năng suy đến các nhân đức của Mẹ và xin Mẹ ban cho ta các nhân đức ấy.

      c. Trong Mẹ:

Khi làm gì ta cũng suy tưởng như mình đang sống trong lòng Đức Mẹ là Đền Thờ Chúa Ba Ngôi, là Vườn Địa Đàng mới, là Ngai Thiên Chúa, là Thành Thánh, và Thế Giới của Thiên Chúa.  Vì thế ta sẽ thoát mọi bối rối, lo âu sợ hãi, vì biết mình được Mẹ yêu thương bao bọc, che chở, hướng dẫn.  Ta chỉ việc an toàn hoạt động với lòng cậy tin phó thác vô biên nơi quyền năng và lòng từ bi của Mẹ.  Ta lại ngày đêm gắng ăn ở sao cho xứng với ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đã soi sáng cho ta được biết Mẹ, yêu Mẹ.  Nhờ vậy ta sẽ luôn lớn lên trong ơn thánh và mỗi ngày nên giống Chúa Kitô hơn. 

      d. Vì Mẹ:

            Đã tận hiến cho Mẹ, ta sẽ làm mọi việc vì Mẹ như tôi trung đối với Chủ tốt, như con thảo đối với Mẹ hiền.  Mọi suy tư, cảm xúc, lời nói, việc làm của ta sẽ quy hướng về một mục đích duy nhất là để yêu mến Mẹ, để làm vừa lòng Mẹ.  Nhờ thế, ta sẽ được yêu mến Chúa và đẹp lòng Chúa hơn.  Vì Đức Mẹ là trung gian mầu nhiệm giúp ta kết hợp với Chúa Giêsu là cùng đích đời ta một cách hoàn hảo nhất. 

C. NHỮNG LỜI NGUYỆN TẮT.

Những lời nguyện tắt sau đây giúp người tận hiến sống gắn bó với Đức Mẹ và tiến tới hơn trên đường yêu mến Chúa. 

-Dâng ngày và dâng đêm cho Mẹ bằng lời nguyện tắt sau: “Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương và là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ.  Mọi sự của con là của Mẹ. Cùng với Mẹ con cảm tạ Chúa đã ban cho con qua một đêm (ngày) bằng an. Xin Chúa gìn giữ con trong ngày (đêm) hôm nay và suốt cả cuộc đời”

-Lập lại lời tận hiến cho Mẹ mỗi ngày hay những lúc nhớ đến Mẹ: “Lạy Mẹ là Nữ Vương và là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ.  Mọi sự của con là của Mẹ.”

-Năng giục lòng mến Chúa và Đức Mẹ và cầu nguyện cho tha nhân bằng lời nguyện sau: “Giêsu, Maria, Giuse! Con mến yêu, xin cứu các linh hồn” hay “Mẹ ơi! Con yêu Mẹ.”

-Trước khi làm việc gì, đọc lời nguyện sau: “Cùng với Mẹ, con làm việc này để mến Chúa.”  Cụ thể như: “Cùng với Mẹ, con viết lá thư này để mến Chúa,” hay “Cùng với Mẹ con nấu cơm (quét nhà, rửa chén, ăn cơm…) để mến Chúa.”  Với lời nguyện ấy, việc làm của người tận hiến dù tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng trở thành một hành vi, một tác động yêu mến Chúa, một lễ vật dâng hiến Mẹ.”  Cũng nhờ thói quen đọc lời nguyện ấy, người ta sẽ thanh luyện các tà ý trong mọi việc làm và xa lánh những việc xấu xa.  Vì ta không thể nhân danh Mẹ, nhân danh lòng mến Chúa để làm những việc xấu xa, tội lỗi như:  nói hành, nói xấu, trộm cắp, lường gạt, tà dâm…

– Mỗi khi gặp gỡ ai hay nhớ đến ai, ta hãy dâng người ấy cho Đức Mẹ, bất kể họ là ai: “Con xin dâng cho Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ.”  Ví dụ: “Con xin dâng ba mẹ con (anh chị em con, con cái con, người yêu con, cha xứ con, độc giả con, kẻ thù con, ông chủ con) cho Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ.”  Đây là một hành vi tuyệt vời của đức yêu người.  Bất cứ ai cũng cần được Mẹ yêu thương, sửa dạy, hướng dẫn, cứu giúp, ủi an, nâng đỡ.  Khi ta dâng một người cho Mẹ, Mẹ sẽ tùy tình trạng và nhu cầu của người ấy mà giúp đỡ họ.  Với người đang sống thánh thiện, Mẹ sẽ gìn giữ họ trong Ơn Thánh Chúa và giúp họ hăng hái tiến bộ hơn.  Với người đang gặp đau khổ, thử thách, Mẹ sẽ giúp họ thoát gian nguy hay đủ sức chịu đựng để nên giống Chúa Kitô tử nạn.  Với người tội lỗi, Mẹ sẽ soi sáng cho họ biết ăn năn thống hối.  Kèm với lời nguyện trên, ta nên đọc thêm một kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho người ta gặp gỡ hay nhớ đến.

– Dâng mọi ước mơ, lo lắng, dự định, công việc… cho Đức- Mẹ: “Con xin dâng X cho Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ.”  Ví dụ: “Con xin dâng việc (tình duyên, học hành, thi cử, làm ăn…) của con cho Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ.”  “Con xin dâng ước mơ trở thành nữ tu (linh mục, bác sĩ, kỹ sư, văn sĩ…) của con cho Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ.”  Khi ta   dâng mọi việc của ta cho Mẹ, Mẹ sẽ xem mọi việc của ta như việc của Mẹ.  Như thế, Mẹ sẽ sắp xếp công việc của ta theo cách thế tốt nhất, đẹp nhất, không phải theo ý nghĩ hẹp hòi của ta, nhưng theo Thánh Ý Chúa.  Đó là điều tốt nhất cho ta.

D. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN.

Đời tận hiến được thể hiện qua công thức: “Cùng với Mẹ, con làm để mến Chúa.”  Vì thế khi kiểm điểm đời sống tận hiến, ta cũng theo công thức ba điểm ấy.

1.Tôi sống động:

  1. Con đã thành tập quán tận hiến vắn tắt trước mỗi việc chưa?
  2. Con có giữ gìn sức khỏe đúng mức hay phí phạm sức khỏe cách vô ích?  Có nâng niu trang điểm thân xác quá mức không?  Có ăn mặc nết na hay lố lăng khêu gợi?
  3. Mắt con có cố tình xem những hình ảnh, sách báo, phim ảnh hiểm nghèo hay sinh tội nghịch đức trong sạch hay chống lại đức tin không?  Có năng đọc sách báo đạo đức không?
  4. Tai con có năng nghe giảng giải về lời Chúa không?  Hay tai con lại nghe thơ ca hay trò truyện tục tĩu, dâm ô hay những lời lỗi đức bác ái?
  5. Miệng con có phàn nàn kêu trách Chúa, chống báng Hội Thánh, hay nói những lời lỗi đức bác ái, trong sạch và khôn ngoan không?  Có sẵng sàng lên tiếng bênh vực đức tin và phong hóa khi cần không?
  6. Tưởng tượng và ký ức con có bày vẽ hay phục hồi những hình ảnh xấu xa khêu gợi không?
  7. Trí khôn con có năng suy đến các chân lý đức tin không?    Hay lại suy đến việc trả thù làm hại kẻ khác hay ý tưởng hiếu danh vô ích?
  8. Lòng con có thuận theo tình yêu bất chính dâm ô không?  Có chủ tâm nuôi ác cảm tự nhiên với người khác không?  Có thuận theo dư luận để thực hành các việc tội lỗi như: phá thai, tuyệt sản, ngừa hay thụ thai nhân tạo, đồng tình luyến ái không? 
  9. Ý chí con có biết bỏ mình để theo ý Chúa trong mọi sự không?  Có bất mãn với Chúa và Hội Thánh không? 
  10. Con có quá ham mê của cải không?  Có kiếm tiền cách bất chính không?  Có keo kiệt bủn xỉn không?  Có tiêu xài hoang phí không?  Có quảng đại khi làm việc bác ái không? 
  11. Con có dùng thời giờ để chu toàn bổn phận không?  Có dành thời giờ để cầu nguyện và hoạt động tông đồ không?  Có dùng thời giờ vào những việc vô ích có hại như bài bạc và rượu chè không?
  12. Con có vui lòng để Mẹ tùy nghi xử dụng công hiệu của các việc lành của con không?

2.Cùng với Mẹ:

  1. Con có làm việc gì một mình mà không cùng với Mẹ không? 
  2. Con có bắt chước con trẻ, việc gì cũng hỏi Mẹ làm thế nào  không?
  3. Con có cùng Mẹ chiến đấu với mọi cám dỗ và những phát động của nết xấu đứng đầu   không?
  4. Khi lo lắng về tương lai, con có giao phó cho Mẹ ngay, rồi cứ làm việc đang làm không? 
  5. Mỗi khi có việc gì hệ trọng, con có tính toán với Mẹ và xin Mẹ giúp cho xong xuôi không?  Gặp việc khó khăn, có xin Mẹ làm thay không?
  6. Khi toan tiếp xúc với ai, con có dâng họ cho Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ không? Có xin Mẹ xử trí với họ thay con không?
  7. Những khi gặp khô khan trong các việc đạo đức, con có nói:  Cùng với Mẹ, con thờ lạy, con yêu mến, con cám ơn Chúa không?
  8. Khi có chuyện lo sợ, con có tin cậy chạy đến giao phó cho     Mẹ ngay không?
  9. Con có năng dâng công việc, đau khổ của con cho Mẹ, để làm vinh danh Chúa và cứu các linh hồn không?
  10. Con có bắt chước tâm tình khiêm nhường của Mẹ mà nhận rằng:  Tài năng, thành đạt, nhân đức, việc lành của con hết thảy đểu bởi Chúa ban không?  Có năng suy đến sự hư vô, khốn nạn, khuyết điểm, tội lỗi của con không?
  11. Con có noi gương bác ái của Mẹ mà yêu thương mọi người vì Chúa không?  Có tha thứ các lỗi làm phạm đến con không?  Có nhịn khuyết điểm của người khác không?  Có xét đoán khắt khe, ngờ vực vô cớ, chê bai dễ dàng không?  Có ân cần lịch thiệp với người khác không?  Có ngợi khen khích lệ những sáng kiến và việc tốt của họ không?

3.Để mến Chúa.

  1. Có việc gì con biết rõ là Chúa không muốn mà con cứ làm không?
  2. Con có năng giục lòng mến Chúa bằng các lời nguyện tắt không?
  3. Con có cùng Mẹ cám ơn Chúa khi được khỏe mạnh may mắn không?  Có cùng Mẹ tuân phục ý Chúa khi bị yếu đau, thất bại, rủi ro, hiểu lầm không?
  4. Con có nhìn nhận Chúa nơi các Bề Trên không?
  5. Con có biết nói: “Xin Vâng” trong mọi vui buồn, sướng khổ, may rủi, thành bại, thịnh suy của cuộc đời chưa?
  6. Con có làm việc gì với chủ ý chỉ tìm danh, lợi, thú không?
  7. Con có sốt sắng nhiệt thành với việc truyền giáo để mở mang nước Chúa và cứu các linh hồn không?
  8. Con có quá chạy theo các hoạt động bên ngoài mà không năng hồi tâm nhớ Chúa không?
  9. Các việc con làm thường vì lẽ gì?  Con có quen nói:  Để mến Chúa, để theo ý Chúa, hay để vui lòng Chúa chưa?
  10. Linh hồn con đã hô hấp Chúa với Mẹ như xác hô hấp không khí chưa?
  11. Đời sống con đã trở nên một lời ngợi khen, một bài tình ca, một cuộc tâm giao với Chúa Ba Ngôi chưa?

ẢNH HƯỞNG CỦA HỌC THUYẾT THÁNH MONTFORT

Thánh Louis Marie Grignion đã viết xong quyển: “Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ” vào năm 1710.  Ngài đã thấy trước giá trị lớn lao và ảnh hưởng sâu rộng của quyển sách này đối với đời sống Giáo Hội.  Vì thế Ngài đã viết quyển sách này với tất cả tâm hồn tha thiết nhất của Ngài.  Những dòng tâm huyết sau của Thánh nhân sẽ khiến ta cảm nhận lòng nhiệt thành mưu tìm vinh danh Chúa, sùng kính Mẹ, và quan tâm cứu rỗi các linh hồn của ngài.

            “…Chúa Thánh Linh sẽ soi sáng và bày tỏ cho bạn rõ giá trị cao quý qua lối sùng kính chân chính đối với Đức Mẹ mà tôi sắp trình bày cặn kẽ.  Tôi sẽ cắt thịt lấy máu thay mực mà viết những dòng sau đây, nếu dòng máu tội lỗi của đứa con rất hèn, của đứa nô lệ hạng chót này, có thể viết vào tâm can bạn những sự thực về bà Mẹ khả ái và Bà Chủ cao cả, tôi xin sẵng lòng, để khích lệ những tâm hồn tốt đẹp trung thành thực hiện điều tôi trình bầy hầu bù đắp lại những thua lỗ, mà vì thất tín vong ân tôi đã làm thiệt hại cho Mẹ khả ái.”

Đặc biệt, thánh Montfort còn nhận thấy quyển sách quý giá này sẽ là phương thế Chúa và Đức Mẹ dùng để đánh bại Satan và bè lũ của nó trong thời đại này.  Như thế, chắc chắn ma quỷ sẽ căm ghét quyển sách này và những ai đọc, và đem ra thực hành.  Ngài viết:  “…Kìa đoàn ác thù đang lồng lộng, tôi đang thấy chúng rất rõ, chúng đang giận dữ tiến lại cắn xé quyển sách tôi đang viết đây, và nanh vuốt Satan cũng không tha người đang nhờ ơn Đức Chúa Thánh Thần soi sáng mà viết quyển này.  Cắn xé không xong, chúng tìm cách đem giấu quyển sách này dưới đáy rương, không ai thấy được.  Ai đọc quyển này và đem ra thực hành, Satan sẽ tấn công và tìm cách hại người đó.  Thấy vậy, tôi càng được khích lệ, và tin rằng quyển sách này sẽ đem về những kết quả to tát, là tạo được một Đạo Binh rất lớn, gồm những anh chị chiến sĩ can đảm và hùng dũng, phục vụ Chúa Giêsu và Maria trong trận chiến ác liệt với Satan, thế gian và xác thịt tội lỗi ở vào một thời đại nguy biến chưa bao giờ thấy.  Ai đọc, cố mà hiểu (Mt. 24: 15).  Ai hiểu rồi, hãy tìm hiểu cho thấu đáo (Mt. 19: 12).”

            Những lời tiên tri trên đây đã và đang trở thành sự thực.  Thánh Montfort và các đệ tử của Ngài đã bị ngược đãi bách hại.  Quyển sách này bị xé một phần đầu và ít trang sau cùng.  Được viết năm 1710, nhưng quyển sách bị chôn vùi dưới đáy rương đầy những sách cũ trong thư viện của Nhà Mẹ các Tu sĩ dòng thánh Montfort xứ Vendée.  Mãi đến năm 1842, một thầy dòng mới tình cờ tìm ra.  Sách được xuất bản lần đầu với nguyên bản Pháp ngữ năm 1843.  Đến nay đã được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

            Ông Frank Duff người Ái nhĩ Lan đã nghiền ngẫm quyển sách này 6 tháng khi cấm phòng riêng tại một tu viện.  Năm 1921, ông đã thành lập Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae), hiện nay bao gồm hàng triệu chiến sĩ đang hoạt động quyết liệt trên khắp thế giới, với một đạo quân đông đảo, những hội viên bảo trợ và tán trợ đang tha thiết cầu nguyện để nâng đỡ những người xung phong chiến đấu.  Ông Frank Duff qua đời ngày 07-11-1980, hưởng thọ 91 tuổi, trong hương thơm thánh thiện.  Người ta đang hy vọng có ngày ông được ghi tên trong sổ bộ các thánh để nêu gương cho mọi người về lòng yêu mến Chúa, biệt kính Mẹ Maria, gắn bó với Hội Thánh và quan tâm đến phần rỗi các linh hồn.

            Đạo Binh Xanh Đức Mẹ Fatima cũng được hình thành và phát triển trên 110 quốc gia trên thế giới.  Tổ chức này cũng tìm được hứng khởi nơi quyển “Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ” của Thánh Montfort.

            Dù được viết ra gần ba thế kỷ trước, quyển sách quý báu này vẫn tỏ ra thích hợp và hữu hiệu cho các Tông Đồ của Đức Mẹ trong thời đại hôm nay.  Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói đến ảnh hưởng sâu đậm của quyển sách này trong đời sống tâm linh của Ngài.  Với khẩu hiệu “Tất Cả Cho Mẹ,” Đức Thánh Cha cho thấy Ngài đang thực sự thi hành tất cả những gì mà Thánh Montfort mô tả về một người tôi trung, con thảo, và chiến sĩ tận hiến của Đức Mẹ được ghi trong quyển “Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ.”  Triều đại Giáo Hoàng của ngài đã đánh dấu sự rạng ngời của “Kỷ nguyên Đức Mẹ” mà Thánh Montfort đã tiên báo. 

            Cũng như ông Frank Duff và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, biết bao tín hữu đã tìm thấy nơi học thuyết Đức Mẹ của Thánh Montfort một nền tu đức vững chắc, hoàn hảo và hiệu quả.  Đức Giáo Hoàng Piô XII, người đã tuyên phong hiển thánh cho Thánh Montfort nói: “Sức mạnh và sự ngọt ngào của những lời của tôi tớ Đức Mẹ (thánh Louis de Montfort) chẳng những đánh động, mà còn chiếm đoạt và hoán cải bao linh hồn.”  Thánh Giáo Hoàng Piô nói: “Tôi hết lòng giới thiệu quyển “Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ’ được Chân Phước Montfort viết một cách thật đáng ngưỡng mộ, và tôi ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả những ai đọc quyển sách này.”  Đức Thánh Cha Lêô XIII lập lại lời tận hiến cho Đức Mẹ khi hấp hối và kêu cầu sự trợ giúp của Thánh Montfort.  Đức Giáo Hoàng Piô IX nói: “Tôi đã thực hành việc sùng kính này từ thuở niên thiếu.”  Ngài còn tuyên bô rằng phương pháp sùng kính Đức Mẹ của thánh Louis de Montfort là phương pháp sùng kính Đức Mẹ tuyệt hảo nhất và đáng được chấp nhận hơn cả.

      Ước gì qua những lời tâm huyết của thánh Louis de Montfort, qua gương sùng kính Đức Mẹ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua lời khuyên dạy của Mẹ Hội Thánh, và đời sống của các thánh trong mọi thời đại, mỗi tín hữu Chúa Kitô sẽ cố gắng gia tăng sự hiểu biết và lòng yêu mến Đức Mẹ, để cùng với toàn thể thần thánh và muôn người, muôn vật chung lời tung hô:

HOAN HÔ GIÊSU TRONG MARIA!

HOAN HÔ MARIA TRONG GIÊSU!

HOAN HÔ THIÊN CHÚA DUY NHẤT!

 

Viết xong ngày 20-05-1997

Sách Tham Khảo:

– “Quyển sách Vàng” của Lm. P. Thông. Senatus Sàigòn xuất bản,1968

– “Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của thánh Louis de Montfort. Bản dịch của LM Nguyễn Tri Ân, OP. Tiến sĩ Lê Thành tái bản lần thứ 5, Dân Chúa phát hành. New Orleans 1980.

– “Mẹ Maria” của LM Hồng Phúc, CSsR, NS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhuận sắc và tái bản 1992.

– “Những Người Lữ Hành Trên Đuờng Hy Vọng” của đức TGM Nguyễn văn Thuận. White Plains, NY: Spes Divine Compassion Publications, 1991.

– “True Devotion to Mary” của St Montfort. Bản Anh ngữ của Fr. Frederick Faber, Rockford, Il: TAN Books and Publishers, Inc, 1985.

– “Gift and Mystery” của ĐGH Gioan Phaolô II. Bản Anh ngữ của Vatican. New York, NY: Doubleday, 1996.

– “Saints and Heroes Speak -vol 2.” của Fr Robert J.Fox, Alexandria South Dakota: Fatima Family Apostotate, 1996.

 

PS: Bài này đã được đăng trong nhiều kỳ trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp năm 1997 và được làm tài liệu trong các khóa học về Tận Hiến cho Đức Mẹ dưới dạng booklet.

Posted in Internet Fri, 26/03/2021 – 09:32

Last Revised: April 7th 2021

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts