Sống Trọn Vẹn Ơn Gọi Trong Gia Đình

Ơn gọi thật huyền nhiệm. Mỗi người mang trong mình một ơn gọi và ơn gọi đó mỗi người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa được chọn và được gọi khác nhau.

Một lúc nào đó, dừng lại để nhìn ơn gọi của mỗi người chúng ta sẽ nghiệm ra thánh ý của Chúa hết sức tuyệt vời trên cuộc đời của người đó.

Chúng ta vừa nghe lại ơn gọi của một người rất đặc biệt có tên là Samuen. Samuen có được là do ơn Chúa, do lời cầu nguyện của bà mẹ Samuen là Anna. Sau khi có Samuen, như lời hứa tự ban đầu, bà lại dâng Samuen lại cho Đức Chúa. Hình ảnh hết sức tuyệt đẹp của một ơn gọi.

Nếu chúng ta đọc tiếp cuộc đời của Samuen, chúng ta vẫn tiếp tục bắt gặp hình ảnh hết sức dễ thương của Samuen là vâng lời Thiên Chúa trong chuỗi dài của đời mình. Samuen đã hoàn thành ơn gọi theo Chúa của một cách hoàn hảo.

Theo Chúa không phải là sự chọn lựa cá nhân như người ta chọn nghề nghiệp, mà do Thiên Chúa ra hiệu và lên tiếng mời gọi bước theo Ngài : “Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn chúng con, để chúng con đi và đem lại hoa trái” (Jn 15, 16). Cậu bé Samuel ngủ trong nhà Thiên Chúa, nghe Chúa gọi, nhưng không nhận ra, chạy đến với thầy cả Hêli nghĩ là ông gọi mình. Chúng ta cứ tưởng tượng từ khi Chúa lên tiếng gọi đến khi nhận ra đó là tiếng của Chúa và bước theo Ngài, điều gì xẩy ra trong tâm hồn : Ngạc nhiên, sửng sốt, vui mừng hạnh phúc đáp trả. Samuel cũng trải qua tiến trình này nên cuối cùng cậu nhận ra và đón nhận thánh ý Chúa : “Xin Chúa hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Đức Chúa ở với ông, và ông không để một lời nào của Chúa ra vô hiệu” (ISm 3, 10, 19). Samuel đã biến đổi nhờ Lời Chúa, đã trở thành vị Ngôn sứ vĩ đại trong lịch sử Israel.

Chúa Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại hơn Samuen nữa. Giêsu ra đời theo Thánh ý của Cha và để vâng lời Cha chứ không phải là làm theo ý của mình.

Dừng lại và đọc trang Tin mừng theo Thánh Luca hôm nay chúng ta bắt gặp câu chuyện đời thường của gia đình Giuse. Là những người Do Thái đạo đức, bà Maria và ông Giuse cùng với bà con và người quen thuộc đi hành hương ở Giêrusalem theo thông lệ hàng năm. Dịp hành hương này kéo dài 1 tuần lễ để tưởng nhớ lại kỷ niệm Thiên Chúa đã cứu giúp và giải thoát tổ tiên họ ra khỏi ách nô lệ của Ai cập (Xh 12, 1-27).

Đã nhiều lần lên Giêrusalem rồi nhưng lần này đáng ghi nhớ hơn cả vì lẽ thay vì đi về chung với đoàn hành hương, với cha mẹ thì Giêsu ở lại Đền Thờ. Có lẽ đây là lần đầu tiên đi hành hương vì khi đó Giêsu lên 12 tuổi.

3 ngày qua đi đi tìm mà không thấy con trong đoàn hành hương. Khi trở lại Giêrusalem thì thấy cục cưng của mình đang ngồi nói chuyện trong đền thờ với các bậc thầy về tôn giáo.

3 ngày tìm và khi quay trở lại vẫn thấy con mình mãi mê ngồi trong đền thờ để vừa nghe các bậc thầy nói về tôn giáo cũng như đặt câu hỏi thì cha mẹ cũng như mọi người sửng sốt về sự khôn ngoan và trí thông minh của Giêsu. Với tuổi tác như thế này, phải chăng Giêsu đã vượt xa những đứa trẻ bình thường khi đi lên đền hành hương như thế. Đó là dấu chỉ ngôn sứ, dấu chỉ về ơn gọi, dấu chỉ cuộc đời của Giêsu.

Giuse và Maria thật sự bối rối với kiểu hành xử này của trẻ Giêsu. Ông bà cảm thấy cực lòng vì đã làm cho ông bà phải bối rối hay nói đúng hơn là thất kinh bát đảo khi lạc mất đứa con trai duy nhất và con yêu quý của mình. Câu trả lời của trẻ Giêsu cho ông bà biết rằng ông bà tìm trẻ ở đâu ? “Trong nhà của Cha Con”, đó chính là câu trả lời chính xác của Giêsu.

Đúng như vậy, đó là sứ mạng, ơn gọi của Giêsu trong cuộc đời này. Khi Giêsu bước vào trần gian này, không có gì khác là vâng lời Cha, vâng theo Thánh ý Cha.

Thái độ, tâm tình của con vâng lời Cha phải chăng là thái độ tuyệt vời nhất của người con và cũng là ước nguyện của người Cha. Cha thương yêu con và chỉ muốn con vâng nghe lời của mình và người con ngược lại, khi thấy Cha yêu mình thì mình cũng yêu cha và lời đáp trả đẹp nhất chính là thái độ sống vâng phục.

Trang thư thứ nhất Thánh Gioan cho chúng ta thấy tâm tình của người cha dành cho con như thế nào. Thánh Gioan không nói vu vơ nhưng nói thẳng về tâm tình Thiên Chúa Cha đối với chúng ta : Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và cho chúng ta được cái ơn gọi Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con Thiên Chúa. Và, Thánh Gioan nhắc nhớ chúng ta : Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

Con thì phải tuân giữ lời của Cha và rồi Cha ở lại trong con. Hình ảnh cha con như thế quá tuyệt vời.

Chính Chúa Giêsu ngày hôm nay trong Đền Thờ đã một lần nữa mời gọi chúng ta sống tâm tình cầu nguyện, gắn bó và vâng phục ý của Chúa Cha.

Tâm tình gắn bó, cầu nguyện đó được gợi lên trong Thánh Vịnh 83, 2-9

Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái.

Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi

mong tới được khuôn viên đền vàng.

Cả tấm thân con cùng là tấc dạ

những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.

Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ,

ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,

cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con

bên bàn thờ của Chúa!

Phúc thay người ở trong thánh điện

họ luôn luôn được hát mừng Ngài.

Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,

ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.

Lúc trẩy qua thung lũng khô cằn,

họ biến nó thành nguồn suối nước,

mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan.

Càng tiến lên, họ càng mạnh bước

đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on.

Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn,

xin đoái nghe lời con cầu nguyện.

Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Gia-cóp.

Chúa Giêsu đã gắn bó đời mình với Chúa Cha và cũng không bỏ lời dạy của cha mẹ nuôi của mình : Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.

Hôm nay, mừng Lễ Gia Thất, chúng ta được mời gọi mối liên hệ của chúng ta với gia đình của chúng ta và Cha chúng ta ở trên Trời.

Hãy lắng đọng, hãy dành thời gian cầu nguyện, lắng nghe lời Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa theo thánh ý của Ngài. Và, gần nhất là vâng lời ông bà cha mẹ và sống trọn tình con thảo với ông bà cha mẹ người đã có công sinh ra và dưỡng dục chúng ta.

Lm. Anmai, C.Ss.R.

Chia sẻ Bài này:

Related posts