Ơn Người, Ơn Đời

Nhờ ơn người, nhờ ơn đời

Có vẻ như chữ “nhơn” do chữ “nhờ ơn” mà thành. Là người, ai cũng nhờ ơn:

– ơn Cha Mẹ sinh thành dưỡng dục trong suốt một cuộc đời lam lũ nghèo khó;

– ơn giáo hội qua các bí tích để tôi được gọi là Thiên Chúa là Cha, và tôi là nghĩa tử của Ngài;

– ơn Thầy cô miệt mài hun đúc tôi từ chữ đến nghĩa, từ học đến hành;

– ơn người thân- bà con, anh em- thương yêu đùm bọc nâng niu giúp đỡ;

– ơn người dưng nước lã cho tôi nghĩa tình quê hương, nhân loại;

– ơn người đạo đức mỗi ngày cầu nguyện hy sinh cho mọi người, trong đó có tôi, được bình an;

– ơn người lành cho tôi bao bài học phải giữ;

– ơn kẻ dữ cho tôi bao bài học phải tránh;

– ơn người trung tín, ơn người phản bội, ơn người yêu, ơn người ghét, ơn người dối trá, ơn người thành thật, ơn người có đạo, ơn người vô thần, ơn người cho vay, ơn người đòi nợ, ơn người mắng nhiếc sỉ nhục, ơn người an ủi cảm thông, ơn ốm đau bệnh tật, ơn tai nạn bất ngờ, kể cả sự chết…

Làm sao kể hết những ơn lộc mà tôi đã nhận được qua những con người, những biến cố. Vì thế, có thể nói, mỗi người quanh tôi, gần tôi, xa tôi, người biết tôi, chưa biết tôi,  người ở Texas, người ở Cali, người ở tận châu Phi, có người ở Sài gòn, có người Hà Nội…có người giàu có, cũng có người  nghèo khó… tất cả đều là ân nhân của tôi một cách nào đó.

Mỗi người trở nên một phần trong cuộc sống của nhau, không thể thiếu.

Mỗi biến cố cũng vậy, dù tốt hay xấu, dù có lợi hay không có lợi, tôi cũng nhận được một ơn đặc biệt. “Thất bại là mẹ thành công”. Chẳng hạn, nếu không có một cái nhìn mới mẻ dưới ánh sáng đức tin, thì tôi không thể chấp nhận sự thua thiệt, cảnh tang thương hay thất bại là một ân huệ. Và đợi đến lúc tôi cảm nghiệm được rằng: tôi đã nhờ ơn đau khổ mà thành nhơn, thì tôi không còn đủ thời gian để xin lỗi những đau khổ vì đã nặng lời trách móc.

Vì thế, tôi muốn xác tín rằng: mỗi con người đang là cánh tay của Thiên Chúa nối dài để thi ân; mỗi biến cố là công cụ, là phương cách Chúa đã dùng  để ban ơn cho  tôi, cho mọi người.

Quả thật đời sống con người cần có nhau để tô đẹp cho nhau và cho cuộc đời, như có người nói:

“Nói với lá rằng hoa chưa đẹp nhất,

nếu không chen vào giữa lá nhung xanh,

nói với anh rằng em chưa đẹp nhất,

nếu không chen vào giữa trái tim anh”.

Hoa đẹp nhờ có lá, tôi đẹp nhờ có người xấu. Tôi biết tôi giàu nhờ có người nghèo quanh tôi. Tôi biết tôi mạnh khỏe nhờ có người đau yếu…

Hãy mở lòng ra để đón nhận nhau, chấp nhận nhờ ơn nhau, như một người cần có trái tim để sống.

Bác Trần Duy Nhiên trong thư gửi các cháu mổ tim có đoạn “một trái tim bị mổ, ngàn trái tim mở ra.  Ngàn trái tim mở ra,  vì có Một Trái Tim đã mở toang ra vì yêu nhân loại”.

Vâng, sống trong cuộc sống là sống với, sống vì, sống cho người khác sống. Tôi có thể cảm nhận trái tim tôi đập được là nhờ trái tim của nhiều người khác.Vâng, tất cả chúng ta đang “nhờ ơn” mà thành “nhơn”.

Nguồn ơn ấy, chính là sự quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa tình yêu.  

Biết ơn  

Biết mình cần “nhờ ơn” người khác là một điều đã khó; biết ơn người khác lại là một điều khó hơn. Để biết ơn, phải cảm nhận được ơn mình đã nhận. Và đối với tín hữu của Chúa, để cảm nhận được ân huệ của Thiên Chúa qua các biến cố, qua tha nhân, nhất thiết người thọ ơn phải có lòng khiêm tốn sâu xa và một đức tin chân thành mà sâu sắc.

Tướng Naaman trong sách các vua 5,14-17 quả thật đã có một niềm tin khiêm tốn sâu thẳm, nên mới có được một niềm xác tín vững chắc để nghe lời của Tiên tri Elise mà đi dìm mình bảy lần trong sông Giodan Cũng vậy, mười người phung hủi trong Tin Mừng Lc 17,11-14 có niềm tin khiêm tốn sâu thẳm, nghe lời Đức Giêsu mà đi trình diện các tư tế.

Cả một đất nước Aram không có con sông nào sạch sao và chắc gì sông Giodan sạch bằng? Hoặc có thầy thuốc nào bảo chỉ cần đi trình diện với ông nầy ông kia thì sẽ được khỏi bệnh?

Quả là một điều lý trí không thể chấp nhận được. Nhưng điều lý trí không chấp nhận được ấy lại là đức tin.

Như vậy sự khiêm tốn ở đây chính là bằng lòng hy sinh lý trí, hy sinh cái suy luận theo tài năng hiểu biết của mình, để đón nhận điều sẽ xảy ra với lòng tin tưởng tuyệt đối. Việc chấp nhận dìm mình trong song Giodan của Naaman cũng như chuyện chấp nhận thực hiện điều trái ý, chấp nhận điều chẳng lành trong cuộc đời, không dễ dàng tí nào đối với người không có đức tin.

Việc chấp nhận đến với Giodan còn mang một ý nghĩa khác,  là chấp nhận đến với Đất Nước của Thiên Chúa, đến với Giáo Hội.

Cũng vậy, “đi trình diện với các tư tế” trong trình thuật Luca 17,11-19  cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đến với những người của Thiên Chúa, trong Giáo Hội.  Và khi đến, phải khiêm tốn và xác tín rằng, tôi đến là tôi sẽ được nhận ơn.

“Trong khi đi trình diện với các tư tế, họ đã được sạch phung hủi”. Điểm nầy, tôi liên tưởng đến người có lòng khao khát được sạch những vết phung hủi của tâm hồn do tội lỗi, trên đường đi đến tòa cáo giải với lòng khiêm tốn và đức tin, thiết nghĩ, họ đã được sạch tội rồi nếu họ chết khi chưa kịp xưng thú các tội.

Chấp nhận dìm mình trong dòng sông Giodan  hay đến với Đức Giêsu để nhận được ơn sự sống đòi hỏi một đức tin cao nhất, như Thánh Phaolô xác quyết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta cùng kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12)

Rất tiếc, rất tiếc, vẫn còn có nhiều người luôn tuyên bố: “Từ nhỏ đến giờ tôi chẳng nhờ ơn ai cả, tôi tự lập mà nên”. Có người không chấp nhận nhờ vả vì sỉ diện, một cách tránh né do lòng kiêu ngạo. Vậy, không chấp nhận nhờ ơn thì làm gì nói đến chuyện biết ơn.

Ngay cả đối với sự hiện hữu tốt đẹp của chính mình trên trần gian, có người theo chủ nghĩa duy vật vô thần không đủ khiêm tốn để chấp nhận đó là một ơn huệ, còn to tiếng phủ nhận; và cho là một việc tự nhiên do chuyện giải trí của cha mẹ mà có! Thế thì làm gì có lòng biết ơn ai! Rồi từ đó, kéo theo một thế hệ con cháu vô ơn với trời đất, với tổ tiên, với nòi giống. Cái chủ nghĩa duy vật dạy cho họ cuộc sống con người bắt đầu từ con vật, sống và lớn lên như con vật, rồi chết đi như con vật.

Và khái niệm đó đóng khung lý trí của họ mà họ xem như một chân lý. Họ không thể khiêm tốn hy sinh cái lý trí què quặt ấy để đón nhận ánh sáng của đức tin. Họ không chấp nhận dìm mình trong dòng sông cứu rỗi mà người của Thiên Chúa giới thiệu. Họ cố tình không biết những ơn cao trọng mà dòng sông cứu rỗi mang lại. Chẳng trách gì mà họ không những không khiêm tốn đến với Chúa Giêsu mà còn không muốn ai đến với Ngài.

Rất tiếc hơn nữa, những con cái của Chúa cũng không thiếu những con người vô ơn như vậy. Khi cuộc sống vất vả, đau yếu, bệnh tật, nghèo túng thì sốt sằng tìm đến Chúa để kêu la cầu cứu; đến khi có của ăn của để, nhà cao cửa rộng, phương tiện  tiện nghi đầy đủ thì xem tất cả những gì mình có là do sức mình, rồi tỏ ra bất cần đến Thiên Chúa nữa, bất cần đến ơn cao trọng hơn cả là ơn cứu rỗi, tự gieo mình vào một cuộc sống mỗi ngày thêm sa đọa. Chúa Giêsu nói: “không phải cả mười người đều được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc.17,17-18)

Với tôi, bài học của tướng Naaman và mười người phung hủi, cho thấy sự cần thiết của lòng khiêm tốn, của một đức tin vững chắc để đón nhận và biết ơn Thiên Chúa đang tràn lan trong đời mình qua mọi người và qua mọi biến cố.

Hãy khiêm tốn đến với dòng sông Bí tích, dòng sông Giodan ngày xưa, và dòng sông của Đức Giêsu hôm nay, trong dó có dòng sông của bí tích hòa giải với xác tín chính Chúa Giêsu cũng đang nói với ta “Đức tin con đã chữa con” mọi thứ bệnh trầm kha nhất của tâm hồn. Và rồi,  hãy thể hiện lòng biết ơn cách cụ thể qua việc đền đáp công ơn của Người.  

Đền ơn 

Đối với người Việt Nam, có thể nói  có lòng biết ơn là đã đủ sống với đạo làm người, vì có những ơn Trời ban mà con người không bao giờ đáp đền cho cân xứng.

Với chúng ta, sống tâm tình biết ơn, thiết nghĩ, là chưa đủ. Phải thiết thực đáp đền ơn Chúa bằng việc thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa cho xứng đáng. Biết việc đền ơn không phải là lễ vật như “món quà” của Naaman dâng cho Thiên Chúa qua Elise. Naaman đã chọn cách đền ơn bằng việc “chở một ít đất ở Giodan về mà lập bàn thờ Thiên Chúa trên đất ấy”.(2V 5,15-17). Cũng như người Samari “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại mà lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn” (Lc 17,15-16).

Như vậy, đáp đền ơn Thiên Chúa là tôn vinh Thiên Chúa bằng cách:

sống trọn tình con thảo trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, tin tưởng vào Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài: “hãy trình diện với các tư tế”.

Về điểm nầy, tôi không đồng tình với quan điểm “Giêsu-Yes”, “Giáo Hội- No”. Vì như thế là chúng ta tự mâu thuẫn với đức tin của mình. Chúng ta đã nhận muôn ơn Chúa qua Giáo Hội. Phủ nhận Giáo hội cũng chính là phủ nhận đức tin vào Thiên Chúa. Ta vẫn tuyên tín “ tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” kia mà. Hãy tin tưởng vào Giáo Hội của Chúa. Không vì một vài phần tử bội tín hoặc phá phách trong giáo hội mà ta phủ nhận sự thánh thiện của Giáo Hội, rồi trở thành người vô ơn một cách oan uổng. Hãy tin tưởng Giáo Hội.

sống và trở nên nguồn sống cho tha nhân – nguồn sống ấy có thể là một nụ cười, một niềm vui, một chia sẻ như làm cánh tay nối dài của Thiên Chúa. Ta vẫn thường nhận ơn của một người và không bao giờ đáp trả nổi, nhưng ta lại thi ân cho người khác như một nghĩa cử đền đáp  cho người mình đã nhận. Hãy sống chứng nhân tôn vinh thờ phượng Chúa bằng đức bác ái. 

Để kết

Tôi có nghe các em mổ tim nhờ Hội Bác ái Phanxicô hỗ trợ- sau khi mổ tim thành công, hát mấy câu trọn vẹn ba ý nghĩa: nhờ ơn, biết ơn và đền ơn, như sau:

“Em có một trái tim nhưng là trái tim của nhiều người

Em sống nhờ trái tim, nhờ tình yêu thương người mọi nơi

Em suốt đời biết ơn người cho em sự sống nầy

Sẽ sống và sẻ chia tình yêu thương cho muôn người.”

Lạy Chúa xin cho chúng con lòng khiêm tốn và đức tin vững chắc, để đón nhận tất cả là hồng ân Chúa.  Và xin cho chúng con biết sẻ chia sự sống cho tha nhân. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

Chia sẻ Bài này:

Related posts