Hoài Nghi và Xác Tín

Trong công ty, doanh nghiệp, mỗi sán phẩm chế tạo hoàn tất đều qua khâu kiểm soát cuối cùng, trước khi được đóng gói xuất xưởng, chuyển giao cho các đại lý, phân phối ra thị trường tiêu thụ. Đó là nhiệm vụ của KCS, viết tắt của các từ “Kiểm tra Chất lượng Sản phẩm.” Bộ phận KCS có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ quy trình công nghệ, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Do vậy, khâu KCS vô củng quan trọng trong việc gầy dựng, bảo vệ và phát huy uy tín doanh ngiệp, công ty với thị trường.

Bài Tin Mừng Thánh sử Gioan hôm nay, tông đồ Tôma tình nguyện làm nhân viên KCS, trước khi chứng nhận một sự kiện vô tiền khoáng hậu: Chúa Giêsu Phục Sinh.

Hoài Nghi

Khi Ladarô chết được bốn ngày, Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để hồi sinh Ladarô, nhưng ở đó các người Do Thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu. Người mời gọi các môn đệ dấn thân: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê”(Ga 11, 7). Đáp lại, các môn đệ không mau mắn nghe theo, mà phân vân, lo lắng. Hơn nữa, còn can gián:  “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao?”( Ga 11, 8 ).

Nhưng chỉ duy nhất một mình ông Tôma mạnh dạn, can đảm thuyết phục các tông đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”(Ga 11, 16). Như thế ông quyết tâm đồng hành cùng Chúa, mặc dù sự dữ đang đe dọa tính mạng của cả Thầy trò.

Rồi sau khi Chúa Phục Sinh, nghe bà Maria Mácđala nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin (Mc 16, 11) Thậm chí các ông còn cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. (Lc 24, 11) Tin Mừng thánh Matthêu cũng công khai khẳng định: Nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (Mt 28, 17)

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ sợ hãi, kỹ lưỡng cửa đóng then gài, đột nhiên Chúa Phục Sinh hiện ra chúc bình an. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng, vì được thấy Chúa. (Ga 20, 20)

Thánh Luca còn kể rõ hơn nữa: Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như thấy Thầy có đây.” (Lc 24, 37-40)

Không may, ông Tôma vắng mặt, nghe kể lại Chúa hiện ra, ông không tin. Tâm trạng nghi hoặc của ông Tôma cũng giống như các môn đệ khác, trước khi được tận mắt chứng kiến chân tay, còn loang lỗ dấu đinh của Chúa Giêsu.

Như vậy, đâu chỉ có duy nhất ông Tôma hoài nghi Chúa Phục Sinh. Mà hầu hết các môn đệ đều cứng lòng như ông vậy. Điều đặc biệt là ông Tôma dám thẳng thắn bộc lộ sự nghi hoặc của mình, khiếm khuyết, sai lầm, tội lỗi xúc phạm đến Chúa Phục Sinh, mà không hề giấu giếm, giả vờ tin như kẻ giả hình. Ông Tôma vốn bộc trực, nhiệt thành, trung tín, như trước đây đã mạnh dạn công khai tuyên xưng Đức Mến, khi quyết tâm đi Bêtania, sẵn sàng cùng chịu chết với Chúa.

Tôi cũng hay nghi ngờ những điều tốt lành, những thiện chí của tha nhân. Nhất là đối với những người có qúa khứ không mấy hay ho. Tôi khó xóa nhòa vết hoen ố của họ. Dần dần tôi trở thành quan tòa gay gắt, cay nghiệt lúc nào chẳng hay, dù công luận đã rộng lượng tha thứ lỗi lầm. Tôi thích ném đá hay bôi đen, hơn là chạy đến ôm họ vào lòng an ủi, khuyến khích hướng thiện.

Sự hoài nghi đã nhiễm vào lục phủ ngũ tạng, máu xương của tôi quá nặng nề. Khiến tôi không còn phân biệt đâu là ảo thực, thật giả, phúc tội. Nhìn đời qua cặp kính màu đen, tồi chẳng thấy gì sáng sủa chung quanh. Làm sao tôi nhận ra hình ảnh đáng kính, đáng yêu của Chúa nơi anh em tôi?

Chứng Nhân

Trong Bữa Tiệc Ly, ông Tôma đã thẳng thắn cương quyết theo Chúa đến cùng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Chúa Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14, 5-6).

Sau khi được thấy Chúa Phục Sinh tỏ tường, như nguyện ước, ông Tôma thân thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28) Đó là lời tuyên xưng duy nhất trong các sách Tin Mừng lưu danh thiên cổ. Phải chăng Chúa Giêsu đã thương yêu, biến khiếm khuyết hoài nghi của ông Tôma chuyển thành một điểm son trong Đức Tin. Người luôn hào phóng mở rộng vòng tay, đón đứa con hoang đáng trở vể.

Quả nhiên, sau lễ Ngũ Tuần, được tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần, ông Tôma đã nhiệt thành vâng theo lệnh truyền của Chúa sống lại:  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28, 19) Ông Tôma, đã hăng say đi rao giảng Tin Mừng ở Patia, Ba Tư, Ấn Độ và sẵn sàng theo bước chân của Thầy chết vì yêu.

Từ hoài nghi sang xác tín, ông Tôma lột xác hoàn toàn, trở nên chứng nhân tích cực của Chúa Giêsu. Nhờ lòng thương xót vô biên của Chúa, ông Tôma mới được thánh hóa qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  

 

Lạy Chúa Giêsu toàn năng, xin củng cố lòng tin của con, ban cho con sức mạnh để như thánh Tôma, Tông đồ, tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa của con.

Lạy Mẹ Maria, xin ân ban cho cho con Đức Tin, Cậy, Mến vững vàng, để con luôn trở nên chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu. Amen.

 

AM Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:

Related posts