Dấu Chỉ Bẻ Bánh!

Dù đã tỏ mình ra cho các môn đệ hai lần , sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, nhưng, khi hiện đến với các môn đệ lần thứ III, Chúa Giêsu cũng không được các ông nhận ra ngay, mà là sau khi nhận ra phép lạ và dấu chỉ bẻ bánh, các môn đệ mới nhận ra Thầy mình.

Vâng, thưa quý vị, trên đây là ý nghĩa lần “tỏ mình” ra lần III cho các môn đệ của Người. Qủa thật, dù đã thấy Chúa hai lần sau khi Người Phục Sinh, nhưng, dường như các môn đệ chưa  có đủ can đảm, hay chưa phát huy hết tác dụng của Thánh Thần. Dù Thầy mình đã hiện đến hai lần, ban ơn bình an, ban Thánh Thần, xác định sự phục sinh của Người, nhưng dường như các môn đệ chưa đón nhận trọn vẹn, chưa phát huy hết công suất, niềm tin chưa sáng tỏ.

Vâng, những yếu tố trên đây, cho thấy sự yếu hèn của phàm nhân và việc đón nhận ân sủng đức tin. Xác tín tính người yếu nhược của chúng ta, dù là kẻ theo Chúa Giêsu, nhưng, nếu thiếu ơn của Người, thì chúng ta không thể làm được việc gì.

Khởi đi từ đoạn Tin Mừng hôm nay ( Ga 21, 1-19), đây là chương cuối của Tin Mừng Gioan, phần IV là đoạn cuối của Tin Mừng Gioan.

Bối cảnh hiện ra tại Biển Hồ Tiberia, nằm gần quê hương của Chúa Giêsu là Nazaret, biển hồ Tiberia nằm ngay trục lộ chính dẫn xuống Biển Chết, chạy dọc theo chiều dài lên Giêrusalem, nằm vỏn vẹn ở giữa vùng đất của dân cư. Gọi là biển hồ, bởi vì, rộng lớn hơn một cái hồ,đứng bờ bên nầy không nhìn thấy bờ bên kia, rộng lớn như một cái biển nhỏ, nhưng không phải là biển, vì nó được bao bọc bởi đất liền xung quanh. Điều nầy nói lên vị trí địa lý nơi phát xuất sự kiện Cứu Thế của Chúa Giêsu là những địa danh hoàn toàn được xác thực, không phải hư cấu. Những địa danh, địa lý, nơi chốn có trước Công Nguyên và vẫn tồn tại cho đến nay và mãi mãi.

Như chúng ta biết, sau Phục Sinh, những bài đọc thứ I , II được đọc từ sách Công Vụ Tông Đồ… đến sách Khải Huyền.

Sau biến cố Phục Sinh là một hành trình bắt đầu mở ra cho các Tông Đồ tiên khởi, một hành trình đầy cam go để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Vâng, “Tông Đồ”  có nghĩa là “làm chứng” cho Tin Mừng Phục Sinh. Các môn đệ phải đi rao giảng Mầu Nhiệm Phục Sinh , sống cho Tin Mừng Phục Sinh, dù phải trả giá. Mầu Nhiệm Phục Sinh hoàn toàn đã xảy ra, một sự kiện đáng kinh ngạc và đáng tôn thờ, nhưng không phải mọi người, mọi thời đều “TIN”, dù ngay thời các tông đồ, và cho đến tận thế. Mầu Nhiệm Phục Sinh không đơn thuần là Lễ Phục Sinh được cử hành nhắc lại hằng năm, mà là một “Biến Cố” hằng hữu, mà mọi Kitô hữu phải có trách nhiệm rao tuyền “ơn Phục Sinh” của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời mình. Vì , Biến Cố Phục Sinh không đơn thuần là cho “người chết” sống lại, mà là phải sống lại thật về phần “linh hồn“. Sở dĩ, Biến Cố Phục Sinh bày tỏ sự sống lại phần nhân tính hữu hình của Chúa Giêsu là để cho phàm nhân nhận thấy rõ sự siêu nhiên vô hình nơi bản tính Thiên Chúa của Người.

Ý nghĩa Đọan sách Khải Huyền hôm nay ( Kh 5, 11 – 14), cho chúng ta biết  Mầu Nhiệm Phục Sinh nơi Chúa Giêsu chính là dấu chỉ mà muôn tạo vật trên trời đưới đất phải tung hô và quy chiếu về Đấng Phục Sinh, bởi vì cuộc Tử Nạn của Người là một “MINH CHỨNG”  hiển trị.

Đoạn Tin Mừng hôm nay ( Ga 21, 1 -19) tuy dài, nhưng là phần phụ lục, hay phụ trương , nói về việc Chúa Giêsu hiện ra lần III cho các Tông đồ, hầu củng cố đức tin cho các ông, qua phép lạ “mẻ lưới dầy cá” mà các ông không thể nào dánh bắt được, trong Tin Mừng có ghi rõ số lượng cá “Một trăm năm mươi ba” con, không phải là số lượng theo nghĩa đen mà là tất cả các loài cá có trong Biển Hồ, tức ơn cứu độ cho hết thảy muôn dân. Biển Hồ Tiberia còn cho thấy và làm chứng một cách cụ thể ( minh chứng) sự hiện diện của Chúa Giêsu cho dân tộc Dothai và cho nhân loại. Biển Hồ Tiberia còn cho biết là nơi sinh sống, nơi những cư dân trong vùng đánh bắt cá để sinh sống, trong đó có cá môn đệ của Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay ( Ga 21, 1-19) có hai phần chính:

–          Một là :  Chúa Giêsu hiện đến trong lúc các môn đệ chịu sự bất lực của phàm nhân. Nhắc nhở các ông nhớ đến Người qua dấu chỉ bẻ bánh. Phép lạ mẻ lưới đầy cá đã mở mắt các môn đệ nhận ra Thầy mình.

–          Hia là: Trao quyền sứ mạng cai quản hội thánh cho Phê-rô một môn đệ hèn yếu, chối Thầy ba lần, sự thương xót thứ tha của Chúa Giêsu đối với Phêrô là ba lần Người hỏi ông : “Con có yêu mến Thầy không?  “. Điều nầy dường như không có gì quan trọng trong việc hỏi đến ba lần, nhưng là để nhắc nhớ Phêrô đừng nói suông bằng miệng mà là bằng “Tâm hồn” của mình . Và cuối cùng, Chúa Giêsu tiên báo cuộc hiến tế của Phêrô, như dấu chỉ “bước theo” Thầy  mình., đồng thời, Người bảo : ” Hãy theo thầy”, vâng, đây là vinh dự của thánh Phêrô.

Bài đọc thứ I hôm nay ( Cv 5, 27b -32 : 40b -41) cho thấy những sự bách hại đầu tiên sau Phục Sinh và các môn đệ phải làm chứng cho Thầy mình. Câu nói hay nhất của thánh Phêrô và các bạn là : “ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời phàm nhân “.

Lạy Thiên Chúa là Cha Hằng Hữu, Cha đã ban cho nhân loại Đức Giêsu Phục Sinh, là một trong muôn vàn kỳ công chói lọi của Thiên Chúa, trong đó có thụ tạo cao quý nhất đó là: Thiên thần và loài người cũng phải sấp mình tôn thờ Mầu Nhiệm Phục Sinh, vì đó là kỳ công chói lọi nhất mà Thiên Chúa đã tỏ bày cho nhân loại. Xin cho con người mọi thời, mọi nơi, mọi lúc biết nhận ra kỳ công Phục Sinh của Người mà tôn thờ cách đích thực trên mọi thứ quyền lợi trần tục./. Amen

10/04/2016

P.Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:

Related posts