Có chủ, chủ nào?

Mấy năm nay, ruộng vườn thua lỗ, đất đai lên giá. Như nhiều nơi trên đất Việt này, những người ở quê tôi đua nhau bán đất. Có tiền rồi, người ta cũng “lên hương”: nào nhà cửa mới, các vật dụng trong nhà mới, xe mới…

Tuần vừa qua, tôi dâng thánh lễ an táng cho một thiếu niên mười bảy tuổi. Thiếu niên này chết do… có tiền bán đất. Cách đây chưa lâu, bà nội của em bán một mảnh vườn cho một nhà kinh doanh gì gì đó tận Đà Nẵng. Em là đứa cháu nội duy nhất của bà. “Bà cưng thằng cháu nội của bà nhất nhà”, bà nội em đã từng tuyên bố như thế.

Bán đất xong, việc đầu tiên, bà nội mua ngay cho thằng cháu cưng một chiếc xe phân khối lớn, dù em chưa đến tuổi được phép lái xe loại cao. Có xe, “thằng cháu cưng của nội” đi học bằng xe, đi chơi bằng xe, đi… trêu ghẹo bạn gái bằng xe cho… “oách” (điều này khỏi nói ai cũng biết) và đi… nhậu cũng bằng xe…

Vào một đêm mưa lất phất bay, cháu đi đến khuya chưa về. Bà nội chờ cháu. Cả nhà chờ cháu. Mãi đến 2 giờ sáng, người ta đưa cháu về gởi lại gia đình… bằng một xác chết không còn đỉnh đầu, bởi đỉnh đầu nát bấy. Chiếc xe của bà nội tặng đứa cháu cưng, để đánh dấu ngày bà nội giàu có nhờ bán đất, ngày nào đẹp là thế, bây giờ cong lại như muốn gảy đôi. Những người hữu trách cho biết trong bao tử “cháu cưng của bà nội” toàn rượu đế. Cháu phóng xe nhanh trên đường vế nhà sau chầu nhậu.

Nhưng cháu không phóng về đến nhà, lại lao thẳng vào phía trước của xe tải chạy ngược chiều với cháu. Nhìn thấy xác cháu, bà nội xỉu vì ép tim, làm mệt và cao máu, phải đi bệnh viện. Cả nhà rối tung lên vì cháu chết bất ngờ quá. Có ai ngờ, món quà quý bà nội tặng cháu vì thương cháu, lại trở thành phương tiện chở cháu đi… gặp “Ông Trời”. Đau đớn quá. Đau hơn cắt ruột, cắt gan.

Biết trách ai bây giờ? Trách cháu nông nổi cạn nghĩ? Trách bà nội cưng cháu? Trách gia đình bỗng dưng giàu có? Hay trách đồng tiền, trách chiếc xe, trách của cải bội bạc?

Bài Tin Mừng Chúa nhận 25 thường niên hôm nay cho thấy, Chúa không trách tiền, không trách của cải. Chúa dạy người ta phải biết cách sử dụng đồng tiền, sử dụng của cải. Vì nếu có tiền, có của mà không biếc cách sử dụng, người ta không chỉ giết chết một hay nhiều mạng sống, mà nguy hiểm hơn, đau đớn hơn, đáng trách hơn: Người ta sẽ giết chết sự sống vĩnh cửu của mình, thậm chí của người khác nữa (xem Lc 16, 1-13).

I. Ý NGHĨA DỤ NGÔN NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT TRUNG, GIAN LẬN.

Đã gọi là bất trung, gian lận, lẽ ra, Chúa phải kết án người quản lý như thế, đàng này Chúa lại khen anh là người quản lý khôn khéo. Thật ra, Chúa không khen ngợi hành động gian trá của anh. Chúa không bao giờ đồng tình với sự xấu: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16, 8).

Khi gọi người quản lý là “con cái đời này”, Chúa Giêsu đã không để anh đứng chung hàng ngũ “con cái sự sáng”. Anh chỉ thuộc về đời này, thuộc về thế gian mà thôi. Nếu hiểu khôn ngoan là thái độ tốt lành của người tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì người quản lý trong dụ ngôn không phải là người khôn ngoan, chỉ là người khéo léo. Anh chỉ được khen là “khôn khéo” vì “biết dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn bè” cho cuộc sống trần gian, chứ không hề được khen là khôn ngoan vì đã tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Dụ ngôn của Chúa được dựa trên quan niệm về quản lý của thời đó. Thường những gia đình giàu hay mướn một quản lý. Một khi người quản lý đã được tin tưởng, anh ta kể như người có toàn quyền hành động, miễn làm sao cho cho tài sản của chủ không chỉ được bảo đảm mà còn gia tăng. Và khi làm lợi cho chủ, người quản lý có quyền hưởng một tỷ lệ hoa hồng tương xứng.

Người quản lý trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể, vì lý do nào đó, chủ không còn tin tưởng anh, không muốn sử dụng anh tiếp tục công việc quản lý cho ông. Vì sắp bị chủ sa thải, người quản lý cảm thấy nguy hiểm cho tương lai đời mình.

Anh không thể ăn mày, cũng không thể cuốc đất. Anh nghĩ ra một cách khả dĩ cứu vãn tình thế sau khi mất việc: Anh gọi những người thiếu nợ chủ đến, lấy biên lai nợ của họ trừ đi phần hoa hồng mà họ phải trả cho anh, chỉ còn lại nguyên phần nợ của chủ. Như thế, anh không ăn gian của chủ. Còn những người mắc nợ, chỉ trả nợ ít hơn, nên họ sẽ mang ơn anh. Nếu anh thất nghiệp có thể họ sẽ giúp đỡ anh. Cách làm này được Chúa khen là biết dùng tiền của mà mua lấy tình người.

Qua câu chuyện, Chúa muốn dạy: Cũng như người quản lý trong dụ ngôn, ta hãy sử dụng tiền của sao cho tiền của đó mang lại lợi ích đời đời cho ta. Đúng hơn, sống trong cuộc đời này, ta phải thật sự tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, đừng coi trọng tiền của, đến nỗi quên mất đức tin, quên mất mình là con của Chúa. Ta không được lao vào việc kiếm tiền mà quên tất cả cuộc đời mai sau, đừng chỉ vì tiền của mà trở thành bất lương, trở nên kẻ thù nghịch với đời sống làm con Chúa.

II. TỪ BỎ ĐỂ LÀM CON CHÚA.

Mang danh Kitô hữu, nghĩa là chúng ta được vinh dự nhận danh Chúa Kitô làm tên gọi của mình. Danh của Chúa trở thành tên chúng ta. Lẽ nào ta lại sống khác Chúa. Chúa đã sống cả một đời từ bỏ, ta cũng hãy bắt chước Chúa sống siêu thoát khỏi những ràng buộc của tiền của, của những tính toán phù hoa trần thế.

Giàu hay nghèo, không phải là tội. Tội nằm ở chỗ ta không giữ được mình, mà chỉ sống tham lam, sống chỉ lo cho đời này, không cần biết đến đời sau.

Giàu hay nghèo không phải là điều đáng trách móc. Điều đáng trách móc là thái độ nào của ta trước cái giàu, cái nghèo của mình, của cuộc sống xung quanh.

Giàu hay nghèo tự nó cũng không là phúc. Bởi giàu chưa chắc đã hạnh phúc. Bỗng dưng bán đất rồi trở nên giàu có, để rồi từ đó lãnh lấy nỗi đau mất cháu suốt đời, chắc chắn cái giàu ấy, sẽ không bao giờ có ai muốn.

Nghèo chưa chắc đã bất hạnh. Nếu trở lại nghèo như ngày xưa, mà giữ được mạng sống của cháu, mà trong gia đình có bà, có cháu chia sẽ vui buồn cùng nhau, chắc đánh đổi tất cả của cải, bà nội sẽ không chỉ không phiền hà gì, nhưng còn vui lòng đón nhận.

Câu chuyện bà nội mua cho cháu chiếc xe đẹp, xe mới để cháu lao thân vào chỗ chết mà người viết ghi lại ở đầu bài viết này, không thể đổ cho bà nội giàu có, không thể đổ cho tiền của bạc nghĩa.

Nhưng chắc chắn phải quy trách nhiệm cho thái độ sống thiếu tinh thần trách nhiệm của những người trong cuộc: Gia đình đã cưng chiều cháu, khiến cháu hư hỏng. Thậm chí mua xe phân khối lớn cho cháu khi cháu chưa đến tuổi được phép lái xe như vậy. Gia đình cũng không kiểm soát việc cháu sử dụng của cải như thế nào.

Bản thân cháu là đứa trẻ tệ bạc đối với tình thương yêu của những người thân của mình. Không biết trước khi có tiền và sau khi có tiền, tất cả những người trong gia đình này có bao giờ nghĩ đến việc phải sống siêu thoát, sống từ bỏ, phải vượt lên trên của cải để chỉ giữ lấy cho mình đời sống đức tin, để mỗi ngày sống là thêm một ngày giống mẫu gương của Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người từ bỏ tất cả để trở nên một con người hèn hạ giữa trần gian?

Nếu đã từng ý thức danh hiệu Kitô hữu của mình để nên giống Chúa Kitô, và chuyên lo giáo dục con cháu sống đức tin, chắc có lẽ gia đình này đã không xảy ra đau thương và ân hận như đã nói? Cái chết đớn đau ấy là cái giá phải trả cho việc biến mình thành kẻ làm tôi tiền của.

Bởi nếu đã ra sức làm tôi Chúa, chứ không làm tôi tiền của, chắc đã không bị tiền của cướp mất mạng sống oan uổng như thế. Bởi khi làm tôi Chúa, người ta sẽ sống có tư cách, sống đàng hoàng, sống biết yêu mình và yêu mọi giá trị tốt lành trong cuộc đời. Sống “yêu” như thế làm sao có thể gây ra tang vỡ và tai hại đến thế.

Lời Chúa mãi mãi vẫn là lời đanh thép đánh vào tất cả những ai tự biến mình thành kẻ nô lệ tiền của: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13).

Giàu có thể phạm tội theo cách của người giàu. Họ sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, sống trong thụ hưởng mà quên đồng loại của mình. Giàu dễ làm cho người ta sống xa hoa, sống thiếu tình người, sống hời hợt. Sống sang giàu có thể dẫn người ta lao vào trụy lạc, sa đọa, khoe khoang, thậm chí mất đức tin…

Ngèo có thể phạm tội theo cách của người nghèo. Họ dễ bị cuốn hút vào việc kiếm tiền. Đồng tiền trở thành nhu cầu số một chứ không phải đời sống tinh thần, không phải đức tin vào Chúa. Có thể cái nghèo đưa họ tới việc nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ lòng thương yêu, nghi ngờ cả sự hiện hữu của Chúa…

Con đường theo Chúa phải là con đường của sự từ bỏ. Từ bỏ là con đường ngắn để đến gần Chúa. Cái hay của người Kitô hữu chân chính biết sống từ bỏ đó là, họ say mê cả cuộc đời như bất kỳ ai, nhưng họ vẫn say mê Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Giữa những cái mau qua trong cuộc đời mà họ say mê, họ bắt gặp vĩnh cửu, bắt gặp Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ trên tất cả mọi lợi lộc trần thế. Họ cũng làm việc, cũng vui chơi, nghỉ ngơi. Nhưng họ cũng không quên cầu nguyện, tham dự thánh lễ, bác ái, thực thi mọi nghĩa vụ của một Kitô hữu giữa đời.

Họ sống như mọi người, nhưng họ khác mọi người, vì họ nhìn thấy Thiên Chúa và để Chúa của họ đi vào chiếm ngự toàn bộ việc làm, toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ hành vi, toàn bộ đời sống, cả tâm hồn, cả thân xác của họ.

Họ yêu đời và họ yêu Chúa. Họ sống có lý tưởng. Chính Chúa là lý tưởng duy nhất của đời họ. Người Kitô hữu làm việc và hiến dâng lên Chúa tất cả để thánh hóa tất cả những gì thuộc về họ. Họ biết làm việc, làm hết sức lực, nhưng họ cũng biết từ bỏ mọi sự để mãi mãi họ thuộc về Chúa, và chỉ thuộc về Chúa mà thôi.

Vậy với những gì Lời Chúa dạy hôm nay, và với những gì vừa suy nghĩ, chúng ta hãy tự tra vấn lương tâm mình: Cái gì là điểm tựa của đời tôi, tiền của hay Thiên Chúa? Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của. Vậy chủ nào đang ngự trị trong tôi?

Điều cần phải tâm niệm và tâm niệm luôn luôn rằng: Chỉ có Chúa là hạnh phúc thật của đời tôi!

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Chia sẻ Bài này:

Related posts