Chúa Muốn Hiển Dung Khuôn Mặt Nào

Trên núi Tabor Đức Giêsu đã hiển dung trước mặt ba môn đệ được chọn lọc. Và khuôn mặt hiển dung của Ngài đậm nét ‘Cựu Ước’, lý do là vì các môn đệ đều là người Do Thái. Một Thiên Chúa của Cựu ước phải có dung mạo uy nghi sáng láng, thân thể Ngài phải tỏa chiếu hào quang. Và để nhấn mạnh nội dung Cựu Ước, cũng xuất hiện hai nhân vật tiêu biểu là Môsê và Êlia tới đàm đạo với Người. Tuy nhiên hình như dung mạo Cựu Ước đó không phải là điều thực sự Đức Giêsu muốn tỏ lộ, cho dầu các môn đệ vì là người Do Thái, dễ dàng ghi nhận và còn khăng khăng muốn duy trì. “Thưa thày, chúng con ở đây, thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều”.

Biến cố hiển dung được cả ba Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật với một số chi tiết khác biệt, nhưng xét về nội dung thì căn bản như nhau. Nội dung đó là: cuộc hiển dung trên đỉnh Tabor không phải là trọng tâm hay mục tiêu mà chỉ mang tính biểu tượng dùng để chuẩn bị. Hiển dung Tabor chỉ là tiền đề cho một cuộc hiển dung khác sẽ xảy ra sau này còn quan trọng hơn rất nhiều. Quả thực cả ba trình thuật đều xác định thời gian liên quan tới một lời công bố quan trọng: 06 ngày theo Mát-thêu và Máccô, hay khoảng 08 ngày theo Luca, ‘sau khi nói những lời ấy’. Lời công bố ấy mới chính xác là điều Đức Giêsu muốn bày tỏ, hay diện mạo Người muốn hiển dung: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Lời công bố không chuẩn bị các môn đệ cho sự kiện hiển dung Tabor, ngược lại là đàng khác, hiển dung Tabor giải thích ý nghĩa của lời công bố. Sự chết và phục sinh của Đức Giêsu mới chính là diện mạo, là vinh quang đích thực của Thiên Chúa, diện mạo và vinh quang mà sự sáng láng chói lọi bên ngoài chỉ là hình ảnh cho dễ hiểu. “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”. Cuộc xuất hành được đề cập tới đó, chính là cái ‘chết và phục sinh của Đức Giêsu’, cao điểm của lịch sử Thiên Chúa biểu lộ dung mạo đích thực của Ngài: một Thiên Chúa cứu độ, một Thiên Chúa xót thương con người tội lỗi. Đức Ki-tô đã từng gọi thập giá Canvê là giờ phút Người được tôn vinh: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Và không phải chỉ tôn vinh bản thân cứu độ của Người, mà còn tôn vinh chính Chúa Cha: “Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12,28).

Tuy nhiên hiển dung của lòng thương xót cứu độ mà Thiên Chúa biểu lộ qua thập giá và phục sinh của Đức Kitô Giêsu thì chỉ có con mắt đức tin mới chiêm ngắm được. Phêrô đã từng ngây ngất trước vinh quang của Tabor bao nhiêu, thì lại càng bị vấp phạm trước vinh quang của thập giá bấy nhiêu: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thày gặp phải chuyện ấy!” (Mt 17,22). Còn các môn đệ khác, thì cả khi Đức Giêsu tiên báo cuộc thương khó của Ngài tới lần thứ ba, “các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,31-34).

Như vậy, cho dầu Lời Chúa có trình bày quang cảnh hoành tráng của cuộc hiển dung trên đỉnh Tabor, Kitô hữu biết rõ mình không được dừng lại ở đó. Cặp mắt đức tin của họ phải hướng về đỉnh Canvê hơn là Tabor, vì nơi thập giá Đức Giêsu chết treo Thiên Chúa mới thật sự biểu lộ dung mạo đích thực của Người: một khuôn mặt đầy nhân ái cứu độ. Dừng lại mãi và dựng ba lều trên Tabor là một cám dỗ, nếu không nói là phản bội niềm tin đích thực. “Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mc 9,9)

Mùa Chay là thời gian để Kitô hữu chúng ta khám phá, chiêm ngắm và đi vào vinh quang đích thực của thập giá. Hiển dung Tabor không phải là đích đến, mà chỉ là bước đầu chập chững của niềm tin. Hội Thánh muốn dẫn mọi Kitô hữu đạt tới vinh quang của thập giá, chiêm ngưỡng dung mạo chói lọi của một Thiên Chúa đầy xót thương mà Cựu Ước đã không hề biết đến. Cuộc hành trình đức tin này bất cứ tín hữu nào cũng phải làm, bắt đầu từ Phêrô thủ lĩnh, cho tới tất cả các môn đệ của Đức Kitô, các tín hữu mọi thời đại, các linh mục và tu sĩ…, nói chung là hết mọi người. Và Mùa Chay là thánh vì là thời gian để chúng ta chuẩn bị tâm hồn và củng cố niềm tin để đón nhận và chiêm ngưỡng dung mạo chói lọi của Thập Giá, trên đó Thiên Chúa hiển thị tình yêu nhân ái cứu độ của Người. Sau Đức Giêsu chịu đóng dịnh, sẽ không còn một dung mạo nào khác mà Thiên Chúa muốn hiển thị. Ngay cả Đức Kitô phục sinh khải hoàn cũng vẫn chỉ là Đấng chịu đóng đinh, ‘Người cho các ông xem tay và cạnh sườn…(Ga 20,20) Crux est lux, chứ không phải per crucem ad lucem.

Lạy Chúa, trên thiên đàng con không mong được chiêm ngưỡng ‘thánh nhan vinh hiển’ Chúa. Dung nhan Chúa mà con mong được chiêm ngưỡng, bây giờ, trong giờ chết, và cho đến mãi muôn đời, là dung nhan của thập giá nói lên Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Tạ ơn Chúa, trong cái chết lâm sàn năm 2007, con đã không nhìn thấy ánh sáng chói lọi nào ngoài sự êm dịu của lòng từ nhân. Xin cho con bao lâu còn tiếp tục sống, như Phaolô, con không muốn biết tới bất cứ một đấng Kitô nào khác, ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh; không biết tới dung mạo của bất cứ Thiên Chúa nào khác, ngoài dung mạo của Thiên Chúa từ nhân cứu độ. Amen

 

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Chia sẻ Bài này:

Related posts