Mẹ Thiên Chúa

Anh Chị em thân mến,

Khi xa nhau, chúng ta hay đem hình của nhau ra xem. Cái truyền thống ở trại tỵ nạn là mỗi dịp lễ, ai cũng muốn chụp vài “pô” hình, gọi là để kỷ niệm. Chúng ta chụp hình gởi cho mẹ cha, cho bạn bè, cho người yêu. Hôm nay, mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, tôi sẽ không giảng, tôi muốn chúng ta cùng trở lại những tấm hình Mẹ Maria đã chụp năm xưa để chúng ta nhìn về những ngày ấy, khuôn mặt Mẹ thế nào.

Mẹ Maria có nhiều danh hiệu. Từ trong âm nhạc, thi hứng, văn chương, Mẹ được xưng tụng là bình minh. Mẹ như sao mai rạng. Mẹ như chính cửa thiên đàng. Danh hiệu nào của Mẹ cũng đẹp. Trong các danh hiệu của Mẹ, có một danh hiệu mà chúng ta mừng lễ hôm nay: Mẹ Thiên Chúa.

Với cảm hứng từ văn chương đã được kén chọn từ ý nghĩa sâu sắc của thần học, Mẹ có quá nhiều tên gọi. Tên của Mẹ như một vườn hoa mầu nhiệm rực rỡ các loại hoa. Giữa những lung linh rực rỡ ấy, tên gọi Mẹ Thiên Chúa, đối với tôi, là tên gọi mầu nhiệm nhất.

Thật ý nghĩa khi Giáo Hội đặt ngày kính Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm, ngày thứ nhất của một khởi đầu mới. Giáo Hội muốn đặt trong tay Mẹ Maria cái khởi đầu mới cho một chuỗi thời gian huyền nhiệm trong đời của mỗi người chúng ta.

Anh chị em thân mến, để thấy liên hệ giữa Mẹ và ơn cứu độ cho nhân loại, Anh chị em hãy lần rở những hình ảnh của Mẹ chúng ta trong cuốn album Phúc Âm.

1. Tấm ảnh Mẹ chụp ở Nazareth.

Hình ảnh đầu tiên Mẹ đem ơn cứu độ cho chúng ta là tấm ảnh thiên thần chụp cho Mẹ lúc Mẹ được Truyền Tin.

Lúc đó vào tháng Sáu. Sứ thần Grabiel được sai đến báo tin Cho Mẹ: “Hãy vui lên! Hỡi người đầy ơn Chúa”. Lúc ấy, Mẹ là một thiếu nữ mới lớn. Một thiếu nữ chỉ mơ về một chân trời bình dị là được gọi là nữ tỳ của Thiên Chúa thôi. Người thiếu nữ ấy không mơ một quân vương làm chồng. Maria giản đơn trong lối sống, đơn sơ trong mộng ước mai sau. Bất chợt, sứ thần làm Mẹ bàng hoàng. Mẹ băn khoăn hỏi: “Lời chào này có nghĩa gì đây?”

Maria, đừng sợ vì người đã được ơn sủng nơi Thiên Chúa. Nơi lòng dạ người sẽ thụ thai và sinh con trai, và người sẽ gọi tên Ngài là Yêsu (Lc. 1: 30-31).

Chúng ta hãy hình dung, làm sao Mẹ không bối rối, hoang mang. Chân trời của Mẹ là thế, một sáng dịu hiền bên khóm huệ trắng với lời kinh khiêm tốn, êm như một tơ trời. Mộng ước của Mẹ là thế, một chiều hoàng hôn êm ả, với lời kinh bé nhỏ thôi, chỉ xin được là nữ tì của Thiên Chúa. Trong âm thầm, trong im lặng, trong sương ngả chiều hôm, trong sáng mai hồng, chỉ là thế, mộng ước có bấy nhiêu. Giờ đây, như có tiếng nhạc rộn ràng của minh quân. Như khung trời miền quê Nazareth thôi êm ả, vang vang lời thông báo của vì vua quyền quý đi tìm Nữ Vương. Và Nữ Vương đó lại chính là Mẹ. Làm sao Mẹ không bàng hoàng trước tiếng nhạc, vó câu hối hả, điều mà Mẹ chẳng bao giờ ủ trong hồn giấc mơ.

Maria, đừng sợ, Thánh Thần sẽ đến trên cô, bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa. Vì với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể (Lc. 1 :35).

Anh chị em thân mến,
Cái làm tôi ngạc nhiên là Mẹ Maria tin ngay lời của sứ thần. Mẹ chỉ thưa một lời rất ngắn: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.” (Lc. 1: 26-38). Tại sao một thụ tạo mà dám nhận làm Mẹ Thiên Chúa? Tôi không hiểu nổi, và tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi niềm tin hun hút đó, nó là sự phó thác vô lượng của Mẹ, ngoài tầm trí tôi.

Và, từ giây phút ấy, Mẹ đem ơn cứu độ cho tôi. Giữa thân phận tôi, định mệnh tôi, ơn cứu độ tôi và Mẹ Maria là một liên hệ nhiệm mầu. Giây phút lịch sử uy hùng nhất đã đến với tôi: Thiên Chúa Nhập Thể.

Thế mà, tấm ảnh thiên thần chụp cho Mẹ gắn trong những trang đầu cuốn album của thánh Luca lại rất lặng lẽ. Một ngôi nhà nhỏ miền quê Nazareth. Căn nhà đơn sơ không có rèm cửa thêu hoa. Có thể thoang thoảng loài hương của một nhánh oliu. Có thể thoang thoảng loài hương của một cành huệ trắng. Lúc đó, nhà của Mẹ thanh thịnh làm sao, không có ai, một mình Mẹ thôi. Rất vắng. Rất lặng lẽ. Nhưng mà, vắng là vắng rất êm. Lặng lẽ là lặng lẽ rất thơ. Cái êm của duyên tình thánh. Cái thơ của ân lộc trời.

Tuy nhiên, cho dù có là thơ, có là mơ, chúng ta cũng vẫn phải để ý đến khía cạnh nổi bật của tấm hình Mẹ là: Mẹ thích lặng lẽ. Mẹ yêu âm thầm.

2. Tấm ảnh Mẹ chụp ở Cana.

Rồi đời Mẹ cứ âm thầm, cứ vắng. Cho đến một ngày, ngày Mẹ can thiệp vào biến cố tiệc cưới Cana. Cái vinh quang của Mẹ là Con Mẹ, cũng là Thiên Chúa đã làm phép lạ đầu tiên vì lời nói của Mẹ. Nhưng trong cái vinh quang đó, tấm hình Mẹ chụp cũng vẫn phảng phất cái âm thầm cố điệu thủa xưa ở Nazareth. Chân dung Mẹ vẫn là nét mầu cố điệu của một thiếu nữ miền quê yêu lặng lẽ. Phúc Âm Thánh Yoan chụp ảnh Mẹ như sau: “Bởi hết rượu nên Mẹ Ðức Yêsu mới nói với Ngài: Họ không còn rượu nữa” (Yn. 2: 3).

Vì lời nói của Mẹ mà tiệc cưới tiếp tục những đêm hoa đăng. Vì lời nói của Mẹ mà tiệc cưới tiếp tục vui. Ðó là cái vinh quang của một người có thể dùng lời nói mà thay đổi ơn cứu độ. Nhưng cái vinh quang đó không phải là vinh quang uy quyền. Lời nói của Mẹ không là lời nói biểu lộ quyền uy. Nơi Mẹ, lời nói với Chúa Kitô là lời kinh. Cái vinh quang của Mẹ nơi tiệc cưới Cana là lòng khiêm tốn thưa với Thiên Chúa đến từ lòng xót thương của Mẹ đối với đôi tân hôn. Cũng như vinh quang của Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa ở buổi Truyền Tin là do lòng khiêm hạ của Mẹ đến từ sự vâng lời.

Các gia nhân giúp việc biết rõ Mẹ Maria căn dặn họ như thế nào. Nhưng khi nước biến thành rượu xong, không thấy các gia nhân nói chuyện gì với Mẹ. Các môn đệ thấy vinh quang của Ðức Kitô thì tin vào Ngài, chúng ta cũng không thấy các môn đệ nói gì với Mẹ (Jn. 2: 11). Sau khi Mẹ Maria dặn các gia nhân xong, chúng ta thấy hình bóng Mẹ chìm liền.

Sự hiện diện của Mẹ có thể làm thay đổi một kỷ niệm buồn của ngày cưới, chữa lành vết thương tâm hồn vì thiếu ơn sủng. Trong cái vinh quang của Mẹ, chúng ta vẫn thấy hình ảnh nơi Mẹ là thế. Rất lặng lẽ. Rất âm thầm.

3. Tấm ảnh Mẹ chụp ở Golgotha

Xem lại những tấm hình cũ, đã hai lần tôi thấy Mẹ tham dự vào ơn cứu độ của Chúa cho nhân loại:

Tấm ảnh đầu đời của Mẹ ở Nazareth. Ảnh chụp lúc Mẹ đem ơn cứu độ cho nhân loại bằng lời xin vâng, nhận Chúa xuống trần. Nhưng nhìn vào nét ảnh chụp của Luca, trong biến cố Truyền Tin, đó chỉ là liên hệ giữa Mẹ và Chúa, ngoài ra không có nhân vật thứ ba.

Tấm ảnh thứ hai ở Cana chụp rõ nét hơn. Ảnh chụp sự hiện diện của Mẹ lúc Chúa bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng. Rõ nét ở chỗ là chính Mẹ đã can thiệp: “Họ hết rượu rồi” (Jn. 2:3). Mẹ là trung gian cho đôi tân hôn gặp ơn cứu độ của Chúa. Ở đây không chỉ là giữa Thiên Chúa và Mẹ như tấm ảnh chụp ở Nazareth mà là có nhân vật thứ ba.

Tấm ảnh cuối đời của Mẹ chụp ở núi sọ rất khác so với hai tấm kia. Trong tấm ảnh thứ ba này có cả chân dung của tôi nữa, rõ mồn một. Mẹ không còn chỉ là liên hệ mình Mẹ với Chúa như tấm hình thứ nhất. Mẹ không còn chỉ là trung gian giữa Chúa và nhân loại như ở tiệc cưới Cana nữa, nơi tấm hình thứ hai. Bây giờ, tôi là con của Mẹ. Tôi ở trong tay Mẹ. Này nhé, tấm ảnh ở chân thánh giá là đây:

Ðức Yêsu nói với Mẹ: “Hỡi bà, này là con bà.” Ðoạn lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con.” Và từ giờ đó, môn đệ đã nhận lấy bà về nhà mình” (Jn. 19: 26-27).

Nhìn kỹ trong tấm hình Mẹ chụp bên đồi tử nạn, tôi thấy cái rực đỏ u ẩn trong hồn Mẹ. Cái bão tố quằn quại mang mầu tím thẫm của một người Mẹ thấy con mình chết. Cát bụi bên một chiều đổ nắng. Maria đứng đó. Tôi thấy ở nơi Mẹ, vẫn là một kỳ diệu nhiệm mầu. Mẹ mệt mỏi trong thân xác của một con người, nhưng Mẹ không xé nỗi đau thành lời. Mẹ vẫn là im lặng thôi. Ở nơi Mẹ, vẫn là cái cố điệu âm thầm của ngày Mẹ được Truyền Tin. Cái đau đớn trong bình an. Cái rực rỡ của niềm tin trong cơn bão bùng. Cái sóng đổ trong bình thản, vì: Lòng Mẹ có Chúa.

Giữa đất trời mênh mông, ơn cứu độ đã hoàn tất, ngày rung động đất trời. Nhưng chẳng ai hiểu cả, mình Mẹ thôi. Cũng như ngày Truyền Tin, ngày mà vũ trụ xôn xao, ngày mà tinh tú ngỡ ngàng hoang mang, vẫn chỉ mình Mẹ hiểu thôi. Bên đồi thánh giá, Mẹ thầm lặng, nhưng là cái thầm lặng uy hùng như kẻ đi giữa mặt trời, giang tay ngửa đời đón cả nhân loại vào vòng tay: “Này là con bà.” Chiều tâm tư ấy, đau thương, nhưng trái tim Mẹ như bình minh rực rỡ cao sang của người chỉ một mình hiểu rõ thế nào là ân điển.

Tuy nhiên, cho dù có là uy hùng, có là cao sang, chúng ta cũng vẫn phải để ý đến khía cạnh nổi bật của tấm hình Mẹ, dưới chân thánh giá, Mẹ vẫn luôn luôn là: Rất lặng lẽ. Âm thầm.

* * *

Và từ giờ đó….
Thưa Mẹ, Ở tấm ảnh thứ ba này, nó lung linh kỳ diệu làm sao. Thánh Yoan nói rằng “từ giờ đó môn đệ nhận lấy bà về nhà mình.” Ở lúc trước, Mẹ là trung gian cho con và Chúa. Nhưng bây giờ, lúc Chúa chết trên thập tự. Lúc Ngài sắp xa con, Ngài kéo mọi sự lên cùng Ngài. Con là con Mẹ, Mẹ là Mẹ con và Chúa Kitô là Anh em con. Tất cả quấn quýt trong hồn Mẹ bao la. Bởi thế, hôm nay, khi chúng con mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng con có thể sửa tên ngày lễ, thêm vào là Lễ Mẹ Thiên Chúa, cũng là lễ Mẹ của con.

Thưa Mẹ,
Vâng, con hiểu, từ giờ đó, giờ mà Chúa trối lại chúng con là con Mẹ, thì nơi nào con ra đi Mẹ cũng đi với con. Những chiều dài bóng đổ bên đời lữ hành. Những thao thức cho một quãng đời vô định. Những khổ đau của tháng ngày cháy nắng. Những tâm tư khắc khoải của mảnh đời tỵ nạn. Vâng, từ giờ đó, Mẹ ở bên con. Và con hiểu, Mẹ sẽ mãi mãi ở bên con.

* * *

Anh Chị em thân mến,

Trong thánh lễ này tôi chỉ trình bày những tấm ảnh Mẹ chụp qua diễn tiến theo thời gian, từ Truyền Tin đến Ðồi Tử Nạn, để Anh Chị em thấy mầu sắc đã từ từ, đậm nét như thế nào. Chân dung Mẹ trong tình mẫu tử săn sóc chúng ta đã đi từ xa xa như thuỷ triều nhẹ nhàng trong ngày Truyền Tin, đến dâng cao sóng đổ khi cuối đời tử nạn.

Chớ gì chúng ta hãy suy niệm tấm ảnh Mẹ chụp sau khi Chúa về trời, với Thánh Thần Chúa hiện xuống, Mẹ ở giữa các môn đệ tiên khởi để chúng ta thấy mầu sắc ảnh Mẹ còn rực rỡ như thế nào giữa lòng Giáo Hội, trong chương trình Mẹ đem ơn cứu độ cho chúng ta.

Niềm tin và lòng sốt mến của người Công Giáo đối với Mẹ Maria không phải là một lòng sốt mến dựa trên cảm xúc. Nhìn vào những tấm hình Mẹ chụp ở Nazareth, ở Cana, ở Golgotha, chúng ta thấy rõ niềm tin và lòng sốt mến này như một dòng suối thơm ngát hương Kinh Thánh. Bởi đến từ Kinh Thánh, vì thế lòng cậy trông đối với Mẹ và sự chở che của Mẹ đối với các con của Mẹ sẽ chảy dài trong Giáo Hội như một nền thần học căn bản, vĩnh cửu.

Lm. Nguyễn Tầm Thường

Chia sẻ Bài này:

Related posts