NIỀM VUI ĐƯỢC ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ CHIẾU RỌI

Bài Tin Mừng hôm nay không nói về Chúa Giêsu nhưng nói về Gioan Tẩy Giả: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1: 6). Thánh Gioan, tác giả sách Tin mừng thứ tư, nói Gioan Tẩy Giả làm chứng về ánh sáng: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1: 7-8). Gioan Tẩy Giả không phải là ánh sáng. Vai trò của ông là chuẩn bị cho dân chúng đón Chúa Giêsu đến, để khi Ngài đến, họ sẽ nhận ra Ngài là ánh sáng thật và tin vào Ngài: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1: 9).

Trong câu chuyện, Thánh sử Gioan đề cập đến “một số tư tế và mấy thầy Lêvi” (Ga 1:19). Thực ra họ là một phái đoàn được giới lãnh đạo Do Thái, chủ yếu ở Giêrusalem, chính thức gửi đến gặp Chúa Giêsu. Các tư tế và nhất là các thầy Lêvi có nhiều trách nhiệm liên quan đến đền thờ Giêrusalem, bao gồm cả vai trò giữ gìn lề luật và trật tự. Giới lãnh đạo Do Thái rõ ràng lo ngại về lời chứng và hoạt động của Gioan Tẩy Giả, đặc biệt khi các việc đó diễn ra ngoài sự kiểm soát của họ. Họ tự coi mình là những người kiểm soát việc thực thi lề luật ở Israel và không bằng lòng với hoạt động của Gioan Tẩy Giả. Câu hỏi của họ: Ông là ai? nghĩa là: Ông có quyền gì mà làm như vậy?

Họ liên tục đặt ra cho Gioan Tẩy Giả rất nhiều câu hỏi. Họ đặt ra trước hết ba câu hỏi: “Ông là ai?” (Ga 1: 19). “Ông có phải là ông Êlia không? …Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” (Ga 1: 21). Gioan Tẩy Giả trả lời cho ba câu hỏi đầu tiên này một cách dứt khoát: “Không phải” (Ga 1: 20-21). Họ liền tiếp tục hỏi ông hai câu nữa: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” (Ga 1:22). Gioan Tẩy Giả trả lời bằng cách trích dẫn một câu của tiên tri Isaia: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói” (Ga 1:23). Ông nói rằng ông chỉ là “tiếng người hô” báo trước sự xuất hiện của Chúa.

Nhưng những người Do Thái không để Gioan Tẩy Giả yên. Họ tiếp tục tấn công ông bằng câu hỏi thứ sáu: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” (Ga 1:25). Cuối cùng, Gioan Tẩy Giả nói rõ ràng và đơn giản với mọi người rằng vai trò của ông là dọn đường cho Chúa Giêsu: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1: 26). Thậm chí ông còn khẳng định với họ rằng: “Ngài sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Ga 1:27).  

Những người đặt câu hỏi với Gioan Tẩy Giả đều muốn biết về Đấng Mêsia. Họ muốn những câu hỏi của mình được Gioan Tẩy Giả giải đáp. Họ muốn biết điều gì sẽ đến. Ai sẽ đến. Dân Do Thái đã chờ đợi Đấng Mêsia trong nhiều thế kỷ! Không còn một vị ngôn sứ nào xuất hiện hơn 400 năm nay, kể từ ngôn sứ cuối cùng là Malakia, người đã loan báo: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Malakia 3: 23-24). Những câu hỏi của giới lãnh đạo Do Thái ẩn chứa một số kỳ vọng đang lan truyền trong bầu không khí đầy biến động vào thời điểm đó. Những câu hỏi ấy cho thấy một bầu không khí trông đợi đầy bồn chồn, nhạy cảm, thậm chí có thể kích hoạt một cuộc trấn áp do đội quân Rôma triển khai. Giới lãnh đạo Do Thái không muốn rơi vào bất cứ tình thế bất ngờ nào do sự xuất hiện một Đấng Mêsia mà dân chúng vẫn mong đợi sẽ phất cờ chống lại ách cai trị của quân Rôma. Chính trong trong bầu không khí đó Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Vì thế, người Do Thái bắt đầu tự hỏi phải chăng Đấng Mêsia sắp đến rồi! Họ nhìn vào Gioan Tẩy Giả như muốn ông xác định chính ông là ngôn sứ Êlia mà Malakia đã loan báo sẽ đến, và nhờ đó khẳng định niềm hy vọng của họ rằng Đấng Cứu Thế sắp đến. Thậm chí những người Do thái hình như ít nhiều cho rằng Gioan Tẩy Giả có vẻ như là Đấng Mêsia. Chính vì thế mà ông “tuyên bố thẳng thắn” ngay trong câu trả lời đầu tiên của ông rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô” (Ga 1:20).

Những câu hỏi chúng ta dành cho Chúa Giêsu là gì? Chúng ta có nóng lòng chờ đợi Chúa Giêsu đến không? Chúng ta có tự hỏi đâu là mục đích Ngài đến trong thế giới này: chính trị, quân sự, kinh tế…? Chúng ta có nhận ra những phương cách Ngài đến với chúng ta mỗi ngày không? Chúa Kitô có thể xuất hiện bằng những phương cách đáng ngạc nhiên! Chúng ta có mở mắt và mở lòng mình ra để thấy Chúa Giêsu xuất hiện hôm nay trong cuộc đời mình không?

Vai trò của Gioan Tẩy Giả.

Sách Tin mừng thứ tư nói rất ít về hoạt động rửa tội của Gioan Tẩy Giả, thậm chí không nói rõ liệu ông có làm phép rửa cho Chúa Giêsu hay không, mặc dù có nói về việc Gioan Tẩy Giả chứng kiến Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu (Ga 1: 32-33). Sách Tin mừng thứ tư không xác định Gioan Tẩy Giả là “người làm phép rửa”, cũng không đề cập đến việc Gioan Tẩy Giả kêu gọi ăn năn hoặc thú tội, như trong các câu chuyện của Mátthêu, Máccô và Luca. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng rộng lớn của ông, hẳn nhiên người ta đặt câu hỏi: Gioan Tẩy Giả là ai? Ông có mối tương quan gì với Đấng Mêsia – Đấng Kitô ? 

Câu chuyện Tin Mừng gợi ý rằng chính Chúa Giêsu, chứ không phải Gioan Tẩy Giả, là người sẽ hoàn thành vai trò giải cứu dân tộc, nhưng không giống như Môsê: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1: 26-27), vì chỉ: “Hôm sau, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Ngài là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:29-30).

Do đó,trình thuật cho thấy một Gioan không hề kiêu ngạo, dù chỉ một chút tự hào chính đáng, về sứ mạng Tiền Hô của mình. Trái lại, ông tìm cách nhấn mạnh sự tầm thường của mình trong mối tương quan với Chúa Giêsu. Ông tự nhận mình chỉ là một tiếng người hô trong hoang địa, một người giới thiệu: “Ngài sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Ga 1: 36). Đây là lời chứng công khai đầu tiên của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu. Chỉ hai ngày sau, chính ông lên tiếng chỉ cho các môn đệ của ông biết Chúa Giêsu là ai, và để cho họ đi theo Chúa Giêsu: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu” (Ga 1: 37). Đây là sứ mạng của riêng ông: “làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1:7). Ông tập trung thi hành sứ mạng của mình, không quan tâm đến việc gì khác, ngay cả bản thân mình; đối với ông, Đấng đến sau ông mà ông không đáng cởi quai dép cho Ngài mới thực sự quan trọng, vì Ngài là: “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, Chiên Thiên Chúa” (Ga 1: 34,36).

Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả không phải là trở nên vĩ đại mà là nhường chỗ cho một Đấng vĩ đại hơn rồi từ chức. Có lẽ nhiều người trong chúng ta không đánh giá cao sự khiêm tốn cần phải có để sống một cuộc sống hết lòng vì Chúa Kitô như vậy. Có bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng làm điều đó? Chắc chắn là chúng ta không nhiệt tình lắm. Chúng ta có xu hướng mong muốn bản thân mình thành người vĩ đại, vinh quang. Nhưng nếu muốn thành công trong vai trò môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta phải học cách đặt người khác, đặc biệt là Thiên Chúa, lên trên chính mình. Có thể không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nếu nhìn vào câu chuyện của Thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta có thể học được cách khiêm nhường phục vụ vinh quang Thiên Chúa.

Tập trung vào Chúa Kitô

Như Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội muốn chúng ta tập trung sự chú ý vào Chúa Giêsu trong Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng này. Chúa Giêsu là Ánh sáng thế gian đã hiện diện giữa chúng ta. Ánh sáng của Chúa Kitô có thể hướng dẫn chúng ta khi chúng ta đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Chúng ta vui mừng vì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ngài đem muôn vàn hồng ân đến cho chúng ta, như ngôn sứ Isaia, trong bài đọc thứ nhất, công bố một năm hồng ân của Chúa và sứ điệp chữa lành cho dân Israel: “Thần khí của Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Ngài sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61: 1-2). Isaia vui mừng trước hồng ân cứu độ mà ông nhìn thấy đang đâm chồi nẩy lộc, sinh mầm, mang lại niềm hy vọng cho tất cả những ai đang chờ đợi đức công chính ngự trị: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!…Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61: 10-11).

Giáo Hội, như ngôn sứ Isaia, mời gọi chúng ta vui lên vì chúng ta có được đức tin vào Chúa Giêsu. Đức tin ấy giải thoát chúng ta khỏi những khắc khoải về kiếp người mù mịt phương hướng, một tương lai mơ hồ bất định không biết đi về đâu, mà kết cục chỉ là tiêu vong, hư không, phi lý, không còn biết mục đích của cuộc sống hối hả điên cuồng của mình là gì. Sự giải thoát ấy đem lại cho chúng ta niềm vui, sự bình an trong Chúa Giêsu, ngay cả khi mọi thứ trở nên hỗn loạn, như Thánh Phaolô khuyên bảo trong bài đọc thứ hai: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Kitô Giêsu” (1 Tx 5: 6-18).

Trong Mùa Vọng này, chúng ta có cầu nguyện để niềm vui của Chúa được thể hiện rõ ràng trong trái tim và ngôi nhà của chúng ta không? Xin Thánh Thần biến đổi Mùa Vọng này của chúng ta thành thời gian thánh thiện và vui mừng chờ đón sự xuất hiện của vị vua của chúng ta, “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts