HÃY CHỌN CHÚA KITÔ VÀ BƯỚC ĐI THEO NGÀI

Chỉ vài câu trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan chỉ ra cho chúng ta ba danh hiệu chính của Chúa Kitô, mỗi danh hiệu khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta lòng khát khao được Ngài thanh tẩy mọi tội lỗi, được cứu độ và bước theo Ngài để nên giống Ngài với lòng biết ơn, ngợi khen và tôn thờ.

 

  1. Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa.

Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:35-36). Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa vì ông nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng Thánh và cao vời, đến nỗi ông tự thấy mình không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài.   

Dân Israel bắt đầu công cuộc giải phóng của mình bằng việc bôi máu con chiên lên khung cửa của mỗi ngôi nhà: “Ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con… Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi… đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên” (Xh 12: 3,5-7). Mạng sống của tất cả các con đầu lòng của Ai Cập sẽ bị Thần chết cướp đi, nhưng lại bỏ qua những ngôi nhà có vết máu chiên con trên cửa: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai cập: vì Ta là Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai cập” (Xh 12: 12-14). Điểm then chốt trong lịch sử thờ phượng Thiên Chúa của dân Do Thái có thể được tóm gọn trong câu hỏi của Isaác thưa với cha mình: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” và câu trả lời của Abraham:  “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ” (Stk 22:6-8). 

Mỗi ngày các thầy tư tế trong đền thờ Giêrusalem dâng một con chiên vào buổi sáng và một con vào buổi tối: “Đây là những gì ngươi sẽ dâng trên bàn thờ: hai con chiên một tuổi…Ngươi sẽ dâng một con lúc sáng, còn con thứ hai thì dâng vào lúc chập tối” (Xh29:38-39). Trong hàng trăm năm, người Do Thái mang các con chiên đến đền thờ làm của lễ chuộc tội, nhưng không có con chiên trần gian nào có thể xóa đi mọi tội lỗi của họ. Tất cả những con chiên hiến tế trong Cựu Ước đều là hình ảnh báo trước và hướng đến một Con Chiên đích thực có thể giải thoát trọn vẹn kiếp phàm nhân nô lệ tội lỗi, không chỉ dành riêng cho dân Israel mà còn cho cả toàn thể mọi dân nước trên trần gian. Đối với các Kitô hữu, Con Chiên đích thực này chính là Chúa Giêsu Kitô, một hy tế vô cùng lớn lao. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã làm nên hy lễ hoàn hảo mà Gioan đã công bố: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1:29). 

Tôi có tin rằng Chúa Giêsu Kitô đúng thật là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội cho tôi không? Tôi có muốn thân xác, tâm trí và linh hồn tôi hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô như của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha để, như Thánh Phaolô diễn tả trong bài đọc thứ hai, trở nên “một tinh thần với Chúa… là Đền Thờ của Thánh Thần” không? Hay tôi còn để cho thân xác, tâm hồn mình trở thành tế phẩm cho một thứ “bò vàng” mà tôi tự tạo ra cho chính mình, từ những ảo tưởng lóng lánh về thành công, quyền bính và tiền bạc, để che dấu đi những bất an trong sâu xa cõi lòng?

 

  1. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia.

Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia – nghĩa là Đấng Kitô” (Ga 1:40-41). 

Chữ Mêsia trong tiếng Do thái là מָשִׁיַח, sau này được dịch sang tiếng Hy Lạp là Χριστός – Christos, sau nữa được dịch sang tiếng La tinh là Christus, sang tiếng Bồ Đào Nha là Cristo. Khi các nhà truyền giáo đầu tiên sang giảng đạo tại nước ta, vốn là các linh mục dòng Tên gốc Bồ Đào Nha, các ngài phiên âm Cristo thành Kirixitô, dần dần về sau âm Kirixitô được rút gọn thành Kitô. Như thế Đấng Mêsia là Đấng Kitô

Đấng Mêsia hay Đấng Kitô có nghĩa là “người được xức dầu” được dùng để chỉ các tư tế, các ngôn sứ được xức dầu. Từ này còn được dùng để chỉ các vua Saulô và Đavít vốn là những “người được Chúa xức dầu”. Việc sử dụng từ “được Chúa xức dầu” là do quan niệm của người Israel về quyền bất khả xâm phạm của các vị vua, của các tư tế, các ngôn sứ vì tin rằng các vị này được ban Thần Khí của Đức Chúa (1 Samuel 24:26; 2 Samuel 1:14, 16). Đấng Mêsia – Đấng Kitô chỉ người được Thiên Chúa kêu gọi cách đặc biệt cho việc thánh của Thiên Chúa. Từ “Đấng Kitô” trở thành một phần của tên Chúa Giêsu, đầy đủ là “Chúa Giêsu Kitô” (Mátthêu 16:20; Ga 20:21). Từ “Đấng Kitô” luôn được người khác dùng để chỉ Chúa Giêsu chứ chính Chúa Giêsu không dùng từ này để chỉ chính mình, trừ một lần trong Mátthêu 16:20 khi Chúa Giêsu “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô” và một lần khi Ngài xác nhận với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự. Chúa Giêsu nói: Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4: 25-26).   

Nhưng nếu Chúa Giêsu là Đấng Mêsia thì ai đã xức dầu cho Ngài, khi nào và ở đâu? Chính Thiên Chúa đã xức dầu cho Ngài, nhưng không phải bằng dầu mà bằng Thánh Thần từ Thiên Chúa Cha: “Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài” (Mt 3:16). Vì vậy, chính Thánh Thần từ Chúa Cha đã xức dầu cho Chúa Giêsu làm Đấng Mêsia – Đấng Kitô khi Ngài chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. 

Chúa Giêsu đã được xức dầu để làm Đấng Cứu Độ trần gian, thi ân giáng phúc, chữa lành mọi kẻ đau bệnh tật nguyền, xua trừ ma quỷ, như Thánh Phêrô lên tiếng trong sách Công vụ Tông đồ: “Quý vị biết rõ: Chúa Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài” (10:38). 

Chúng ta thường nghe các lời nguyện kết thúc bằng cụm từ “nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con” trong nhà thờ, trong các buổi cử hành phụng vụ cộng đoàn. Có bao giờ tôi cầu nguyện riêng tư với Chúa và kêu cầu Danh Chúa Giêsu Kitô – Đấng Cứu Độ – chưa, nhất là với một nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của Danh xưng Đấng Cứu Độ này như Thánh Phaolô nói: “Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Chúa Kitô” (1 Cr 2:16)?

 

  1. Chúa Giêsu là Thầy.

Chúa Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rabbi – thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1: 38). 

Rabbi có nghĩa đen là “vĩ nhân, đại sư phụ”, vì rabbi là một “Luật sĩ Do Thái giáo” với bằng Tiến sĩ về Lề luật Môsê. Ở cấp độ cơ bản nhất, một rabbi Do Thái là người đã nghiên cứu đầy đủ Kinh Torah, cuốn sách linh thiêng nhất trong đạo Do Thái, bao gồm 5 sách của Môsê còn gọi là Ngũ Kinh Môsê, để giảng dạy và đưa ra phán quyết về các vấn đề của lề luật Môsê. Ở mức độ sâu hơn, một rabbi Do Thái, nhờ nỗ lực và sự uyên bác về Kinh Torah, có khả năng phân tích các sự kiện và tác động của chúng một cách khách quan nhất. Nói cách khác, rabbi là người của Sự thật. Khả năng này đã khiến các rabbi Do Thái trở thành những người lãnh đạo cộng đồng Do Thái giáo. Họ là những Vị Thầy mà người Do Thái giáo tìm đến hỏi han trong mọi lĩnh vực kinh nghiệm của con người, ngay cả những lĩnh vực không liên quan gì đến luật Torah. 

Thánh Mátthêu trong chương 19 kể khá nhiều trường hợp không chỉ các môn đệ của Chúa Giêsu mà cả các người Pharisêu, rồi đến một người thanh niên có nhiều của cải, và cả một người không nêu tên, đều gọi Chúa Giêsu là Rabbi khi đến hỏi han Ngài nhiều điều, bằng cách ngỏ lời: “Thưa Thầy…” và chính Chúa Giêsu cũng xưng nhận mình: “Thầy bảo thật anh em… Thầy còn nói cho anh em biết…” Chúa Giêsu còn đưa ra lời tuyên bố rõ ràng và độc quyền về danh hiệu Rabbi này, khẳng định rằng Ngài là Vị Thầy, vị lãnh đạo duy nhất, và yêu cầu những người theo Ngài coi nhau là anh em và phục vụ nhau: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rabbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhauAnh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạolà Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23:8-11). Thánh Gioan cũng cho thấy Chúa Giêsu nói: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13:13). 

Ngay trong đoạn văn này, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu tuyên bố đổi tên ông Simon: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (Ga 1: 42). Theo truyền thống của người Do Thái, chỉ có Chúa mới đặt tên mới cho con người, và Ngài chỉ làm như vậy khi giao cho họ một vai trò nổi bật trong kế hoạch cứu rỗi của Ngài và kết nối họ một cách đặc biệt với lời hứa trong giao ước của Ngài. Việc Chúa Kitô thực thi quyền lực như vậy trong lần gặp gỡ đầu tiên với Simon cho thấy Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Chúa Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ, nhưng Ngài cũng là Vị Thầy, một Vị Thầy không như bất cứ rabbi nào khác. 

Niềm vui lớn nhất của chúng ta là lắng nghe và học hỏi từ Chúa Giêsu Kitô, Vị Thầy do Thiên Chúa gửi đến. Tôi có yêu thích lắng nghe, học hỏi Lời và cung cách sống của Thầy Giêsu cao quý này không, hay tôi vẫn còn thích nghe và bắt chước bao nhiêu thứ mạng thông tin, vốn là “bậc thầy” cổ xúy cho cách nghĩ và cách sống vô tín, vô thần, vô luân, dẫn dắt tôi đến lối sống hời hợt bên ngoài, thực dụng duy vật, chỉ nhằm thỏa mãn bản năng thể xác…không thể giúp tôi nên giống như Samuel trong bài đọc thứ nhất: “Samuel lớn lên. Chúa ở với ông và không để cho một lời nào của Ngài ra vô hiệu” (1 Sm 3:19).

 

  1. Lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô dành cho mọi người

Mặc dù các tước hiệu của Chúa Kitô nói lên sự cao cả của Ngài, nhưng cách cư xử của Ngài trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Gioan và Anrê cho thấy sự đơn sơ và khiêm nhường của Ngài. Ngài đi ngang qua nơi Gioan Tẩy Giả đang làm phép rửa, không một lời nói hay một hành động ấn tượng nào. Khi Gioan và Anrê quyết định theo Ngài, Ngài quay lại chào đón họ, dẫn họ vào một cuộc trò chuyện và mời họ đến và dành thời gian ở với Ngài: “Ngài bảo họ: Đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy” Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Đây là cách Chúa Giêsu hành động, cách Ngài kêu gọi chúng ta, một cách nhẹ nhàng, bất ngờ, thân tình riêng tư. Thời của Môsê với đỉnh núi Sinai bừng bừng lửa cháy đã qua rồi; kỷ nguyên của tình bạn tốt lành và thân thiết với Thiên Chúa vĩnh cửu đã bắt đầu.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts