CON ĐƯỜNG CHÚA GIÊSU ĐI

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ là trình thuật về một việc xảy ra trên con đường Chúa Giêsu đi từ Galilê đến Giêrusalem, vốn là một đoạn dài mô tả cuộc hành trình đến Giêrusalem trong mười chương, chiếm một phần ba Tin Mừng Thánh Luca, từ chương 9 câu 51 đến chương 19 câu 28.

  • Luca 13:22: Đây là cuộc hành trình hướng về Giêrusalem: “Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.”

Đã hơn một lần Luca đề cập và liên tục nhắc lại rằng Chúa Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem:

  • Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem…Nhưng dân làng không đón tiếp Ngài, vì Ngài đang đi về hướng Giêrusalem… Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Ngài rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Lc 9: 51,53,57) ;
  • Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Ngài sẽ đến… Trong khi thầy trò đi đường, Chúa Giêsu vào làng kia” (Lc 10: 1,38);
  • Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy”  (Lc 14:25);
  • Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê” (Lc 17:11);
  • Chúa Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất” (Lc 18:31);
  • Khi Chúa Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó” (Lc 18: 35-37);
  • Sau khi vào Giêrikhô, Chúa Giêsu đi ngang qua thành phố ấy… Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Chúa Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn, vì Ngài đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi… Nói những lời ấy xong, Chúa Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem” (Lc 19: 1,11,28).

Điều rõ ràng và dứt khoát ngay từ đầu chính là nơi kết thúc của cuộc hành trình và cũng là nơi kết thúc số phận của Chúa Giêsu: Giêrusalem, thủ đô nơi Chúa Giêsu chịu cuộc Khổ nạn và chịu chết: “Ngài còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy… Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9:22, 44,50).

Nhưng Luca hiếm khi nói cho chúng ta biết về những nơi mà Chúa Giêsu đã đi qua. Ông chỉ nói điều này khi

  • bắt đầu cuộc hành trình: “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9:51),
  • ở giữa cuộc hành trình: “Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê” (Lc 17:11)
  • và khi kết thúc cuộc hành trình: “Chúa Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất” (Lc 18:35) và “Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi” (Lc 19: 11).

Nhờ đó chúng ta biết đôi điều về những nơi mà Chúa Giêsu đã đi qua. Bằng cách này, Luca gợi ý lời dạy sau đây: mục tiêu của cuộc đời chúng ta phải rõ ràng, và chúng ta cần phải chấp nhận mục tiêu đó một cách dứt khoát như Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta phải bước đi; chúng ta không thể dừng lại. Dù những nơi mà chúng ta phải đi qua không phải lúc nào cũng rõ ràng và dứt khoát như vậy, nhưng điều chắc chắn phải là mục tiêu: Giêrusalem, nơi “cuộc xuất hành”, cuộc Khổ nạn, Cái chết và Sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đang chờ đợi chúng ta: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9:31).

  • Luca 13:23: Câu hỏi liên quan đến số người được cứu. Dọc đường, mọi chuyện xảy ra: thông tin về vụ thảm sát và các thảm họa (Lc 13: 1-5), dụ ngôn (Lc 13: 6-9, 18-21), các cuộc thảo luận (Lc 13: 10-13) và , trong bài Tin Mừng hôm nay, một câu hỏi của dân chúng: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Luôn luôn là một câu hỏi liên quan đến sự cứu độ! Đây là một câu hỏi đáng sợ. Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi trực tiếp. Thay vào đó, Ngài đưa ra một số lời khuyên. Có vẻ như Chúa Giêsu đang né tránh câu hỏi, như thể câu trả lời sẽ khiến người nghe nản lòng. Thay vào đó, Ngài cố gắng động viên, nhưng đồng thời nhấn mạnh khó khăn của thành công. Ngài nói, hãy cố gắng vào bằng cửa hẹp. Cố gắng là từ then chốt, vì rõ ràng cánh cổng quá hẹp. Nhiều người sẽ cố gắng vào và thất bại, vì khả năng thất bại là rất thực tế. Ai sẽ thất bại? Có thể là, những người không coi trọng Ngài; những người không đủ cố gắng; những người yêu điều gì đó nơi trần thế này, gắn bó với sự ấy hơn yêu và gắn bó với Chúa Giêsu. Như thế, có thể rất nhiều người sẽ thất bại.
  • Luca 13: 24-25: Cửa hẹp. Chúa Giêsu nói rằng cửa hẹp: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! , thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến! ”. Phải chăng Chúa Giêsu nói điều này để làm chúng ta sợ hãi và buộc chúng ta tuân theo Lề luật như những người Pharisêu đã dạy sao? Cửa hẹp này báo hiệu điều gì? Ngài đang nói về cánh cửa nào?

Nhiều người Israel vào thời Chúa Giêsu cho rằng chỉ cần là người Israel và tuân theo Lề luật là đủ. Và vì vậy trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo họ đừng coi sự cứu độ của mình là điều hiển nhiên. Là một người Israel hoặc chỉ đơn giản tuân theo lề luật là không đủ.

Theo Chúa Giêsu, để được cứu độ, một người phải cố gắng thao luyện vất vả để trở nên thánh thiện. Thay đổi tính cách, lối sống buông thả phóng túng không bao giờ là việc dễ dàng. Thật vất vả vì chúng ta phải thay đổi cõi lòng của chúng ta. Không dễ dàng để buông bỏ ý chí của chúng ta, không dễ dàng để buông bỏ những ham muốn của chúng ta và những dự định của chúng ta. Để nên thánh, phải liên tục thuần phục ý chí của chúng ta theo ý muốn của Thiên Chúa, kế hoạch của chúng ta theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Những việc “đạo đức” “tuân giữ lề luật” của Chúa và Giáo hội là rất cần thiết. Nhưng trong tất cả nếu không có tình yêu thương và cõi lòng hoán cải thì tất cả việc thực hành tôn giáo trên trần thế không có giá trị gì. Những gì giúp chúng ta hiểu ra ý Chúa, tuân theo ý Ngài và yêu mến Ngài là rất quan trọng.

  • Luca 13: 26-28: Chỉ những ai thuộc một trong những người được đề cập trong Các Mối Phúc mới được vào Nước Thiên Đàng. Đây là cửa hẹp. Đây là cái nhìn mới về ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã truyền đạt cho chúng ta. Không có cửa nào khác! Đó là một câu hỏi về sự hoán cải mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta. Và Ngài khẳng định: “Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính! “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài nghĩ đến giờ phút phán xét, để nhận ra rằng chính bây giờ là thời điểm thuận lợi để hoán cải, để thay đổi quan điểm của chúng ta về ơn cứu độ để “được ở trong Nước Thiên Chúa” mà không  “bị đuổi ra ngoài.” Chúa Giêsu cảnh báo nhiều người nghĩ rằng họ đã làm đủ rồi nhưng rốt cuộc họ sẽ ngạc nhiên khi thấy họ đã không làm đủ. Họ nghĩ rằng danh xưng Kitô hữu và lối sống đạo thành thói quen của họ là đủ vững chắc. Họ sẽ nói với Chúa Giêsu rằng họ đã ăn và uống với Ngài, rằng họ đã đi lễ vào mỗi Chúa nhật. Họ đã bao nhiêu lần ở trong nhà thờ và tham gia lớp học giáo lý, nghe các linh mục của Chúa Giêsu giảng trên các tòa giảng, họ đã đóng góp bao nhiêu tiền bạc và của cải cho các lần quyên góp của giáo xứ, giáo phận…, nhưng tất cả các điều đó là chưa đủ!

Chúa Giêsu đang cảnh báo tôi rằng việc tôi cảm thấy mình đã làm đủ cho Ngài không có nghĩa là tôi sẽ được ở trong số người được cứu độ. Tôi cần phải làm theo ý muốn của Chúa Giêsu với sự chân thành và trung thực nhất có thể, làm theo ý muốn của Ngài chứ không phải như mong muốn của riêng tôi. Đây là một sự hiểu lầm bi thảm vì thiếu sự hoán cải trọn vẹn. Chúa Giêsu coi những người cho mình là có công phúc và đạo đức, vì: “từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” là “tất cả những quân làm điều bất chính!” Đây là một cách nhìn nhận hoàn toàn mới về ơn cứu độ của chúng ta. Cửa hẹp thật!

  • Luca 13: 29-30: Chìa khóa giải thích sự hiểu lầm. “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” Đó là sự thay đổi lớn lao xảy ra khi Thiên Chúa ngự xuống với chúng ta trong Chúa Giêsu. Tất cả mọi người sẽ có quyền tiếp cận và sẽ đi qua cửa hẹp.

Người ta có thể nghĩ đến Bài giảng trên núi, trong đó Chúa Giêsu gợi ý rằng Nước Trời có tám cửa. Đó là tám loại người trong các Mối Phúc:

  1. ai có tâm hồn nghèo khó”,
  2. ai hiền lành”,
  3. ai sầu khổ”,
  4. ai khát khao nên người công chính”,
  5. ai xót thương người”,
  6. ai có tâm hồn trong sạch”,
  7. ai xây dựng hoà bình”,
  8. ai bị bách hại vì sống công chính” (Mt 5, 3-10).

Thánh Luca rút gọn lại thành bốn loại:

  1. những kẻ nghèo khó”,
  2. những kẻ bây giờ đang phải đói”,
  3. những kẻ bây giờ đang phải khóc” và
  4. những người “bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” (Lc 6: 20-22).

Nên thánh quả thực giống như cố gắng chui một thân thể kềnh càng qua một cánh cửa hẹp. Sự có mặt của chúng ta ở nhà thờ vào Chủ nhật có đưa chúng ta đến gần Chúa hơn không, có dần dần “nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” không? (Mt 5: 48). Chúng ta phải cố gắng, phải làm việc thực sự chăm chỉ để trở nên thánh thiện. Nếu chúng ta nghĩ rằng điều đó dễ dàng thì có gì đó không ổn.

Chúng ta không thể cứ ngồi một chỗ và coi sự cứu độ là điều hiển nhiên. Được rửa tội theo Công giáo là không đủ. Chúng ta không thể cho phép mình suy nghĩ kiểu như tôi đến Nhà thờ vào mỗi Chủ nhật và có rất nhiều người tồi tệ hơn tôi, cho nên tôi vậy là đủ rồi.

Chúng ta phải yêu thương hơn, nhân từ hơn, tử tế hơn, ít phán xét hơn, ít giận dữ hơn, tin tưởng hơn, quan tâm hơn đến nhu cầu của người khác, tha thứ nhiều hơn, ít kiêu hãnh hơn, trung tín hơn… vv… vv…và điều đó thật là cánh của hẹp, không dễ dàng bước qua.

Lời Chúa mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ sẽ thôi thúc chúng ta. Ân sủng của Bí tích Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Ân sủng lạ thường của mỗi lần xưng tội tốt lành sẽ khiến chúng ta khiêm tốn và nhân từ hơn.

Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay chính là: chúng ta phải cố gắng làm cho mình phù hợp với Chúa Kitô mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta để một ngày nào đó chúng ta có thể vượt qua cửa hẹp của sự thánh thiện để đến với sự sống đời đời đã được Chúa Giêsu hứa ban cho “Thiên hạ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”  (Luca 13: 29).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts