5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 11-2021

Mục Lục

Ngày 1 – 6: Trang 1

Ngày 7 – 13: Trang 2

Ngày 14 – 20: Trang 3

Ngày 21 – 27: Trang 4

Ngày 28 – 30: Trang 5

* * *

01/11/21 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Các Thánh Nam Nữ
Mt 5,1-12a

 

CON ĐƯỜNG TÁM MỐI PHÚC

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12a)

 

Suy niệm: Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói thiên đàng là cuộc sống hiệp thông trọn hảo với Ba Ngôi Chí Thánh, là “tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn” (số 1024). Các Thánh nam nữ mà Giáo Hội mừng kính trong ngày đại lễ hôm nay, đang được hưởng hạnh phúc tuyệt vời nơi thiên đàng đó, các ngài là những ai? Và nhờ đâu các ngài đạt được hạnh phúc như thế? Thưa, các ngài cũng là con người, là tín hữu như tất cả chúng ta và các ngài đã đạt tới cõi phúc trường sinh đó sau một cuộc đời trung thành đi trên con đường “Tám Mối Phúc.” Con đường “Tám Mối Phúc” đó chính là tám ngả đường nên thánh hội tụ tại một điểm đến chung đó là biến đổi chúng ta trở nên thật giống với Chúa Ki-tô và kết hợp trọn vẹn với Ngài.

Mời Bạn: Bạn ơi, muốn nên thánh đâu có cần phải làm những việc siêu phàm, kinh thiên động địa, mà đơn giản chỉ là luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc sống đời thường, những lời được đúc kết trong Con Đường “Tám Mối Phúc” đó.

 

Chia sẻ: Trong “Tám Mối Phúc,” đâu là mối phúc “ruột” của bạn, đâu là mối phúc đánh động bạn nhất, thúc giục bạn sống theo đó để nên thánh hơn cả?

 

Sống Lời Chúa: Bạn chọn một mối phúc ưa thích nhất và quyết tâm mỗi ngày làm một việc cụ thể để thực thi mối phúc đó.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con được mỗi ngày một nên giống Đức Ki, Con Chúa, để chúng con làm chứng cho Chúa khi còn ở đời này và được cùng các thánh hưởng phúc đời sau với Chúa. Amen.

 

02/11/21 THỨ BA TUẦN 31 TN
Cầu cho các tín hữu đã qua đời 
Ga 6,37-40

 

VỀ BÊN CHÚA

“Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)

 

Suy niệm: Nhiều người vẫn tưởng rằng mình mạnh mẽ cho đến khi đối diện với dịch bệnh do con vi-rút nhỏ bé mắt thường không thấy; lúc đó họ mới thấy rằng mình thật là nhỏ bé, sự sống của mình thật ra rất mong manh. Lại có những người vì hứng chịu hậu quả khốc liệt và dai dẳng của đại dịch, đã cảm thấy cuộc sống thật phi lý, bế tắc và tuyệt vọng. Trong bầu khí ảm đạm ấy, Lời Chúa cho thấy ý nghĩa và giá trị cao cả của sự sống: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Chỉ những ai “thấy Chúa Con và tin vào Người” mới đạt được cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đó.

Mời Bạn: Đức tin tiếp sức cho chúng ta thêm lạc quan và hy vọng để xác tín vào ý nghĩa và giá trị của cuộc sống này; nhờ đó, những nỗ lực của bệnh nhân chống chọi cơn bệnh, những vất vả của các y bác sĩ, những nghĩa cử chia sẻ những người thiện nguyện, kể cả sự ra đi của những người không vượt qua được dịch bệnh, tất cả những điều đó có thể giúp họ “chạm đến trái tim nhân lành của Chúa” và cảm nhận được “bàn tay ân cần của Chúa” đang nâng đỡ họ.

 

Sống Lời Chúa: Dành tất cả lời cầu nguyện, các việc đạo đức, việc hy sinh và từ thiện bác ái làm trong ngày hôm nay để cầu nguyện cho những anh chị em đã qua đời vì dịch Covid-19 được hưởng lòng Chúa thương xót.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là sự sống lại và là sự sống. Xin Chúa thương đến những anh chị em qua đời vì cơn đại dịch này. Amen.

 

03/11/21 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 14,25-33

 

CẤP ĐỘ TRONG TÌNH YÊU

“Ai đến với tôi, mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26)

 

Suy niệm: Đứa con như khúc ruột của cha mẹ mang nặng đẻ đau, thương còn không hết, lẽ nào cha mẹ lại có thể dứt bỏ con, con cái có thể dứt bỏ cha mẹ được! Thế mới biết, làm môn đệ Chúa Ki-tô đòi hỏi sự từ bỏ triệt để như thế nào. Đòi buộc rất cao nhưng đã một Áp-ra-ham quyết sát tế người con duy nhất của mình để vâng lệnh Chúa. Đáp lại Chúa đã cho người con ấy sống và trở thành tổ phụ của cả một dân tộc. Cũng đã có những vị tử đạo như thánh Si-mon Phan Đắc Hòa, khuyên các con đến thăm mình trong tù: “Cha yêu thương các con và hằng nhớ đến các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn.” Người đáp lại tình yêu Chúa với cấp độ yêu thương đó, dù có bị ngược đãi, sẽ được Chúa ban lại “gấp bội đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau” như lời Ngài đã hứa (Lc 18,30).

 

Mời Bạn: “Dứt bỏ cha mẹ, vợ con,…” để theo Đức Ki-tô là đừng để những mốt quan hệ đó trở thành hàng rào ngăn cản bước chân thực thi sứ mạng là môn đệ của Ngài; trái lại, đó là sự tự do thanh thoát nhìn thấy Chúa hiện diện nơi họ để họ được yêu thương “hết lòng, hết sức, hết trí khôn” trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

 

Sống Lời Chúa: Tâm niệm để xác tín: Mỗi lần tôi làm một hành vi bác ái cho một trong những anh em bé mọn nhất của Chúa đây là tôi làm cho chính Chúa.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra Chúa là Đấng đáng yêu mến trên hết mọi sự, để nhờ đó con có thể hết lòng phục vụ anh em vì nhận ra Chúa hiện diện nơi họ. Amen.

 

04/11/21 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 15,1-10

 

VUI TRONG CỘNG ĐOÀN

“Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’.” (Lc 15,6)

 

Suy niệm: Dù chỉ có một đồng bạc trong số mười đồng bị mất, người phụ nữ cũng “quét nhà, moi móc, tìm cho kỳ được”. Dù chỉ có một con trong số 100 con chiên đi lạc, người chăn chiên cũng lặn lội đi tìm cho kỳ được, và rồi “mừng rỡ vác lên vai” mang về. “Con chiên lạc” không bị loại trừ như một con số lẻ không đáng kể, nhưng có giá trị độc đáo và toàn vẹn khiến cả thiên đàng vui mừng khi nó tìm lại được sự hiệp thông. Đó là hình ảnh báo trước Hội Thánh trong ngày cánh chung được hiệp thông trọn vẹn trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Mời Bạn: Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tạo dựng họ như một cộng đoàn có nam và nữ, là hình ảnh đầu tiên diễn tả cộng đoàn hiệp thông trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Và Hội Thánh, thân thể của Chúa Ki-tô, là khởi đầu của cộng đoàn hiệp thông mầu nhiệm ấy ngay ở trần gian. Trong Hội Thánh, không một ai bị loại trừ. Trái lại, Chúa Ki-tô mong mỏi mỗi người chúng ta lắng nghe tiếng Ngài kêu gọi hoán cải trở về; và chính chúng ta cũng tiếp tay với Đức Ki-tô trong việc tìm kiếm và mở đón anh em trở về đoàn tụ với cộng đoàn. Sự trở về của họ có giá trị lớn lao và là niềm vui cho cả cộng đoàn và triều thần thánh trên trời. Bởi từ nay, họ cảm nhận được lòng nhân từ của Chúa và giá trị to lớn của đời sống cộng đoàn để sống xứng đáng là con cái Ngài.

 

Sống Lời Chúa: Tham gia và mời gọi nhiều người tham gia vào các đoàn thể và hoạt động tông đồ của giáo xứ.

 

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

 

05/11/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,1-8

 

THẾ NÀO LÀ KHÔN NGOAN THẬT?

“Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)

 

Suy niệm: Chúa Giê-su dùng từ “khôn khéo” xem ra khá nhẹ nhàng đối với hành động của người quản gia bất lương trong dụ ngôn hôm nay. Theo tiếng Việt, từ “khôn khéo” diễn tả cách xử sự hợp tình hợp lý, vừa khôn ngoan lại vừa khéo léo. Vì thế, từ ngữ này thường mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, người quản gia trong dụ ngôn lại hành động “khôn khéo” một cách tiêu cực. Đó có thể gọi là sự mánh khóe, lươn lẹo để trục lợi cho mình. Tất nhiên Chúa Giê-su không khen ngợi sự mánh khóe đó của người quản gia – vì thế Chúa mới gọi anh là “bất lương” – nhưng Ngài khen vì cách hành xử biết lo xa cho tương lai của mình. Qua dụ ngôn, Chúa dạy chúng ta phải “khôn khéo” nhưng là để hành động như con cái sự sáng, đó là biết lo liệu “dùng tiền của bất chính” để sắm lấy “kho tàng trên trời”. Đó mới là sự khôn ngoan đích thật.

 

Mời Bạn: Chúa cho chúng ta có thời gian và cơ hội để chuẩn bị cho đời sống mai sau. Thời gian càng trôi qua thì cơ hội lại càng ít đi. Vậy Bạn đã “lo xa” cho linh hồn của mình như thế nào? Cách tốt nhất và cũng là khôn ngoan nhất, đó là luôn biết hoán cải đời sống, siêng năng lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích và sống khiêm nhường yêu thương nhau.

 

Sống Lời Chúa: Sống bác ái, chia sẻ cách quảng đại là đầu tư vào Nước Trời.

 

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch Khôn Ngoan, giữa muôn vàn chọn lựa của đời sống, xin dạy con biết chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất của đời con. Amen.

 

06/11/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,9-15

 

TRUNG TÍN TỪ VIỆC NHỎ

“Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em.” (Lc 16,11)

 

Suy niệm: Lòng tham lam là thứ tật xấu gắn chặt và sâu trong bản tính con người; tiền bạc lại có một sức hút mạnh mẽ và hứa hẹn thoả mãn mọi đòi hỏi của lòng tham. Vì thế tiền bạc và lòng tham lam dễ dàng trở thành một cặp đôi song hành nguy hiểm đến mức những ai bị chúng chế ngự thì muốn vào Nước Thiên Chúa cũng khó giống như “con lạc đà chui qua lỗ kim” vậy (x. Lc 18,25). Thấy rõ hiểm hoạ đó, Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta phải có thái độ đúng đắn đối với tiền của. Tiền của đời này là “chuyện rất nhỏ” so với gia tài vĩnh cửu đời sau. Người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô phải là người trung tín ngay trong việc rất nhỏ này: của cải đời này không phải để hưởng thụ cho thoả mãn lòng tham; trái lại, người ki-tô hữu phải biết dùng chúng để “sinh lợi cho Nước Trời” (x. Lc 16,13), nghĩa là để chia sẻ và phục vụ anh chị em mình.

 

Mời Bạn: “Tiền bạc là một anh đầy tớ vĩ đại nhưng là một ông chủ tồi tệ” (Fr. Bacon). Để “anh đầy tớ vĩ đại” này phục vụ tốt, bạn cần phải biết phân định bằng cách đặt kế hoạch chi tiêu của mình, của gia đình/cộng đoàn mình lên bàn cân, đối chiếu với tiêu chí khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm; và rồi bạn hãy chọn làm điều thích hợp để thể hiện niềm tin và lòng trung thành của bạn đối với Thiên Chúa, Đấng đã ban cho bạn tất cả của cải đó.

 

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời cầu trong kinh Lạy Cha: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” và luôn trích ra một khoản từ những chi tiêu hằng ngày để dành cho người nghèo.

 

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Chia sẻ Bài này:

Related posts