5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 09-2019


15/09/2019: CHÚA NHẬT 24 TN  C
Lc 15,1-32

 
ĐỒNG CẢM VỚI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

“Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” (Lc 15,6)
Suy niệm: Qua bài Tin Mừng dài với ba dụ ngôn: con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay khoản đãi Dân Chúa một bữa tiệc thật thịnh soạn về Lòng Thương Xót Chúa. Nhờ những lời “xầm xì” của các kinh sư và Pha-ri-sêu khi thấy “những người thu thuế và những người tội lỗi lui tới với Đức Giê-su” mà chúng ta biết được rằng họ –“phường tội lỗi”– chính là đối tượng ưu tiên của lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện nhưng cũng giàu lòng thương xót vô cùng, Ngài rất gần gũi với người tội lỗi. Thiên Chúa ưu tư khắc khoải đi tìm kiếm họ để đưa họ trở về. Nỗi ưu tư đó luôn có một cái kết có hậu: niềm vui vì điều đã mất nay được tìm thấy, vì người con đã chết nay sống lại.
Mời Bạn: Phải chăng chúng ta đang lợi dụng, thậm chí lạm dụng lòng thương xót của Chúa khi chạy đến với Ngài để xin ơn này ơn kia, nhất nữa là chỉ xin những lợi lộc vật chất, đời này? Lòng thương xót Chúa mời gọi chúng ta đồng cảm với Ngài, biết ưu tư đau đớn vì tội lỗi, và “chung vui với Ngài” vì Ngài đã “tìm thấy và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Bạn có thao thức vì nhiều người đang lún sâu trong tội lỗi không? Bạn đã làm gì tích cực để lòng thương xót Chúa có thể đánh động tâm hồn họ và thúc đẩy họ trở về với Ngài không?
Sống Lời Chúa: Thăm một người xa Chúa lâu năm, và kể về lòng thương xót của Chúa: Ngài vẫn đi tìm con chiên lạc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng thương xót của Chúa dành cho chúng con là khi Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng con. Chúng con đội ơn Chúa.
 

16/09/2019: THỨ HAI TUẦN 24 TN
Thánh Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Lc 7,1-10

 
THÁNH HOÁ TRẦN THẾ
Viên đại đội trưởng nói: “Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,7)
Suy niệm: Quân đội đế quốc Rô-ma một thời bá chủ thế giới nhờ kỷ luật chặt chẽ theo đúng “hệ thống quân giai”. Viên đại đội trưởng này  là mẫu mực cho hệ thống đó:“Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền người khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Tới!’ là nó tới.” Khi ông áp dụng trật tự đó vào việc nài xin Chúa chữa lành cho người thuộc hạ của ông: “Xin Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh”, ông đã tự đặt mình dưới quyền chỉ huy trưởng của chủ tướng Giê-su, và mặt khác, ông đã đem niềm tin Ki-tô vào trong nếp sống Rô-ma của ông, nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay, ông đã “rửa tội” cho trật tự xã hội mà ông đang sống, ông đã “mở cửa” để Đức Ki-tô vào thánh hoá những giá trị của trần thế mà ông đang theo đuổi.
Mời Bạn: Chúng ta đang quan tâm đến việc hội nhập văn hoá trong cung cách sống đạo, truyền giáo. Chúng ta chắp thêm những mái cong vào mái nhà thờ theo kiến trúc Tây phương, mặc những y phục cổ truyền trong nghi thức phụng vụ… Phải chăng khi làm thế chúng ta đang đi theo chiều “từ ngọn đến gốc” và đang dừng lại ở những yếu tố hình thức?
Chia sẻ: Cách viên sĩ quan Rô-ma đến với Đức Ki-tô cho thấy một nét lớn của việc truyền giáo theo tinh thần hội nhập văn hoá. Áp dụng bài học kinh nghiệm ấy cho việc truyền giáo như thế nào?
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để qua công việc bạn làm, Chúa dùng lời Ngài thánh hoá trần thế.
Cầu nguyện: Khi bắt đầu việc gì, bạn nài xin Chúa “Xin Ngài cứ nói một lời”.
 

17/09/2019: THỨ BA TUẦN 24 TN
Thánh Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, TSHT  
Lc 7,11-17

 
NGƯỜI MẸ GOÁ MẤT CON
Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá… Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa.” (Lc 7,12-13)
Suy niệm: Ai mà không xúc động trước cảnh tượng thương tâm: người mẹ goá mất đi đứa con một. Chúa Giê-su “chạnh lòng thương” người goá phụ làng Na-in vì Ngài cũng có một trái tim nhân loại nhạy cảm; mà hơn nữa, đám tang này còn là một lời tiên báo một ngày kia, người mẹ goá là Đức Ma-ri-a cũng khóc thương Người Con Một là chính Ngài. Và như thế, cử chỉ Ngài “sờ vào quan tài” và truyền cho chàng trai “chỗi dậy” cũng mang đậm tính cách ngôn sứ: một dấu chỉ tiên báo chính Ngài cũng sẽ chỗi dậy như thế. Phải chăng chúng ta cũng có thể nói về Đức Ma-ri-a rằng: trước nỗi đau của người mẹ goá đứng dưới chân thập giá, Thiên Chúa cũng “chạnh lòng thương”, nên đã cho Người Con Một được chỗi dậy.
Mời Bạn: Bắt chước Chúa Giê-su biết cảm thông, biết cùng đau với nỗi đau của biết bao người Mẹ ngày nay đang mất con vì những cái chết quái ác: cái chết do tội lỗi. Chính sự cảm thông đó sẽ khiến Chúa chạnh thương và ban ơn cứu độ.
Chia sẻ: Kiểm điểm xem mình có thiếu sự cảm thông với chính những thân trong gia đình mình không.
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho những người đang đau khổ vì sự sa sút, tội lỗi của những người thân của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin ban cho con tấm lòng biết cảm thông với anh em, và xin cho con biết sẵn sàng làm một cái gì đó tốt đẹp để làm dịu nỗi đau khổ của anh em.
 

18/09/2019: THỨ TƯ TUẦN 24 TN
Lc 7,31-35

 
SAI KỊCH BẢN!
Chúa Giê-su nói: “Vậy ta phải ví người thế hệ này giống với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không khóc than’.”(Lc 7,31-32)
Suy niệm: Chúa Giê-su ví von người thời đại Ngài giống như những đứa trẻ ngoài chợ ca cẩm với nhau. Sống khổ hạnh theo kiểu Gio-an Tẩy giả thì coi là bị quỉ ám. Còn hoà nhập, gần gũi với mọi giới lớp như Chúa Giê-su thì lại mang tiếng là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi.” Nói cách khác, họ như muốn phàn nàn rằng: “Thiên Chúa diễn sai kịch bản mà họ đã chế tác.” Hoá ra, thay vì nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình để thực hiện ý định và chương trình hành động của Thiên Chúa, thì họ lại muốn đặt mình làm chủ mọi sự, kể cả Thiên Chúa và bắt Ngài phải làm theo ý thích của họ. Nói đúng ra, con người ngày nay đã diễn sai kịch bản của Thiên Chúa: họ muốn làm chủ tuyệt đối vận mạng của mình bất chấp Thiên Chúa, coi đó như mục đích, giá trị tối cao mà con người phải đạt tới.
Mời Bạn: Xét xem mình đã tiêm nhiễm lối sống đó đến mức nào: Khi lựa chọn một lối sống, một quyết định tôi có tham khảo ý kiến của Thiên Chúa hay chỉ nhắm đạt được những điều có lợi cho tôi? Noi gương Đức Giê-su coi sứ mạng của Ngài khi nhập thể làm người không phải là “làm theo ý Ngài” mà là “làm theo ý Đấng đã sai Ngài”.
Chia sẻ: Sống theo ý Chúa có phải là đánh mất phẩm giá con người không ?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi sắp quyết định làm gì, bạn bình tâm suy xét tìm ý Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi…”
 

19/09/2019: THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Thánh Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo
Lc 7,36-50

 
ĐƯỢC THA NHIỀU, YÊU MẾN NHIỀU
Chúa Giê-su nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,47)
Suy niệm: “Được tha nhiều” → “yêu mến nhiều”, công thức diễn tả một tương quan tỷ lệ thuận: Càng nhận ra mình tội lỗi, người ta càng cảm thấy cần được tha thứ, càng được tha thứ nhiều, người ta càng yêu mến nhiều. Chính ở điểm này mà ta thấy được tình yêu cũng có những lý lẽ của nó, mặc dù lý lẽ đó thật là kỳ lạ: một người càng là thánh thì lại càng cảm thấy mình là tội nhân. Thánh Phan-xi-cô Át-si-si đã nói: “Không thể tìm thấy ở đâu có một tội nhân tồi tệ và đáng thương hơn tôi đây”. Và kỳ diệu hơn nữa, công thức trên cũng có thể phát biểu thành một định lý đảo: người thiếu phụ kia không còn thiết gì ngoài việc gặp được Đức Ki-tô, Đấng mà bà yêu mến tha thiết, vì chỉ có Ngài có thể tha thứ cho bà; chính nhờ đó, bà đã được tha thứ. Như thế có nghĩa là “yêu mến nhiều” → “được tha nhiều”.
Mời Bạn: Bạn có thể bắt đầu từ chỗ nhận ra mình tội lỗi để rồi cảm thấy mình được tha thứ và yêu thương. Hoặc bạn cứ yêu mến Chúa Ki-tô hết lòng đi, bạn sẽ thấy tội lỗi của mình là không thể chấp nhận được để rồi bạn đến xin ơn tha thứ của Ngài.
Chia sẻ: Thảo luận trong tổ của bạn câu nói: “Tội lớn nhất của thời đại ngày nay là đánh mất ý thức về tội lỗi”.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối hoặc trước khi lãnh nhận bí tích Hoà giải, bạn xét mình một cách kỹ lưỡng, không chỉ để thấy mình có tội mà còn để cảm nhận mình xấu xa đáng ghét chừng nào vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa tình yêu.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn Năn Tội” một cách chậm rãi và với trọn tâm tình.
 

20/09/2019: THỨ SÁU TUẦN 24 TN
Thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và các bạn tử đạo     
Lc 8,1-3

 
NHÓM PHỤ NỮ THEO CHÚA
Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ… những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người. (Lc 8,1-3)
Suy niệm: Vào thời Chúa Giê-su, trẻ em và phụ nữ Do Thái thường được coi là thành phần không có tiếng nói trong xã hội. Tuy nhiên, trong chương trình của Chúa, người nữ có chỗ đứng hoàn toàn bình đẳng với người nam. Không ít lần trong Phúc Âm cho thấy vai trò của nữ giới trong việc tham gia vào công cuộc cứu độ. Phúc Âm Lu-ca ghi lại cùng đồng hành với Chúa Giê-su với Nhóm Mười Hai có cả những phụ nữ với danh xưng rõ rệt, chẳng khác gì những “nữ tông đồ” đích thực. Điều đó có nghĩa là họ, cùng với nhóm Mười Hai, tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng, với sứ mạng riêng của mình. Dưới chân thập giá có sự hiện diện của họ bên cảnh Đức Ma-ri-a. Và trong ngày phục sinh họ là những chứng nhân đầu tiên loan báo Tin Mừng Chúa sống lại.
Mời Bạn: Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ, và tất cả đều bình đẳng với nhau về phẩm giá. Dù là nam hay là nữ, bạn cũng được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Dù là nam hay là nữ, bạn cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Bạn đừng coi việc phục vụ của những người phụ nữ là thấp kém. Trong cộng đoàn, trong gia đình của bạn còn có thái độ “trọng nam khinh nữ” không?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy luôn tâm niệm rằng: “Bổn phận của mọi Ki-tô hữu chúng ta là cộng tác với nhau để xây dựng Giáo Hội”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa yêu thương tất cả mọi người chúng con, xin giúp mỗi người chúng con biết hiến dâng trọn đời sống mình để làm chứng cho tình yêu ấy. Amen.
 

21/09/2019: THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Thánh Mát-thêu, tông đồ, thánh sử
Mt 9,9-13

 
ĐI LẠI VỚI NGƯỜI TỘI LỖI
“Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” (Mt 9,11)
Suy niệm: Một người nổi tiếng như Thầy Giê-su lại đi giao du với “quân thu thuế và tội lỗi” làm sao không gây xì-căng-đan? Thế nhưng, tiếp xúc với người tội lỗi là đường lối của vị Thiên Chúa làm người, bởi vì đó chính là lý do Ngài đến trần gian: “Tôi đến… để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Qua lối hành xử này, ta nhận ra tấm lòng bao dung của Đấng Cứu Thế. Ngài lúc nào cũng sẵn lòng đón tiếp, tha thứ, thu nhận người tội lỗi hoán cải. Ngài không loại bỏ một ai, vì tất cả mọi người đều là đối tượng của lòng Chúa thương xót. Cũng vậy, công tác tông đồ hàng đầu của mọi Ki-tô hữu phải là thăm viếng, tạo tình thân, cảm hóa người tội lỗi, đưa họ trở về với đường lành. Đó chính là “đi ra vùng ngoại biên” như ĐTC Phan-xi-cô cổ võ.
Mời Bạn: Đức Ki-tô không phải vị thần kiêu sa ngồi trên toà cao để cứu độ chúng sinh. Trái lại Ngài đến trần gian chung thân phận người với chúng ta là những tội nhân để đưa chúng ta trở về với Ngài. Thiện chí mà thôi là chưa đủ, phải có hành động cụ thể và thiết thực: gặp gỡ, thăm viếng, tiếp xúc với tội nhân, vì “một mặt hơn mười gói,” chỉ qua việc thăm viếng, ta mới có thể đồng cảm và xin Chúa ban cho họ ơn hoán cải.
Sống Lời Chúa: Đến với tha nhân, trước tiên tôi kết hợp sâu xa với Đức Ki-tô bằng một đời sống cầu nguyện và thường xuyên lãnh nhận các bí tích để không bị biến chất bởi ảnh hưởng tội lỗi trái lại toả sáng tình yêu Chúa qua đời sống bác ái hy sinh, phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi con đến với các gia đình đang gặp khó khăn trong đời sống đức tin. Xin ban cho con lòng yêu mến và ý chí kiên vững khi con phải đương đầu với sự ác.
 

Chia sẻ Bài này:

Related posts