5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 09-2019


08/09/2019: CHÚA NHẬT 23 TN – C
Lc 14,25-33

 
BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÀ THEO CHÚA GIÊ-SU

Chúa Giê-su nói với những người cùng đi với Ngài: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27)
Suy niệm: Chúa Giê-su căn dặn các môn đệ trong một khung cảnh thật ý nghĩa : “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su”. Hiển nhiên, không phải cứ cùng đi đường với Đức Giê-su mà đã là môn đệ của Ngài, mà còn phải “từ bỏ hết những gì mình có” và “vác thập giá mình theo Chúa”. Nếu chỉ làm phúc bố thí, hoạt động công tác xã hội, nếu chỉ đi lễ, đọc kinh… mà chưa xoá bỏ dấu ấn của cái tôi -từ bỏ ý riêng mình,- và đóng lên những công việc đó dấu ấn của Thiên Chúa -vác thập giá mình mỗi ngày,- thì những việc đó chưa phải là việc của người môn đệ Chúa.
Mời Bạn hãy luôn tự nhủ mình rằng những việc tôi đã làm có lớn lao mấy đi nữa, nếu như không được đóng dấu ấn “bỏ–mình”+“vác–thập–giá–theo–Đức–Kitô”, thì dù tôi đã đứng trước ngưỡng cửa thiên đàng đi nữa, Thiên Chúa cũng lắc đầu với tôi: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta” (Mt 7,23).
Sống Lời Chúa: Mỗi tối kiểm điểm ngay cả những công việc tốt nhất bạn đã làm để phân định ra những động lực ích kỷ nào đã xen lẫn vào những việc đó khiến bạn đánh mất đi phẩm chất người môn đệ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con thanh tẩy chính mình khỏi những động cơ xấu xa ích kỷ, để mỗi việc con làm đều giúp con từ bỏ chính mình triệt để hơn và vác thập giá theo Chúa cách trung thành hơn.
 
 

09/09/2019: THỨ HAI TUẦN 23 TN
Thánh Phê-rô Cla-vê, linh mục 
Lc 6,6-11

 
LÀM ĐIỀU LÀNH
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9)
Suy niệm: Mục đích của Lề Luật là để thăng tiến con người. Thế nhưng những ông kinh sư và người Pha-ri-sêu thì làm ngược lại. Họ “rình xem” Đức Giê-su có chữa lành cho người bị khô bại tay trong ngày sa-bát không, dù là bằng phép lạ, để có cớ tố cáo Người. Chúa Giê-su đặt vấn đề mà với lương tri ngay chính ai cũng thấy hiển nhiên:“Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Ấy vậy mà họ vẫn lòng chai dạ đá, lại còn “giận điên lên” vì thấy Chúa chữa cho anh ấy ngay trước mắt họ.
Mời Bạn: Mến Chúa yêu người là giới răn trọng nhất, là điều chính yếu trong đời sống đạo: “Ai yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10). Nhưng lắm khi người ta lại đưa danh vọng, địa vị, lợi lộc vật chất lên ngôi và xúc phạm nhau trong lời nói, suy nghĩ và việc làm. Mời bạn nhìn lại các mối tương quan, để hàn gắn lại những rạn nứt, hầu làm chứng cho Chúa cách sống động và trung thực hơn trong cuộc sống yêu thương của mình, để mọi người nhận ra chúng ta thực sự là môn đệ của Chúa.
Chia sẻ: Anh em lương dân đã đặt cho các Ki-tô hữu Việt nam tiên khởi là “những người theo đạo yêu nhau”. Bạn sẽ làm gì để xứng với danh hiệu ấy?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, tỏ một cử chỉ yêu thương cho những người đang sống quanh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống hằng ngày có nhiều dịp để con thực hiện những cử chỉ bác ái giúp đỡ những người xung quanh. Xin giúp con quảng đại cho đi để luật yêu thương của Chúa được rõ nét nơi con. Amen. 
 

10/09/2019: THỨ BA TUẦN 23 TN
Lc 6,12-19

 
TÌM THÁNH Ý CHA
Chúa Giê-su ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Sau một đêm cầu nguyện thỉnh vấn ý Cha, Chúa Giê-su đã chọn lựa những người làm nền móng xây dựng Hội Thánh tiếp tục công việc cứu thế của người. Cách chọn lựa của Chúa thật nhiệm mầu. Căn cứ trên Thánh Kinh hoặc dựa vào truyền thống, chúng ta có thể biết được phần nào xuất xứ của nhóm Mười Hai này. Có người thuộc giới bình dân như Phê-rô, An-rê; có người giàu có và quen thân với hàng quyền quí như anh em nhà Giê-bê-đê; có người thuộc hàng trí thức như Ba-tô-lô-mê-ô; lại có người bị mang tiếng xấu như Mát-thêu. Để chọn các tông đồ, Ngài không dựa theo tiêu chuẩn nhân loại mà là theo thánh ý Chúa Cha. Suốt cuộc đời tại thế, Người không làm gì mà không tìm thánh ý Chúa Cha, cho dù ý Cha có ngược với ý muốn tự nhiên của con người.
Mời Bạn: Bạn cũng đang nối tiếp sứ mạng các tông đồ với tất cả sự độc đáo riêng biệt của bạn. Và người khác cũng thế. Điều cần thiết là nhìn nhận sự khác biệt của nhau để cùng nhau hướng về mục đích chung là xây dựng Hội Thánh. Chúng ta không làm tông đồ một mình, nhưng theo thánh ý Chúa và hiệp nhất với nhau trong một Hội Thánh.
Chia sẻ: Trong giáo xứ, bạn có đảm nhận việc tông đồ nào không? Bạn có biết kết hợp với Chúa và cộng tác với người khác để làm việc đó không?
Sống Lời Chúa: Luôn dành ít phút cầu nguyện trước khi bắt đầu ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tìm kiếm, thực thi ý Chúa và luôn nỗ lực làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của con.
 

11/09/2019: THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Lc 6,20-26

 
SỐNG NGHÈO NHƯ ĐỨC KI-TÔ
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)
Suy niệm: Theo lẽ thường, ai chẳng mong muốn một cuộc sống sung túc. Và những người nghèo, rất đông, đang cố vùng vẫy để thoát khỏi cảnh cùng khổ. Phải chăng đó là một lời chế giễu tàn nhẫn đối với người nghèo khi nói rằng cảnh nghèo họ đang gánh chịu là một hồng phúc?! Phải chăng câu nói “Phúc cho người nghèo” chẳng qua chỉ là một lời nói xoa dịu người nghèo để họ cam chịu số phận chờ đợi hạnh phúc Nước Trời mai sau?! Câu trả lời của Chúa là: “Không phải thế!” Họ có phúc vì, trong cả lịch sử cứu độ, Ngài luôn đứng về phía người nghèo, và đã thực hiện công trình cứu độ để giải thoát họ khỏi cảnh bị nô lệ, bất công. Và hơn nữa, không như những chính trị gia mị dân nhằm hốt phiếu từ đám dân nghèo, Con Thiên Chúa là Đức Giê-su đến sống kiếp nghèo với nhân loại để chia sẻ, và chịu chết như một tử tội để giải cứu nhân loại khỏi cảnh nô lệ tồi tệ nhất: nô lệ tội lỗi. Người nghèo có phúc vì Chúa yêu thương họ và đến giải cứu họ khỏi cảnh nghèo đó.
Mời Bạn: Để cảm nghiệm được cái phúc là “người nghèo của Thiên Chúa,” mời bạn đọc 2 Cr 8,9: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” Bạn thấy đó, dù bạn giàu hay nghèo, bạn vẫn có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô nghèo khó bằng cách sống chia sẻ với anh em mình.
Sống Lời Chúa: Cắt giảm một khoản chi tiêu thường xuyên của mình để dành vào việc giúp người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu sống nghèo để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô nghèo khó.
 

12/09/2019: THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Thánh Danh Đức Ma-ri-a
Lc 6,27-38

 
DŨNG CẢM SỐNG LỜI CHÚA
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6,27-28)
Suy niệm: Nietzsche, một triết gia người Đức, đã gọi nhân đức hiền lành trên của Ki-tô giáo là hành động của những người hèn kém. Theo bản tính tự nhiên, người ta dễ dàng niềm nở với người có thiện cảm với mình mà không cần một cố gắng nào; Đức Giê-su bảo những kẻ tội lỗi cũng làm được như thế. Nhưng sẽ không dễ chút nào khi phải nở nụ cười thân ái với người mình không hy vọng gì được chào đáp lại, hay phải tha thứ cho một người đã cho mình thấm thía kinh nghiệm “làm ơn mắc oán”. Vì thế, sống nhân đức yêu thương Ki-tô giáo không phải là việc dành cho những người khiếp nhược, trái lại phải dũng cảm và nỗ lực vượt trên tính tự nhiên. Người ki-tô hữu nhờ ơn Chúa giúp, ý thức mình được Thiên Chúa tha thứ, hiểu rõ Chúa đang dùng đời họ để trải rộng tình yêu của Ngài, và bằng ý chí kiên vững, họ dám sống như Đức Giê-su sống, “người mẫu” của đức yêu thương.
Mời Bạn: Bạn có nhiều lý do để thoái thác sống nhân đức yêu thương kẻ thù. Hôm nay, Đức Giê-su cho bạn biết lý do lớn hơn: bạn là môn đệ Ngài, hãy sống yêu thương như Ngài đã sống với bạn.
Chia sẻ: Bạn chia sẻ kinh nghiệm sống nhân đức yêu thương cho bạn bè.
Sống Lời Chúa: Niềm nở và tươi vui với hết mọi người, nhất là với người mà bạn đang có chuyện bực mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi tâm hồn con buông xuôi vì thấy cảnh đời trớ trêu, xin cho mắt con mau mắn nhìn lên Thánh Giá Chúa, cho tai con lắng nghe được lời Chúa mời gọi con sống yêu thương như Chúa yêu thương.
 

13/09/2019: THỨ SÁU TUẦN 23 TN
Thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, TSHT
Lc 6,39-42

 
ĐỂ THẤY RÕ
“Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6,42)
Suy niệm: Con người có mắt để nhìn, có trí để suy. Nhưng nhiều khi và có những điều mắt nhìn mà không thấy, trí suy mà không ra. Bởi vì theo tính tự nhiên con người chúng ta nhìn mình thì thấy toàn là những điều tốt đẹp, còn đối với người khác thì lại nổi cộm lên đủ thứ khuyết điểm. Điều không tốt, không hay của tha nhân, dù nhỏ như cái rác, cũng thấy rõ mồn một; còn tính hư nết xấu của mình, dù to tướng như cái xà nhà, cũng không nhận ra. Nhìn vào những thực trạng đó, mới thấy rõ người xưa thật có lý khi nói: “Chân mình thì lấm bê bê, đi cầm bó đuốc mà rê chân người.”
Mời Bạn: Khuôn mặt mình sạch hay dơ mình không thấy. Muốn thấy cần phải soi gương. Tương tự như vậy, tâm hồn mình thánh thiện hay tội lỗi có khi mình không biết rõ. Muốn thấy rõ cần soi vào gương là Lời Chúa. Thư Do Thái nói: “Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Dùng Lời Chúa như bức gương soi rọi lòng mình, chúng ta sẽ thấy rõ tâm hồn mình sạch hay dơ, có cái xà hay cái rác. Và chỉ còn lo đấm ngực mình, mà không còn dám đấm ngực người khác.
Sống Lời Chúa: Tập nhìn phương diện tích cực để khám phá những ưu điểm, đức tính, khả năng của người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Ánh Sáng. Xin soi chiếu cho con thấy rõ con người tội lỗi của con để con hoán cải, đồng thời nhìn tha nhân với cái nhìn tích cực để con thấy điều hay điều tốt nơi họ.
 

14/09/2019: THỨ BẢY TUẦN 23 TN
Suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17

 
THẬP GIÁ ĐỨC KI-TÔ, DẤU HIỆU ƠN CỨU ĐỘ
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15)
Suy niệm: Hình chữ thập xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống. Hai con đường giao nhau ở ngã tư cũng tạo thành hình chữ thập mà chẳng có ý nghĩa gì cao siêu. Chỉ nguyên hai thanh gỗ bắt chéo nhau không đủ để trở thành dấu hiệu cứu độ. Trái lại, trong xã hội Rô-ma, cây thập tự còn bị coi như dấu hiệu đáng nguyền rủa vì nó là nhục hình dành cho những tội phạm nặng nề nhất. Nhưng ngày nay, cây thập giá được tôn vinh bởi vì Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, đã nằm trên đó, chịu đóng đinh vào đó và chết trên cây thập giá đó để đền tội cho con người, để cứu chuộc con người. Thập giá đã trở thành dấu hiệu cứu độ.
Mời Bạn: Bạn là Ki-tô hữu, bạn đang mang trong mình dấu ấn thánh giá khi bạn lãnh nhận bí tích rửa tội. Điều đó có nghĩa là : – bạn là người đã được cứu khỏi cái chết do tội mang lại; – bạn là người thuộc về Đức Ki-tô vì mang dấu ấn của Ngài; – bạn có sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô chịu đóng đinh.
Chia sẻ: Thánh Phao-lô xác tín: “Chúng tôi rao giảng một Đức Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ,…” nhưng đối với ngài, “Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1Cr 1,23-24). Bạn có chung một xác tín như thánh Phao-lô chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm dấu thánh giá, bạn hãy làm một cách sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cứu độ con bằng cây thập giá. Con xin dâng cuộc đời con để rao giảng Chúa Ki-tô, Đấng chịu đóng đinh.
 

Chia sẻ Bài này:

Related posts