5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 08-2021

Mục Lục

Ngày 1 – 7: Trang 1

Ngày 8 – 14: Trang 2

Ngày 15 – 21: Trang 3

Ngày 22 – 28: Trang 4

Ngày 29 – 31: Trang 5

* * *

01/08/21 CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – B
Ga 6,24-35

 MUỐN TRƯỜNG SINH BẤT TỬ

            “Chính Tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)

            Suy niệm: Trong truyện Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không nhờ ăn trái đào tiên của bà Tây Vương Mẫu và linh đơn của Thái Thượng Lão Ông trên thiên đình mà được trường sinh bất tử. Trong kho chuyện thần thoại của Rôma cũng có niềm tin rằng sở dĩ các vị thần bất tử nhờ được nuôi dưỡng bằng một thứ thức ăn kỳ diệu tên là ambrosia và loại thức uống có tên nectar. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với chúng ta rằng niềm mơ ước bao đời của nhân loại không phải là chuyện thần thoại nữa, mà đã thành sự thật: Ngài đến để ban tặng cho con người thứ thức ăn và thức uống kỳ diệu làm cho nhân loại được trường sinh bất tử và thứ lương thực kỳ diệu ấy chính là Thịt và Máu Thánh Ngài. Dĩ nhiên, đó không phải là sự sống tự nhiên được kéo dài, nhưng là một sự sống mới, hoàn toàn khác, đó là  chính sự sống của Thiên Chúa thông ban cho chúng ta.

            Mời Bạn: Nhớ rằng Đức Giêsu chứng minh Lời mình bằng cách ngủ một giấc ngủ sự chết, để rồi đến ngày thứ ba Ngài sống lại vinh hiển và sống mãi. Khi bạn lãnh nhận Thánh Thể là bạn đang lãnh nhận Thân Xác phục sinh ấy.

            Chia sẻ: Tại sao tôi vẫn thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể, nhưng đời tôi chưa có những thay đổi tích cực?

            Sống Lời Chúa: Rước Thánh Thể mỗi tuần – và nếu có thể, mỗi ngày – và sốt sắng cám ơn sau khi rước Chúa.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã tự hạ trở thành lương thực đem lại cho chúng con sự trường sinh bất tử. Xin cho chúng con có tâm hồn trong sạch và thái độ trân trọng khi rước Chúa. Amen.

 

02/08/21 THỨ HAI TUẦN 18 TN

Thánh Eusebiô Vercellêsi, GM

& Thánh Phêrô Giulianô Eymard, LM

Mt 14,13-21

 CHẠNH LÒNG THƯƠNG NHƯ CHÚA

            Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (Mt 14,14)

            Suy niệm: Vô cảm, lạnh lùng, là một trong những căn bệnh đang lây lan trong thời đại chúng ta. Khi bị nhiễm căn bệnh này, con người như vô tâm trước nỗi đau của đồng loại, lạnh lùng với sự cùng khổ của anh chị em đồng loại mình. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu. Thấy đám đông theo Ngài trong hoang địa, Chúa thấu hiểu nỗi khổ của họ. Và Ngài không dừng lại ở tình cảm suông mà đã ra tay hành động: cho họ ăn, và chữa lành các bệnh nhân. Hành động với tấm lòng biết chạnh thương như Chúa chính là phương thuốc cho cho những trái tim và cho xã hội đang nhiễm căn bệnh vô cảm của thời đại này.

            Mời Bạn: Mẫu gương “biết chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu có là nguồn cảm hứng cho cuộc sống của bạn chưa? Mời bạn tự bắt mạch xem mình có mắc chứng bệnh vô cảm của thời đại hay không? Quanh bạn, có biết bao mảnh đời lầm than, những gia đình bất hoà, những tâm hồn đang tuyệt vọng vì thất bại trong cuộc sống, v.v… Họ đang cần một tấm lòng biết chạnh thương. Bạn có nhận ra họ và đem đến cho họ niềm an ủi và hy vọng của Chúa Kitô không?

            Chia sẻ: Bạn cảm nghĩ gì khi đọc tin tức trên báo chí về những “sự cố” vô cảm xảy ra đây đó trong xã hội?

            Sống Lời Chúa: Huấn luyện trái tim biết chạnh lòng thương bằng cách: – dành một phút cầu nguyện cho những ai đang cần đến lòng thương xót của Chúa; – và chia sẻ gánh nặng công việc với người thân ngay trong gia đình của bạn.

            Cầu nguyện: Kinh Kính Mến.

 

03/08/21 THỨ BA TUẦN 18 TN

Mt 15,1-2.10-14

 Ô UẾ VÀ TINH SẠCH

            “Không phải cái vào miệng làm con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra…” (Mt 15,11)

            Suy niệm: Ô uế là một ý niệm chìa khóa trong Thánh Kinh. Nó gắn liền với cảm thức về sự thánh thiện, tinh tuyền của Thiên Chúa. Người hay vật ô uế thì bất xứng với Thiên Chúa, và cần phải được thanh tẩy. Nhưng chẳng biết từ lúc nào, ý niệm này được hiểu một cách máy móc, hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Dần dần người ta chỉ lo làm hay tránh những điều hoàn toàn bên ngoài để khỏi ô uế, mà không hề quan tâm đến sự trong sạch trong tâm hồn mình. Ý niệm về ô uế hay tinh sạch cũng dần co lại nơi chính nó, và đặc tính tương quan (với Thiên Chúa) không còn được thấy rõ nữa.

            Chính trong bối cảnh này mà Đức Giê-su đã bày tỏ quan điểm của Ngài. Ngài chuyển tiêu điểm của ô uế hay tinh sạch vào bên trong. Và Ngài giới thiệu một vị Thiên Chúa thấu suốt tâm can người ta và quan tâm trước hết đến những gì ở trong đáy lòng ấy: “Không phải cái và miệng làm con người ra ô uế, nhưng chính là cái từ miệng xuất ra”!

            Mời Bạn: Chúng ta quan tâm đến sự sạch sẽ của thực phẩm, y phục, nhà cửa, môi trường. Chúng ta chống lại mọi hành động gây ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí, v.v… Nhưng còn tư tưởng, tâm hồn của chúng ta thì sao? Ta đi xưng tội để được Chúa tha thứ; nhưng bí tích Sám hối này có được ta cử hành thực sự từ trong tâm hồn, chứ không qua loa, máy móc không?

            Sống Lời Chúa: Thành tâm đặt mình trước mặt Chúa và kiểm điểm cuộc sống của mình.

            Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy…”

 

04/08/21 THỨ TƯ TUẦN 18 TN
Thánh Gioan Vianney, LM
Mt 15,21-28

 LÒNG TIN MẠNH THẬT!

            Bà ấy nói: “Thưa Ngài, lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Đức Giê-su đáp: “Này bà lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”                                                                             (Mt 15,27-28)

            Suy niệm: Trong khi các môn đệ, và ngay cả Phê-rô vẫn bị Chúa trách vì lòng tin yếu kém, thì người đàn bà Ca-na-an này lại là một trong số ít người được Chúa khen có lòng tin mạnh mẽ. Đó là một lòng tin kiên trì đến độ lì lợm. Một lòng tin mạnh mẽ đến độ bất chấp mọi sỉ nhục. Lòng tin của bà đã biến điều không thể thành có thể, một lòng tin có sức khiến cả Chúa cũng phải thay đổi chương trình của Ngài. Lòng tin của bà quả là “mạnh thật.” Và Chúa đã xác nhận sức mạnh của lòng tin đó khi nói: “Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

            Mời Bạn: Não trạng “hiện đại” của chúng ta ngày nay thường nghĩ rằng tin vào Thiên Chúa như thế là hạ thấp phẩm giá con người. Thế nhưng, lạ một điều, người ta lại dễ dàng đặt niềm tin của mình vào những điều thật là tầm thường, kém cỏi: Bạn nghĩ gì về những lời quảng cáo coi một chiếc xe, chiếc điện thoại di động, thậm chí hộp kem đánh răng như là “niềm tin của bạn”?

            Chia sẻ: Bạn đã biểu hiện lòng tin một tình huống cụ thể như thế nào? Làm thế nào để biểu hiện lòng tin mạnh mẽ hơn trong một tình huống tương tự?

            Sống Lời Chúa: 1/ Ngay khi thức giấc mỗi ngày, bạn làm một hành vi đức tin qua việc hướng lòng về Chúa, dâng cho Ngài ngày mới và mọi việc sắp làm trong ngày. 2/ Bạn đang gặp điều bế tắc trong cuộc sống ư? Bạn hãy suy niệm lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an này và hãy thử làm như chị.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa củng cố đức tin còn yêu kém của con. – Đọc kinh Tin.

 

05/08/21 THỨ NĂM TUẦN 18 TN
Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả 

Mt 16,13-23

 CÂU HỎI LUÔN MỚI

            Đức Giêsu hỏi: “Người ta nói Con người là ai?”… “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,13.15)

            Suy niệm: “Con Người là ai?” –Một câu hỏi liên quan trực tiếp đến ơn cứu độ. Nếu không biết Đức Giêsu là ai, thì không thể đi theo Ngài, không thể tin vào Ngài và không thể lãnh ơn cứu độ từ Ngài. Người ta có những cái nhìn khác nhau về Đức Giêsu: là Gioan Tẩy Giả; là Êlia; là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ… Người ta có thể hiểu lệch lạc, nhưng người môn đệ thì không thể, vì họ là những chứng nhân về Đức Giêsu. Ngay cả thánh Phêrô, người đã đưa ra câu trả lời chính xác về câu hỏi “Thầy là ai?” (c.16) nhưng rồi cũng không thể hiểu hết ý nghĩa danh xưng ấy là gì. Biết Thầy là ai, không phải để can thiệp cho Thầy (c.22); mà là để bước theo Thầy (c.23).

            Mời Bạn: Dù cho người ta nói Đức Giêsu là ai, mỗi người chúng ta cần phải tự mình khám phá một câu trả lời trọn vẹn cho chính mình. Câu trả lời trọn vẹn về Đức Giêsu chỉ đến từ Thiên Chúa và Kinh Thánh là nguồn mạc khải chính xác về Ngài. Nói như thánh Giêrônimô: “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Và hơn nữa, “biết Đức Kitô” không chỉ về mặt tri thức mà là biết với tất cả tâm tình yêu mến và bằng cả cuộc sống nữa.

            Chia sẻ: Có sự khác biệt giữa kiến thức và niềm tin vào Đức Kitô không?

            Sống Lời Chúa: Trung thành trong việc dành năm phút mỗi ngày cho Lời Chúa để thấm nhuần sâu xa Đức Kitô.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô, khi hỏi rằng “Thầy là ai?” Chúa không muốn một câu trả lời suông, mà Chúa muốn người môn đệ xác định một con đường để đi theo. Xin cho con biết Chúa, và xin chỉ cho con biết phải làm gì.

 

06/08/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG HAI TUẦN 18 TN
Lễ Chúa Hiển Dung
Mc 9,2-10

 CHÂN DUNG ĐẤNG VÔ HÌNH

            Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (Mc 9,2-3)

            Suy niệm: Thiên Chúa, Đấng vô hình, trở nên hữu hình nơi dung mạo con người của Đức Ki-tô; để rồi, theo qui trình ngược lại, dung mạo con người nơi Đức Ki-tô “đổi khác”: trở nên vinh quang, giống hình ảnh của Thiên Chúa. Muốn phục hồi dung mạo con người thành “hình ảnh của Thiên Chúa”, Chúa Ki-tô trải qua “quá trình xử lý ảnh” của thập giá: từ một bé thơ yếu ớt nơi hang bò lừa đến hình ảnh “con chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian,” và cuối cùng xuất hiện thật khốn cùng dưới hình hài của một tội nhân “không còn hình tượng người ta nữa,” một người bị bỏ rơi trên thập giá, trái tim bị đâm thâu. Phải trải qua tất cả những giai đoạn đó, chân dung con người nơi Đức Ki-tô mới được “hiển dung” với trọn vẹn vinh quang của Con Thiên Chúa.

            Mời Bạn: Chỉ khi nào bạn biết chiêm ngắm chân dung Đức Ki-tô đau khổ trên thập giá, lúc đó bạn mới có thể thấy được gương mặt vinh hiển của Đức Ki-tô phục sinh. Và cũng bằng cách kết hợp với Đức Ki-tô thập giá, bạn mới được “hiển dung” với Ngài và trong Ngài.

            Sống Lời Chúa: Trong giờ cầu nguyện, bạn hãy cầm chắc lấy cây thập giá, hay tấm chân dung Đức Giê-su chịu khổ nạn, bạn hãy nhìn ngắm với tất cả niềm say mê, trìu mến và hãy thưa với Chúa:

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con say mê chân dung Chúa. Xin Chúa dùng thập giá biến đổi con mỗi ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.

 

07/08/21 THỨ BẢY TUẦN 18 TN
Thánh Xystô II, GHTĐ & Thánh Cajetanô, LM
Mt 17,14-20

 LÀM ĐƯỢC MỌI SỰ VỚI LÒNG TIN

            “Nếu anh em có lòng tin, sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17,20)

            Suy niệm: Bệnh kinh phong tưởng chừng chỉ là một căn bệnh thể lý, có thể chữa trị bằng phương pháp y học tự nhiên, nhưng trong trường hợp bé trai này, Chúa Giêsu cho thấy nó có liên hệ với tội lỗi, và do đó, với ma quỷ. Phần các tông đồ, có lẽ các ông cứ tưởng với quyền trừ quỷ và chữa bệnh Chúa đã trao cho, các ông chỉ việc nắm vài “bí quyết gia truyền” là có thể trở thành thầy lang chữa được bá bệnh. Chúa Giêsu trách móc các tông đồ đã kém lòng tin, đó là lý do thất bại của các ông trước tên quỷ kinh phong này. Biết bao lần Ngài đã nói cho các ông biết vai trò ưu tiên thiết yếu của lòng tin mỗi khi Ngài chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng; lần này, Ngài nhấn mạnh cho các tông đồ chỉ cần có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi thì đã có thể chuyển núi, rời non và thậm chí, còn làm được mọi sự (c. 20).

            Mời Bạn: Một mẫu gương chứng thực sức mạnh của lòng tin đó là Đức Maria. Mẹ tin rằng: “không có gì mà Thiên Chúa không làm được,” lòng tin đó của Mẹ không phải đã chuyển được núi dời được non mà đã khiến Ngôi Hai “rời” cung lòng Chúa Cha mà ngự xuống cung lòng rất trinh khiết của Mẹ. Nhờ cầu nguyện với lòng tin, bạn có thể thấy được nhiều phép lạ Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời bạn.

            Sống Lời Chúa: Trước một công việc, bạn nhớ cầu nguyện và trao phó hoàn toàn để Chúa hành động, nhất là những khi gặp gian nan thử thách.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin, nhưng xin thêm lòng tin cho chúng con nhờ được kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện và đón nhận Mình Máu Thánh Ngài.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts