Hãy vào cửa hẹp

          Xưa nay tuyệt đại đa số người Công Giáo chúng ta vẫn có quan niệm chỉ cần…giữ đạo là đủ. Đang khi đó nếu hiểu đạo là con đường tâm linh thì phải bước đi trên đó tức là sống cái đạo  mình đã tin theo. Giữ đạo khác với sống đạo ở chỗ. Một  đàng là chỉ tuân thủ các giáo  điều, lễ nghi một cách hình thức  mà không hiểu ý nghĩa của nó là gì. Một đàng sống đạo có nghĩa là tìm kiếm cho mình một lẽ sống và khi đã  nhận ra  lẽ sống ấy  thì quyết tâm  đạt đến.

          Chính bởi sống đạo là sống cuộc tìm kiếm như thế nên Đức Ki Tô nói: “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ). Có tìm mới gặp còn không tìm thì sẽ không bao giờ gặp. Mặt khác trong việc tìm kiếm này, ngoài nỗ lực của bản thân còn phải có lòng tin nơi Đức Ki Tô là Đấng Dẫn Đường: “ Có người thưa với Ngài rằng: Thưa Chúa, kẻ được cứu có ít chăng ? Ngài đáp: Hãy gắng sức vào cửa hẹp vì Ta nói cùng các ngươi, nhiều người sẽ tìm vào mà không thể được. Khi chủ nhà đã đóng cửa lại rồi. Các ngươi  mới đứng ngoài gõ cửa kêu rằng: Chúa ơi ! Xin mở cửa cho chúng tôi. Ngài sẽ  đáp rằng: Ta không biết các ngươi từ đâu đến. Bấy giờ có người sẽ thưa rằng: Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã dạy dỗ trong các đường phố chúng tôi. Ngài lại sẽ đáp:  Ta nói cùng các ngươi, Ta không biết các ngươi từ đâu đến. Hãy lìa khỏi Ta, ớ hết thảy các ngươi  là kẻ bất nghĩa kia. Các ngươi thấy Apraham, Isaac và Giacop cùng hết thảy các tiên tri đều ở trong Nước Thiên Chúa còn các ngươi thì bị quăng ra ngoài. Khi ấy các ngươi sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” ( Lc 13, 22 -28 ).

          Qua ví dụ trên đây  ám chỉ  trong ngày phán xét. Có nhiều người khi ấy sẽ nói với Chúa rằng mình đã cố gắng giữ đạo: Siêng năng đi lễ nhà thờ, sốt sắng chịu lễ, hoạt động đoàn thể, làm việc tông đồ bác ái ….Và tưởng rằng  những việc ấy sẽ được  thưởng công cho vào Thiên Đàng  nhưng  lại bị Chúa quở trách  đó là những kẻ bất nghĩa. Tại sao ? Bởi vì những việc ấy đã không được làm  với lòng tin, yêu chân thật.

          Chúa là Đấng thấu suốt đến tận tâm can mỗi người. Bởi đó  để những việc làm của ta thực sự có ơn nghĩa với Chúa thì nhất định cần  phải xuất phát từ ở nơi Tâm. Tâm làm ra tất cả, Tâm nghĩ thiện thì có thiện. Tâm nghĩ ác thì có ác.

          Cái  Tâm nghĩ thiện, nghĩ ác ấy. Tuy vậy đó chỉ là vọng tâm phân biệt. Ngoài ra còn có Chân  Tâm thường trú vô phân biệt mà Đức Ki Tô có khi gọi là Nước Trời có khi là Đấng Cha: “ Các ngươi đã nghe phán rằng: Hãy yêu người lân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi, hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi  trên trời  bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 42 -45 ).

          Chúa nói: “ Cha các ngươi trên trời”. Đó chẳng qua chỉ là một thứ…tùy thuyết để giáo hóa quần chúng. Còn sự thực Đấng Cha ấy chính là Đấng Hằng  Hữu, Tự Hữu ( Xh 3, 14 ) cần hết lòng tìm kiếm để trở về.

          Tìm kiếm để trở về và sự trở về ấy  chúng ta chỉ có thể thực hiện bằng cách…đi vào Cửa Hẹp có nghĩa phải…Bỏ Mình đi: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Nói là …Cửa Hẹp nhưng thật ra đó chỉ là sự…bỏ mình. Bỏ được…mình phần nào thì cửa  hẹp lại  chừng đó. Bỏ hết được mình thì cửa  không còn và khi ấy  Cửa Thiên Đàng rộng mở.

          Bỏ mình tức bỏ đi hai cái chấp. Một là chấp cho thân xác này là mình. Hai là chấp cho tâm tưởng, nghĩ suy này là mình. Chính do nơi hai cái chấp ấy  con người đã sống trong vòng trói buộc của vô minh điên đảo để rồi đành quên  đi mất Tự Tánh Con Thiên Chúa ở nơi mình.

          Do bởi vô minh quên mất Tự Tánh  sẵn có ấy thế nên  phàm phu hễ cứ mở mắt ra thì chỉ thấy cảnh sắc ở bên ngoài. Vảnh tai lên thì chỉ nghe những âm thanh bên ngoài. Còn trong tâm tưởng cũng vậy  cũng không ngừng hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật để tìm cầu và sự tìm cầu ấy  tất nhiên chỉ đưa đến thất vọng.

          Với bản chất vô minh do nơi ảnh hưởng của Tội Phân Biệt thiện ác ( St 2, 16 -17 ) thế nên con người sống luôn là sống trong sự phân biệt Ta – Người. Hiểu như vậy thì đạo lý Bỏ Mình  của Đức Ki Tô đó chính là bỏ đi sự phân biệt Ta –  Người chứ chẳng phải điều chi khác. Thế nhưng bỏ đi sự         phân biệt Ta – Người, đó là điều khó  trên  hết  mọi sự  khó. Vì vậy có người nêu câu hỏi: “ Người được cứu có ít hay không ?”. Quả là rất ít nếu Chúa chỉ cứu xét trên việc Bỏ Mình. Tuy nhiên Đạo Chúa là Đạo Cứu Rỗi ( Cv 13, 26 ) vì vậy  cũng còn có một phương thế khác vẫn không ngoài việc Bỏ Mình nhưng ai cũng có thể làm đó là con đường thực thi các giới răn.

          Giới răn hay còn gọi là điều răn là  Luật Chúa…..Đó là những quy định người có đạo cần tuân giữ để  được  Ơn Cứu Độ. Các giới răn cần tuân giữ bao gồm trong Mười Điều Răn ĐCT và sáu luật điều Hội Thánh.

          Trước những lời chỉ trích Chúa Giê Su vi phạm luật Do Thái, Ngài đưa ra lời thanh minh: “ Đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ luật pháp hoặc lời tiên tri. Ta đến không phải để hủy  phá nhưng là để  kiện toàn. Vì quả thật Ta nói cùng các ngươi. Cho  đến khi trời đất qua đi thì một chấm một nét trong luật pháp hẳn chẳng qua đi cho đến khi mọi sự đã hoàn thành” ( Mt 5, 17 -18 ).

          Chúa không phá hủy nhưng kiện toàn có nghĩa Ngài  đem đến cho Luật Pháp ( Giới răn ) một giá trị mới. Người Do Thái giữ luật chỉ vì luật ( vụ luật ) thế nên họ đã trở thành nô lệ cho luật. Đang khi đó Chúa Giê Su coi luật tuy rất cần cho đời sống tâm linh nhưng trước sau nó vẫn chỉ là một thứ phương tiện “ Con người là chúa của Ngày Sa Bát ( Lc 6, 5 ).

          Giới răn chỉ là phương tiện và phương tiện ấy có mục đích để giúp cho ta có thể làm lành lánh dữ hầu quay về với Đấng Chúa ở nơi mình. Trong Mười Điều Răn ĐCT  có những điều không được làm. Có những điều phải làm. Nhưng rốt lại thì Mười Điều Răn ấy chỉ nhắm hai mục đích, trước là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau là yêu  người như mình ta vậy.

          Nói là hai điều nhưng thật ra chỉ là một, bởi vì kính mến Thiên Chúa là kính mến Thiên Chúa ở nơi người. Còn yêu người là yêu người ở nơi Chúa. Nhận ra như thế để cho thấy bất  cứ điều răn nào trong Mười Điều Răn ấy  đều có liên hệ mật thiết với nhau và cần triệt để thi hành. Chẳng hạn không ai có thể nói rằng mình kính mến Thiên Chúa hết lòng mà lại không có lòng thảo hiếu với cha mẹ v.v…

          Như vậy để có thể có được lòng kính mến Thiên Chúa  thì không có cách chi khác  ngoài ra là hết lòng  thực thi Luật Chúa. Đức Ki Tô nói: “ Nếu ai thương yêu Ta thì vâng giữ đạo Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người. Chúng ta đều đến cùng người và lập cư với người. Còn ai chẳng thương yêu Ta thì chẳng giữ đạo Ta. Đạo các ngươi  nghe đó chẳng phải của Ta bèn là của Cha, Đấng đã sai Ta” ( Ga 14, 23 -24 ).

          Chúa nói Luật Chúa không phải của Ngài nhưng là của Cha có nghĩa đó là một thứ Công Đạo dành cho hết thảy muôn loài, muôn vật. Làm theo Công  Đạo ấy thì sống.  Ngược lại thì chết ( Thuận thiên giả tồn. Nghịch thiên giả vong ).

          Nếu hiểu “ Thuận Thiên” là vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa thì ý nghĩa sâu xa của việc tuân giữ Luật Chúa đó là tinh thần Xin Vâng trong mọi sự. Xin Vâng những khi bị khổ đau. Xin Vâng những khi bị sỉ nhục vì Danh Chúa. Xin Vâng trong cảnh nghèo khó, thanh bạch… và sự Xin Vâng ấy cũng chính là bước vào Cửa  Hẹp mà Chúa muốn ta bước vào.

          Cửa Hẹp như Chúa nói: Có nhiều kẻ muốn tìm vào mà không thể. Còn  chúng ta, sở dĩ có thể vững tâm theo Chúa, bỏ mình vác thập tự giá mình hàng ngày là bởi có Đức Maria dù là Mẹ Chúa Cứu Thế, Ngài vẫn vâng phục Dâng Con vào đền thờ để nghe lời tiên tri Simeon báo trước  cuộc khổ nạn: “ Còn ngươi, một thanh gươm sẽ đâm thấu tâm can để  ý tưởng của nhiều lòng được bày tỏ” ( Lc 2, 35 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts