Vấn đề “Chân lý trong Kinh Thánh”

          Kinh Thánh ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống  người Công Giáo. Các lớp dạy Kinh Thánh được mở ra khắp nơi. Trong các Thánh Lễ, giáo dân được tham gia vào việc đọc Lời Chúa ( Thánh Thư ) và hầu như nhà  nhà đều có một hoặc hai cuốn KT Tân Ước v.v…

          Thế nhưng tình trạng Kinh Thánh  được phổ biến rộng rãi như thế có thực sự đem lại ơn ích cho việc sống đạo của người giáo dân nói riêng và cho Giáo Hội nói chung hay không ? Câu trả lời  còn tùy theo quan điểm  mỗi người. Thế nhưng xét về  đại thể thì Giáo Hội hiện đang trong vòng xoáy của Tục Hóa và vì thế  ngày càng …tự đánh mất đi tính Công Giáo ( Catholicite’ ) của mình.

          Nhận ra như  vậy  để cho thấy giữa việc giáo dân được tiếp cận  rộng rãi với Kinh Thánh và đời sống đạo đức  hầu như  chẳng có gì  liên hệ với nhau. Nói cách khác nếu hiểu Kinh Thánh là Lời Chúa thì Lời Chúa  chưa thể đi vào  cuộc sống mỗi người.

          Nếu chỉ đọc hoặc thậm chí ra công nghiên cứu Kinh Thánh mà không sống Lời Chúa  thì sẽ  chẳng  bao giờ có thể biết được mục đích  của Kinh Thánh  là gì “ Song con hãy cứ ở trong những điều con đã học, đã tin chắc vì con biết đã học những điều  đó với ai và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được Ơn Cứu Rỗi bởi đức tin trong Chúa Giê Su Ki Tô. Cả Kinh Thánh đều được ĐCT hà hơi vào, có ích cho sự dạy dỗ, thuyết phục, sửa trị, luyện tập trong sự công chính hầu cho người của ĐCT được trọn vẹn và sẵn sàng đầy đủ để làm mọi việc lành” ( 2Tm, 3, 14 -17 ).

          Tất cả Kinh Thánh đều được…hà hơi có nghĩa được Thiên Chúa linh hứng. Dù có nhiều giải nghĩa khác nhau về Ơn Linh Hứng nhưng thần học vẫn có  sự nhất trí  đó là nhìn nhận Thiên Chúa chính là tác giả của Kinh Thánh “ Hiệu quả của ơn linh hứng là làm cho lời của người phàm trở thành Lời của Thiên Chúa. Tác phẩm của con người cũng là tác phẩm của Thiên Chúa. Chính vì Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa là tác phẩm của Thiên Chúa nên Kinh Thánh không vướng mắc và cũng không thể vướng mắc một sai lầm nào…

          Bởi cho Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh thế nên không thể có bất cứ một điểm sai lầm nào. Thế nhưng vào TK 19, khi khoa học đã tiến nhanh, nhiều bộ môn mới xuất hiện như kỹ thuật, sử học, khảo cổ…Sự tiến bộ này đã đặt ra nhiều vấn đề về cách nhìn của Kinh Thánh đối với vật lý, thiên văn và sử học…Người ta thấy giữa  đức tin và khoa học không có sự ăn khớp với nhau. Do đó có vấn nạn: Có đúng là Kinh Thánh không sai lầm ? Đó là “ Vấn Đề Kinh Thánh” ( Nguồn TTHV Đa Minh – Lm Giu Se Nguyễn Tất Trung. O.P – 02/9/2018 – Chân Lý Trong Kinh Thánh ).

          Khi đề cập tới “ Vấn Đề Kinh Thánh” ở đây có nghĩa người ta  đã đặt vấn đề  là có phải Thiên Chúa tức Đấng Tạo Hóa là tác giả của Kinh Thánh hay không ?  Một khi vấn đề được đặt ra như thế  tức đã muốn xét đến  cái nội dung tức chân lý  chứa đựng trong Kinh Thánh.  Nếu nội dung ấy là Đấng Tạo Hóa tức Thiên Chúa tự …mạc khải chính mình thì thật sự cả Cựu Ước lẫn  Tân Ước  đều chẳng có chi quan hệ  đến mục đích  rốt ráo  của Kinh Thánh  chính là để  thực hiện Con  Đường Tâm Linh bằng việc thi hành  các  Giao Ước.

          Tại sao khi cho Đấng Tạo Hóa là nội  dung Kinh Thánh thì lại không có liên quan gì đến  đời sống tâm linh ? Đó là vì Đấng Tạo Hóa ấy trong thực chất chỉ là cái quan niệm của thần học Duy Lý và quan niệm ấy là do ảnh hưởng của triết gia Do Thái Philon le Juip với chủ trương muốn  Dung Hòa Đức Tin với Lý Trí ngay từ đầu  TK Công nguyên.

          Cũng  bởi có sự dung hòa đức tin với lý trí  ấy mà từ đó Kinh Thánh đã không được nhận biết trong toàn bộ của nó  là các Giao Ước. Thật vậy, chẳng phải toàn bộ Kinh Thánh  chứa đựng các Giao Ước sao ? Nên nhớ Cựu Ước  tức  các Giao Ước …cũ. Còn Tân Ước  tức  Giao Ước mới…

          Người Do Thái  vì không chấp nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế  nên trước sau Kinh Thánh của họ vẫn chỉ  là Sách Luật. Còn Đạo Công Giáo thì chấp nhận  Cựu Ước bởi cho đó là cội gốc phát sinh Tân Ước. Về mối quan hệ Cựu Ước/ Tân Ước  này Thánh Augustino đã đưa ra  phát biểu xác đáng “ Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước. Cựu Ước tỏ lộ trong Tân Ước” ( Novum Testamentum in vetere latet et in Novovetus patet ).

          Nói Tân Ước …giấu ẩn trong Cựu Ước, bởi lẽ để nhận biết các chân lý chứa đựng trong Tân Ước, chúng ta nhất định  cần liên hệ với Cựu Ước vì chưng đó là cái nguồn gốc xuất phát. Ngược lại Cựu Ước lại chỉ  tỏ lộ trong Tân Ước  bởi Tân Ước  là điểm chung cuộc của việc thực hiện  các Giao Ước.

          Về mối quan hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước, có thể ví đó như một dòng sông mà trong đó Cựu Ước  là thượng lưu còn Tân Ước là hạ lưu. Nếu tách biệt hai phần ấy ra  thì cả hai phần thượng  và hạ lưu  chỉ còn là hai cái…hồ nước đọng. Thượng lưu khi ấy  không còn là dòng chảy. Còn hạ lưu cũng vậy, không có đường thông ra biển lớn đại dương.

          Qua ví dụ trên  ứng vào thực tế cho thấy. Do Thái giáo  hiểu như phần thượng lưu vì đã không nhìn nhận Đức Giê Su là Đấng Cứu Thế vì vậy họ trước sau vẫn cứ chỉ là…Do Thái giáo, một thứ tôn giáo mang tính địa phương chứ không phải Công Giáo ( Công Đạo ). Trái lại Công Giáo nếu không  nhận ra mối tương quan…máu thịt với Cựu Ước thì con đường tâm linh  tất sẽ bị bế tắc để rồi không cách chi tránh khỏi…Tục Hóa.

          Có thể nêu ra mấy mối tương quan chủ đạo giữa Cựu Ước và Tân Ước như sau:

          Thứ nhất: Về Tội Nguyên Tổ.

          Để có thể  nhận biết Tội Nguyên Tổ là …tội gì. Tại sao nó lại là …tội, nhất định chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh  Cuộc Sáng Thế và chính trong Cuộc Sáng Thế ấy mà đã nảy sinh câu chuyện sa ngã của A đam/ Eva  nơi Vườn Địa Đàng.

          Nhận ra như vậy để cho thấy công cuộc gọi là Sáng Thế, đó chỉ là một …cái phông, cái nền  cần thiết  cho sự xuất hiện của Nguyên Tổ, của Vườn Địa Đàng, của con rắn v.v…Còn như  nếu cứ  đem cái phông, cái nền ấy ra để mà …đánh giá, phân tích này nọ bằng  khoa học, thiên văn … này nọ  thì sẽ chẳng  bao giờ  có thể nhận ra tính minh triết  vô cùng độc đáo  của Sáng Thế Ký, cuốn sách đầu hết và cực kỳ quan trọng của Kinh Thánh. Bao lâu chưa …đọc được sách này  thì sẽ không thể có cách chi tiếp cận được các chân lý chứa đựng  trong  cả Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước.

          Một trong các chân lý nói lên sự tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước đó là Tội  Nguyên Tổ. Chính  do bởi cái…tội này mà Đức Ki Tô mới xuống thế  hầu cứu chuộc  nhân loại trong tính cách  A Đam mới: “ Vì như bởi sự không vâng  phục của một người ( A Đam ) mà mọi người đều đã trở nên tội nhân thế nào  thì bởi sự vâng phục của một người ( Đức Giê Su Ki Tô )mà mọi người đều sẽ trở nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ).

          Lại nữa, còn một mối liên hệ khác với Tội  Nguyên Tổ đó là Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tức Người Nữ đối đầu và chiến thắng quỷ dữ Sa Tan trong cuộc chiến tâm linh  được tiên báo: “ Giê hova ĐCT phán với  con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi  Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Lời tiên báo về cuộc giao tranh giữa Người Nữ Maria và Sa Tan như vậy đã được tiên báo ngay từ thuở Sáng Thế và vẫn  còn tiếp diễn cho tới tận  ngày nay, ngày càng khốc liệt.

          Thứ hai: Về Đất Hứa.

          “ Đức Chúa Giê hova có phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà  đi đến XỨ  Ta sẽ chỉ cho” ( St 12, 1 ). XỨ se được…chỉ cho ấy, người Do Thái vẫn tin tưởng rằng đó là đất Canaan nơi miền Trung Đông ngày nay và  điều kiện để  vào được nơi…Đất Hứa ấy thì cần tuân giữ các giới luật  hầu trở nên một dân tộc hùng mạnh. Thế nhưng Đất Hứa ấy cần được hiểu như là Chốn Nghỉ Ngơi Đời Đời  và để …vào được chốn ấy thì cần  có lòng tin: “ Vậy đã  có lời hứa để lại về việc vào Sự  Nghỉ Ngơi của Ngài thì chúng ta hãy lo sợ, kẻo có ai trong anh em dường như hụt đi chăng ? Vì thật Tin Mừng đã giảng cho chúng ta cũng như cho họ nhưng đạo họ  đã nghe đó không ích chi cho họ. Bởi vì đạo ấy không nhờ đức tin mà được dung hợp với kẻ nghe. Vì chúng ta là kẻ đã tin đều được vào Sự Nghỉ Ngơi ấy chính như ĐCT đã phán: Ta bèn thề trong thạnh nộ Ta  rằng: Họ sẽ chẳng hề  được vào  Sự Nghỉ Ngơi của Ta. Dẫu công việc đã xong từ Buổi Sáng Thế” ( Dt 4, 1 -3 ).

          Sự Nghỉ Ngơi ấy chính là Ngày Sa Bat “ Ấy vậy trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy ĐCT làm xong công việc Ngài và  Ngày Thứ Bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài làm” ( St 2, 1 -3 ). Ngày Sa Bat tức Chốn Nghỉ Ngơi đời đời ấy tuy đã được…làm xong từ Buổi Sáng Thế nhưng chỉ đến khi Đức Ki Tô xuất sinh nơi đời thì Chốn Nghỉ Ngơi  ấy mới chính thức được rao giảng ra bằng Tin Mừng Nước Trời “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến  cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói được: Đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong ( lòng ) các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Không thể nói Nước ĐCT ở đây hay ở kia bởi đó là Thực Tại  siêu vượt cả không gian lẫn thời gian. Thế nhưng mầu nhiệm thay Thực Tại  ấy lại sẵn đủ ở nơi mỗi người chỉ cần  có lòng tin và quay về là gặp. Chính bởi vậy Đức Ki Tô đã có lời truyền: “ Luật pháp và tiên tri đến Jean Baptist là hết. Rồi từ đó Tin Mừng của Nước ĐCT được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà..vào” ( Lc 16, 16 ).

          Thứ ba: Về Dân Riêng.

          Cùng với Giao Ước  Ban Đất Hứa. Đức Chúa Giê hova cũng ban cho Apram làm tổ phụ một Dân Riêng: “ Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 2 ).

          Người Do Thái vẫn tự hào mình là Dân Riêng Thiên Chúa và chúng ta xưa nay vẫn nghĩ như vậy. Tuy nhiên tính chất Dân Riêng ấy hoàn toàn không căn cứ vào dòng giống xác thịt nhưng đó phải là Con Cái của Lời Hứa “ Ấy chẳng phải là  nói lời ĐCT ra hư không đâu. Vì những kẻ ra từ Apraham chẳng phải hết thảy đều là người Itsraen  đâu. Cũng không phải vì họ là dòng giống Apraham mà hết thảy đều là con cái đâu bởi… Duy kẻ ra từ Isaac mới gọi là dòng giống ngươi. Nghĩa là chẳng phải con cái thuộc xác thịt là con cái của ĐCT. Duy con cái thuộc Lời Hứa mới được kể là dòng giống vậy” ( Rm 9, 6 -8 ).

          Như vậy, chỉ con cái thuộc Lời Hứa mới được kể là Dân Riêng và  Dân Riêng ấy trong thời Tân Ước hiện nay chính là Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền do Đức Ki Tô đích thân thiết lập cùng với lời hứa cho vào Nước Thiên Đàng  những kẻ nào có lòng tin, yêu nơi Ngài “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ. Bằng chẳng vậy Ta đã nói với các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta. Hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

          Tin vào lời hứa của Đức Ki Tô. Người Công Giáo cũng đồng thời là dòng dõi  Người Nữ Maria. Chắc chắn  chúng ta trong trận  giao chiến này sẽ thắng được Sa Tan tức Con Rắn Xưa nơi Vườn Địa Đàng “ Nó sẽ bị quăng xuống đất  và các sứ giả của nó cũng cùng bị quăng xuống nữa” ( Kh 12, 9 ).

          Sa Tan sẽ bị đánh bại đó là lời hứa của Đức  Mẹ tại Pha Ti Ma năm nào. Thế nhưng tên ác quỷ đó chỉ có thể bị đánh bại nếu mỗi người chúng ta thực tâm cậy trông vào Mẹ, hết sức cải thiện đời sống mình và tích cực siêng năng lần chuỗi Mân Côi  với  lòng yêu mến./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts