TIẾN  TỚI  ĐỐI  THOẠI  CÔNG  GIÁO –  PHẬT  GIÁO

          Công Đồng Vatican II mệnh danh là CĐ  của Đại Kết và  Đối Thoại nhưng tính từ ngày được triệu tập đến nay  đã hơn nửa thế kỷ ( 2020 – 1965 )  cả hai chủ trương ấy  đều không mang lại kết quả. Với các hệ phái Ki Tô Giáo thì đại kết, hiệp nhất chẳng thấy đâu mà ngay trong lòng các Giáo Hội kể cả Công Giáo  sự phân hóa, chia rẽ diễn ra  ngày càng trầm trọng.

          Một khi Giáo Hội đã rẽ chia như thế  thì tất nhiên  không thể  có được nội lực cần có cho việc đối thoại. Binh thư Tôn Tử nói: “ Biết người, biết mình trăm trận trăm thắng”. Đang khi đó, một đàng Giáo Hội muốn tiến hành cuộc đối thoại.  Một đàng lại không…biết đúng về mình. Sao có thể nói thế ? Bởi vì ở đây không có sự…chính danh. Thay vì là Đạo Công Giáo  lại là Ki Tô Giáo. Trong Tuyên Ngôn Nostra  Aetate  chỉ nói đến đối thoại với  các tôn giáo…ngoài Ki Tô giáo chứ  đâu có  kể gì đến Công Giáo ?

          Hiện đang có sự lẫn lộn, mập mờ giữa Đạo Công Giáo và Ki Tô giáo ngay cả với người Công Giáo  cũng như người ngoài Công Giáo. Thực sự thì  không hề tồn tại  cái gọi là Ki Tô Giáo như một thực thể nghĩa là có tổ chức, cơ cấu, ban bệ như một Giáo Hội. Sở dĩ gọi là Ki Tô giáo bao gồm các hệ phái như Tin Lành, Chính Thống, Anh giáo bởi vì cùng nhìn nhận Đức Ki Tô  và dùng chung một cuốn Kinh Thánh.

          Trong việc đối thoại với các tôn giáo mà không…chính danh như thế  có nghĩa Giáo Hội  đã  tự  đánh mất căn tính  Công Giáo của mình là Duy Nhất, Thánh Thiện và Tông Truyền. Điều ấy khiến  việc đối thoại trở thành vô căn cứ !

          Tuy vậy, đối thoại là một nỗ lực không chỉ là mong muốn của Giáo Hội nhưng  cũng còn có ở phía Phật  giáo: “ Vào năm 1969, hai tác giả John Garabadian và Orde Coombs viết một cuốn sách nhan đề “ Những tôn giáo đông phương thời điện tử. Ngoài bìa có in một hàng chữ lớn: Chúa đã chết. Phật còn sống” ( Christ is dead – Buddha Lives ).

          Để đáp lại, thiền sư Nhất Hạnh vào năm 1995 đã cho xuất bản  tác phẩm “Phật Sống, Chúa Sống” ( Living Buddha – Living Christ ) có ý hướng mở ra  cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Chúa Ki Tô. Thế nhưng ý hướng ấy rút cục cũng chẳng đi đến đâu với lý do là vì người ta chẳng những không đưa ra được bất cứ sự tương đồng nào giữa Đạo Chúa và Đạo Phật mà còn khiến hai tôn giáo lớn này ngày càng cách biệt !.

          Vị thiền sư rất ư nổi tiếng ấy đã được xưng tụng là…Bồ  Tát hóa thân, một mình đóng hai vai Phật và Giê Su cho ngồi cùng với nhau như anh em và bàn về sự tương đồng  của một số triết lý Phật giáo và Ki Tô giáo “ Qua lăng kính Phật giáo” trong tác phẩm “ Về Nhà”. Phật và Giê Su như là anh em, ngồi cùng nhau bàn về những lời cầu nguyện và lễ tiết  của mỗi tôn giáo. Hai người có thể làm được gì  để tạo một sức sống mới cho mỗi truyền thống, nhìn vào sự gặp nhau của những quan niệm như  sống lại  và sự thực hành chánh niệm hay tỉnh thức  vào chỗ gặp gỡ nhau  của sự hiểu biết và bản chất thực tại của Phật giáo và quan niệm về Thượng Đế của Ki Tô giáo” ( Nguồn: hoangphongnha blogspot. Com – 01/2015 – Trần Chung Ngọc: Con đường chuyển hóa hay tản mạn về Phật & Giê Su ).

          Đối thoại chỉ với mục đích để “Nhìn vào sự gặp gỡ của những quan niệm…” thì thất bại là cái chắc. Lý do là vì  quan niệm thực chất chỉ là những cái chấp thiên lệch và chính  do cái chấp đó mà đã khiến  chân lý không thể được nhận biết: “ Về căn bản mọi người chúng ta đều biết Phật giáo là đạo của Trí Tuệ và Lý Trí thường được biết đến  với tên quen thuộc là Đạo Giác Ngộ còn Ki Tô giáo là Đạo của Đức Tin, thường được biết là Đạo Cứu Rỗi. Lý Trí và Đức Tin khác nhau ở chỗ nào ? Theo học giả Gia Tô, Dalaiden thì Lý Trí và Đức Tin tượng trưng cho hai con đường “ Con đường đi tới hiểu biết đối với con đường đi tới mê tín…”.

          Đức tin của Đạo Công giáo bị cho là…mê tín và sự mê tín ấy còn  thể hiện ngay với Chúa Giê Su: “ Đức tin trong Ki Tô  giáo được thể hiện ngay trong lời nói của Chúa Giê Su trước khi  Người tắt hơi: Chúa Giê Su kêu lớn: Thượng Đế ôi ! Thượng Đế ôi ! Sao Ngài lìa bỏ con. Chúa Giê Su kêu lên một tiếng lớn rồi tắt hơi” ( Mt 27, 46 -50 )….

          …Điều rõ ràng là trước khi tịch diệt, Đức Phật  vẫn còn quan tâm đến những đệ tử  của mình và nhắc nhở cho những đệ tử  về chân lý vô thường cùng khuyên các đệ tử phải cố gắng tu tập, tiến tới giải thoát. Nhưng Chúa Giê Su  thì bởi sống trong một đức tin cho rằng mình là con của Thượng Đế, tin rằng sẽ có những thiên thần Thượng Đế sai xuống để giải cứu mình v.v…nên khi sắp tắt hơi mới tỉnh ngộ và thốt ra những lời than thở  đầy đau khổ và thất vọng” ( Nguồn hoangphongnha. Blogspot đã dẫn ).

          Đòi hỏi trước hết cho một đối thoại đứng đắn đó là thiện chí của mỗi bên nhưng điều ấy ở đây hoàn toàn không có. Cho chỉ đạo mình có đức tin còn đạo người là…mê tín thì làm sao có thể thực hiện bước kế tiếp bởi chưng con đường đối thoại đã bị…tắc nghẽn !

          Phần khác như vừa nói, thiện chí cần có cho mỗi bên, nhưng về phía…Ki Tô giáo cũng chẳng có  vì cho rằng chỉ… mình mới nắm được chân lý: “ Giáo Hội luôn chân thành tôn trọng những cung cách hành động và lối sống cũng như  những huấn giới  và giáo thuyết của các tôn giáo mặc dù khác với chủ trương  và đề nghị của Giáo Hội nhưng vẫn thường mang theo một tia sáng nào đó của chính chân lý đang chiếu soi cho tất cả mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn rao giảng và kiên quyết không ngừng  rao giảng Chúa Ki Tô, Đấng là đường và sự sống” ( Nostra Aetate ).

          Với khẳng định trên đây cho thấy  chỉ GH Công Giáo mới…thủ đắc  chân lý trọn vẹn còn các tôn giáo khác chỉ có một tia sáng…nào đó chiếu soi ? Chân lý dù bất kỳ ở không gian, thời gian nào không hơn không kém vẫn chỉ là một. Một tia sáng…nào đó chiếu soi thì đó hẳn nhiên không phải là chân lý.

          Mục đích tối hậu của tôn giáo là để sao cho con người có thể nhận biết và sống với chân lý duy nhất đó. Đồng thời  cũng từ đây  mà cuộc  đối thoại giữa Công Giáo và Phật Giáo  mới có cơ thành tựu.

          Con đường tìm kiếm chân lý chỉ có thể  đạt  một khi có Đấng Đạo Sư chỉ lối dẫn đường, Đạo Phật gọi là khai thị còn  Đạo Chúa là mạc khải. Để tiến hành cuộc đối thoại thì trước hết cần nhận ra sự tương đồng giữa hai Đấng Đạo Sư  về việc mạc khải.

          Trong Kinh Pháp Hoa, Phật nói: “ Này Xá Lợi Phất, mục đích các Đức Phật ra đời chỉ nhằm khai mở Tri Kiến Phật,  chỉ cho chúng sinh thấy Tri Kiến Phật, Làm cho chúng sinh nhận rõ Tri Kiến Phật và giúp chúng sinh đi vào con đường Tri Kiến ấy nghĩa là thành Phật” ( Phẩm Phương Tiện ).

          Tri Kiến Phật tức là cái thấy biết Phật. Vì cái thấy biết Phật là cái vốn sẵn có ở nơi mỗi ngươi nhưng chỉ vì vô minh che lấp không một ai nhận ra nên mục đích của mười phương chư Phật ra đời là muốn chỉ bày cái mà các Ngài đã ngộ, đã chứng chứ chẳng phải điều chi khác.

          Phật tiếng Phạn  là Buddha, Tàu dịch là Giác Tánh tức là Tánh Biết. Tánh Biết ấy luôn sẵn có ở nơi mỗi người  bậc Thánh không tăng, kẻ phàm không giảm. Phật Thích Ca được gọi là Đấng Toàn Giác bởi vì Ngài đã hoàn toàn ngộ nhập và sống với Giác Tánh ở nơi mình.

          Nếu các Đức Phật ra đời mục đích chỉ để khai thị cho con người nhận ra  Tánh Biết ấy thì sứ mạng được sai đi của Đức Ki Tô cũng chỉ để thực hiện công việc ấy mà thôi: “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha, điều ấy không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên trong suốt lịch sử Giáo Hội, không hề thấy ở đâu, khi nào xác nhận Mạc Khải này. Tại sao ? Bởi  đó là do ảnh hưởng của thần học Duy Lý ngay từ đầu đã  chấp nhận và xiển dương  quan niệm Đấng  Tạo Hóa. Một khi đã nhìn nhận quan niệm Đấng  Tạo Hóa  thì làm sao có thể  tiếp nhận Mạc Khải cũng như Tin Mừng của Đức Ki Tô ?

          Mạc khải về Đấng Cha cũng như Tin Mừng  Nước Trời của Đức Ki Tô  cũng  là một bởi vì Tin Mừng ấy loan báo về  Thực Tại nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Đức Chúa Trời chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói: Ở đây hay ở kia, vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Không thể nói Nước  Trời…ở đây hay ở kia bởi vì đó là  Thực Tại siêu việt cả không gian lẫn thời gian nhưng mầu nhiệm thay Thực Tại ấy lại hiện hữu ở nơi tâm hồn mỗi người. Điều ấy thật không sao hiểu nổi nhưng đó lại là  sự thật mà chỉ những ai dấn thân trên con đường tìm kiếm chân lý và ra công thực  hành  mới có thể nhận biết. Ngược lại nếu không thực hành mà chỉ …suy theo lối thần học thì Nước Trời ắt sẽ trở thành…Nước Tục Hóa: “ Khi người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức không còn bị áp bức” ( Lm Micae Trần Đình Quảng – Đức Giê Su trước  khi có Ki Tô giáo, một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Ki Tô Lịch Sử ).

          Khi Đức Ki Tô rao giảng Nước Trời như một…Nước, một lãnh thổ, như thế là để cho con người dễ dàng trong việc quy hướng, nhưng đây là Thực Tại nội tại  tức cái vốn… Sẵn Có ở nơi mỗi người. Chính  bởi  đó là cái vốn Sẵn Có thế nên  Đúc Ki Tô mới gọi đó là Tin Mừng  có nghĩa  đây  là một cái Tin mà nếu ai nghe được thì sẽ phát khởi được lòng  mừng vui lớn lao.

          Tánh Biết là cái sẵn có ở nơi mỗi người nhưng bởi vô minh che lấp nên không một ai nhận ra. Tánh Biết thường hằng ấy cũng là một không khác với Đấng Cha mà Đức Ki Tô truyền đạt và muốn các môn đệ nhận biết hầu trở về: “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha, tức Chân Thần duy nhất cùng Giê Su mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).

          Con người bởi vô minh dẫn dắt không thể nhận ra Tánh Biết cũng là Tri Kiến Phật vốn sẵn đủ ở nơi mình để chạy theo Tri Kiến  Chúng Sinh nên đã phải lăn lóc sống trong khổ đau mà không biết. Tri Kiến Chúng Sinh  cũng chính là vọng tâm phân biệt, Kinh Thánh gọi đó là Tội  Nguyên Tổ: “ ĐCT phán  với A Đam: ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết phân biệt điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn chắc là phải  chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác. Điều ấy thiết nghĩ không có chi phải…bàn  nhưng với thần học vì đã chấp quan niệm Đấng Tạo Hóa thế nên không cách chi hiểu được: “ Nếu thực sự có một vấn đề trời tru đất diệt. Không ai dám đề cập tới, không ai ưa đả động gì thì đó phải là vấn đề Tội  Nguyên Tổ” ( Nguồn Conggiao.Info 18/6/2015 – Tội Nguyên Tổ ).

          Chấp có Đấng Tạo Hóa thì sẽ không sao hiểu được bản chất của Tội Nguyên Tổ và như thế cũng chẳng làm sao có thể trở về với Đấng Cha  nội tại ở nơi mình. Con đường trở về  là tất yếu nhân loại cần thực hiện để  thoát khỏi khổ đau. Nếu hết thảy khổ đau là do phân biệt Ta – Người  thì cần  bỏ sự phân biệt ấy đi  mới có được Sự Sống Đời Đời, ngoài ra  không còn con đường nào khác.  Phải “ Bỏ Mình” đi, đây chính là đạo lý thoát khổ của  Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta  thì hãy từ bỏ mình đi,  hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Đức Ki Tô nói “ Bỏ Mình” không có nghĩa là lúc ban đầu có một …cái mình ( bản ngã ) rồi đến khi theo Chúa thì phải bỏ bản ngã ấy đi. Trái lại Bỏ Mình có nghĩa là từ khởi thủy chưa bao giờ có cái gọi là “Mình”. Chấp thấy có cái “ Mình” hư dối, đó là gốc rễ của muôn giống tội. Do vậy Chúa mới truyền dạy những ai theo Ngài  cần bỏ mình đi bằng nhiều cách: Yêu người thì phải yêu thương cả kẻ thù nghịch, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Bố  thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm v.v…

          Trong tính chất sâu xa của việc Bỏ Mình ấy chính là bỏ  đi ý riêng mình. Chính Chúa Giê Su khi nói hay làm bất cứ công việc gì, kể cả giáo lý cũng không  nhận là của Ngài: “ Người Do Thái ngạc nhiên nói với nhau, người này chẳng từng học, làm sao biết chữ ( để giảng dạy ). Chúa Giê Su nói với họ: Giáo lý của Ta chẳng phải của Ta bèn là của Đấng đã sai Ta. Nếu ai khứng làm theo ý chỉ của Ngài thì sẽ biết giáo lý ấy hoặc bởi ĐCT hoặc tự Ta nói ra” ( Ga 7, 15 -17 ).

          Cũng như Đức Ki Tô, trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật nói: “ Trong 49 năm Ta chưa hề nói một lời, một câu nào”. Tại sao Ngài nói vậy ? Bởi nếu Phật nhận mình có nói một lời một câu thì đó là còn phân biệt  chấp có mình.

          Nhưng dẫu sao lời của chư Phật vẫn cứ được truyền giảng ra, nếu không thì  chúng ta biết đường, biết lối  nào để thực hành ? Ở đây ta thấy có hai phần, phần Tánh và phần Tướng. Phần Tánh thì không có ngôn từ nào để  nói, dể diễn tả bởi vì hễ nói ra  thì đã đi vào khái niệm, đối đãi. Còn về phần Tướng, các Ngài dùng ngôn từ và hình ảnh  của đời thường thế gian để diễn nói  hầu cho người ta theo đó mà thực hành, tu tập.

          Vì con người chỉ có thể nhận biết qua ngôn từ, hình ảnh  thế nên Chúa Giê Su khi rao giảng mầu nhiệm Nước Trời, Ngài  dùng Dụ Ngôn: “ Ta sẽ mở miệng nói  thí dụ. Ta sẽ thốt ra những điều đã bị giấu kín từ buổi Sáng Thế” ( Mt 13, 35 ). Còn với Phật Thích Ca, Ngài dùng pháp phương tiện để nói về ba thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát để dẫn dụ chúng sinh đi vào con đường giải thoát ( Kinh Pháp Hoa – Phẩm Phương Tiện ).

          Tất cả Lời Chúa, Lời Phật được truyền giảng ra đều chỉ là Pháp Phương Tiện. Vấn đề ở chỗ chúng ta có tin để đem ra thực hành hay không và việc thực hành ấy tất cả cũng không ngoài việc Trở Về  với Chân Bản Tánh sẵn có ở nơi mình. Dẫu vậy, chỉ khi nào con người nhận thức được…khổ thì mới có quyết tâm trở về mà thôi.

          Trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng”  cho thấy y ta chỉ…ngộ được hoàn cảnh thê thảm của mình, muốn ăn cám của heo mà người ta cũng không cho. Lại nữa con người chỉ quyết lòng trở về khi từ trong tâm khảm tin rằng mình còn có nơi để…Về.” Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật mà ta đây lại phải chết đói. Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà nói rằng: Cha ôi !Con đã lỗi phạm với trời và với cha, chẳng đáng là con cha nữa. Xin đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” ( Lc 15, 17 -19 ).

          Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Tín Giải cũng nói đến dụ ngôn đứa con khốn khổ ( Cùng Tử ) giống như dụ ngôn “ Đứa con hoang đàng” của Chúa Giê Su. Đứa con ấy vì muốn được dong chơi thỏa thích nên mới  bỏ nhà ra đi  nhưng khi  bị sa cơ thất thế vì lòng nhớ mong quê hương bản quán  nên đã quyết tâm trở về nhưng khi  về đến trước cổng, thấy nhà cha mình quá đẹp đẽ nguy nga  nên sợ hãi muốn bỏ chạy  vì cho  thân phận mình  giờ đây đã ra nông nỗi khốn khổ. Người cha đã thân hành ra khuyến dụ mãi cậu ta mới chịu vào.

          Dụ ngôn sự Trở Về  ấy không chỉ  thấy ở nơi hai truyền thống tâm linh đó mà còn có ở  các nền minh triết Đông, Tây. Hy Lạp có triết ngôn  ghi trên cửa đền Delphe: “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais toi – Toi memes ). Còn  Lão Tử nói: “ Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân các phục quy kỳ căn” ( vạn vật cùng đều sinh ra, Ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi ! mọi vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó ).

          Tây phương chủ trương…biết mình nhưng rồi đã sa đọa vào Duy Lý với câu định nghĩa của Aristote: “ Người là con vật biết suy lý” ( L’homme est l’Animal raisonnable ).  Còn Đông phương tuy nói rất đúng là trở về cái gốc ( sẵn có ) nhưng không đưa ra được phương pháp thực hành thế nên cũng chỉ là…nói xuông ?

          Phật giáo ngoài con đường Thiền, còn có  pháp môn Trì Danh Niệm Phật vừa dễ thực hành vừa công hiệu tối đa. Niệm Phật thì thành Phật đó là áp dụng nguyên lý Duyên Khởi. Hễ khởi nhớ cái gì sẽ có cái đó: “ Mười phương chư Phật thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ còn làm gì được ? Ngược lại nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con. Mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, đời này đời sau quyết định thấy Phật, cách Phật chẳng xa. Chẳng nhờ đến pháp phương tiện nào khác mà  cũng tỏ ngộ được Tâm của mình như người ướp hương, thân có mùi hương” ( Kinh Vô Lượng Thọ )

          Nếu Tịnh Độ tông Phật giáo có pháp môn Trì Danh Niệm Phật  thì Đạo Công Giáo có Phép  Lần  Hạt Mân Côi do Đức Mẹ đích thân truyền trao cho Thánh Đa Minh. Nhờ cấu trúc đặc biệt của Kinh này chia ra từng Mùa, mỗi Mùa có năm Thứ mỗi Thứ có mười hạt là mười Kinh Kính Mừng cùng với Thánh Danh Giê Su và Maria. Giá trị của Kinh này ở chỗ khiến cho ta  ghi nhớ ở trong tâm khảm mình hai Thánh  Danh đó. Như đã biết …nhớ gì  sẽ có cái đó, nhớ đến Chúa, nhớ đến Đức Mẹ cùng với công nghiệp lớn lao của các Ngài thì ắt chúng ta sẽ  được  đón tiếp  trong giờ lâm chung, nguy tử.

          Tôn giáo nhất định cần nhận biết như là con đường thực hiện tâm linh và…mức đến của con đường ấy chắc chắn  là cái chết. Làm sao giải quyết  cái chết  của chính mình cách ổn thỏa đó mới thật là người khôn ngoan: “ Vậy nên các ngươi hãy tỉnh thức ( Chánh Niệm ) sẵn sàng vì Con Người đến trong giờ các ngươi không ngờ” ( Mt 24, 44 )./.

Phùng  văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts