THẾ GIAN HAY NƯỚC TRỜI?

Sống trên trái đất này, đương nhiên ai ai cũng phải làm việc để nuôi thân, Đó là bổn phận mà cũng là vinh dự của một con người để cuộc sống chúng ta phải hội nhập tốt đẹp trong xã hội. Mọi người chỉ muốn sống một cuộc đời sung túc, giàu có, nhiều tiền bạc, nhà cao to, địa vị lớn, được người đời xưng tụng… trọng vọng, vì thế nhân thường tình, cúi đầu trước những người giàu có, thế lực, người tài giỏi thông minh…

Vì thế người ta chăm chỉ làm việc và bất chấp mọi sự bất chính và gian dối để được hưởng của cải thế gian mà họ cho là phần thưởng đời này, dù chỉ kéo dài có vài năm hay vài chục năm rồi thì tất cả cũng không đem theo xuống mồ. Họ quý trọng những phần thưởng đó và hãnh diện là Chúa thương yêu họ hơn những người khác thì họ mới được như vậy. Họ khinh chê người nghèo khó, họ dè bỉu người làm ăn  thất bại, họ chê bai những người bất hạnh…

Những người này, họ chẳng bao giờ nghĩ đến phần thưởng vĩnh viễn ở Thiên Đường, họ sợ chết đến kinh hoàng, không bao giờ dám nghĩ đến. Có ai nhắc nhở đến thì họ né tránh ngay. Thảng hoặc, có người nghĩ đến, thì khoan khoan,  xếp lại đó cái đã… vì đời mình còn dài mà… hãy hưởng thụ mùi vị thế gian đã, rồi lúc về già hãy lo cho chuyện đó… „vì tuy biết Thiên Chúa họ đã không tôn vinh và cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viễn vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra ngu muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ“ (Rm 1,21-22),

Những  người này rất ích kỷ, khi giàu có, chỉ biết hưởng thụ mà không hề để ý tới người nghèo khó thiếu ăn ngay trước mặt mình. Những con người này đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống họ. Khi về bên kia thế giới, họ sẽ giống như ông nhà giàu trong Phúc Âm mô tả, ông nhà giàu và anh nhà nghèo tên Lazarô hằng ngày ngồi ăn xin bên ngoài cổng nhà,  ông ta đã phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, „dưới âm phủ, đang khi chịu khổ hình, ông ta ngước mặt lên, thấy tổ phụ Ap-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: „Lạy tổ phụ Ap-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!“ (Lc 16,22-24).

Những Kitô hữu này họ không có thì giờ nghĩ đến Chúa, không biết học hỏi tìm hiểu Tin Mừng là gì, Phúc Âm là chi, hoặc họ không có cơ hội tiếp xúc với Thánh Kinh nên hiểu biết của họ về Thiên Chúa, về Hội Thánh về Thánh Kinh rất hạn hẹp. Kẻ viết bài cũng đã từng gặp nhiều người Công Giáo trí thức, có nhiều bằng cấp ngoài đời, nhưng khi nói chuyện với họ mà trong trao đổi mình có nhắc đến câu Thánh Kinh nào họ cũng ngơ ngác không biết không hiểu.

 Người cộng sản họ dám lên tiếng chê bai những Kitô hữu: “Làm sao người ta có thể tin vào Phúc Âm nếu các bạn từ chối đưa Phúc Âm vào đời sống, nếu các bạn không muốn hy sinh thời giờ và tiền bạc cho Tin Mừng? Làm sao người ta có thể tin vào Phúc Âm nếu bạn không muốn động đến ngón tay vì Tin Mừng?” Quả  thật có như vậy, Lời nhận xét trên thật thấm thía với mỗi người chúng ta, thật xấu hổ khi xưng mình là Kitô hữu. Đây là một lời sỉ nhục Kitô hữu chúng ta

Mỗi một người chúng ta phải tự trả lời câu hỏi ấy. Chúng ta không hy sinh để loan truyền Tin Mừng, trong khi chúng ta dám hy sinh để được tiến thân trong xã hội, vì chúng ta chỉ ham thích những sự thế gian mà người đời ca tụng. „Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mạc khải cơn thịnh nộ của Ngài chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý“ ((Rm1, 18) 

 Lạy Chúa,  xin giúp chúng con thực hành lời Chúa ngay cả khi chúng con không muốn sống lời ấy, Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết thực hành vì điều đó có nghĩa; chúng con phải thay đổi để mỗi ngày mỗi nên giống Chúa hơn. Amen.

 Elisabeth Nguyễn (28.9.2020)

Chia sẻ Bài này:

Related posts