Thầy đây! Đừng sợ

          Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn còn diễn biến khó lường và nghiêm trọng thì tại nhiều Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Triều Ro Ma đã ban hành các hướng dẫn phòng ngừa trong các Thánh lễ  hoặc hủy bỏ hoàn toàn các Thánh Lễ công cộng vì sự bùng phát của Coronavirus  bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

          Trước các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh đó. Đức cha Pascal Roland, giám mục giáo phận Belley Ars cho rằng  mọi người nên quan tâm đến  “ Dịch sợ hãi, dịch đình chỉ Thánh Lễ, dịch đóng cửa nhà thờ” hơn là dịch Coronavirus:

          “ Vị giám mục Pháp  nói rằng ngài không có ý định ra lệnh đóng cửa  các nhà thờ hay đình chỉ các Thánh lễ cũng chẳng loại bỏ cử chỉ trao ban  bình an trong các Thánh lễ hoặc áp đặt cách thức Rước Lễ mà nhiều người cho rằng hợp vệ sinh hơn. Nói cách khác, mọi người đều có thể  Rước Lễ  trên tay hay trên lưỡi như ý họ muốn. Nhà thờ không phải là  nơi có nguy cơ mà là nơi chăm sóc sức khỏe ( Tâm Linh ) Đó là nơi chúng ta chào đón Chúa Giê Su Ki Tô,  Đấng là sự sống và qua Ngài, với Ngài chúng ta học cách trở thành những con cái sống  động của Chúa. Nhà thờ phải giữ nguyên  ý nghĩa của nó. Đó là một nơi để hy vọng” ( Nguồn Vietcatholic News – 09/3/2020 – Đặng Tự Do – Giám mục Pháp: Dịch sợ hãi, dịch đóng cửa nhà thờ, dịch  đình chỉ  các Thánh Lễ nguy hơn dịch Coronavirus ).

          Theo đức cha Pascal Roland thì nhà thờ không phải là nơi có nguy cơ  mà là nơi chăm sóc sức khỏe tâm linh. Sự chăm sóc ấy  đã được thực hiện bởi chính Chúa Giê Su Thánh Thể. Ngài vừa là sự sống vừa là đường dẫn đưa chúng ta về Nhà Cha, quê hương vĩnh cửu của mọi tín hữu.

          Trên con đường về quê  xa thẳm mịt mùng  với biết bao gian lao nguy hiểm  chực chờ ấy chúng ta sẽ không thể vượt qua nếu không có Đức Ki Tô…ở cùng. Giáo Hội vẫn được ví như con thuyền Thánh Phê Rô  đang lênh đênh  vượt trùng dương bão tố và có khi  trên con thuyền ấy  Chúa Giê Su lại…không có mặt “ Bấy giờ thuyền đang ở giữa biển bị sóng dồi vì gió ngược. Đến canh tư, Ngài đi trên biển mà đến cùng  cùng họ. Khi các môn đệ thấy Ngài đi trên biển thì hoảng sợ, tưởng là ma. Vì quá sợ hãi họ la lên. Chúa Giê Su liền nói với họ rằng: Hãy vững lòng Thầy đây, đừng sợ. Phê Rô bèn đáp: Thưa Chúa nếu quả là Ngài  xin cho tôi đi trên  mặt nước để đến  cùng Ngài. Chúa nói: hãy đến, Phê Rô bèn ra khỏi thuyền đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa. Song khi thấy gió to thì hoảng sợ, hòng chìm nghỉm bèn la lên rằng Chúa ôi ! Cứu tôi.  Tức thì Chúa Giê Su giơ tay nắm lấy người mà rằng: Ớ kẻ hèn tin, sao ngươi hồ nghi ? Khi Chúa lên thuyền rồi thì gió tan, biển lặng. Các người trong thuyền bèn thờ lạy mà tôn vinh: Ngài thật là Con ĐCT” ( Mt 14, 24 -33 ).

          Giáo Hội ví như con thuyền vượt biển và trên con thuyền ấy luôn có Chúa…ở cùng: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Lời Chúa hứa…ở cùng đó  đã được thể hiện cách rõ rệt nhất nơi Bí Tích Thánh Thể. Tuy nhiên, tin sự hiện diện  của Chúa Ki Tô nơi Bí Tích Cực Thánh ấy là điều rất khó. Vì lẽ khi nghe Chúa nói:  Đây là bánh bởi trời xuống chẳng phải như thứ tổ phụ ăn rồi cũng chết. Kẻ nào ăn bánh này  sẽ sống đời đời. Có nhiều môn đệ nghe Ngài thì nói: Lời này…khó, ai mà nghe được và rồi họ đã bỏ Chúa mà đi” ( Ga 6, 57 -66 ).

          Chẳng những tin Chúa Giê Su nơi Bí Tích Thánh Thể là điều rất khó nhưng còn là  bất khả nếu không biết đến mục đích của sự Chúa…Ở Cùng đó  chính là để đem  đến  cho con người Sự Sống Đời Đời.

          Có nhiều môn đệ nghe Chúa nói: Ai ăn bánh này thì có Sự Sống Đời Đời thì không tin và bỏ đi. Lý do của sự…bỏ đi ấy chính là vì họ không tin có Sự Sống Đời Đời. Một khi đã không tin có Sự Sống Đời Đời thì cũng không thể  đặt hết  niềm tin nơi Chúa Giê Su, Đấng dẫn đường: “ Thầy là đường là  sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Tin Đức Ki Tô, Đấng dẫn đường chỉ lối. Đây chính là tiếp nối cuộc hành trình đức tin khởi đầu từ  Cuộc Vượt Qua của Dân Chúa  dưới sự lãnh  đạo của Mai Sen trong thời Cựu Ước và nay là Đức Ki Tô trong thời Tân Ước.

          Mai Sen được Đức Chúa Giê hova trao sứ mạng nhưng ông sợ và muốn từ chối: “ Mai Sen thưa rằng: Tôi là ai mà dám  đến Pharaon đặng dắt dân Itsraen ra khỏi xứ Ai cập. Nhưng Đức Chúa phán: Ta ở cùng ngươi. Này là điều làm dấu chỉ  cho ngươi biết rằng Ta đã sai ngươi đi. Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ai Cập rồi thì các ngươi sẽ phụng sự ĐCT trên núi này” ( Xac 3, 11 -12 ).

          Trước sứ mạng khó khăn ấy, Mai Sen lo sợ, muốn từ chối nhưng  Đức Chúa hứa: “ Ta ở cùng ngươi”. Có được Thiên Chúa ở cùng thì  đâu có còn lo sợ gì nữa. Tuy nhiên việc…có Chúa ở cùng ấy không như là điều đương nhiên nhưng cần có lòng tin, tin Chúa lúc nào thì có Chúa…ở cùng khi ấy, trái lại thì không.

          Trong cuộc Vượt Qua đầy gian nan thử thách ấy, rất nhiều phen Mai Sen đã nản lòng muốn buông xuôi khi bị dân chúng oán than kêu trách:  “ Chúng lại nói rằng: Xứ Ai Cập há chẳng có nơi mộ phần  nên nỗi người mới dẫn chúng ta vào nơi đồng vắng  như thế này để chết hay sao ? Người đưa chúng tôi ra khỏi xứ Ai cập để làm chi ? Chúng ta há chẳng có nói cùng người khi còn tại xứ Ai Cập rằng: hãy để mặc chúng tôi phục dịch dân Ai Cập vì thà rằng phục dịch họ còn hơn phải chết nơi đồng vắng này” ( Xac 14, 11 -12 ).

          Lý do dân Itsraen kêu trách Mai Sen thà để họ cứ ở lại làm nô lệ cho dân Ai cập là vì họ vẫn chưa nhận ra được mục đích của Cuộc Vượt Qua ấy là gì ? Cũng chỉ vì không nhận ra như thế  nên họ mới tiếc nuối những gì được hưởng thụ khi còn mang thân nô lệ: “ Ôi ! thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Đức Giê hova  tại xứ Ai Cập  khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán chê” ( Xac 16, 3 ).

          Dân Itsraen sở dĩ cứ muốn làm thân nô lệ mãi cho dân  Ai Cập, để có bánh có thịt ăn như đã biết  đó là vì họ không biết đến mục đích  cứu cánh của Cuộc Vượt Qua chính là để được  hưởng cơ nghiệp đời đời có Chúa…Ở Cùng: “ Hỡi Đức Giê hova, Ngài đưa dân ấy vào và lập núi cơ nghiệp Ngài tức là chốn Ngài đã sắm sẵn để làm nơi ở của Ngài. Hỡi Chúa là Đền Thánh mà tay Ngài  đã lập. Đức Giê hova sẽ cai trị đời  đời kiếp kiếp” ( Xac 15, 17 -18 ).

          Chốn Ngài sắm sẵn để làm nơi…ở của Ngài. Chốn ấy chẳng phải nơi nào khác mà đây chính là Bản Tâm  mỗi người. Hiểu như vậy thì toàn bộ Cuộc Hành Trình Đức Tin  của Dân Chúa cũng không ngoài mục đích để thực hiện cuộc trở về với chính mình.

          Việc trở về ấy Dân Chúa trong thời Cựu Ước  đã không làm được thế nên mới cần  có Tân Ước: “ Chúa phán: Kìa ngày đến, Ta sẽ cùng dân Itsraen và nhà Giu Đa lập một Giao Ước mới không phải theo như Giao Ước mà Ta đã lập với tổ phụ họ trong ngày Ta cầm tay họ dắt ra khỏi Xứ Ai Cập vì họ đã không giữ Giao Ước ta nên Ta không kể đến họ, ấy là lời Chúa phán…

          …Chúa lại phán: Này là Giao Ước Ta sẽ lập với nhà Itsraen. Sau những ngày đó Ta sẽ lập Luật Pháp Ta trong tâm trí họ. Ghi tạc nó vào lòng họ. Ta sẽ làm ĐCT của họ và họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 8 -9 ).

          Sau những ngày đó tức là khi Đức Giê Su xuất sinh nơi đời, Ngài sẽ truyền dạy một đường lối phụng sự mới, hầu tôn thờ Đấng Thiên Chúa là Cha ở nơi mỗi người. Bên bờ giếng Gia Cóp, Chúa Giê Su nói với người đàn bà xứ Samari: “ Này bà kia ơi ! Hãy tin Ta, giờ đến các ngươi thờ lạy  Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Giê rusalem. Các ngươi thờ lạy  điều các ngươi không biết còn chúng ta thờ lạy  điều chúng ta biết vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái.  Nhưng giờ sắp đến và nay đã đến rồi, khi kẻ thờ lạy  thật hãy lấy tâm linh  và sự thật mà thờ lạy Cha vì Cha vẫn  tìm kiếm ngươi như vậy để thờ lạy Ngài. ĐCT là thần khí và những ai thờ phượng người, phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” ( Ga 4, 21 -24 ).

          Thờ phượng trong thần khí và sự thật có nghĩa phải xoay cái Tâm trở vào bên trong nơi nội tâm mình. Với đường lối phụng sự ấy  Chúa Giê Su cho thấy trong  Cuộc Hành Trình Đức Tin của Dân Chúa  đã có một bước ngoặt lớn lao: Cuộc Vượt Qua trước đây là để thoát ách nô lệ Ai Cập thì nay là để thoát ách nô lệ tội lỗi.

          Mai Sen lãnh đạo Cuộc Vượt Qua  tiến vào Đất Hứa Canaan. Còn nay Đức Ki Tô dẫn đưa chúng ta vào Nước Trời với điều kiện là phải ăn năn sám hối tội lỗi mình và có lòng tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng ( Mc 1, 15 ).

          Bởi Nước Trời là một mầu nhiệm nội tại  thế nên cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa  giờ đây chỉ có thể thực hiện bằng cách …Bỏ Mình theo Chúa: “ Ai muốn theo Ta thì  hãy bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại  được. Bởi chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 -25 ).

          Người đời ai cũng cho mạng sống mình là  thứ gì  đó  vô cùng đáng quý, đáng trọng cần ra sức bảo vệ. Nhưng Chúa lại nói: Ai muốn cứu mạng sống mình thì lại mất. Tại sao ?  Bởi vì  sao mà…cứu được mạng sống bởi vì nó chỉ là một thứ giả hợp, có đấy rồi liền mất đấy: “ Sự sống của anh em là chi ? Chẳng qua nó chỉ là một chút hơi nước, hiện ra một chốc lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ).

          Mạng sống như  bọt bèo sống nay chết mai  vì đủ thứ nguyên do, chỉ  ít con vi rút khi vào được cơ thể  cũng đủ để gây ra cái chết lan tràn hết người này đến người khác mà không có gì có thể cứu chữa. Rồi có những cái chết bất ngờ trên đường giao thông, hoặc trên giường ngủ v.v…và v.v…

          Con người cũng như muôn loài sinh linh khác bảo vệ mạng sống mình như một thứ bản năng mà không biết rằng ngoài bản năng sống ấy ra còn có sự sống khác là Sự Sống Đời Đời  mà Đức Ki Tô muốn mạc khải cho chúng ta. Trước khi hiến mình chịu chết, Chúa Giê Su  đã dâng lời khẩn nguyện: “ Cha ơi ! Giờ đã đến, xin tôn vinh Con hầu cho Con được tôn vinh Cha cũng như Cha  ban cho Con quyền bính trên mọi xác thịt hầu hễ ai Cha  đã ban cho Con  thì Con ban cho họ Sự Sống Đời Đời. Còn Sự Sống Đời là nhận biết Cha tức Chân Thần Duy Nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai  đến” ( Ga 17, 1 -3 ).

          Cũng như xưa kia trên con thuyền lênh đênh  giữa biển khơi sóng gió, Chúa Giê Su không có mặt. Giờ đây Giáo Hội cũng vậy, dường như  Ngài cũng… không có mặt ! Thánh Phê Rô ngày đó vì thiếu đức tin nên hòng muốn…chết chìm nhưng đã được Chúa ra tay cứu vớt  cùng với lời trấn an mạnh mẽ: “ Thầy đây ! Đừng sợ”./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts