Niềm tin Chúa phục sinh

          Tình cảnh Giáo Hội trong cơn đại dịch hiện nay cũng chẳng khác nào  các môn đệ xưa kia sau cái chết dữ dội của Chúa Giê Su, họ tan tác mỗi người mỗi nơi. Người thì rủ nhau trở lại nghề đánh cá. Người thì buồn bã về quê nhà Emmau. Các giáo xứ…cách ly với nhau, giáo phận cách ly với giáo phận, quốc gia cách ly với quốc gia. Thậm chí người cũng cách ly với người !

          Xa  mặt cách lòng, chẳng biết…lòng đạo của mỗi người lúc này ra sao khi không có Thánh  Lễ, không  có  các bài giảng, khuyên lơn của chủ chăn ? Thế nhưng trước tình cảnh tưởng chừng  không còn đức tin vào Thầy mình thì Chúa Ki Tô đã quy tụ, giải thích cặn kẽ cho họ những gì Kinh Thánh đã báo trước về Ngài: “ Đoạn Ngài phán cùng họ rằng: Ấy đó là lời Ta  đã nói cùng các ngươi khi Ta còn ở với các ngươi. Thể nào mọi điều chép  về Ta trong  sách Luật Mai Sen, các tiên tri  và Thánh Vịnh  cần phải được ứng nghiệm. Rồi Ngài mở tâm trí họ để hiểu Kinh Thánh, lại phán cùng họ rằng: Có lời chép rằng, Đấng Ki Tô phải chịu khổ hại, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại và phải nhân danh Ngài mà rao giảng sự ăn năn và ơn tha tội cho muôn dân. Các ngươi sẽ là những chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 24, 44 -48 ).

          Chúa chỉ có thể quy tụ các môn đệ  sau sự Phục Sinh của Ngài. Còn như giả thử  Chúa không  sống lại thì sao ? Hẳn nhiên là  sẽ không có Giáo Hội mà đã không có Giáo Hội thì làm gì có Thánh Lễ, có việc truyền giảng Tin Mừng ?

          Đang khi đó  Giáo Hội Chúa Ki Tô  đã được thành lập dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần: “ Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, tất cả các Tông Đồ nhóm lại một chỗ, thình lình có tiếng từ trời đến như gió lốc thổi ào ào, đầy cả nhà. Lại có lưỡi như lửa hiện đến, chia ra đậu trên đầu mỗi người trong họ. Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh, khởi sự nói các ngôn ngữ khác theo như Thánh Linh ban cho họ” ( Cv 2, 1 -4 ).

          Chúa thiết lập và trao cho Giáo Hội sứ mạng rao giảng Tin Mừng: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị định tội” ( Mc 16, 15 -16 ).

          Tin ở  đây tức là tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời nội tại” ( Lc 17, 20 -21 ). Chính bởi Nước Trời là một Thực  Tại …nội tại như thế mới cần phải tin, ngược lại thì  đức tin đâu còn nghĩa lý gì ?

          Đức Ki Tô rao giảng về Nước Trời …nội tại nhưng các môn đệ  vẫn không  sao có thể chấp nhận ngay cả khi Chúa đã sống lại và vì không chấp nhận nên Phê Rô thì muốn trở lại…nghề đánh cá. Còn hai môn đệ thì muốn về lại làng cũ Emmau  cho đến khi  được Chúa  dùng Kinh Thánh và cùng ngồi ăn thì họ mới nhận ra: “ Ngay lúc ấy họ đứng dậy quay trở  lại Giê rusalem, gặp  mười một Tông Đồ và các bạn hữu  đương  tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: Chúa sống lại thật rồi và đã hiện ra với Si Mon. Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc  đường  và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi  Người bẻ bánh” ( Lc  24, 33 -35 ).

          Khi Chúa Giê Su còn ở với  các Tông Đồ  thì các ông vẫn tin theo Chúa  đấy nhưng  đó chỉ là tin vào Chúa Giê Su như một Đấng Tiên Tri cao cả hoặc Đấng  Messia đến để cứu dân tộc mình thoát khỏi ách nô lệ La  Mã: “ Họ nhóm họp lại  trước lúc Chúa về  trời và hỏi Ngài: “ Có phải đây là lúc Ngài khôi phục lại nhà Itsraen hay không ?” ( Cv 1, 6 ).

           Các  Tông Đồ, kể cả Gioan vào lúc đương thời  đều lầm lạc về sứ mạng của Đức Ki Tô, Ngài không đến để  đem lại hạnh phúc ấm no hay  hòa bình trên trái đất nhưng là để  đem lại Sự Thật  bằng cách  hãy tin vào Tin Mừng của Ngài cùng với lòng ăn năn, sám hối tội lỗi mình ( Mc 1, 15 ).

          Chính do nơi lòng tin ấy nên mới có các chứng nhân của Chúa và Thánh Phao Lô tự nhận mình là Tông Đồ…sinh non đã xác tín về sự sống lại thế này: “  Vì nếu kẻ chết chẳng sống lại thì Đức Ki Tô cũng chẳng đã sống lại. Còn nếu Đức Ki Tô đã chẳng  được sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích. Anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” ( 1Cr 15, 16 -17 ).

          Nếu Đức Ki Tô không sống lại thì đức tin cũng hóa ra vô ích. Tại sao ? Bởi vì  chỉ  đến  khi  Đức Ki Tô sống lại thì mới có Giáo Hội cùng với  các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể đem lại sự sống đời đời: “ Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta  thì có sự sống đời đời. Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết” (( Ga 6, 54 ).

          Bí Tích Thánh Thể còn gọi là Bí Tích Tình Yêu. Bởi vậy khi lãnh nhận Bí Tích này thì cần  có đức tin. Không có đức tin mà lãnh nhận thì sẽ phạm sự Thánh: “ Vì người nào không phân biệt Thân Chúa mà ăn bánh uống chén tức là ăn, uống án phạt cho mình” ( 1Cr 13, 24 ).

          Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta đều tuyên xưng việc Chúa chịu chết và sống lại. Nhưng nay trong cơn đại dịch, Thánh Lễ không còn thì việc tuyên xưng ấy  sẽ như thế nào, chúng ta còn có lòng tin nơi Chúa Phục Sinh hay không ?

          Trong những ngày cách ly vì dịch bệnh thế này, phải chăng đó là …dịp để chúng ta suy gẫm về  cuộc sống khổ đau, vô thường  hầu để trở về với Đấng Thiên Chúa là Cha ở nơi mình ?  Nên nhớ các Tông Đồ  sau cái chết của Chúa  thì đã  tan tác mỗi  người mỗi nơi và chỉ đến khi Chúa sống lại thì  mới có thể trở về  để thành lập Hội Thánh  tồn tại  mãi cho  đến  tận  ngày nay.

          Hội Thánh  là Hội của những người có ơn kêu gọi để nên Thánh và vì thế  đó cũng chính là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô Phục Sinh. Xét về mặt hình thức, có thể HT không còn tồn tại. Nhưng Chúa Ki Tô Phục Sinh thì vẫn tồn tại mãi trong tâm hồn các tín hữu: “ Chính anh em hãy tự  thử nghiệm lấy mình. Về phần anh em há không biết rằng  Chúa Giê Su Ki Tô là Đấng vẫn ở trong anh  em sao ?” ( 2C 13, 5 ).

          Từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã có Chúa Ki Tô ở nơi mình. Tuy nhiên sự hiện hữu ấy  chỉ như một …hạt giống nhỏ bé vùi trong đất ( Tâm ) cần có điều kiện thích hợp mới có thể nảy mầm  sống dậy. Điều kiện  thiết yếu để hạt giống Ki Tô được lớn lên trong ta đó chính là nhờ ở nơi Đức Maria: “ Với Mẹ, trong Mẹ và bởi Mẹ, Ngài đã phát sinh cái kiệt tác là một  Đấng Thiên Chúa làm người và Ngài sẽ còn sinh ra mọi ngày cho đến tận thế. Các kẻ tiền định và là chi thể của Thân vị thủ lãnh đáng thờ lạy đó. Vì thế càng thấy Maria bạn yêu dấu  và thiết tha kết hợp  với một tâm hồn nào , Ngài  càng tác  động  và phát huy thần lực  để trổ sinh Chúa Giê Su Ki Tô trong tâm hồn ấy và linh hồn ấy trong Chúa Giê Su Ki Tô” ( Mv Bernado O.P – Mẹ Trong Đời Tôi ).

          Đức Maria là Đấng trổ sinh Chúa Giê Su trong tâm hồn các tín hữu. Có một phương thế  vô cùng hữu hiệu, Đức Maria truyền dạy  để Chúa Giê  Su được trổ sinh trong ta đó là Phép  Lần Hạt  Mân Côi: “  Đức Mẹ dạy cho Thánh Đa Minh phương pháp cầu nguyện tuyệt hảo  này và truyền ngài phải rao giảng cho  thật rộng rãi  để thức tỉnh lòng  đạo  đức của các giáo hữu và hồi phục Tình  Yêu Chúa  Giê Su trong lòng họ” ( ĐM Maria  Cao Tấn Tĩnh – Bí Mật Kinh Mân Côi ).

          Mỗi khi chúng ta kêu cầu Thánh Danh Maria thì liền đó Chúa Giê Su được sinh ra trong tâm hồn ta. Mầu nhiệm này vô cùng cao cả nhưng cũng rất dễ để thực hiện chỉ cần có lòng tin thì mọi sự đều có thể: “  Vậy bất cứ điều gì các ngươi xin trong khi cầu nguyện, hễ tin thì chắc chắn sẽ nhận được” ( Mt 21, 22 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts