LUẬT  ĐỘC  THÂN  LINH  MỤC  VỚI  CON  ĐƯỜNG  THỰC  HIỆN TÂM  LINH

            Vấn đề độc thân linh mục sẽ được xem xét tại Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10 sắp tới và nó có thể đưa tới…bước ngoặt nguy hiểm cho giáo hội Công giáo ? Trả lời câu hỏi của tờ The Catholic Leader: Liệu việc nới lỏng Luật Độc Thân Linh Mục có thể là việc không thể tránh khỏi hay không ? Đức TGM  Coleridge nói: Tôi sẽ không sử dụng từ không thể tránh khỏi. Không có nhiều điều không thể tránh khỏi trong giáo hội. Nhưng tôi nghĩ khả năng như vậy là cao” ( Nguồn Vietcatholic Media 17/8/2023 – J.B Đặng Minh An: Đêm nay, Tổng giám mục Công giáo Brisbane Coleridge đã kết liễu luật độc thân linh mục ).

          Nới lỏng…đó chỉ là cách nói cho bớt nặng nề chứ thực ra vấn đề bãi bỏ Luật Độc Thân Linh Mục  trong vài năm trở lại đây  đã được nêu lên một cách quyết liệt nhất là tại Tiến Trình Công Nghị Đức cùng với việc phong chức linh mục cho phụ nữ v.v…

          Có nhiều lý do khiến người ta đề nghị bãi bỏ Luật độc Thân Linh Mục chẳng hạn như nạn ấu dâm hết sức tai tiếng của hàng ngũ linh mục và có khi cả vài ba giám mục nhưng quan trọng nhất vẫn là tình trạng thiếu linh mục tại các nước Âu Châu, cụ thể là tại Thụy Sĩ: “ Sự sụt giảm chóng mặt về số lượng các giáo sĩ dẫn đến những lạm dụng mà Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới có lẽ sẽ không phê chuẩn để bù đắp cho việc thiếu linh mục ở Thụy Sĩ, người ta không ngần ngại kêu gọi giáo dân. Trong tờ La Nuova Bussole Quotidiana ngày 16/6/2023 Luisella Serosati lưu ý rằng ở bang Basel, giáo dân đã có thói quen thực hiện các chức năng linh mục: Họ thuyết giảng, họ chủ tọa  phụng vụ Lời Chúa thay thế hoàn toàn Thánh Lễ, họ cử hành hôn lễ v.v…

          Không những chỉ có thói quen thực hiện các chức năng linh mục nhưng tại nhiều giáo phận đó còn là một thể chế được các giám mục chuẩn nhận. “Các nhà thần học giáo dân được các giám mục chỉ định coi sóc các giáo xứ, điều này không phù hợp với giáo luật. Điều này  cho phép họ lựa chọn giảng tại các giáo xứ trong Thánh Lễ hoặc loại bỏ hoàn toàn Thánh lễ, thay thế bằng Phụng Vụ Lời Chúa” ( Nguồn Vietcatholic Media 18/8/2023. Thụy Sĩ ít linh mục hơn và nhiều giáo dân đứng đầu các giáo xứ ).

          Thay thế linh mục bằng giáo dân để coi sóc giáo xứ, hủy bỏ Thánh Lễ để thay vào đó là Phụng Vụ Lời Chúa. Phải chăng tình trạng nêu trên xảy ra chỉ vì…thiếu linh mục hay là vì giáo hội đang có khủng hoảng chức Linh Mục ? Đang có khủng hoảng chức linh mục đó là điều rất rõ bởi nếu không người ta đã không đòi hỏi  bãi bỏ Luật Độc Thân Linh Mục.

          Tuy nhiên vấn đề được đặt ra ở đây là  vì lý do gì lại đưa đến khủng  hoảng ? Câu trả lời đã được đức hồng y Robert Sarah, nguyên bộ trưởng Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho biết như sau: “ Các linh mục được đào tạo mà không được dạy  rằng Thiên Chúa là điểm nâng đỡ duy nhất cho đời sống của họ cũng không trải nghiệm được rằng  đời sống của họ chẳng còn gì khác hơn là quyền lực. Một vài người rơi vào thứ logic ma quỷ lạm dụng quyền bính và những tội ác tình dục. nếu một linh mục không kinh nghiệm hàng ngày rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Thiên Chúa. Nếu một linh mục không thường xuyên đặt mình trước Nhan Chúa để phụng sự Người với trọn tâm hồn  thì rồi linh mục sẽ bị nhiễm độc vì ham muốn  quyền lực. Nếu đời sống của một linh mục không phải là cuộc đời được Thánh Hiến  thì linh mục sẽ có nguy cơ lớn rơi vào ảo tưởng và những chia trí bên ngoài” ( Nguồn: HĐGM VN Gm Nguyễn Văn Khảm  04/5/2020 Tầm nhìn Giáo Hội Học và Mục Vụ về độc thân linh mục ).

          Những lý do mà hồng y Robert Sarah nêu ra đều đúng. Thế nhưng vấn đề ở chỗ  đó là Thiên Chúa được nêu lên ở đây là Thiên Chúa nào ? Đó phải chăng là Thiên Chúa của khái niệm triết học  và nếu là Thiên Chúa của khái niệm như thế thì làm sao mà nó có thể ảnh hưởng tới đời sống  các linh mục ?

          Quả thật từ bấy lâu nay, toàn thể các linh mục qua các lớp thần học cũng như  nghiên cứu sách vở chỉ được cho biết về một thứ Thiên Chúa của triết học Hy Lạp gọi là  Đấng Tạo Hóa cũng gọi là Căn Nguyên Sinh Thành Vũ Trụ Vạn Vật ???

          Thiên Chúa của triết học thì  hoàn toàn không phải là Đấng Cha do Đức Ki Tô mạc khải:“ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Đức Ki Tô khẳng định không ai…đến được với Cha mà không qua Thầy. Điều ấy có nghĩa  chỉ một mình Ngài mới…biết về Cha. Đang khi đó thần học lại không chấp nhận mạc khải này  để rồi đã cho Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa nhưng đó chỉ là cách giải Sách Sáng Thế theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ) mà thôi !

          Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha nhưng cũng biết để tiếp nhận  chân lý ấy là điều rất khó thế nên Ngài nói tiếp: “ Ví bằng các ngươi đã biết Ta thì cũng đã biết Cha Ta, từ nay các ngươi biết Ngài cũng đã thấy Ngài”  Nghe vậy tông đồ Philip tỏ ra vẫn chưa hiểu nên thưa với Chúa: “ Xin chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi. Chúa Giê Su phán: Philip ơi, Ta ở cùng các ngươi lâu dường ấy  mà ngươi há chưa biết Ta sao ? Ai đã thấy Ta  tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói xin chỉ Cha cho chúng tôi ? Ngươi há lại không biết rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao ?” ( Ga 14, 7 -10 )

          Chúa nói: Ai đã thấy Ta tức là thấy Cha và…thấy ở đây dĩ nhiên không phải là thấy bằng con mắt xác thịt nhưng là bằng Tình Yêu Vô Phân Biệt. Để có thể…thấy bằng Tình Yêu Vô Phân Biệt thì cần phải trải qua một quá trình sống đạo lâu dài và trong quá trình đó, Chúa Ki Tô Phục Sinh đã ban cho giáo hội  lời hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày  cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).

          Chúa Giê Su ở cùng với giáo hội như lời đã hứa và sự…ở cùng ấy chẳng ở đâu khác ngoài các linh mục cũng gọi là Ki Tô Khác ( Alterchristus ). Linh mục là một Ki Tô Khác, điều ấy có nghĩa thiên chức linh mục cũng như Hội Thánh  là ân ban của Thiên Chúa chứ không thuộc về loài người: “ Hội Thánh là quà tặng của Thiên Chúa, Hội Thánh thể hiện mình qua thừa tác vụ của các linh mục cũng là quà tặng của Thiên Chúa chứ không do con người tạo ra. Mỗi linh mục là hoa trái của một ơn gọi, tiếng gọi cá vị và thân tình của chính Thiên Chúa. Đức Benedicto XVI giải thích điều đó thật sâu sắc: Chúng ta không tự quyết định mình thành linh mục. Chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và Hội Thánh khẳng định tiếng gọi đó và sự độc thân đảm bảo cho tiếng gọi đó. Một người chỉ có thể từ bỏ việc xây dựng gia đình và đời sống lứa đôi nếu người đó chắc chắn rằng mình được Thiên Chúa kêu gọi sống sự từ bỏ ấy. Chức linh mục của chúng ta bám vào  tiếng gọi của Chúa và lời  cầu nguyện của Hội Thánh cho ơn gọi…

          …Như thế, đặt vấn đề về sự độc thân linh mục là muốn biến Hội Thánh thành một thể chế nhân loại, trong tầm tay và quyền lực của con người. Điều đó có nghĩa là khước từ mầu nhiệm Hội Thánh như quà tặng của Thiên Chúa” ( Nguồn: HĐGM VN – GM Nguyễn Văn Khảm – Tầm nhìn GH Học và Mục Vụ về độc thân linh mục ).

          Sao có thể nói Hội Thánh là mầu nhiệm và là quà tặng của Thiên Chúa ? Đó là vì Hội Thánh đã được thiết lập sau lời tuyên xưng  đức tin của thánh Phê Rô:“ Chúa Giê Su phán cùng người rằng: Simon con Giona, ngươi thật có phúc đó vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phê Rô,Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó”( Mt 16,17 -18 )

          Chính Chúa Giê Su Ki Tô đã thiết lập Hội Thánh, như vậy đó chẳng phải là mầu nhiệm và là quà tặng của Thiên Chúa  ban cho nhân loại  hay sao ? Mặt khác Hội Thánh Công giáo và chỉ HT Công giáo tông truyền mới là mầu nhiệm và là quà tặng của Thiên Chúa còn các giáo phái khác tuy mang danh Ki Tô giáo nhưng đều không phải. Sao có thể nói thế ? Bởi vì Hội Thánh Công giáo cũng chính là Dân Riêng Thiên Chúa được thiết lập  bởi lời hứa cho tổ phụ Apraham: “ Vả Đức Giehova có phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương và nhà cha ngươi mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho, Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ trở thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).

          Một vấn đề được đặt ra, tại sao để đi đến Xứ sẽ được chỉ cho, tổ phụ Apraham lại phải từ bỏ quê hương và nhà cha của mình ? Đó là vì…quê hương và nhà cha ấy  chỉ là…cõi tạm ở chốn thế gian hư phù này. Xứ sẽ được chỉ cho ấy thuộc về một cõi khác  đời đời bất diệt và con người chỉ có thể đến được cõi ấy qua con đường tâm linh siêu xuất thế gian.

          Về con đường thực hiện tâm linh ấy, thánh Phê Rô vì không hiểu nên đã cản ngăn Chúa Giê Su và đã bị Ngài nặng lời quở trách:“ Từ khi đó Chúa Giê Su khởi tỏ cho các tông đồ rằng Ngài cần phải đi lên Gierusalem, chịu khổ nhiều nỗi bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ cả cùng các luật sĩ và bị giết rồi đến ngày thứ ba sẽ được sống lại. Phê Rô đem Ngài ra  mà trách rằng: Chúa ơi, ĐCT nào có nỡ vậy, sự đó hẳn chẳng xảy đến  cho Chúa đâu. Nhưng Ngài quay lại mà phán cùng Phê Rô rằng: Ớ Sa Tan, hãy lui ra đằng sau Ta, ngươi làm cớ  vấp phạm cho Ta vì tâm ý ngươi  chẳng chăm về việc ĐCT song chăm về việc loài người” ( Mt 16, 21 -23 ).

          Chăm về việc ĐCT đó là con đường siêu xuất thế gian cũng tức là Con Đường Từ Bỏ. Còn chăm về việc loài người đó chính là Con Đường Tục Hóa. Hiện nay giáo hội đang bước vào Con Đường Tục Hóa hay còn gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ). Chính vì vậy nên chúng ta không lạ gì với đề nghị bãi bỏ Luật Độc Thân Linh Mục. Đang khi đó như đã biết Linh Mục là một Ki Tô Khác thế nên phải dám bỏ mình để theo Chúa: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì  sẽ cứu được” ( Lc 9, 23 -24 ).

          Trong ý nghĩa sâu xa, linh mục Bỏ Mình có nghĩa là Xin Vâng như Đức Maria để sinh  Chúa Giê Su nơi các tâm hồn: “ Khi Đức Maria nói lời “Xin Vâng” Mẹ đã chấp nhận trao cuộc đời, trao tất cả thể xác và con người mình để Chúa Giê Su ngự đến. Việc đó gây ra cho Mẹ nhiều nỗi khó khăn và Mẹ đã phải hy sinh tất cả. Mẹ đã phải chết đi  đối với những gì Mẹ có thể tự mình làm được, Mẹ đã để Thiên Chúa thực hiện Thánh Ý qua Chúa Giê Su. Đối với linh mục cũng thế, khi linh mục nói Xin Vâng trong chức linh mục  thì cũng phải để chết đi một phần của chính mình, cái phần muốn tự mình làm tất cả, muốn tái thiết những gì là sai trái, muốn xóa bỏ sự áp bức và những người đàn áp. Linh mục phải chết đi cho chính mình để Chúa Giê Su phải như Đức Mẹ Maria chấp nhận sinh hạ Chúa Giê Su. Chỉ linh mục mới có thể cho chúng ta có Chúa Giê Su trong Thánh Thể” ( Briege MCKenna O.S.C Quyền Năng Chúa Giê Su Thánh Thể ).

          Phải Xin Vâng như Đức Maria để Chúa Giê Su được sinh ra, thế nhưng làm sao linh mục có thể Xin Vâng như vậy nếu không sống trọn vẹn cuộc đời độc thân thánh hiến ? Không nói chi đến vấn đề siêu nhiên, một linh mục có vợ có con thì trước hết cần phải lo phần vật chất, tiện nghi cho gia đình…Bởi đó giữa bổn phận của một linh mục độc thân và người có gia đình đương nhiên  có sự khác biệt đáng kể.

          Triết gia nổi tiếng người Anh, Roger Bacon ( 1213 – 1293 ) đã nói một câu chí lý: “ Một đời độc thân tốt  cho những giáo sĩ vì  lòng bác ái không thể  nào tưới được xuống đất  khi nó phải đổ đầy một cái ao trước đã. Người nào có vợ con tức đã đưa con tin cho vận số vì gia đình là chướng ngại cho những công việc lớn dù công việc ấy  có tính chất thiện hay ác”

          Người có gia đình và chỉ biết lo cho gia đình thì không thể thích hợp và thành công  trong sự nghiệp lớn và sự nghiệp lớn ở đây dành cho các linh mục là những con người thánh hiến có nhiệm vụ sinh hạ Chúa Giê Su trong các tâm hồn !

          Đức Ki Tô đòi hỏi những ai theo Ngài  thì phải sống đời  từ bỏ bởi lẽ chính Ngài đã sống như thế: “ Đang khi đi đường, có kẻ thưa với Ngài rằng: Không cứ Ngài đi đâu, tôi sẽ theo đó. Chúa Giê Su đáp: Con cáo có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu” ( Lc 9, 57 -58 ).

          Câu trả lời của Chúa  Giê Su vừa có ý từ chối không muốn cho người ấy theo mình vừa có ý nói thế gian là cõi vô thường nay thay mai đổi không có gì là chắc chắn để cho ta lấy đó làm chỗ nương tựa ( Gối đầu ) dù đó là tiền bạc, danh vọng, chức quyền, ngay cả tình thương yêu gia đình con cái cũng vậy

 “ Ai yêu mến cha hoặc  mẹ hơn Ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai hoặc con gái hơn Ta không đáng cho Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không đáng cho Ta” ( Mt 10, 37 -38 ). Chúa nói không được yêu mến cha mẹ hay con cái hơn Ngài bởi vì đó không những  chỉ là những tình cảm vị kỷ  chóng qua của người thế gian  mà còn chướng ngại cho con đường tâm linh giải thoát.

Linh mục là những con người Thánh Hiến để bước đi trên con đường  Thập Giá Chúa Ki Tô  và vì thế không sao  tránh khỏi những thách đố trên con đường thực hiện tâm linh của mình:

1/- Thách đố về niềm tin

Niềm tin trong giáo hội ngày nay dường như đã biến mất, lý do là vì người ta không biết cần phải tin vào Đấng nào và tin như thế để làm gì ?Đang khi đó Đức Ki Tô đòi hỏi rất rõ đó là cần phải tin vào Tin Mừng Nước Trời của Ngài: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

Giữa lòng tin vào Tin Mừng và việc sám hối ăn năn có một mối liên hệ không thể tách rời. Có nhận biết tội lỗi mình thì mới thật lòng sám hối ăn năn. Càng sám hối tội mình bao nhiêu thì càng có lòng tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô bấy nhiêu. Lý do bởi vì Nước Trời là một Thực Tại Tâm do Tâm quyết định. Ngày nay Nước Trời đã bị Tục Hóa  vì thế  lòng tin vào Tin Mừng không  làm sao  có  thể có được ?

2/- Thách đố về niềm hy vọng

Không tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô thì cũng chẳng thể có niềm hy vọng. Tại sao ? Bởi vì niềm hy vọng ấy là hy vọng vào điều chưa thấy: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng vì có ai lại hy vọng vào điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng vào điều chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại và đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

3/- Thách đố về sự hiệp nhất

Mặc dầu luôn kêu gọi hội nhập, đại kết  nhưng chưa bao giờ giáo hội lại lâm vào tình trạng chia rẽ, phân hóa như bây giờ: Hồng y chống hồng y, giám mục chống giám mục, các dòng tu phân rã nhau v.v…Nguyên do của sự chia rẽ ấy  chính là vì người ta  đã không nhận ra lời kêu gọi  hiệp nhất của Đức Ki Tô  chỉ đến khi con người trở về với Bản Tâm mình: “ Con chẳng những vì họ mà cầu xin  thôi nhưng cũng vì kẻ nhơn lời họ mà xin Con nữa để họ thảy đều hiệp nhất với nhau như  Cha ở trong Con và Con ở trong Cha lại để họ cũng ở trong chúng ta  hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21 ).

4/-  Thách đố về tình yêu

Tình trạng chia rẽ trong cả xã hội lẫn giáo hội như ngày nay đang thấy có nguồn gốc sâu xa là vì con người không còn tin vào sự hiện hữu của Đấng Thiên Chúa là Tình  Yêu và Thiên Chúa Tình Yêu ấy chẳng ở đâu xa ngoài mình nhưng chính là Bản Thể thâm sâu ở nơi chính mình. Chỉ khi nào tin vào Thiên Chúa Tình Yêu thì con người mới ó thể thực lòng yêu thương nhau, trái lại thì không: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai chẳng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4, 7 -8 ).

Thách đố không đến từ Thiên Chúa nhưng từ Sa Tan. Chính vì nguyên tổ không  vượt qua được thách đố…ăn  trái cấm phân biệt thiện ác mà đã bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng để rồi bị trôi lăn mãi  trong vòng sinh tử, tử sinh. Có thể nói với đề nghị bãi bỏ Luật Độc Thân Linh Mục, Sa Tan đã đưa ra một thách đố đáng sợ để con người lại bị cầm giữ trong vòng trói buộc của tên lừa dối đáng sợ ấy  một lần nữa ???

Nguyên tổ sau khi phạm tội đã bị đuổi  khỏi Vườn Địa Đàng và sẽ không thể hy vọng có ngày trở về nếu không nhờ Lời Xin Vâng của Đức Maria. Cũng chính vì Đức Mẹ đã trọn đời Xin Vâng như thế mà lời cầu xin của Ngài luôn được nhậm lời: Đức Mẹ và Chúa Giê Su cùng một số  tông đồ đã được mời dự đám cưới tại Ca Na. Khi nhà đám hết rượu, Đức Mẹ xin với Chúa Giê Su nhưng Ngài nói: Giờ Con chưa đến tuy nhiên Mẹ vẫn một lòng tin tưởng và nói với đám gia nhân: “ Người bảo gì  thì hãy cứ làm theo” ( Ga 2, 1 -5 ).

Xưa kia Chúa Giê Su chưa muốn vì giờ của Ngài chưa đến nhưng nhờ lời khẩn xin của Đức Mẹ mà Chúa đã làm phép lạ cho nước biến thành rượu ngon. Ngày nay tình trạng của giáo hội còn nguy nan hơn  bội phần, chúng ta hãy  thực hiện lời Đức Mẹ khi nói với đám gia nhân “ Người bảo gì thì hãy làm theo”. Điều Chúa dạy chúng ta tất cả cũng không ngoài  việc  phải đặt lòng tin nơi Ngài bởi vì tin Chúa Giê Su  tức là tin  sự hiện hữu của Thiên Chúa Đấng Hằng Sống: “ Ai tin Ta chẳng phải chỉ tin vào Ta  nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian, hầu hễ ai tin Ta thì chẳng ở trong tối tăm” ( Ga 12, 44 -45 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts